Hôm nay,  

Tài Liệu Chiến Sử Việt Nam, Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại: Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Tại Nam, Trung, Bắc Việt

12/06/200400:00:00(Xem: 5611)
(Kỳ 5)
LTS. Trong tinh thần tưởng niệm ngày 20 tháng 7 năm 1954, Việt Báo giới thiệu đến bạn đọc loạt bài chiến sữ "Vĩ tuyến 17, Hiệp định Genève, 50 năm nhìn lại", đăng vào số báo thứ Bảy hàng tuần. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực VNCH trong giai đoạn 1946-1955( Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Đông Dương Hấp Hối của cựu Đại tướng Quân đội Pháp Henri Navarre; hồi ký của các cựu Tướng lãnh VNCH: cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, cựu Đại tướng Cao Văn Viên; Việc từng ngày 1945-1964 của tác giả Đoàn Thêm; tài liệu riêng của VB.
* Tóm lược về lực lượng Vệ binh Quốc gia tại các miền
Như đã trình bày trong phần trước, vào ngày 1 tháng 10/1946, Pháp khai sinh Vệ binh Cộng Hòa Nam kỳ. Đây là lực lượng đầu tiên của Chính phủ Nam Kỳ tự trị do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng (tham chánh ngày 7-5-1946).
Hơn 4 tháng sau, ngày 12 tháng 4-1947,Hội đồng chấp chánh Trung phần thành lập cũng là ngày Bảo vệ quân ra đời tại Huế do ông Trần Thanh Đạt sáng lập, sau đó chủ tịch Hội đồng chấp hành Trung phần là ông Trần Văn Lý đã phát triển lực lượng này. Đến tháng 7-1948, một lực lượng địa phương tại miền Bắc được thành lập với danh xưng là Bảo chính đoàn. Trong khi đó, để phù hợp với tình thế, Quốc gia Việt Nam tổ chức thành một chế độ phân quyền tại 3 miền: Nam phần, Trung phần và Bắc phần. Bảo vệ quân tại miền Trung cải danh thành Việt Binh Đoàn. Vệ binh Cộng Hòa Nam Kỳ cải danh thành Vệ binh Nam Việt.
Trong tiến trình chính quy hóa các đơn vị địa phương, ngày 13 tháng 4/1949, Chính phủ Quốc gia Việt Nam ban hành sắc lệnh 66/SG chính thức hóa các đơn vị vệ binh tại các địa phương thành quân đội chính quy mà các quân nhân đều được hưởng lương bổng của Quốc gia,cao hơn lương của phụ lực quân rất nhiều. Các đơn vị Vệ binh được hưởng là Vệ binh Nam Việt, Việt binh đoàn (Trung Việt), Bảo chính đoàn ( Bắc Việt) và vệ binh sơn cước. Tất cả các đơn vị này có cùng danh hiệu chung là Vệ binh Quốc gia.Ngày 1 tháng 7/1949, Quốc trưởng Bảo Đại ký Dụ số 1 và Dụ số 2 để tổ chức các cơ quan công quyền, quy chế công sở, xác định Việt Nam có 3 phần : Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt. Mỗi phần có ngân sách riêng, do 1 Thủ hiến điều hành. Vị thủ hiến của mỗi phần cũng là tổng chỉ huy lực lượng địa phương.
* Hệ thống chỉ huy và tiến trình hoạt động của Vệ binh Quốc gia
Khi mới thành lập cho đến tháng 4/1952, lực lượng Vệ binh Quốc gia được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh Pháp tại Đông Dương, Sau đó, vào tháng 5/1952, lực lưọng Vệ binh Quốc gia đặt thuộc quyền quản trị Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập theo dụ số 43 Quốc phòng của Quốc trưởng Bảo Đại ký ngày 23 tháng 5/1952.Tuy nhiên, việc điều động binh lực trong các cuộc hành quân lại thuộc quyền của các tư lệnh lực lượng lục quân Pháp tại các miền.
Tại mỗi miền quân sự , có 1 bộ chỉ huy miền Vệ binh, thường do 1 trung tá, đại tá Pháp chỉ huy, chỉ huy phó là 1 sĩ quan Việt Nam. Riêng tại miền Trung, có 2 bộ chỉ huy: miền Bắc Trung Việt và miền Nam Trung Việt. Bộ chỉ huy trung ương là một cơ cấu chỉ huy thuộc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Liên Hiệp Pháp đặt tổng hành dinh tại Sài Gòn. Các bộ chỉ huy miền đóng tại Sài Gòn ( Nam Việt), Nha Trang ( Nam Trung Việt), Huế ( Bắc Trung Việt), Hà Nội ( Bắc Việt) và Ban Mê Thuột (Cao nguyên miền Nam), thì trực thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Pháp tại các miền liên hệ, mãi đến năm 1953, các lực lượng vệ binh Quốc gia mới đặt thuộc quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh các Quân khu của Quân đội Quốc gia Việt Nam.
Theo hệ thống tổ chức, mỗi bộ chỉ huy vệ binh miền có các đơn vị trực thuộc và 1 đại đội công vụ. Dưới các bộ chỉ huy miền là bộ chỉ huy trung đoàn, bộ chỉ huy liên đội (có từ 2-5 đại đội). Tại mỗi miền vệ binh đều có trung tâm huấn luyện miền đảm trách luôn các việc huấn luyện các đơn vị phụ lục quân.
Các đơn vị vệ binh trang bị rất hạn chế về vũ khí nặng và 1 cấp số quá thấp về quân xa, nên chỉ được sử dụng để đóng các đồn bót, an ninh các trục lộ và bảo vệ các ấp, làng hơn là tham gia các cuộc hành quân chiến thuật. Để phù hợp với mục đích bảo vệ địa bàn trách nhiệm, lực lượng vệ binh được tổ chức linh động tại mỗi miền. Hệ thống chỉ huy tổng quát là bộ chỉ huy miền chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm soát các hoạt động của các đơn vị vệ binh trực thuộc. Tiếp theo, là các bộ chỉ huy trung đoàn vệ binh được phối trí đóng tại các vị trí địa lý thuận tiện như đóng cạnh bộ chỉ huy phân khu (gồm nhiều tỉnh). Các bộ chỉ huy trung đoàn vệ binh là những cơ quan nặng về hành chính hơn là về chiến thuật. Dưới hệ thống trung đoàn vệ binh là các liên đội. Mỗi liên đội làø 1 tổ chức binh đoàn đặt cố định cạnh các hệ thống hành chính tỉnh.

Để thích ứng với tình hình an ninh trong vị trí địa lý của tỉnh, liên đội vệ binh thường có từ 2 đến 5 đại đội. Đó là đơn vị mang tính cách hành chính, hơn là chiến thuật, vì vậy Bộ Tư lệnh Pháp tại các miền không gọi là tiểu đoàn, dù rằng cấp liên đội được đặt ngang với cấp tiểu đoàn và do 1 sĩ quan cấp tá chỉ huy. Cuối cùng là các đại đội vệ binh, đây là đơn vị chiến thuật căn bản được chia thành nhiều toán để phụ trách đóng đồn, an ninh công sở, trục lộ, thôn ấp, hộ tống các đoàn xe và liên lạc, chỉ có 1hay 2 đại đội là được sử dụng nguyên vẹn trong thành phần lực lượng trừ bị của tỉnh.
* Tổ chức Vệ binh Quốc gia tại mỗi miền
Tại mỗi miền, tổ chức vệ binh cũng có một vài khác biệt: Bắc Việt và Cao nguyên miền Nam khác với Nam Việt và Nam Trung Việt, không tổ chức thành trung đoàn vệ binh vì có ít đại đội vệ binh. Trong trường hợp này, bộ chỉ huy vệ binh miền trực tiếp chỉ huy các liên đội. Riêng tại miền Nam, đại đội vệ binh chỉ có 3 trung đội, mỗi đại đội có 129 quân nhân, trái lại, các đại đội vệ binh ở các miền khác lại có đến 4 trung đội với quân số 168 quân nhân cho mỗi đại đội.
Về trang bị, vũ khí nặng duy nhất cho mỗi đại đội chiến đấu là 1 súng cối 60 ly, còn toàn là súng cộng đồng và cá nhân kiểu Pháp. Về phương tiện di chuyển, mỗi liên đội chỉ có 3 quân xa. Về phương diện chỉ huy, khi mới thành lập, tất cả các chức vụ chỉ huy đều do sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc Vệ binh Cộng hòa Pháp đảm trách, thường thì 1 trung uý, đại uý Pháp giữ chức vụ đại đội trưởng, chức vụ trung đội trưởng thì do 1 trung sĩ, thượng sĩ người Pháp nắm quyền chỉ huy. Đến năm 1950, sĩ quan cán bộ Việt Nam bắt đầu được bổ nhiệm đến các đơn vị vệ binh, những sĩ qua này là những thiếu uý, chuẩn úy vừa mới ra trường, nên các cấp chỉ huy Pháp chưa giao ngay các chức vụ chỉ huy mà họ quan niệm là phải chuyển giao từ từ, để tránh những xáo trộn có thể xảy ra. Mãi đến năm 1951, các chức vụ chỉ huy trung đội, đại đội mới thực sự được giao cho các sĩ quan Việt Nam. Vào những năm 1952, 1953, quyền chỉ huy liên đội lần lần bàn giao cho các sĩ quan người Việt, tuy nhiên các chức vụ cao hơn vẫn do các sĩ quan Pháp điều khiển cho đến tháng 7/1954.
Cuối năm 1952, có những biến đổi quan trọng trong hệ thống Vệ binh Quốc gia. Các vị tướng tư lệnh lực luợng Pháp tại các miền lúc đó nhận thấy rằng các trung đoàn vệ binh chỉ giữ những vai trò hành chính, quy tụ những quân nhân xét ra không giúp gì cho các đơn vị trực thuộc, nên muốn giải tán các bộ chỉ huy trung đoàn vệ binh và cho các liên đội được tự trị. Các liên đội vệ binh sẽ được biến đổi thành các tiểu đoàn bộ binh và được bổ sung thêm các sĩ quan, hạ sĩ quan cán bộ từ các trung đoàn bị giải tán. Nói một cách khác, các tư lệnh Pháp phân tích rằng nếu không thể ấn định cho các đơn vị này một bảng cấp số với những đồ trang bị đầy đủ như một tiểu đoàn bộ binh, thì chắc chắn với sự cải tổ này, các đơn vị vệ binh sẽ hoạt động hữu hiệu hơn. Tiên khởi, ý kiến này do Thiếu tướng Le Blanc, Tư lệnh Lục quân Pháp tại Trung Việt, đề cập với Đại tướng Salan, Tổng tư lệnh Lực lượng Pháp tại Đông Dương từ đầu năm 1952, khi vị đại tướng này được cử thay thế Đại tướng de Latttre tại Đông Dương.
Tại Bắc Việt, trong dịp cải cách vào cuối năm 1952, vấn đề các đơn vị Bảo chính đoàn đã được các giới chức quân sự của Quân đội Liên Hiệp Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam đề cập với những ý kiến khác nhau. Phía Bộ Tư lệnh Lục quân Pháp tại Bắc Việt cho rằng Bảo chính đoàn là 1 tổ chức không được rèn luyện để tác chiến, bởi vậy nên khi Bộ Tư lệnh Đệ tam Quân khu Quân đội Quốc gia muốn cho gia nhập thêm khoảng 3,000 Bảo chính đoàn vào Vệ binh Quốc gia, thì Tư lệnh Lục quân Pháp tại Bắc Việt là tướng de Linarès không đồng ý, khi cho rằng lực lượng này tác chiến yếu. Tuy nhiên, theo nhận xét của Đại tá Phạm Văn Cảm, giám đốc Bảo chính đoàn Bắc Việt năm 1951, thì nhiều đơn vị Bảo chính đoàn đã đánh thắng nhiều trận lớn. Do những bất đồng nêu trên, chỉ có một số trên 2,000 quân nhân Bảo chính đoàn được cải biến thành Vệ binh Bắc Việt từ năm 1949. Số còn lại trên 3,000 người vẫn giữ nguyên tình trạng cũ. (Kỳ sau: Các binh đoàn chiến đấu đầu tiên của Quân đội Quốc gia VN).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.