Hôm nay,  

Biển Đông Mịt Mờ...

08/06/201700:00:00(Xem: 4990)

Có cách nào làm êm dịu tình hình Biển Đông hay không? Một đề nghị từ nhà bình luận Andrew Chubb là có thể dùng tới du lịch, may ra, mới biến mất được tình hình vũ trang hóa Biển Đông.

Trong khi đó, bản tin Kyodo của Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã xây trên các tiền đồn Biển Đông các hầm trú đủ sức chứa 24 chiến đấu cơ trên ba đảo Fiery Cross, Subi và Mischief Reefs... Nghĩa là, bám rễ lâu dài, trang bị vũ khí đủ kiểm soát nhiều khu vực nơi bầu trời và vùng biển tại quần đảo Trường Sa.

Nhà bình luận Andrew Chubb trên tờ National Interest hôm 7 tháng 6/2017 cho biết nhà nước Philippines hồi cuôi tháng 4/2017 chuyển vật dụng xây dựng tới quần đảo Trường Sa cho dự án 32 triệu đôla nhằm củng cô và nôi dài phi đạo trên đảo Thitu Island, cũng như làm nhà máy điện mặt trời và lọc muôi, dự kiến mở nơi này cho du lịch. Đó là cách êm dịu đê hiện diện ở Biển Đông... Dự án dĩ nhiên chưa xong, và chưa rõ sẽ hòa bình hóa được phần nào chăng...

Trong khi đó, bản tin Kyodo của Nhật Bản cho biết TQ từ cuôi năm ngoái đã xây các nhà kho có sức chứa 24 chiến đấu cơ, các vị trí vũ khí cố định và các cấu trúc quân sự khác trên 3 đảo lớn do TQ chiếm đóng.

Ba tiên đồn lớn ở Biển Đông đó của TQ là: Fiery Cross, Subi và Mischief Reefs.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận rằng theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ gởi Quốc Hội hôm 06/06/2017, Trung Quốc đang xây các nhà chứa chiến đấu cơ và các vị trí đặt vũ khí cố định, cùng với nhiều cơ sở quân sự khác trên ba đảo chính mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.

Trong báo cáo thường niên về những phát triển an ninh và quân sự liên quan đến Trung Quốc, Ngũ Giác Đài cho biết là Trung Quốc đang tập trung xây dựng tại ba tiền đồn lớn nhất là Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, sau khi đã hoàn tất các công trình xây dựng tại 4 đảo nhỏ hơn.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, một khi xây dựng xong, các cơ sở trên 3 đảo nói trên có thể chứa đến 3 trung đoàn chiến đấu cơ trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với các nước như Việt Nam và Philippines.

Báo cáo của Ngũ Giác Đài nhắc lại rằng năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên đã cho máy bay dân sự hạ cánh xuống các sân bay ở Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, cũng như cho hạ cánh một máy bay quân sự xuống Đá Chữ Thập để di tản các nhân viên bị thương. Theo bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, như vậy là Bắc Kinh đang cố làm thay đổi nguyên trạng vùng biển đang tranh chấp.

Ngũ Giác Đài nhận định: «Mặc dù việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo không giúp củng cố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh sẽ dùng các đảo đó như là những căn cứ dân sự và quân sự thường trực để tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và củng cố khả năng kiểm soát các đảo và vùng biển lân cận».

Tuy nhiên, tài liệu của bộ Quốc Phòng Mỹ nhận xét rằng kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đã dịu giọng hơn khi nói về bản đồ đường «lưỡi bò» trên báo chí chính thức.

Về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, theo thẩm định của Ngũ Giác Đài, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh năm 2016 đã lên tới 180 tỷ đôla, chứ không phải 144,3 tỷ đôla như được thông báo vào tháng 3 năm ngoái.

Một bản tin khác của RFI cho biết nhân chuyến công du Nhật Bản của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai nước hôm 06/06/2017 đã thỏa thuận tăng cường quan hệ về an ninh thông qua các dự án được Nhật tài trợ, trong đó có việc nâng cấp năng lực tuần tra bờ biển, thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong khu vực.

Hai nước ký kết hơn một chục thỏa thuận, trong đó có khoản viện trợ 38 tỉ yen (350 triệu đô la) để nâng cấp các tàu tuần duyên Việt Nam và năng lực tuần tra. Việc nâng cấp an ninh hàng hải là một phần của khoản tín dụng 100 tỉ yen (910 triệu đô la) được ký kết hôm (06/06), gồm các dự án trong lãnh vực khoa học, công nghệ và quản lý nước.

RFI ghi lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe, trong cuộc hội đàm tại Tokyo, đã chia sẻ «mối quan tâm sâu sắc về những diễn biến phức tạp» do Trung Quốc gây ra tại Biển Đông. Hai bên cổ vũ tránh những hành động làm thay đổi hiện trạng và leo thang căng thẳng, tuy không nêu đích danh Trung Quốc.

Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định sự quan trọng của Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng ý sẽ tiếp tục theo đuổi dù Hoa Kỳ đã rút ra. Hai nhà lãnh đạo thỏa thuận hợp tác với nhau trong việc thương lượng giữa 11 nước thành viên TPP còn lại để hiệp định này có hiệu lực.

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận:

“Việt Nam và Nhật bản cam kết tăng cường quan hệ toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, khẳng định hai nước là đối tác quan trọng của nhau. Đó là nội dung tuyên bố chung kết thúc nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản được công bố vào ngày 7 tháng 6.

Tuyên bố chung đặt hợp tác quan hệ chính trị, quốc phòng và an ninh lên phần đầu của tuyên bố, theo đó hai bên duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp. Nhật Bản tăng cường giúp Việt Nam xây dựng năng lực cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc, cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Tuyên bố chung cũng cho biết cam kết của Nhật bản trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bao gồm đào tạo nhân lực...”

Biển Đông vẫn còn mịt mờ... sóng gió.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.