Hôm nay,  

Một Trường Hợp Kleptomanie Làm Xôn Xao Dư Luận Huế

02/06/200500:00:00(Xem: 5484)

Trong Encyclopédie médicale của Pháp mô tả kleptomanie là một căn bệnh, có người lại cho rằng đó là tật ăn cắp vặt
Ăn cắp vặt là trạng thái mất khả năng chống lại trước những đòi hỏi cực kỳ thúc bách, được lập đi lập lại nhiều lần khiến họ phải ăn cắp dù biết đó là một hành vi bất hợp pháp, vật ăn cắp thật ra không phải là nhu cầu cấp thiết đối với họ.
Mỗi khi thực hiện xong bệnh nhân sẽ có cảm giác được thỏa mãn.
Vật ăn cắp thường là những vật thông thường vặt vãnh, không có giá trị kinh tế hoạc quí giá gì; đôi khi bệnh nhân cũng không để ý, thậm chí cũng không mở ra xem đó là cái gì
Bệnh nhân thường đem cho vật ăn cắp, có khi để dành làm sưu tập hoặc là vứt vào thùng rác.
Một vài tường thuật về tật ăn cắp vặt trên mạng được mô tả như sau :
1/ Tôi rất thương chị tôi. Tôi thương chị vì chị là người yếu đuối, vì chị là chị của tôi. Nhưng tôi không ưa cái tính ăn cắp vặt của chị. Chị thích tích trữ viết máy. Mấy đứa bạn của tôi, đứa nào đến nhà tôi học chung thì mười lần như chục đều bị mất viết. Chị không xài mà đem cất trong bao gối. Tôi hù, tôi dọa mới lấy lại được để đem trả cho bạn.
2/ Tôi có một đứa bạn chẳng thân cũng chẳng là gì hết, nhưng dù sao thì bạn vẫn là bạn. Tuy hiện nay không phải là bạn cùng lớp, nhưng năm tới thì rất có thể, hai đứa cùng thi một lớp mà, còn bạn này có tính cách rất đặc biệt, tính nói dối.. và ăn cắp vặt... Nghe mấy đứa bạn nói thì nhà bạn này chẳng nghèo, thậm chí còn giàu hơn khối đứa, mấy chuyện này thật ra từ hồi đầu năm lớp 8, tôi cũng đã nghe bọn bạn bàn ra bàn vào nhưng tôi cũng chẳng quan tâm lắm, bởi đằng nào thì mình cũng không hay tiếp xúc với nó. Nhưng lên lớp 9 thì khác, suốt ngày cùng học thêm, lần đầu tiên một đứa mất 50 ngàn mà nhóm thì chỉ có 3 đứa (mình, con bạn mình và đứa kia). Mình thì chính mình biết, mình đời nào ăn cắp, còn con bạn mình chẳng lẽ nó tự ăn cắp tiền của nó ! Ah... thôi, coi như tiền nó tự rơi chứ biết làm sao. Lần 2 đến lượt mình, lại mất 50 ngàn và lần này thì chỉ có 2 đứa, cùng đi mua sách. Thôi, coi như tiền tự bay ra khỏi túi quần ! Lần 3, mình mất đồng hồ... mấy thứ đó, nói thật chẳng đáng thì cũng không phải. Mới lớp 9 đã đi làm gì đâu, 50 ngàn đâu phải là số tiền nhỏ, nhưng chắc chắn con bạn đó cũng đâu có thiếu tiền tiêu vặt, không khéo nó còn nhiều hơn mình... Nhưng bây giờ dù không muốn nghi ngờ cũng chẳng nổi... Đã biết trước, mình không nên quá thân với người như vậy, nhưng... bạn bè mà !
3/ Người viết cũng có 2 người bạn , một đứa thì có một cái tật là hễ đến nhà nào thì bằng cách gì nó cũng thuỗng một cuốn sách hay tờ báo dấu đem về. Đôi khi nó vớ phải một cuốn sách trong bộ sưu tập thì cũng điên đầu với nó. Còn ông bạn kia cứ mỗi lần đi ăn đám cưới ờ nhà hàng thì thế nào cũng tìm cách lấy cho được một cái muỗng hay cái bình đựng tăm xỉa răng… mang về mới chịu nỗi. Hầu như có một số người không thể kiềm chế được cái tính ăn cắp vặt dù họ là những người rất giàu có : minh tinh màn bạc, danh thủ bóng đá… và họ chỉ bị kích thích để lấy cắp nhất là ở những nơi công cọng như trong siêu thị, cửa hàng, chợ búa… thường các món được lấy không có giá trị bao nhiêu (vào khoảng thập niên 60 thế kỷ trước có một phim nói về đề tài này do một cô đào nỗi Sandradee đóng vai chính).
Trường hợp kleptomanie xảy ra ở Huế được báo Tuổi Trẻ , Người Lao Động ngày 25, 26 tháng 5 năm 2005… mô tả tóm tắt như sau :
Theo nguồn tin riêng của Báo NLĐ, trong một chuyến du lịch do Vietravel tổ chức vào cuối tháng 3-2005, trên đường từ Ấn Độ về nước, trong lúc quá cảnh ở sân bay Bangkok (Thái Lan) khi tham quan các cửa hàng ở sân bay, bà P đã lấy cắp một cái kiếng bỏ vào túi xách, bị nhân viên bảo vệ bắt quả tang. Bà P đã bị giữ tại Thái Lan từ đó cho đến đầu tháng 5 vừa rồi mới được cho về nước.
Bà P đã trả lời báo chí rằng khi bà thanh toán món hàng quên trả tiền, các thành viên trong đoàn đã gây gổ, xô xát khiến nhân viên an ninh sân bay giữ bà lại cùng với một thành viên trong đoàn để giao cho cảnh sát Bangkok xử lý.
Sự thật của việc thanh toán món hàng quên trả tiền như sau : Tại sân bay Don Muang, Bangkok (Thái Lan) sáng 1-3. Trong thời gian này, bà P đã đi dạo quanh các cửa hàng miễn thuế ở sân bay và “cầm nhầm” mắt kính bỏ vào túi xách. Tất cả những hành động của bà đã được hệ thống camera tại đây ghi lại.

Khi kiểm tra túi xách của bà P đã không tìm thấy mắt kính, nhân viên an ninh đã mở cho cả bà P và người đi cùng xem lại đoạn băng ghi hình của sân bay có hình ảnh bà P, sau khi đảo mắt quan sát xung quanh, liền thò tay lấy mắt kính bỏ vào giỏ kẹp ở nách.Trước bằng chứng hiển nhiên không thể chối cãi này, bà P bèn đi đến một nơi gần đó để lấy lại mắt kính mà trước đó trên đường vào phòng khám xét bà đã bỏ vào đấy. Người đi cùng đã khuyên bà ta nên mua lại chiếc mắt kính này để khỏi thêm rắc rối, bà đồng ý với lời khuyên trên. Nhưng lúc này những nhân viên an ninh không chịu để bà mua lại mắt kính. Ngay cả khi bà P yêu cầu được mua mắt kính đó với giá gấp mười lần giá niêm yết, nhưng họ vẫn cương quyết lập biên bản và giao cho cảnh sát Thái Lan tạm giữ. Thái Lan yêu cầu nếu nộp phạt 12.000 USD thì…
Trong bộ môn tâm thần thì các chuyên gia cho hành động ăn cắp vặt là một dạng bệnh lý do ám ảnh từ tuổi thơ, rất khó giải thích các nguyên nhân khiến họ không thể kiềm chế những thúc bách vô hình đó; còn người khác thì cho đó là một cái tật ăn cắp vặt chứ chưa hẳn phải là bệnh.
Những tài liệu, bệnh án y khoa cho biết các bệnh nhân này thường giữ kín tật ăn cắp vặt trong lòng. Họ không bao giờ thổ lộ cho người khác biết điều bí ẩn thúc bách đó, họ nghi ngờ những người chung quanh kể cả thầy thuốc và những ngừơi rất thân.
1/4 những người ăn cắp vặt là đàn ông, còn lại là... phụ nữ, tuổi trung bình từ 35 đến 40, đa số có chồng, có kiến thức và có một đời sống kinh tế trên mức trung bình (họ dư sức trả tiền những món đồ ăn cắp mà không có vần đề gì).
1 đến 2% dân Pháp có tật hay ăn cắp vặt.
60% trường hợp bệnh ăn cắp vặt các thầy thuốc không tìm ra nguyên nhân bệnh lý tâm thần, còn lại là những bệnh nhân có biểu hiện một tình trạng căn thẳng, trầm uất, lo âu... Một số có lệch lạc tình dục đi kèm như tình trạng ăn cắp áo quần, đồ lót của phụ nữ của nhửng bệnh nhân transvestite (báo SK&ĐS số...) ngoài ra người
nghiện rượu, ma túy cũng là những người hay ăn cắp vặt.
Kleptomanie cũng còn có liên quan đến Trichotillomanie, ¼ trong số họ có liên quan đến vai trò ăn uống.
Những bệnh nhân này là mục tiêu của các máy ghi hình và nhân viên bảo vệ các cửa hàng. Tình trạng đáng thương của họ có thể bị biêu xấu, lăng nhục quá đáng bởi những kẻ thiếu hiểu biết về vấn đề này. Nhiều trường hợp, vì bị dư luận hay báo chí phê phán thậm tệ và chính những điều này đã trở thành nguyên nhân thúc đẩy họ tìm đến cái chết vì quá xấu hổ.
Phân tích kỹ hành động ăn cắp vặt của bà P là một trường hợp điển hình kinh điển mà các sách y khoa đã mô tả : về tiền sử cá nhân (một phụ nữ trung niên có gia đình, có học thức, địa vị xã hội, đời sống kinh tế cao); động tác lấy đồ được tính toán kỹ, khi bị phát hiện thì cố tình chối cãi, ma mãnh, khi được xác định bằng đoạn phim ghi hình thì buông xuôi, chạy tội với tinh thần bạc nhược nhưng vẫn không thú nhận mình mắc bệnh ăn cắp vặt.
Hậu quả tất yếu là từ một trường hợp bệnh lý trở nên tội phạm hình sự bị buộc tội trộm cắp, bị đối xử lăng nhục trên phương tiện truyền thông và trong cộng đồng.
Không trách các nhân viên bảo vệ cửa hàng vì đó là nhiệm vụ của họ, nhưng “thương” cho khả năng ứng xử với một người nước ngoài của cửa hàng trưởng của sân bay Don Muang, Bangkok là quá kém, thô bạo và không mấy văn minh đối với một chuyện không có gì để làm ầm ỉ.
Đáng trách là các vị quan tòa Thái Lan khi xét xử đã cho thấy họ không có một chút kiến thức sơ đẳng nào về tội trộm cắp và bệnh ăn cắp vặt.
Ngậm ngùi thay là khi trở về với cộng đồng, bà P cũng bị nhìn bằng những đôi mắt không khác gì với các vị quan tòa nước láng giềng.
Người có trái tim nhân hậu sẽ hiểu rằng việc lăng nhục, bêu xấu một phụ nữ vì tội danh ăn cắp sẽ ảnh hưởng tai hại rất lớn không chỉ đối với đương sự mà còn làm tổn thương danh dự đối với cha mẹ, bằng hữu… nhất là đối với các con, bởi không ít các em đã phải tự tử vì dư luận bêu xấu cha mẹ chúng.
Nếu hiểu rằng ăn cắp vặt là một trường hợp bệnh lý thì trong các cuốn Textbook đã có chỉ cách điều trị : “Le traitement repose sur les techniques de relaxation, de déconditionnement. L'emploi de médicaments anti-dépresseurs peut avoir son utilité”…
Riêng người ăn cắp vặt sau nhiều lần bị bắt gặp, bị nhắc nhở và được tha thứ, được nâng đỡ tình thần thì dần dần họ có thể vượt căn bệnh này.
Người đàn bà đáng thương này, lẽ ra không phải đứng trước vành móng ngựa vì tội ăn cắp mà vì tội… nói dối mới đúng !
BS HỒ ĐẮC DUY

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.