Hôm nay,  

Ngày Cuộc Đời Nở Hoa

11/05/200500:00:00(Xem: 5120)
(Do Diệu Mỹ trích từ băng giảng của Tỳ Kheo Thích Minh Hiếu.)
(Lễ Phật Đản tại Đạo Tràng Trúc Lâm.)
Trong suốt thời gian 49 năm hành đạo khi còn tại thế, đức Phật đã để lại một kho tàng giáo lý chứa đầy một trí tuệ siêu việt mà mãi cho đến hơn 2500 năm trôi qua hàng triệu người trên thế giới vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được lắng nghe, thực tập và thụ hưởng những hỷ lạc từ nguồn trí tuệ phát sinh ra. Đức Phật đản sinh không những làm lợi lạc cho chư thiên, cho con người mà cho tất cả muôn loài.
Đức Phật có một cái nhìn đặc biệt đối với những giai cấp thấp kém và những thành phần yếu đuối như phụ nữ chẳng hạn trong xã hội vào thời đại cách đây hơn 2500 năm. Phật được sinh ra với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, nhưng tất cả những tướng mạo tốt đẹp là báo thân của một công phu tu tập trong nhiều đời, nhiều kiếp để tạo thành một tâm hồn và nhân cách toàn bích. Vì thông hiểu cái liên hệ giữa vẻ đẹp và con đường tu tập cho nên đức Phật hổ trợ cho những phái đẹp tu hành thế nào và đưa ra những điều kiện làm cho người nữ có thể tồn tại và đứng ngang hàng với Tăng đoàn. Lịch sử Phật giáo có ghi lại nhiều mẫu chuyện huyền thoại, nhưng thay vì nhuộm vẻ mê tín lại đầy ý nghĩa nói lên công phu tu tập của Phật mà không thể dùng ngôn ngữ bình thường hoặc mẫu chuyện bình thường để minh họa hết vẻ đẹp cao thượng, nhân ái của Phật. Những mẫu chuyện đó cho thấy rằng mãi mãi đức Phật vẫn là hiện thân của một sự vi diệu, trác tuyệt tức là đẹp từ tướng hảo trang nghiêm cho đến nhân cách siêu phàm trần thế.
Bài tán Phật trong thiền môn thường đọc như sau:
“Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
Phật diện do như mãn nguyệt huy”
Thân của Phật thanh tịnh như là lưu ly và mặt Phật như là trăng tròn sáng. Đây nói lên báo thân hoặc công đức thân được thành tựu do công phu tu tập nhiều đời và hy sinh vì chúng sanh.
“Phật tại thế gian thường cứu khổ,
Phật tâm vô xứ bất từ bi”
có nghĩa là bất cứ chúng sanh nào đau khổ là Phật hiện để làm vơi đi khổ đau và không chỗ nào nhỏ như vi trần mà không có từ bi tâm của Phật.
Giới rất là quan trọng trong đạo Phật bởi vì giới bảo vệ vai trò của người nam và nữ để có thể tiếp nhận và ổn định cuộc sống để trở thành bậc hiền nhân trong tương lai. Phật nói là khi người nữ trưởng thành thì có 5 nỗi buồn riêng tư: về nhà chồng không có bà con quyến thuộc, bệnh của mỗi tháng, thời gian mang thai làm cho mệt mỏi, nhan sắc xấu xí, mất sức khỏe và đau đớn khi sinh con, và bổn phận phục vụ chồng con suốt cuộc đời. Nếu như người phụ nữ tạo một công đức lực thù thắng thì vẫn có hạnh phúc tại gia hoặc xuất gia.
Nữ giới tại gia:
· Nói về cuộc sống, sắc đẹp, tài sản, gia đình, hạnh phúc thì người phụ nữ có 5 điều mơ ước:
1. Được sinh trong gia đình phú quý
2. Lập gia thất với gia đình phú quý
3. Không có người nữ khác phá hoại hạnh phúc của mình
4. Sinh được những người con và nhất là con trai
5. Chinh phục được người chồng của mình
Ngày Đản Sinh còn nhắc đến một điều quan trọng trong lịch sử là thời của đức Phật phụ nữ coi như là thấp kém nhất trong xã hội và Phật đã dẹp bỏ ý tưởng trọng nam, khinh nữ. Ngài nói rằng Phật tử nữ đóng một vai trò lớn trong sự truyền kỳ và làm cho chánh pháp tồn vong. Ngày Đản Sinh của Phật cũng nhắc nhở đến sự chuyển biến người phụ nữ từ yếu đuối trở thành người mạnh mẽ và bình đẳng trong vai trò chúng bộ. Cho nên từ khi Phật đản sinh cho đến ngày nay, đạo từ bi, giác ngộ, và sức mạnh của trí tuệ đã được nâng lên cho tất cả mọi loài kể cả nam lẫn nữ bình đẳng như nhau trên con đường giác ngộ và giải thoát.
Nữ giới xuất gia:
Thường người ta nói là người nữ do vì nghiệp nặng nên phải giữ nhiều giới hơn người nam (Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới). Đây là một sự hiểu lầm bởi vì Phật chế thêm giới cho Tỳ Kheo Ni là để hổ trợ và bảo vệ phụ nữ xuất gia được an toàn hơn trong cuộc sống của họ. Giới là vũ khí cho nên với nhiều giới để giữ thì Tỳ Kheo Ni được trang bị đầy đủ và mạnh mẽ ngang hàng với Tỳ Kheo.
Giáo lý của Phật là giáo lý của bình đẳng, của thương yêu, và của trí tuệ. Với giáo lý này, điều cần thiết là người phụ nữ có thể mở được cái tâm lượng rộng rãi, lòng bao dung hay không để tương ưng với cái tâm từ của đức Phật. Có rất nhiều biện luận, tư duy về vai trò của phụ nữ trong xã hội và tôn giáo, nhưng từ ngày đức Phật ra đời và từ ngày Phật chứng ngộ chúng ta thấy rõ sự bình đẳng trong các giới. Chúng ta hãy noi gương chư Phật, chư Thầy Tổ đã nhọc công hy hiến cuộc đời của họ, không hề phân biệt nam, nữ, sang, hèn, và ghi nhớ tinh thần trí tuệ, lòng bao dung nở hoa thương yêu của các ngài để ngày Phật Đản mãi mãi bất diệt trong lòng chúng ta.
*
(Lễ Phật Đản tại Chùa Huyền Quang, Bankstown, Sydney, Úc)
Bất cứ ngày nào mà người Phật tử còn tưởng nhớ đến đức Phật, còn hiểu về đức Phật và sống như những gì Phật dạy thì đó là ngày cuộc đời nở hoa chào mừng đức Phật ra đời. Cái từ “đản sinh” là ngày sinh đem lại niềm vui cho cuộc đời. Cái từ “giáng sinh” là nói về một đấng cứu thế từ một cảnh giới cao gọi là cung trời Đâu Xuất thị hiện trong cõi đời này sống khổ nhọc, mỏi mệt để làm cho cuộc đời trở nên những đóa hoa tươi mát tức là đóa hoa giác ngộ và tình thương.
Khi Phật chưa ra đời, cuộc sống tại Ấn Độ có rất nhiều thống khổ về cả vật chất lẫn tinh thần. Người dân Ấn Độ thời đó rất đông, sống trong cực khổ và sự phân chia giai cấp rất là trầm trọng. Giai cấp như là Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Xá, Thủ Đà La, và cho đến ngày nay xã hội Ấn Độ vẫn còn những phân biệt đó. Đức Phật đã ra đời và đánh lên tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại trong vai trò bình đẳng. Do đó, ngày Đản Sinh của đức Phật thật sự là ngày nở hoa.
1. Từ địa vị con vua, có vợ đẹp, con xinh, ngài đã bỏ hết tất cả để vào rừng tu 6 năm khổ hạnh và 5 năm tìm đạo. Cuối cùng ngài đã đắc được ngôi vị chánh đẳng, chánh giác và trở lại cuộc sống bình thường dưới dạng một tu sĩ mặc áo vải với nhiều mảnh vá, ôm bát, đi chân không, hoằng hóa suốt khu vực sông Hằng trong 49 năm. Thời gian của 49 năm, ngài đã khai mở với thương yêu, bình đẳng, và do đó tất cả mọi nơi đều được nở hoa. Phật đã nói với ông Ni Đề (người gánh phân của giai cấp Thủ Đà La trong thời xưa của xứ Ấn Độ bị coi như là thấp hèn nhất) rằng: “Không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn và trong giòng máu cùng đỏ. Giáo lý của ta từ nam, nữ, già, trẻ, nghèo, giàu, sang, hèn, nếu ai có quyết chí, nếu ai muốn tìm con đường giác ngộ để thoát cảnh khổ đau thì người đó đều được xuất gia.” Ngài đã cho phép ông Ni Đề xuất gia và đó là cánh hoa thứ nhất mà vẫn còn ngát hương cho đến nay.

2. Ngài nhận mảnh vườn xoài do một người kỷ nữ tặng, kiến tạo vườn đó thành tịnh xá và còn cho vị kỷ nữ này xuất gia. Đây là đóa hoa thứ hai đã nở.
3. Ngài còn độ cho một người sát nhân nổi tiếng hung dữ và nói rằng: “Nếu người nào biết buông bỏ những quá khứ của mình, quyết tâm từ bỏ con đường ác nghiệp thì người đó có thể tu hành để đạt quả vị như nhau.” Đây là đóa hoa thứ ba.
Cho nên, chúng ta thấy rằng dù chúng ta ở trong giai cấp nào, ở trong một vị trí nào, ở trong một hoàn cảnh nào tận cùng ở dưới đáy vực chúng ta vẫn có thể vươn lên để học đạo, để giác ngộ và cuối cùng thành tựu. Chẳng hạn như ngài Ưu Ba Ly, một trong thập đại đệ tử của Phật, trước khi xuất gia là ở trong giai cấp rất thấp trong xã hội mà sau khi xuất gia, ngài là đệ nhất về giới luật. Như vậy, những ai quyết đi tìm chân lý đều được giáo hóa bởi giáo lý của đức Phật và đó là những đóa hoa mà đức Phật đã mang lại cho cuộc đời.
Đức Phật đã khuyên dạy mọi người rằng: “Từ trẻ, già, trai, gái, mọi người ai cũng nên nổ lực tu tập để giải thoát giác ngộ bởi vì trần gian chỉ là quán trọ và kiếp con người giống như khách lữ hành dừng chân tạm rồi một lúc nào đó phải ra đi.”
Thi sĩ Trụ Vũ làm câu thơ như sau:
“Đêm nào đêm chẳng sáng trăng
Ngày nào ngày chẳng là rằm tháng Tư”
Ngày nào mà chúng ta phá vỡ vô minh, phiền não, quyết chí tu hành thì chúng ta sẽ đạt quả vị giống như đức Phật. Đức Phật đã tuyên bố rằng: “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”
Ngày rằm tháng Tư là ngày ra đời của một người đã làm nở hoa thương yêu, hoa bình đẳng, hoa giác ngộ cho cuộc sống. Lịch sử có kể rằng khi hoàng hậu Ma Da đưa tay hái hoa Vô Ưu (hoa này 1000 năm mới nở một lần) thì Phật từ trong nách bà nhảy ra và đi 7 bước với mỗi bước đi là 1 hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, ngài nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử ư kim tận hỷ.” Nhiều người thắc mắc là có ai mà sinh ra từ nách chăng hoặc có ai mới sinh ra mà lại đi được chăng, v..v… Chúng ta hãy đừng tìm kiếm sâu sa những huyền thoại trong lịch sử mà hãy nên nhớ đến những gì đức Phật đem lại cho cuộc đời, đó là ánh sáng của từ bi, ánh sáng của giác ngộ, ánh sáng khai mở tâm linh và làm thay đổi, nở hoa cho toàn thể nhân loại. Đức Phật ra đời vì hạnh phúc cho chư thiên, cho loài người và tất cả chúng sanh. Điều này là đã quá đầy đủ ý nghĩa, cho nên những huyền thoại được nêu lên cho một đấng giáo chủ thì không có gì đáng phải thắc mắc cả. Sự trùng hợp mà chúng ta nhận thấy từ lịch sử là Phật sanh ra dưới gốc cây tại vườn Lâm Tỳ Ni, thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề và chết dưới gốc cây Sa La Song Thọ. Điểm này cho thấy rằng dù là đức Phật được sanh ra trong một cảnh vương giả, ngài lại là một người giản dị bởi vì ngài sống giản dị và chết cũng giản dị. Do đó, chúng ta là những người con của Phật thì chúng ta cũng nên giản dị giống như ngài vậy và đừng tìm cầu những gì cao sang, mỹ vị.
Chúng ta kỷ niệm ngày Phật ra đời là chúng ta tự soi xét, tự nhắc nhở rằng làm đệ tử Phật, xưng danh là Phật tử thì chúng ta đã suy nghĩ gì, làm được gì nhân ngày đản sanh, và đây là yếu tố quan trọng nhất. Đức Phật nói rằng: “Những đệ tử của ta sau này chỉ có một con đường thừa tự duy nhất đó là thừa tự chánh pháp. Ta ra đời với một mục đích duy nhất đó là tuyên bố đây là khổ, đây là nguyên nhân của sự khổ, đây là con đường diệt khổ và đây là diệt khổ. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi những người rất thân yêu của ta.” Gia sản Phật để lại là trí tuệ, thương yêu và hiểu biết.
Cổ nhân có câu: “Thú chết thì để da, người chết thì để tiếng.” Ngày Đản Sinh của Phật cách đây hơn 2500 năm mà mỗi lần tưởng niệm ngày Đản Sinh thì Phật tử vẫn bâng khuâng, xúc động tưởng nhớ đến công lao của Phật đã phá tan những giai cấp, những thành kiến, những bất công trong cuộc đời để mang lại niềm thương yêu, hạnh phúc cho tất cả mọi người và làm cho tất cả lộ trình trong Ấn Độ được nở hoa. Cho đến ngày nay, chúng ta có mặt tại mọi nơi trên thế giới đem theo ánh sáng, hương hoa của đức Phật và đem theo cành hoa giác ngộ của ngày Đản Sinh để làm cho mọi người hiểu về cuộc sống, nhân cách của đức Phật.
Chúng ta hân hoan mừng ngày đức Phật đản sinh cũng đồng nghĩa rằng chúng ta tự suy nghiệm về cuộc đời của mình để nhận thấy là chúng ta đang sống giống như Phật chưa. Nếu như chúng ta xưng danh là đệ tử của Phật, dù xuất gia hay tại gia, thì ít ra chúng ta cũng phải làm theo những gì Phật đã làm. Phật đã từ bỏ cuộc sống vương giả, đi vào lòng người để tìm hiểu, thương yêu và mở con đường giác ngộ cho chúng sanh. Trong khi chúng ta còn tham chấp, phiền não, khổ đau, và như vậy thì chúng ta hiểu rằng những gì chúng ta học Phật đã chưa thấm, chưa hóa giải được những khổ đau trong lòng. Khi nào chúng ta đón ngày Phật Đản mà chúng ta cảm thấy sự bình đẳng, thương yêu, không phân biệt giàu nghèo, hơn thua, không thấy sự cách biệt giữa giai cấp, nam nữ, tuổi tác thì chúng ta đã đón mừng ngày Phật Đản một cách xứng đáng và đúng nghĩa.
Chúng ta tổ chức Lễ Phật Đản với một tâm nguyện rằng chúng ta là người con Phật, thừa tự những gì đức Phật để lại để làm rạng ngời cho Phật giáo tại mọi nơi, mọi chốn trên thế giới. Chúng ta phải làm thế nào cho Lễ Phật Đản trở thành một ấn tượng đầy màu sắc, đầy hương hoa giác ngộ giống như ngày sinh của đức Phật. Cho nên, mỗi người chúng ta hãy trồng một cành hoa giác ngộ để cho những dân tộc trên thế giới, và những thế hệ trong tương lai biết rằng con người của đức Phật đản sinh hơn 2500 năm vẫn tiếp tục nở hoa và vẫn làm ngát hương cuộc đời. Như vậy, ngày rằm tháng Tư còn gọi là ngày cuộc đời nở hoa.
Kính chúc tất cả các Phật tử một đại Lễ Phật Đản đầy hân hoan, an lạc, hạnh phúc và thương yêu mãi mãi giống như những gì đức Phật đã trao truyền cho chúng ta.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
(Pháp đàm của Tỳ Kheo Thích Minh Hiếu trụ trì Minh Quang Thiền Viện tại 30-32 Chadderton Street, Canley Vale, Sydney, NSW 2166, Australia ( http://www.minhquangthienvien.com ) trong dịp dự Lễ Phật Đản PL 2547 (TL 2003) tại Đạo Tràng Trúc Lâm và Chùa Huyền Quang.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.