Hôm nay,  

Biển Đông Chập Chờn

06/06/201700:00:00(Xem: 5081)

Trước tình hình Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, hai nước lo nhất vẫn là Việt Nam và Philippines... Trong khi đó, khối 10 nước ASEAN không lộ vẻ quyết liệt, và Hoa Kỳ có vẻ như nội bộ chính phủ Trump lại giằng co khó hiểu.

Báo Nikkei Asian Review loan tin rằng khối ASEAN sẽ nhắm tìm đồng thuận về bộ luật ứng xử vê tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong khi ASEAN thương thuyết với Trung Quốc. Đó là tuyên bố của Lê Lương Minh, Tổng thư Ký ASEAN, nói với báo Nikkei Asian Review hôm Thứ Hai.

Bản thảo về hiệp ước khung về ứng xử ở Biển Đông đã có đồng thuận giữa các nhà ngoại giao TQ và ASEAN trong buôi họp ở Guiyang tháng trước. Nhưng hiêp ước khung cần được các bộ trưởng chấp thuận trước khi các phía thảo luận thêm chi tiết. Một hội nghị thượng đỉnh sẽ là tháng 11/2017 tại Manila.

Nghĩa là, còn xa... Trong khi đó, Hải quân TQ vẫn thực thi lệnh cấm đánh cá mùa hè ở Biển Đông...

Trong khi đó, báo The Inquirer của Philippines ghi lời quan tòa tối cao Antonio Carpio báo nguy rằng Philippines cơ nguy rơi vào hoàn cảnh Phần Lan nếu không khẳng địnhc hủ quyền và đứng lên kình với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông giải thích rằng quốc gia Phần Lan nằm giáp biên giới Nga, bề ngoài là độc lập nhưng thực tế là phải chiều chuộng Nga, phải đi theo chính sách ngoại giao của Nga.

Ông nói rằng TQ có thể sắp xây dựng trên bãi cạn Panatag Shoal (tên quốc tế là Scarborough Shoal) mà Manila vẫn bó tay, bất kể tòa quốc tế The Hague cuối năm ngoái dã phán xử Philippines thắng kiện rằng TQ sai trái khi giành Biển Đông tới cả vùng biển Philippines.

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận tình hình: Mỹ duy trì cam kết tại châu Á - Thái Bình Dương...

Chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không thay đổi, vẫn duy trì những cam kết đã có với các nước đồng minh và những nước bạn, để đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực.

Điều vừa nói được Ngoại Trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson đưa ra trong ngày hôm nay tại Sydney, khi cùng với ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis đến Úc để dự đối thoại an ninh quốc phòng hàng năm với quốc gia đồng minh.

Cam kết này được đưa ra nhằm mục đích trấn an các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực, vì từ khi còn tranh cử, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thường xuyên nói đến chủ trương “nước Mỹ trên hết”, khiến nhiều người quan ngại có thể Washington sẽ giảm bớt vai trò và trách nhiệm ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Không chỉ khẳng định chính sách đối với khu vực, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillarson còn lên tiếng cho hay mặc dù luôn muốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng Washington không chấp nhận chuyện Bắc Kinh dùng sức mạnh kinh tế làm lợi thế để tiếp tục làm những điều đã và đang làm, như quân sự hóa Biển Đông hoặc không thật tâm muốn gây áp lực buộc Bắc Hàn phải đình chỉ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

RFA cũng nhắc rằng chuyện Trung Quốc và Biển Đông cũng được ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis nói đến trong bài phát biểu đọc hồi cuối tuần trước ở Singapore, trước Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La.

Trong phát biểu, ông Mattis nói rằng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cũng như không tôn trọng luật pháp quốc tế chứng tỏ Bắc Kinh cố tình coi thường những nước khác.

Cũng tại Hội Nghị, bà bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho rằng Trung Quốc đang đơn phương gây rối, cố ý thay đổi hiện trạng ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông.

Trước những cáo buộc này, Trung Quốc đưa ra bản tuyên bố viết rằng chủ quyền của họ ở Biển Đông là điều không thể tranh cãi, gọi phát biểu của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ là thiếu trách nhiệm, đồng thời chỉ trích Hoa Kỳ cố ý tìm cách can dự vào chuyện của khu vực để trục lợi.

Tuyên bố của Trung Quốc cũng viết rằng Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không, nhưng phản đối tất cả những quốc gia lấy lý do bảo vệ 2 quyền này để sử dụng võ lực nhằm thử thách, đe dọa chủ quyền và an ninh của Hoa Lục.

Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore, ông Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho những người đồn trú tại đó, đồng thời duy trì chủ quyền và thực hiện các trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.

Các hoạt động có chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện không liên quan gì đến việc quân sự hóa, bà Hoa nói trong bài phát biểu đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày Chủ nhật.

Bà Hoa nói thêm rằng các nước quanh khu vực Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, nhưng những kẻ khác ở bên ngoài khu vực lại “tìm cách đi ngược lại xu hướng này, liên tục đưa ra những nhận xét sai trái, phớt lờ sự thật và cố tình gây nhầm lẫn với những động cơ mờ ám”.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi lời một chuyên gia rằng phía VN đỡ lo hơn về Biển Đông.

Bản tin nói rằng chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc không có tính đột phá, nhưng lại mở ra triển vọng hợp tác quốc phòng, giúp giảm bớt sự lo lắng về xung đột Biển Đông, một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam cho biết.

Giáo sư Tương Lai nhận định về chuyến thăm Mỹ ba ngày của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc ngày 31/5 như sau:

“Chuyến đi không có những thành công manh tính đột phá nhưng mở ra những triển vọng tương đối tốt đẹp.”

Theo ông Tương Lai, các triển vọng đó là tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, như Mỹ quyết định chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam, nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, và đặc biệt “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.”

“Trong tuyên bố chung nêu nhiều yếu tố cho thấy rõ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt quan hệ quốc phòng, quân sự theo chiều hướng Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình, còn Việt Nam thì sẵn sàng mua tàu tuần tra biển của Mỹ.”

Thực tế ra sao, cũng cần phải xem... Nhưng trước tiên, tự lực mình phải lo trươc đã.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.