Hôm nay,  

Vất Vả, Chua Cay Chuyện Đi Diệt Muỗi, Lăng Quăng

06/08/201700:00:00(Xem: 3927)
Theo ngành y tế, thị xã Dĩ An là 1 trong 3 điểm nóng về sốt xuất huyết của tỉnh Bình Dương (cùng với Thủ Dầu Một và Thuận An). Loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes aegypti, còn được gọi là muỗi “đại gia” do chúng sống trong nhà, thích đu bám trên vải, sinh nở trong nước sạch và điều đặc biệt là chỉ chích người. Điều đáng nói là khi những chuyên gia về côn trùng đến các ổ dịch làm nhiệm vụ bắt muỗi, diệt lăng quăng, họ đã gặp không ít điều chua cay, dở khóc dở cười.

Theo báo Thanh Niên (TNO), cuối tháng 7 vừa qua Viện Pasteur Sài Gòn đã đưa thêm hai chuyên gia về côn trùng, dịch tễ cùng trang thiết bị bắt muỗi, lăng quăng về Dĩ An để bắt muỗi vằn Aedes aegypti.

Hai chuyên gia về côn trùng là Nguyễn Văn Trọng và La Hoàng Huy, với dụng cụ bắt muỗi gồm ống nghiệm, đèn pin, máy hút muỗi và vợt bắt lăng quăng, được Trung tâm y tế thị xã Dĩ An dẫn đường xuống khu phố Tân Phú 2, phường Tân Bình, nơi vừa có ca bệnh sốt xuất huyết và đã phun xịt thuốc 2 hôm trước.

blank
Rạch Xuyên Tâm chảy dưới cầu Băng Ky (quận Bình Thạnh), một ổ muỗi và lăng quăng nổi tiếng Sài Gòn, do nước ở đây thường nhiễm bẩn và tù đọng bởi rác và rau muống.

Tại khu phố này, nhiều nhà cửa đóng im ỉm, số còn lại có người trong nhà nhưng có vẻ dò xét, không muốn cho các chuyên gia vào.

TNO dẫn lời chị N.T.N.B (33 tuổi), ở một nhà không số, nói: “Tháng rồi, có người xưng là cán bộ y tế vào kêu cửa đòi lấy 1.5 – 1.8 triệu đồng tiền xịt thuốc. Tôi sợ quá vì nhà chỉ có 2 mẹ con nên gọi cho chồng, người thân; thế là mấy người đó đi mất”. Cán bộ y tế của Dĩ An cho biết đúng là có chuyện một số đối tượng giả mạo cán bộ y tế đi thu tiền chống dịch.

Tại nhà số 114/9, chuyên gia Nguyễn Văn Trọng xin phép vào tận bếp, phòng ngủ để truy lùng muỗi. Trong phòng ngủ tối om và nhiều đồ đạc của gia chủ, dưới ánh đèn pin, 2 con muỗi rằn ri đang đậu trên quần áo và dây cáp ti vi. Trong tích tắc, 2 con muỗi nằm gọn trong chiếc máy bắt muỗi mini, Còn ở hiên nhà có một bình bông với lăng quăng bơi đầy bên trong. Ông Trọng đề nghị chủ nhà hằng tuần nhớ đổ nước bình bông, diệt lăng quăng giúp, bởi y tế phường xịt hóa chất là chỉ diệt được muỗi thôi,


TNO ghi nhận tại nhà số 28/9, chuyên gia La Hoàng Huy không khỏi rùng mình khi xung quanh nhà có rất nhiều vỏ dừa, bình, chậu chứa nước với lăng quăng lúc nhúc. Gia chủ, bà N.T.L (59 tuổi) giải thích: “Con tui nuôi cho cá ăn đó, đổ đi là nó la!”. Ông Huy nói: “Trước khi cá ăn thì lăng quăng thành muỗi gây bệnh rồi!” và yêu cầu đổ bỏ, gia chủ đã miễn cưỡng làm và phân bua rằng khu này chưa có ai bệnh. Tuy nhiên, khu nhà trọ kế nhà bà đã có 2 ca bệnh sốt xuất huyết nặng vừa được cứu sống.

Vào trong nhà, chuyên gia Huy chỉ cho bà L. thấy những con muỗi gây sốt xuất huyết bám trên quần áo. Ông ước tính nhà bà L. phải có khoảng vài trăm con, nếu bắt đến chiều cũng không hết. Chỉ 5 phút, ông Huy đã bắt được 12 con.

TNO dẫn lời của một cán bộ y tế Dĩ An, khi được hỏi vì sao ở đây lăng quăng, muỗi quá nhiều, thì anh ngao ngán bảo rằng khu vực phần lớn là dân nhập cư, cán bộ đi xịt thuốc còn bị ném đá, bị chém. Anh kể là chính anh, vào năm 2014 đi xịt thuốc diệt muỗi khu này, đến trước một ngôi nhà thấy đang có người nhậu nên anh chỉ xịt xung quanh. Thế nhưng chủ nhà cho rằng anh xịt vào nhà mình rồi cầm dao rượt chém. Do mang 20 lít hóa chất trên người nên anh không thể chạy được bèn giơ cần xịt thuốc đỡ và bị chém đứt cần xịt. Nhờ nhiều người can ngăn nên anh thoát nạn. Lần khác, xe xịt thuốc chạy ngang nhà dân thì bị ném đá vào xe.

Theo ghi nhận của TNO, để bắt được muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng không đơn giản, các chuyên gia phải trải qua 1 năm học hỏi mới “cứng” nghề. Với thâm niên 4 năm trong nghề như chuyên gia Huy và 11 năm như chuyên gia Trọng, họ đã bắt không biết bao nhiêu con muỗi truyền sốt xuất huyết mang về để xét nghiệm. Các chuyên gia còn đi bắt lăng quăng về nuôi để thành muỗi, đẻ trứng, nở, sau đó bỏ con muỗi đời F1 này vào lồng mang ngược lại địa phương nơi bắt lăng quăng để vào nhà dân rồi xịt thuốc, xem con muỗi có kháng thuốc hay không.

Điều làm các chuyên gia vui mà theo nghề săn muỗi “đại gia” là đã góp phần hưu hiệu giúp cho cho cộng đồng chống dịch, giảm bệnh tật.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.