Hôm nay,  

Hoa Kỳ Đổi Ngựa

11/06/200400:00:00(Xem: 4787)
Với Chính phủ Lâm thời vừa ra đời tại Iraq, nhiều nhà bình luận Mỹ vội kết luận là Bush sẽ gặp khó khăn vì lớp lãnh đạo mới có vẻ độc lập hơn. Chưa chắc!
Mải theo dõi tin tức về chuyến thăm viếng Âu châu của Tổng thống George W. Bush và tang lễ của Ronald W. Reagan, nhiều người có khi đã hụt một tin đáng chú ý khác. Tân Thủ tướng của Chính quyền Lâm thời Iraq, Ayad Allawi, vừa tuyên bố hôm Thứ Sáu mùng bốn là chưa muốn Mỹ rút quân khỏi Iraq. Trước đó, ông còn chính thức cám ơn Hoa Kỳ đã giải phóng xứ sở ông khỏi ách độc tài của Saddam Hussein.
Đồng thời, Mỹ vẫn bác bỏ đề nghị của Pháp trong bản Nghị quyết của Liên hiệp quốc là Chính phủ Lâm thời Iraq phải có quyền phủ quyết về những quyết định quân sự của Mỹ tại Iraq.
Nghĩa là Mỹ vẫn hiện diện tại chỗ để canh phòng khủng bố tại Trung Đông.
Tất nhiên, nhiều người có thể kết luận rằng Ayaq Allawi là lãnh tụ đối lập Iraq có quan hệ lâu đời với Hoa Kỳ, đặc biệt với CIA. Cho nên ông ta cũng chỉ là một lá bài khác của Mỹ mà thôi. Nếu như vậy, tình hình Iraq dưới sự lãnh đạo – dù tượng trưng - của Allawi sẽ ra sao và Hoa Kỳ muốn gì với Chính phủ Lâm thời này" Trả lời cho câu hỏi đó, người ta cần tìm hiểu rõ hơn về Allawi, nhất là sau khi lá bài Ahmad Chalabi đã bị quăng xuống chiếu, kéo theo việc Giám đốc CIA George Tenet bất ngờ từ chức.
Trên nguyên tắc, và chiếu theo Nghị quyết vừa được Liên hiệp quốc thông qua, Ayad Allawi sẽ cầm đầu chính quyền lâm thời Iraq từ mùng một tháng Sáu vừa qua cho đến 31 tháng Giêng năm tới, là khi Iraq có tổng tuyển cử (nếu an ninh cho phép). Cho đến năm ngoái, Ahmad Chalabi vẫn là người được coi là có hy vọng lãnh đạo Iraq sau này. Những biến chuyển từ đầu năm đến nay khiến Mỹ đổi quyết định, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Chalabi đã đi vào khúc quanh gay gắt và dội ngược về chính trường Mỹ. Trong khi ở tại chỗ, Allawi được những đại diện lâm thời của Iraq và đặc sứ của Liên hiệp quốc đề cử làm Thủ tướng lâm thời, với quyền hạn lớn hơn Tổng thống, như trong một chế độ dân chủ đại nghị.
Nói cho gọn thì Mỹ đổi ngựa giữa dòng, thay Chalabi bằng Allawi, hai người dù có dị biệt cũng đều là thành phần “thân Mỹ”.
Với nhiều người Iraq, có phải bắt tay với quỷ dữ để diệt trừ Saddam Hussein cũng còn nên. Huống hồ bắt tay với CIA! Vả lại, như Chalabi đang chứng minh, họ có thể đả kích hay tố cáo CIA ngay trước dư luận mà vẫn an toàn trên đất Mỹ, chứ không thể chơi trò đó với Saddam Hussein. Ayad Allawi là người Shia (như Chalabi), không sùng tín đến độ cuồng tín để mơ ước một chế độ thần quyền, với Hồi giáo là quốc giáo. Ông là người có học, đỗ bác sĩ về thần kinh học tại Anh, khá văn minh tinh tế và đặc biệt là từng gia nhập đảng Baath trong thời kỳ đầu, khi mơ ước xây dựng một đảng chính trị để canh tân một xứ sở lạc hậu. Nhưng lập trường ôn hòa của ông dĩ nhiên không hợp với chủ trương độc tài và sùng bái cá nhân của Saddam. Nhiều đảng viên Baath theo xu hướng ôn hòa đó bị truy lùng và thủ tiêu từ những năm 1970, Allawi lưu vong ra ngoài, nhưng vẫn được nhiều thành phần Shiite trong nước nể trọng vì gốc gác của mình. Trong khi lưu vong tại Luân Đôn và lên tiếng chống lại cuộc chiến giữa Iraq với Iran, ông bị tay chân của chế độ Saddam hành hung và hăm dọa thủ tiêu.
Y như Ahmad Chalabi, Ayad Allawi thuộc thành phần thượng lưu của xã hội Iraq. Ông là con rể một ông tướng nổi tiếng dưới quyền Thủ tướng Abdul Karim Qassim vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 và cũng có họ xa với Chalabi: anh họ ông, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ali Allawi cũng là anh rể của Chalabi.

Những dữ kiện đó cho thấy Allawi và Chalabi xuất thân cùng thành phần xã hội. Nhưng hai người theo hai xu hướng khác nhau và kình chống nhau nhằm tranh thủ hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong Ủy ban Lâm thời Cai trị Iraq (IGC) vừa giải tán. Mỗi người có thể đã được một cơ quan hay bộ phận của Mỹ ủng hộ. Trước kia, Hoa Kỳ hậu thuẫn lá bài Chalabi, do đề nghị của bên Quốc phòng ngược với quan điểm của CIA, nay Mỹ chọn giải pháp nhân sự khác sau khi CIA tố cáo Chalabi là đã ngầm tiết lộ bí mật tình báo của Mỹ cho Iran.
Vấn đề không đơn giản như vậy. Nếu cần báo cho Iran biết là hệ thống mật mã của Tehran đã bị Mỹ đọc ra, Chalabi và Iran tất không dùng ngay hệ thống đó để báo tin cho nhau! Vấn đề liên hệ đến Iran và Đại giáo chủ Al al-Sistani, lãnh tụ Iraq của tộc Shia.
Tại Iraq, các đơn vị Mỹ bất ngờ bị các phần tử Sunni của chế độ Saddam tấn công trong vùng sinh sống của dân Sunni, tâm điểm là Baghdad và al-Fallujah. Giải pháp của Mỹ là tìm người thuộc đảng Baath và tộc Sunni quản lý các vùng này. Đó là lý do của các vụ đánh đàm khó hiểu tại Fallujah trong hai tháng qua. Các đơn vị Mỹ còn gặp bất ngờ hơn khi cũng có nổi dậy ở các địa phương của người Shia, xưa nay là nạn nhân của chế độ Saddam, do lời kêu gọi của Giáo chủ Mudtada al-Sadr, trước sự thản nhiên của lãnh tụ al-Sistani, có thể là sự cổ võ của Iran ở đằng sau. Các thành phần Shia này muốn làm khó Hoa Kỳ để giành thế mạnh trong chính quyền Iraq tương lai. Giải pháp Fallujah vì vậy cũng được áp dụng tại An Najaf hay Karbala là các vùng có vấn đề: tìm người Shiite để cai trị dân Shiite miễn là không chống Mỹ, trong khi các đơn vị Mỹ rút dần ra ngoài.
Các yếu tố Iran, al-Sistani, al-Sadr có thể là nguyên do đưa tới việc Chalabi bị thất sủng. Và trong đà đấu đá nội bộ Hoa Kỳ, Chalabi mới bị CIA gán cho nhiều tội rất trầm trọng. Xuyên qua Chalabi, nhiều người còn muốn tấn công thẳng vào bộ Quốc phòng và xu hướng tân bảo thủ (“neo-con”) xưa nay vẫn tín nhiệm Chalabi. Dù sao mặc lòng, Ahmad Chalabi không thể lãnh đạo xứ Iraq trong thời chuyển giao quyền lực vì cả sự chống đối tại Iraq lẫn sự nghi ngờ tại Hoa Kỳ. Iyad Allawi xuất hiện.
Là đảng viên đảng Baath cũ, được nhiều thành phần Shia ủng hộ, ông ta hiểu rõ xã hội và chính trị Iraq để xây dựng được một nền tảng sinh hoạt chính trị tạm ổn trong buổi giao thời. Ông cũng là người đủ tiến bộ để không phát triển giáo quyền trong chính trị và chắc chắn là gần Mỹ hơn là gần al-Sistani hoặc Iran.
Hoa Kỳ có một Chalabi khác, có lẽ đáng tin hơn, để bảo đảm là trong vòng tám tháng tới, tình hình Iraq sẽ chuyển dần từ loạn sang trị. Mà thế nào là trị" Hôm mùng ba vừa qua, al-Sistani gián tiếp ban phép lành cho Chính phủ của Allawi, bằng cách nhắc khéo là chính phủ nên sớm tổ chức được bầu cử tự do. Những ai theo dõi tình hình đều biết là bầu cử tự do theo nghĩa đó thì đa số Shia sẽ nắm chính quyền vì kiểm soát đến 60% dân số. Lúc đó, dân Kurd và Sunni sẽ cầm rổ chờ ngoài chợ, hoặc cầm súng bắn vào trong! Hôm kia, sau khi Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết về Iraq, các lãnh tụ Kurd đã than phiền là họ rất biết điều và hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ mà ý nguyện được tự trị của họ vẫn không được đếm xỉa, thậm chí bị hy sinh. Trước sau, nghị quyết và lãnh đạo Mỹ chỉ nói mơ hồ về một thể chế liên bang, và nói trong phần mở đầu, không trong nội dung của bản nghị quyết!
Vì vậy, người ta vẫn còn nhiều ẩn số.
Thứ nhất, liệu quảng đại quần chúng Iraq có chấp nhận Ayad Allawi là lãnh tụ không" Thứ hai, liệu Ali al-Sistani có chịu bó tay không, và Iran còn tính gì ở đằng sau" Thứ ba, quan trọng nhất, liệu nội bộ chính quyền Bush đã hết lục đục chưa, để phe này khỏi xé rách lá bài của phe kia, trước sự cổ võ của truyền thông" Nghị quyết chưa ráo mực đã thấy báo Mỹ tố cáo Allawi tội đặt bom chống Saddam làm thường dân chết oan! Kinh nghiệm chính trị tại Việt Nam trong thời kỳ 1963-1967 cho ta nhiều câu trả lời kém lạc quan.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.