Hôm nay,  

VC Bắt Nhà Hoạt Động, Quy Chụp

19/10/201700:00:00(Xem: 3391)
VC Bắt Nhà Hoạt Động, Quy Chụp
HANOI -- Nhà nước CSVN bắt giữ khẩn cấp một nhà hoạt động môi trường, với cáo buộc hoạt động lật đổ.

Bản tin RFA viết rằng công an Việt Nam vừa tiến hành bắt giữ khẩn cấp cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Một người dân tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 18 tháng 10, xác nhận với đài Á Châu Tự Do về việc cơ quan chức năng bắt giữ cô Trần Thị Xuân cũng như có nhận xét về những hoạt động của người bị bắt:

“Cô này chỉ làm việc bác ái và đòi hỏi quyền lợi. Họ cho bắt khi cô đang đi buôn bán. Còn lật đổ chính quyền làm sao mà lật được; quyền họ nắm trong tay nên họ vu khống cho người ta như thế.”

Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin trưng dẫn ‘thông cáo báo chí’ của Cơ quan An Ninh Điều Tra, Công An tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó nói rằng ‘việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp cô Trần Thị Xuân đảm bảo đúng trình tự, qui định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự’ của Việt Nam.

Đây là lần thứ hai, cơ quan chức năng Việt Nam ra thông cáo báo chí của Cơ quan An Ninh Điều Tra về việc bắt giữ khẩn cấp một công dân. Vào ngày 27 tháng 9, Nghệ An cũng có văn bản tương tự đưa ra sau khi cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng bị bắt khi đang ăn cơm trưa cùng một số bạn hữu gần giáo xứ Song Ngọc, tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh này bị bắt với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Một số nhà hoạt động trong nước phản đối cho rằng việc bắt giữ như thế không đúng vì chưa có lệnh và không có bằng chứng người bị bắt đang phạm tội quả tang.

Bản tin khác của RFA ghi lời cựu tù chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng cho biết vào ngày 18 tháng 10 ông bị cơ quan chức năng mời đi làm việc với nội dung được nêu rõ trong giấy mời là ‘trả lời và trình bày rõ các vấn đề có liên quan đến vụ án ‘Nguyễn Văn Đài’.

Vào lúc 4:20 chiều ngày 18 tháng 10, phu nhân của ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin mà ông này chia sẻ sau buổi sáng làm việc với cơ quan chức năng:

“Họ hỏi về Hội Anh Em Dân Chủ và những hoạt động liên quan.”

Hiện nay có một số nhà hoạt động tại Việt Nam cũng bị cơ quan chức năng mời đi làm việc. Nội dung giấy mời như của ông Nguyễn Xuân Nghĩa ghi rõ làm việc liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Đài; trong khi đó có giấy như gửi cho nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng lại chỉ ghi là ‘vụ án’; khiến người nhận phải đặt nghi vấn và yêu cầu làm rõ.

Trong những bản tin bắt khẩn cấp cô Trần Thị Xuân mà truyền thông trong nước loan đi vào ngày 18 tháng 10, cơ quan chức năng Việt Nam nhắc lại vụ việc vào ngày 30 tháng 7. Lúc đó Cơ quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An tiến hành khởi tố bị can đối với cựu tù chính trị, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Vào ngày 30 tháng 7 cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ 4 cựu tù chính trị gồm ông Phạm Văn Trội ở Hà Nội, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà báo độc lập Trương Minh Đức và luật gia Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn.

Cả 4 người bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.

RFA cũng nhắc rằng tại Nghệ An vào ngày 26 tháng 7, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt một nhà hoạt động vì môi trường và xã hội, ông Lê Đình Lượng, cũng với cáo buộc tương tự.

Trong khi đó, một bản tin VOA ghi nhận về vụ án công an bắt cóc  người tại Berlin  và áp giải về VN: Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh đã tiếp xúc với ông Thanh trong trại giam và cho biết sức khỏe của ông bình thường.

Hôm 17/10, Luật sư Đức Petra Schlagenhauf cho VOA biết một luật sư cộng sự của bà ở Việt Nam đã vào trại giam tiếp xúc với ông Thanh trước đó vài ngày. Nữ luật sư Đức nói thân chủ của bà “bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn,” tại một nhà tù ở Hà Nội.

Luật sư người Đức không tiết lộ tên của luật sư đối tác tại Việt Nam, nhưng cho biết thêm rằng “tình hình sức khỏe của ông Thanh bình thường.”

Vào tháng 8, báo Pháp Luật nói Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã gia hạn thời gian tạm giữ hình sự đối với ông Thanh để phục vụ công tác điều tra.

Truyền thông Việt Nam vào đầu tháng 8 nói ông Thanh tự ra “đầu thú,” sau khi bị truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 về “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự.”

Bộ Ngoại giao Đức sau đó ra thông báo nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép người đàn ông này trở lại Đức “ngay lập tức” để nhà chức trách Đức xem xét việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam trước đó, cũng như xem xét đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.

Đức nói hành vi 'bắt cóc trắng trợn' tại Đức của an ninh Việt Nam là "không thể chấp nhận được," và đã trục xuất ít nhất hai viên chức ngoại Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, hôm 22/9, Đức ra thông báo về việc “sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.”

Ông Thanh bị Việt Nam cáo buộc tội mắc sai phạm trong quản lý khi ông đứng đầu một công ty thành viên thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam, gây thiệt hại tới 150 triệu đôla. Ngoài ra ông còn bị các cáo buộc khác về tham ô.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.