Hôm nay,  

Sức Mạnh Của Chính Nghĩa

14/03/200500:00:00(Xem: 5824)
LTS: Trong những năm cuối của thế kỷ 20, và đầu thế kỷ 21, CSVN đã tận dụng tối đa sức mạnh tiền của, thế lực ngoại giao, cùng mạng lưới nằm vùng, và một số trí thức, chính trị gia thân cộng tại Úc, bí mật vận động thực hiện hàng loạt những âm mưu nhằm bất ngờ đưa chương trình tuyên truyền VTV-4 của CSVN vô đài truyền hình SBS. Sau nhiều năm tháng âm thầm cấu kết, bí mật hoạt động, cuối cùng, vào đầu tháng 10/2003, đài SBS đột ngột cho công bố quyết định, bắt đầu chiếu chương trình VTV-4 của CSVN kể từ ngày 6/10/2003. Quyết định này đã được Ban Giám Đốc SBS công bố mà không hề tham khảo với Ban Chấp Hành CĐNVTD/UC, mặc dù trước đó, Ban Giám Đốc SBS đã hứa sẽ thực hiện điều này trên giấy trắng mực đen. Sau đó, trong thời gian hai tháng đấu tranh làm rung chuyển cả thế giới, với sự lãnh đạo tài tình của BCHCĐNVTD /UC, với sự đoàn kết chặt chẽ của người Việt tự do tại Úc, cùng sự hậu thuẫn vô cùng to lớn của chính giới Úc, truyền thông báo chí Úc, nghiệp đoàn Úc,... cuối cùng, cộng đồng người Việt tự do tại Úc đã chiến thắng, và chương trình tuyên truyền VTV-4 của CSVN đã bị ban giám đốc SBS phải quyết định khâm liệm vĩnh viễn. Chiến thắng VTV-4 là một chiến thắng lịch sử, có tầm vóc quốc tế trên nhiều phương diện, mà cho đến nay, vì nhiều lý do, chúng ta vẫn chưa khai thác đầy đủ, nên nhiều âm mưu của CS vẫn chưa thể phanh phui; nhiều yếu tố bí mật dẫn tới chiến thắng vẫn chưa được đưa ra ánh sáng, nhiều bài học đấu tranh quan trọng vẫn chưa được rút tỉa... Để qúy độc giả có thể phần nào hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng lịch sử VTV-4 cách đây hơn một năm, sau đây SGT trân xin trọng giới thiệu tiếp bài viết "Sức Mạnh Chính Nghĩa" của BS Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch CĐNVTD/LBUC, trích từ cuốn "Sức Mạnh Đấu Tranh" do CĐNVTD/UC xuất bản, và hiện được bán tại các tiểu bang và lãnh thổ trên toàn nước Úc.

*

(Tiếp theo...)

Cuộc phỏng vấn Với Alan Jones

Sáng ngày Thứ Ba 28/10, tôi dậy từ 5 giờ sáng, pha ly cà phê đen ngồi uống một mình. Nhìn ra ngoài, trời vần vũ mây mù, mưa rả rích. Tôi rất lo vì với thời tiết xấu như thế này, số người tham dự biểu tình có thể sẽ không đông như mong muốn. Vợ tôi bảo tôi: “Anh cầu nguyện đi, Trời Phật không nỡ phụ lòng mình đâu!”, rồi nàng lên lầu thắp hương khấn Phật và xin tổ tiên phù hộ.
Lúc hơn 7 giờ sáng, Alan Jones của đài phát thanh 2UE gọi điện thoại nói chuyện với tôi, phát trực tiếp đến thính giả. Cuộc phỏng vấn này rất quan trọng, vì Alan Jones là một ký giả truyền thanh rất nổi tiếng và rất có ảnh hưởng đối với thính giả cũng như với chính giới. Tôi nghe đồn là mỗi buổi sáng, Thủ Tướng John Howard đều nghe chương trình của Alan Jones trong khi tập thể dục và ăn điểm tâm.
Tưởng cũng nên nói qua về chuyện vận động để ông Alan Jones mời lên tiếng trong chương trình phát thanh buổi sáng nổi tiếng vào bậc nhất Úc châu này. Tôi đã tìm hiểu và biết rằng Alan Jones là một trong những người không đồng ý với lý do hiện diện của hệ thống truyền thông phục vụ các CĐ sắc tộc SBS. Ông ta không hẳn là một người kỳ thị, nhưng luận cứ của ông chống lại việc tài trợ của chính phủ cho SBS là khi người thuộc các sắc tộc đã nhập cư vào Úc thì phải học tiếng Anh và được đối xử như những người Úc bình thường. Nếu một CĐ sắc tộc muốn có đài phát thanh hoặc truyền hình nói ngôn ngữ của họ thì phải tự động tìm phương tiện mà thực hiện lấy để phục vụ cho nhu cầu riêng của chính họ. Theo ông, chính phủ Úc không có bổn phận phải tài trợ cho một cơ quan truyền thông mà chức năng chỉ để phục vụ cho các CĐ sắc tộc, mà nên dùng tiền đó làm những việc khác ích lợi hơn cho cộng đồng Úc nói chung. Biết quan điểm của Alan Jones là thế, cho nên lôi kéo ông ta vào cuộc chiến chống SBS-TV cũng có những cái nguy hiểm của nó, vì biết đâu ông ta lại chẳng nhân cơ hội này mà lái cuộc phỏng vấn đi về một hướng khác ngược hẳn với ý định của mình"
Nhưng vì tầm ảnh hưởng của chương trình Alan Jones rất lớn, tôi quyết định chấp nhận rủi ro, nhất định tìm cách thuyết phục ông Jones phỏng vấn tôi trên 2UE. Vào giữa tháng 10, tôi gửi riêng cho ông ta một email "kể tội" SBS-TV, mà hai tội lớn nhất tôi nhấn mạnh là tội ngạo mạn đối với một cộng đồng thiểu số và tội phí phạm tiền đóng thuế của dân chúng để chiếu một chương trình tuyên truyền cho một chế độ độc tài ngoại quốc mà không ai muốn xem. Tôi kêu gọi một ký giả có tiếng tăm và hay bênh vực kẻ yếu như ông hãy giúp chúng tôi đưa "chuyện bất bằng" này ra trước công luận. Chiến thuật này đã tỏ ra hiệu quả: vài ngày sau, cô thư ký của ông Jones điện thoại cho tôi để dàn xếp cuộc phỏng vấn sáng nay!
Như những lần phỏng vấn phát thanh khác, tôi cố gắng gói gọn trong vài phút những lý do khiến việc chiếu VTV4 gây phẫn nộ trong người Việt, thái độ ngạo mạn của SBS-TV cùng những xáo trộn xã hội và tổn thương tâm thần mà VTV4 đã gây ra cho nhiều người Việt. Cũng như Mike Carlton, Alan Jones đã tỏ ra thấu hiểu và thông cảm với sự đau đớn bực bội của người Việt gây ra bởi việc chiếu VTV4, và nặng lời chỉ trích hành động vô lý và ngang ngược của SBS-TV. Kết thúc cuộc phỏng vấn, ông nói với tôi: "Ông nhớ liên lạc thường xuyên và cho chúng tôi biết diễn tiến cuộc tranh đấu của các ông. Tôi tin rằng nhiều người Úc sẽ ủng hộ cuộc tranh đấu này, vì các ông có lẽ phải." Sau này kiểm chứng lại, tôi biết rằng đã có rất nhiều người Úc nghe chương trình phát thanh ngày hôm ấy, và qua đó có cơ hội hiểu rõ vấn đề cùng lý do tại sao CĐ người Việt lại chống việc chiếu VTV4 trên World Watch.

Cuộc biểu tình đầu tiên ở Sydney

Trời vẫn tiếp tục mưa rả rích. Lòng nóng như lửa đốt, tôi gọi điện thoại cho anh Dzũng, Phó CT Nội Vụ của CĐ/NSW để hỏi thăm thời tiết ở vùng Cabramatta. Anh cho biết là trời cũng đang mưa lâm râm. Gọi xuống Bankstown, tình hình cũng thế. Tôi dặn vợ tôi đưa 3 đứa con đi sau vì chúng nhất định xin nghỉ học để đi tham dự biểu tình cùng bố, rồi ra khỏi nhà lúc 7 giờ rưỡi. Lái xe lên đậu ở Cabramatta, tôi dùng xe lửa đến Artarmon thay vì đi thẳng, để đích thân quan sát cách thức tổ chức hướng dẫn vận chuyển cho đồng bào xem có hiệu quả hay không, từ đó rút kinh nghiệm cho những lần sau trong trường hợp cần phải biểu tình nữa.
Tại ga xe lửa Cabramatta, tôi gặp các cô Tâm, Thảo và các bạn khác, đang bận rộn hướng dẫn đồng hương, lúc bấy giờ tụ tập khá đông trên sân ga. Theo qui định, mỗi chuyến xe lửa sẽ có một số anh em trong Ban Tổ Chức đi cùng với đồng hương để dẫn đường. Tôi cũng được báo là một số đồng hương già yếu hoặc có con nhỏ đã được đưa đến trước cửa thư viện Cabramatta để đi xe bus do đài Vietnam Sydney Radio quyên góp tổ chức. Như vậy, việc tổ chức tại đây diễn tiến khá tốt đẹp.
Gọi điện thoại hỏi thăm tình hình ở Bankstown, thì anh em cho biết cũng rất khả quan: đồng bào đến đông nhưng trật tự. Anh em kể những nghĩa cử cảm động của một số đồng hương đã tự nguyện mua hàng mấy chục vé xe lửa, phát cho các đồng hương khác; một số chủ hãng may đã đóng cửa, cho thợ nghỉ vẫn ăn lương để đi tham dự biểu tình. Một điểm lạc quan nữa là trời bây giờ đã ngưng mưa, tuy vẫn còn âm u vì mây mù.
Yên trí, tôi lên xe lửa cùng với một số đồng hương, đến ga Central. Trên đường đi, tôi nhận được điện thoại của các anh em ở những ga xe lửa khác nhau báo cho biết là mọi sự diễn tiến xuông xẻ, đồng bào được hướng dẫn chu đáo ở các nơi. Vừa xuống Central, tôi gặp ngay anh Hiệp và anh Đức, phụ trách hướng dẫn đồng hương từ các ga địa phương đến Platform số 7 để đi đến ga St Leonards (ga xe lửa gần Artarmon, nơi có trụ sở SBS), tay cầm một lá cờ VN và một tấm biểu ngữ để đồng bào dễ nhận dạng. Các anh cho biết là từ sáng sớm đến giờ đã có rất nhiều đồng hương đi xe lửa xuống ga này để chuyển qua xe đi Artarmon. Vừa xuống ga St Leonards, tôi gặp chú Thạnh, phụ trách phần hướng dẫn đồng hương đi bộ hoặc lên xe bus từ nhà ga đến trụ sở SBS cách đó độ nửa cây số. Chú Thạnh cho biết là từ sáng đến giờ đã có "đông đồng bào lắm, cả ngàn người...". Tôi bán tín bán nghi, hối hả bước ra khỏi nhà ga, đi bộ về hướng tổng đài SBS.


Đến cách SBS khoảng hai con đường, tôi đứng khựng lại, sững sờ trước một cảnh tượng bất ngờ: một rừng cờ vàng ba sọc đỏ, một rừng bong bóng vàng phất phới tung bay rợp trời. Từ xa nhìn đến chỉ thấy một màu vàng rực rỡ choáng ngợp, tai vang vọng tiếng hò reo long trời lở đất. Trong một khoảnh khắc, mắt tôi thoáng mờ đi vì xúc động, lòng bồi hồi rưng rưng trước khí thế dũng mãnh và con số không ngờ của đám đông. Vì trong thời gian sửa soạn biểu tình, khi anh Trần Nhân, Điều hợp viên của Văn Phòng CĐ liên lạc với Cảnh sát địa phương, họ muốn chúng ta cho họ biết con số phỏng chừng của đoàn biểu tình để họ cụ bị sẵn nhân sự và phương tiện giữ trật tự. Từ trạm Cảnh sát, Nhân điện thoại hỏi ý kiến tôi. Hai anh em bàn thảo và quyết định cho cảnh sát con số phỏng chừng là "hơn một ngàn người" vì hai lý do, thứ nhất là chúng tôi không thể nào có sự lượng định chính xác về con số vào thời điểm đó; thứ hai là nếu cho con số lớn hơn, Cảnh sát có thể sẽ đòi hỏi nhiều điều kiện rắc rối hơn về mặt tổ chức (thí dụ như phải có nhiều portaloos hơn, an ninh nội bộ phải chặt chẽ hơn...), gây thêm khó khăn cho mình. Lúc bấy giờ, tôi cứ nghĩ rằng có được 1, 2 ngàn người là đã thành công lắm rồi, và không bao giờ ngờ được rằng sự hưởng ứng của đồng hương lại nhiệt tình và đông đảo đến như vậy!
Đang lăng xăng trên bục xi-măng chạy dài theo mặt tiền của SBS được dùng làm sân khấu giúp anh em xếp đặt mọi thứ, thì một nhân viên của SBS đến tiếp xúc với tôi, cho biết là Ban Giám Đốc SBS muốn gặp phái đoàn đaị diện CĐ vào lúc 11 giờ 15 để trao đổi quan điểm. Tôi yêu cầu họ thay đổi giờ họp trễ hơn, nhưng không được vì ông Nigel Milan có việc bận phải đi vào lúc 12 giờ. Tôi mời đại diện các Ban Chấp Hành CĐ có mặt, gồm anh Trung (Liên bang), anh Hùng (Vic), anh Việt (Qld), anh Lộc (SA), anh Công (ACT), chị Thủy (Wollongong), kéo nhau ra một góc để bàn thảo. Chúng tôi quyết định là tất cả sẽ tham dự cuộc gặp gỡ với Ban Giám Đốc SBS. Tôi chạy vội ra ngoài tìm anh Dzũng, dặn dò anh cùng anh Hậu, BS Nguyễn Đỗ Thanh Phong (Phó CT Ngoại Vụ CĐ Liên bang), anh Phan Đông Bích và anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm (hai xướng ngôn viên chính thức) điều khiển cuộc biểu tình trong khi chúng tôi bận họp.
Chờ một lát trong phòng đợi bên trong SBS thì ông Nigel Milan, Tổng Giám Đốc SBS cùng Shaun Brown Trưởng Nhiệm SBS-TV và ông Lưu Tường Quang Trưởng Nhiệm SBS Radio từ trong đi ra, bắt tay chào từng người một. Milan tươi cười nhưng có vẻ hơi gượng gạo, còn Brown thì mặt lạnh như tiền, thái độ của y lộ rõ vẻ khó chịu. Chúng tôi luân phiên nhau trình bày quan điểm của CĐ, nói rõ sự bất mãn trước thái độ ngang ngược, nuốt lời hứa, coi thường CĐ qua việc đơn phương cho chiếu chương trình tuyên truyền của CSVN. Milan và Brown đều chối là không biết sự hiện diện của lá thư Cavanagh viết cho ông Trung hồi tháng 3/2002, và ngỏ ý xin lỗi CĐ vì điều "sơ sót" đó. Tôi đặc biệt chú ý đến thái độ "bán cái" của ông Milan, hai ba lần đổ lỗi cho Brown.
Trong buổi nói chuyện hôm đó, phần chị Thủy nói về những đau đớn của cá nhân chị đã phải trải qua trên đường vượt thoát chế độ CSVN đã tạo nhiều xúc động. Khi chị khóc và nói "How do we answer to people who died, to the families who lost their loved ones...", tôi thấy rõ Milan chớp chớp mắt vì xúc động, còn mặt Brown thì tái nhợt.
Chúng tôi lấy lý do SBS đã bội ước với CĐ để đòi họ phải ngưng ngay VTV4 trong khi chờ đợi việc tái tục tiến trình tham khảo. Shaun Brown nhất định không đồng ý, nói rằng VTV4 mới bắt đầu có vài tuần, nên còn quá sớm để có thể đánh giá được sự hưởng ứng của khán thính giả đối với VTV4 và quyết định việc ngưng hay tiếp tục chiếu nó. Không khí trở nên căng thẳng. Milan nói với CĐ rằng SBS có một cơ quan tư vấn đứng cạnh, tên là Community Advisory Committee (gọi tắt là CAC, tạm dịch là Ủy ban Tư Vấn Cộng Đồng), có nhiệm vụ cho SBS ý kiến khi hữu sự. Ông ta nói sẵn sàng mời CĐ người Việt đến trình bày vấn đề VTV4 trước Ủy Ban này trong phiên họp thường kỳ của họ vào đầu tháng 12, để họ lắng nghe và cho Ban Giám Đốc SBS ý kiến. Phía CĐ không đồng ý, cho rằng thời gian chờ đợi hơn một tháng là quá lâu, vì "còn chiếu VTV4 ngày nào, người Việt trong CĐ còn đau đớn, còn nhục nhã ngày ấy". Sau cùng, ông Milan nhượng bộ, và đồng ý sẽ dàn xếp để triệu tập phiên họp của CAC sớm hơn để CĐ có thể tham dự. Vài ngày sau, SBS báo cho CĐ biết là phiên họp của CAC đã được dời lại sớm hơn 2 tuần, tức là vào ngày Thứ Hai 17/11, và chúng tôi quyết định nhận lời mời đến dự phiên họp đó.
Cuộc gặp gỡ với Ban Giám Đốc SBS kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Trở ra ngoài thì đã quá 12 giờ trưa, tôi thay mặt cho phái đoàn của CĐ tường trình cùng đồng bào diễn tiến buổi họp. Tiếng hô đả đảo SBS-TV rền vang, tất cả đồng bào đều bừng bừng khí thế, nhất định sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến cùng. Đặc biệt trong cuộc biểu tình này đã có sự tham dự và phát biểu của đại diện tất cả các tôn giáo chính: Thượng Tọa Thích Quảng Ba thuộc Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất Hải Ngoại Úc Châu-Tân Tây Lan, Linh Mục Chu Văn Chi đại diện Công Giáo VN tại NSW, ông Nguyễn Văn Bán Chủ tịch Hội Đồng Cao Đài Giáo, ông Nguyễn Văn Paul thuộc Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại Úc Châu. Các vị Chủ tịch CĐ Liên bang và các TB, hai bạn Hương Thảo và Anh Quân đại diện giới trẻ đã phát biểu trước đám đông, tất cả đều biểu lộ sự bất bình đối với hành động sai trái của SBS-TV, và nêu cao quyết tâm tranh đấu. Về phía các vị dân cử có Dân biểu LB Michael Hatton, Nghị sĩ tiểu bang NSW Peter Wong cũng lên diễn đàn bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cuộc tranh đấu của CĐ.
Cũng trong thời gian biểu tình, nhiều lúc tôi đã phải ra một chỗ tương đối khuất để trả lời những cuộc phỏng vấn qua điện thoại của nhiều đài phát thanh Úc. Tôi rất mừng vì như vậy là cuộc tranh đấu của CĐ người Việt đã có tiếng vang trong cộng đồng Úc nói chung, và những dịp như thế này là cơ hội tốt để trình bày vấn đề của mình, tranh thủ thêm sự ủng hộ của quần chúng Úc.
Cuộc biểu tình lần đầu này, theo ước tính của cảnh sát thì có khoảng hơn 3000 người tham dự biểu tình, nhưng con số người thực sự phải đến 5, 6 ngàn người, bằng chứng là hơn 3 ngàn lá cờ cầm tay do đài VNUC và mấy ngàn quả bong bóng do đài 2VNR thực hiện đã hết vèo, khiến không còn cờ và bong bóng để phát cho rất nhiều người trong đoàn biểu tình đến muộn.
Vào lúc 2 giờ trưa, tôi lên micro tuyên bố chấm dứt cuộc biểu tình, ca ngợi tinh thần của đồng hương tham dự, đặc biệt là tinh thần kỷ luật và giữ gìn trật tự khiến không hề có sự kiện đáng tiếc nào xẩy ra. Tôi cũng nhắc nhở mọi người phải chuẩn bị tâm tư để trường kỳ tranh đấu, bởi trận đánh sinh tử của chúng ta chỉ mới bắt đầu, còn lâu dài và sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Sau cùng, tôi kêu gọi đồng hương hãy giúp Ban Tổ Chức lượm sạch tất cả rác rưởi tại khu vực biểu tình để chứng tỏ tinh thần trách nhiệm và giữ cảm tình với cư dân Úc. Đám đông đã hưởng ứng lời kêu gọi này, và mọi người đều tự động nhặt rác dưới chân trước khi ra về trong trật tự, vừa đi vừa hát vang bài "Việt Nam, Việt Nam".
Viên Thanh Tra Cảnh Sát tên Sam Evatt phụ trách giữ gìn an ninh cho cuộc biểu tình đã đến gặp tôi ngay sau đó và biểu lộ sự cảm phục của ông ta đối với tinh thần thượng tôn pháp luật của CĐ người Việt. Ông ta nói đã phục vụ trong ngành Cảnh sát trên 20 năm, và đã từng giữ an ninh cho hàng chục cuộc biểu tình của nhiều sắc tộc, nhưng chưa từng thấy có CĐ nào giữ được trật tự và kỷ luật như CĐ người Việt. Ông ta bảo tôi: "Ông xem kìa, khu vực biểu tình bây giờ còn sạch sẽ hơn trước khi đoàn biểu tình đến! CĐ của các ông thật tuyệt vời!" Tôi nói với ông ta rằng: "Cứ xem thái độ ương ngạnh của SBS-TV, thì có lẽ CĐ chúng tôi sẽ phải trở lại đây biểu tình thêm nhiều lần nữa, và mong rằng cảnh sát Artarmon sẽ tiếp tục cộng tác với CĐ để mọi sự diễn ra tốt đẹp như bữa nay". Ông ta mau mắn trả lời: "You're welcome anytime!"
Câu trả lời của ông Evatt làm tôi vừa xúc động, vừa buồn cười, vì việc trông coi an ninh cho một cuộc biểu tình nhiều ngàn người dĩ nhiên không phải là việc dễ dàng và chắc chắn mang lại nhiều lo âu cho người chịu trách nhiệm, thế mà ông ta lại vui vẻ mời CĐ trở lại biểu tình bất cứ lúc nào! (Còn tiếp…)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.