Hôm nay,  

Biểu Diễn Nghệ Thuật Nơi Công Cộng Phải Xin Phép

06/08/201700:00:00(Xem: 3375)
Vừa qua, vụ một cậu bé 15 tuổi bị hỏi giấy phép biểu diễn khi chơi đàn violon tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) đang gây xôn xao cộng đồng mạng, đồng thời đặt ra những câu hỏi về việc biểu diễn nghệ thuật ở nơi công cộng.

Báo Thanh Niên (TNO) dẫn lời kể của mẹ cậu bé - chị Bùi Thị Thanh Hằng (Hà Nội), rằng vào ngày 28.7, con trai chị chơi đàn violon ở đường Đinh Tiên Hoàng thuộc khu phố đi bộ hồ Gươm, có nhiều người dân và du khách dừng lại nghe. Cậu bé có để hộp đàn dưới đất để người xem tùy hỉ ủng hộ tiền và cho biết số tiền này sẽ được dùng vào hoạt động từ thiện. Chợt có công an đến và yêu cầu cậu bé dừng chơi đàn vì không có giấy phép biểu diễn. Chị Hằng cho biết, gia đình chị bức xúc vì thái độ của lực lượng công an. “Các anh hoàn toàn có thể gặp bố mẹ cháu, hỏi han và hướng dẫn chúng tôi nếu hoạt động đó cần phải xin phép”, chị Hằng chia sẻ trên Facebook.

Ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết dù cậu bé chơi violon có quyên góp tiền từ thiện hay chỉ chơi nhạc thôi thì theo quy định, trường hợp nào cũng cần phải thông báo trước. “Nếu không quản lý, ai cũng vào đó biểu diễn để xin tiền hay đặt hòm từ thiện gây nhiễu loạn là không được”, ông Động nói. Ngoài ra, ông Động cho biết theo quy định, biểu diễn nghệ thuật trước công chúng là phải có thông báo, nhất là khi biểu diễn tại khu vực phố đi bộ, đông du khách, càng cần đảm bảo an ninh và văn minh đường phố.

blank
Vào các ngày chủ nhật, khách dạo chơi công viên Thống Nhất (Quận 1) luôn có dịp thưởng thức lời ca, tiếng đàn phục vụ miễn phí của các nhóm bạn trẻ.

Mới đây, một clip quay cảnh một số nghệ sĩ violon ngẫu hứng biểu diễn tại sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) đã phải tạm ngưng theo yêu cầu của nhân viên an ninh sân bay cũng gây tranh luận. Một số người cho rằng chơi nhạc thì giúp người xung quanh có khoảnh khắc dễ chịu, nhưng số khác không đồng tình, đặt vấn nạn chơi nhạc trong khu vực chờ bay như vậy có nên không, lỡ hành khách say sưa nghe nhạc mà không để ý thông báo của phát thanh viên sân bay thì sao?

TNO dẫn lời nhạc trưởng Lưu Quang Minh, người đầu tiên chia sẻ video này, cho biết hôm ấy anh và các nghệ sĩ thuộc dàn giao hưởng trẻ Maius Philharmonic (Hà Nội) nhận được thông báo chuyến bay về Hà Nội sẽ bị chậm hơn 30 phút. “Hôm đó chúng tôi chỉ định ngẫu hứng chơi một bài nhẹ nhàng, khoảng 3 - 5 phút thôi, không ngoài mục đích giúp mọi người cùng thư giãn... Nhìn chung, do từng tham gia biểu diễn, chúng tôi đã biết rõ các quy định, như biểu diễn ở những nơi công cộng phải có xin phép”, anh nói.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên của nhóm xẩm Hà Thành, tham gia biểu diễn thường xuyên trên phố đi bộ Hồ Gươm, cho biết lấn nào nhóm biểu diễn nào cũng đều có xin phép. “Chúng tôi phải gửi kế hoạch theo tháng tới cơ quan quản lý để được duyệt. Tuy nhiên, việc xin phép và duyệt các chương trình biểu diễn đường phố đơn giản hơn rất nhiều so với chương trình biểu diễn trong nhà hát”, anh Long nói. Nghệ sĩ từng lưu diễn ở châu Âu này cho biết ở nhiều nước phương Tây, ngay như tại ga tàu điện ngầm, nghệ sĩ đường phố muốn hát cũng phải xin phép và phải đứng hát ở đúng nơi quy định; như tại Pháp, không tuân thủ quy định có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc thậm chí tịch thu dụng cụ, treo hoặc tước giấy phép; cấm biểu diễn trong một thời gian...

TNO dẫn lời ông Lê Hữu Luận, giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP. Sài Gòn, cho rằng dù biểu diễn nơi công cộng hay ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và dù có mục đích từ thiện hay chỉ phục vụ cộng đồng, việc thông qua ngành văn hóa thông tin địa phương khi tổ chức là chuyện bình thường; lâu nay các đơn vị/cá nhân tổ chức biểu diễn luôn được cơ quan chức năng tạo điều kiện biểu diễn. “Ngay cả các chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí cuối tuần trước Nhà hát TP. Sài Gòn - nơi thuộc quản lý của trung tâm chúng tôi, cũng phải xin phép Sở VH-TT thành phố”, ông nói.

Theo nhạc sĩ - luật sư Lê Quốc Thắng (Văn phòng luật sư Hữu Trí), các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố hiện đã bắt đầu phổ biến hơn nên cần điều chỉnh hoặc có những quy định cụ thể hơn. “Nhạc cụ nào được biểu diễn mà không cần xin phép, âm lượng bao nhiêu hoặc quy mô biểu diễn thế nào thì phải xin phép, và nếu biểu diễn vì mục đích từ thiện thì quy mô của quỹ từ thiện đó ra sao mới xin phép… Tất cả cần được ghi rõ”, anh Thắng nói.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.