Hôm nay,  

Mỹ Tăng Lãi Suất, Vn Phải Tăng Theo?

15/06/200400:00:00(Xem: 5057)
Tuần qua, giới lãnh đạo tài chính VN cho biết là lãi suất ở VN có thể tăng nếu lãi suất tăng tại Hoa Kỳ. Có phải khi tiền Mỹ và lãi suất tăng, VN sẽ bị ảnh hưởng xấu về sản xuất và xuất cảng"
Đài RFA đã trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về hiệu ứng của lãi suất Mỹ trên các thị trường khác như sau.

Hỏi: Thưa ông, tuần qua tại Việt Nam dư luận đã xôn xao về việc Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất hay không, trong khi dư luận thế giới theo dõi kỹ những chỉ dấu cho thấy quyết định sắp tới của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. Vì giới chức về tiền tệ tại Hà Nội cho biết là nếu lãi suất tại Mỹ mà tăng thì lãi suất tại Việt Nam cũng vậy, xin ông cho biết mối liên hệ giữa những quyết định tiền tệ và kinh tế nói trên giữa hai nước.

-- Trong tuần này, chúng ta có hai biến cố đáng chú ý tại Việt Nam. Thứ nhất là Nhóm Tư vấn của Ngân hàng Thế giới, là cơ quan điều phối các chương trình viện trợ phát triển cho Việt Nam, sẽ có phiên họp giữa năm tại Vinh, vào hôm nay. Mục tiêu là để duyệt xét thành quả sử dụng viện trợ đã được cam kết cho Việt Nam từ tháng 12 năm ngoái. Hội nghị giữa năm này cùng một loạt hội nghị về đầu tư và viện trợ tại Hà Nội và Saigon thực ra lại ít được dư luận ở nhà chú ý bằng biến cố thứ hai là Giải Vô địch Túc cầu Âu châu, gọi tắt là giải Euro 2004. Bà con ở nhà đang theo dõi các trận đấu trên bảng C và D hơn là mấy vấn đề kinh tế tài chính rắc rối ấy. Trong khi đó, hôm nay, các thị trường tài chính thế giới lại để ý đến việc Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Alan Greenspan, như vị thống đốc của hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm cho nhiệm kỳ thứ năm. Người ta sở dĩ theo dõi từng lời phát biểu của ông vì cần đoán xem ngân hàng trung ương Mỹ có tăng lãi suất ngày 30 tháng này hay không. Tôi thiển nghĩ là an ninh tại Ả Rập Xê út vì yếu tố dầu khí và lãi suất tại Mỹ là hai biến cố có ảnh hưởng lớn nhất đến sinh hoạt kinh tế thế giới và đến kinh tế Việt Nam trong tương lai ngắn hạn trước mắt.

Hỏi: Như vậy, thưa ông, lãi suất tại Mỹ và tại Việt Nam liên hệ đến nhau như thế nào"

-- Nói ngắn gọn thì lãi suất tại Mỹ ảnh hưởng đến trị giá Mỹ kim và vì Việt Nam giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ, trong một biên độ nhất định, nên bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, lãi suất cơ bản tại Mỹ mà tăng, Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội phải điều chỉnh theo. Nhưng, ảnh hưởng gián tiếp của lãi suất tại Mỹ mới vũ bão và khó dự đoán hơn, vì vậy mới đáng chú ý hơn. Chúng ta đang gặp một loại vấn đề phức tạp nhất của kinh tế toàn cầu, với những hậu quả lan rộng tới nhiều xứ khác, mỗi nơi bị nặng nhẹ một cách.

Hỏi: Và như vậy, mình phải đi lại từ đầu, nghĩa là tìm hiểu về những mối liên hệ đó"

-- Thưa vâng, ta đang đứng trước ngưỡng cửa mở ra nhiều biến động tài chính sẽ chi phối sinh hoạt kinh tế, như giá cả, đầu tư, sản xuất và thậm chí khủng hoảng. Vì vậy mà mình cần nhìn ra toàn cảnh trước khi tìm hiểu về những gì xảy ra cho Việt Nam. Từ đầu năm 2001, kinh tế Mỹ bắt đầu bị suy trầm vì vụ bể bóng đầu tư cổ phiếu, kế đó là khủng bố hồi tháng Chín rồi chiến tranh chống khủng bố. Do các biến động này mà ngân hàng trung ương Mỹ liên tục hạ lãi suất trong khi chính quyền của Tổng thống Bush cũng giảm thuế ba lần liên tiếp trong ba năm. Nhờ thế mà kinh tế Mỹ nay đã phục hồi, nhưng trước đó, ngân sách quốc gia và cán cân ngoại thương bị thiếu hụt làm tiền Mỹ sụt giá và các nền kinh tế khác phục họat. Tại Hoa Kỳ, khi kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ cao nhất từ 20 năm nay trong ba quý vừa qua, và thất nghiệp đã giảm đáng kể, người ta bắt đầu sợ nguy cơ lạm phát. Vì mối lo ấy mà ngân hàng trung ương Mỹ phải thận trọng trong chính sách tiền tệ và tín dụng với quyết định về lãi suất vào phiên họp của Hội đồng tiền tệ trong hai ngày 29-30 tháng này. Họ phải thận trọng vì vào thời điểm bản lề này, nâng lãi suất để phòng ngừa lạm phát là điều đúng về kinh điển, nhưng không khéo thì quyết định ấy có thể gây tâm lý hốt hoảng về giá cả và đẩy sớm lạm phát ngoài mức dự trù, thứ hai là làm suy sụp đà hồi phục của nền kinh tế. Đó là về phía Hoa Kỳ, nên Chủ tịch Alan Greespan phải nói sao cho đúng mà không đưa tới suy đoán sai.

Hỏi: Còn về phía thế giới, về các thị trường khác"

-- Lãi suất cơ bản tại Mỹ, loại lãi suất nền, từ đó chi phối hàng loạt các lãi suất khác của ngân hàng, hiện ở mức mấp mé số không nếu so với tỷ lệ lạm phát; đồng thời, tiền Mỹ cũng sụt giá từ đầu năm 2002. Hai yếu tố ấy đưa tới hiện tượng kinh tế tài chính đáng lo, nhất là tại Đông Á, là tiền Mỹ rẻ, chuyển dịch tới những nơi có lời và hiện đã thổi lên nạn đầu cơ, như trái bóng căng phồng không cơ sở. Trung Quốc đã gặp vấn đề đó, Việt Nam cũng vậy nếu ta nhìn vào thị trường nhà đất chẳng hạn. Ngoài ra, kinh tế Anh và Úc cũng có hiện tượng ấy vì vay mượn quá dễ. Nếu lãi suất tại Mỹ gia tăng một cách tiệm tiến và với cường độ vừa phải thì trái bóng đó sẽ xì thật chậm và ta có cảnh hạ cánh an toàn. Nếu không, ta sẽ có nạn bể bóng, làm nhiều doanh nghiệp phá sản và kinh tế khủng hoảng. Anh và Úc đều đã nâng lãi suất, người ta chờ đợi đến lượt Hoa Kỳ. Vấn đề ở đây là nâng lãi suất bao nhiêu, như thế nào thì giảm được cơn sốt giá cả tại Mỹ mà không gây biến động tài chính ở nơi khác. Vì vậy các thị trường tài chính thế giới mới nín thở theo dõi từng lời phát biểu hay từng quyết định từ phía Hoa Kỳ, từ ông Alan Greenspan.

Hỏi: Cho đến nay, các thị trường đó đã dự đoán thế nào"

-- Phải nói là mỗi nơi phỏng đoán một cách. Nói chung, qua các lời phát biểu gần đây của Chủ tịch Greenspan và các Ủy viên trong Hội đồng Dự trữ Liên bang, thuộc các phân cục New York, St. Louis, Kansas City hay Atlanta, người ta đã kết luận là Mỹ sẽ nâng lãi suất cao hơn mức dự trù nếu lạm phát có chiều hướng tăng mạnh hơn những gì đã thấy. Về cường độ và diễn biến thì có ba kịch bản với xác suất bằng nhau là lãi suất sẽ tăng 25, 50 hay 100 điểm trong mỗi quý. Tức là tăng 0,25% hay 0,50% hoặc 1% so với 1% hiện nay. Vì phản ứng của thị trường đối với giá cả, trong đó có cả phân lời trái phiếu và giá cổ phiếu, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không có loại quyết định cứng ngắc và tiên quyết mà còn phải nghe ngóng phản ứng này cho tinh tế. Còn các thị trường thì nghe ngóng quyết định của ông Greenspan, nhân vật được coi là có ảnh hưởng đến kinh tế không kém gì Tổng thống và có biệt tài phát biểu uẩn súc khó hiểu, nên giới kinh tế mới có nguyên một ngành là tìm hiểu nội dung phát biểu của ông.

Hỏi: Nếu vậy, hậu quả của từng giả thuyết này sẽ ra sao"

-- Đây là loại câu hỏi đáng giá bạc triệu vì khó dự đoán chính xác cho ngần ấy nền kinh tế trong đó có phản ứng của giới đầu tư ở khắp nơi trong từng trường hợp. Nhân đây, cũng xin nhắc tới một lời phát biểu theo lối bí hiểm cố hữu của ông Greenspan vào tuần qua, rằng khác với năm 1994, các thị trường đều cố đoán trước và ứng phó trước với các quyết định về chính sách, dù lịch sử cho thấy là những dự đoán đó đều quá xa với thực tế. Nói cho dễ hiểu là đa số các nhà quan sát và giới đầu tư cho rằng lãi suất sẽ tăng mạnh nên đã thủ thân trước mà điều đó chưa hẳn là đúng. Nếu lãi suất Mỹ tăng nhẹ và chậm, thị trường bèn đoán là rồi sẽ còn tăng, lúc đó, các trái bóng đầu tư không vỡ nhưng thị trường tài chính và các quỹ đầu tư loại đối xung, các hedge funds, có thể bị chấn động nặng. Nếu lãi suất tăng mạnh hơn, như 50 điểm, trái bóng đầu tư tại Trung Quốc và ở cả Việt Nam có khi sẽ bể, tiền bạc sẽ chạy ngược về Hoa Kỳ. Giả thuyết thứ ba, nếu tăng 100 điểm từ nay đến cuối năm, thế giới sẽ khó yên, Trung Quốc có khi bị động loạn và chấn động ấy sẽ lan ra Đông Á.

Hỏi: Riêng ông thì ông dự đoán ra sao"

-- Tôi có thấy một nghịch lý là đa số dư luận Mỹ còn chậm lụt cho rằng kinh tế Mỹ chưa phục hồi mạnh, trong khi lại cứ sợ lạm phát và đã sớm dự đoán lãi suất có thể tăng 50 điểm vào cuối tháng này. Tôi thiển nghĩ là nếu chỉ số giá lẻ không tăng vọt, thí dụ tới 2% quy ra toàn năm cho suốt vài tháng tới thay vì có 1,3% trong quý I năm nay, hoặc 1,4% vào tháng Tư vừa rồi, lúc đó ta hãy sợ. Hôm nay, chỉ số lạm phát trên thị trường Mỹ sẽ là một chỉ dấu quan trọng cho thị trường. Ngoài ra, tháng 11 này Mỹ còn có bầu cử....

Hỏi: Vâng, năm nay cũng là một năm bầu cử tại Mỹ điều đó có ảnh hưởng gì không"

-- Ngân hàng trung ương Mỹ là định chế độc lập nên không bị chính quyền chi phối về chính sách tiền tệ vì mục tiêu tranh cử. Tuy nhiên, ông Greenspan bị mang tiếng là làm ông Bush cha thất cử oan năm 1992 vì giữ lãi suất quá cao khi kinh tế suy trầm năm 1991. Lần này, nếu nâng lãi suất trước bầu cử và sợ dư luận hốt hoảng, ông ta sẽ phải trấn an thị trường là vì kinh tế tăng trưởng quá mạnh thì lại mang tiếng là ủng hộ đương kim tổng thống. Vì những yếu tố ấy, tôi cho là lãi suất không hoặc chưa tăng mạnh vào tháng này và có thể không tăng cho qua bầu cử mùng 2 tháng 11. Từ đầu năm tới, người ta mới thấy ngân hàng trung ương Mỹ thực sự ra tay hạ nhiệt nếu cần, tức là lãi suất sẽ tăng nhanh và mạnh trong cả năm. Kể từ đó, các nền kinh tế Đông Á sẽ chóng mặt.

Hỏi: Như vậy, ông cho là từ năm sau tình hình mới xoay chuyển mạnh"

-- Sau khi lãi suất Mỹ tăng, có lẽ trừ Nhật Bản, lãi suất tại các nơi khác sẽ phải tăng theo dù có trì kéo cho chậm và nhẹ hơn. Lúc đó, trái bóng đầu cơ mà bể tại Trung Quốc, xứ này sẽ có biến như ta dự báo nhiều lần trên diễn đàn này. Tiền bạc từ Đông Á sẽ trút ngược về Mỹ và giá nhà đất tại Mỹ, nhất là tại California, lại tăng sau khi đã chững từ vài tháng qua. Vì tiền Mỹ và lãi suất tăng, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng về sản xuất và xuất cảng nên khó đạt tốc độ tăng trưởng 7% như dự đoán, trong khi lạm phát mới vượt mức 7% đáng chú ý này. Sau đó thế nào thì có lẽ vài tháng nữa mình mới thấy ra hết. Đây là chưa kể tới một bất ổn khác là giá xăng dầu nay đã nới có khi lại tăng vọt nếu Ả Rập Xê Út bị khủng bố dồn dập và chế độ Hoàng gia bị lung lay vì xứ này đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu thô và bị khủng bố đòi đánh cho gục. Tổng kết lại, tôi trộm nghĩ là ngoài Hoa Kỳ, tình hình kinh tế năm tới ở các nơi khác sẽ có biến và thế giới lại ghét Mỹ nhiều hơn! Tôi mong rằng dự đoán bi quan này sẽ sai, nhưng từ hai chục năm nay, mình thấy tái diễn nhiều lần loại biến động ấy, lần cuối là năm 1997 tại Đông Á, nên không thể không lo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.