Hôm nay,  

Kỹ Nghệ VN Giảm Bất Ngờ

17/04/201700:00:00(Xem: 2451)
HANOI -- Các ngành công nghiệp đang suy giảm một cách bất thường...

Báo Lao Động cho biết đó là nhận định do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại “Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2017” vừa công bố chiều ngày 10.4.2017. Theo VEPR, hầu hết các ngành công nghiệp trong quý I/2017 suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng.

Bản tin báo Lao Động ghi rằng theo VEPR, giá trị GDP ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung. Trong quý I/2017, do tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất cảng của “đại gia” này khiến GDP quý 1 chỉ đạt 5,1% (thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây).

Trong đó, sự suy giảm tăng trưởng quý I đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong hai năm 2015-2016. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh, làm giảm 0,76 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế quý I. Tính chung lại, ngành công nghiệp chỉ tăng trưởng 3,85% trong quý I, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.

Mặt khác, theo nhận định của VEPR, mặc dù thương mại tăng trưởng cao nhưng xuất cảng vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng. Đặc biệt, khuynh hướng tỉ trọng xuất cảng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%/năm. Điều này cho thấy khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.


Không chỉ các ngành công nghiệp lao dốc bất thường, việc xuất cảng với giá trị gia tăng thấp… cũng đang là nguyên nhân khiến tăng trưởng của Việt Nam bị lệ thuộc vào các “ông lớn” như Samsung.

Trong khi đó, báo Dân Trí ghi nhận đầu tư vào Việt Nam đang suy giảm...

Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm, qua lượng FDI giải ngân cũng như dòng vốn đăng ký mới. Có thể nói, lợi thế thu hút đầu tư nhờ TPP bị mất đi, và Việt Nam đã và đang khiến những bất lợi trong quá trình hội nhập AEC được bộc lộ rõ hơn.

Bản tin Dân Trí ghi lời TS Nguyễn Đức Thành khẳng định: "Tôi thấy rõ thực tế, khi có TPP, người ta nói nhiều đến vốn FDI vào Việt Nam nhờ TPP. Nhưng sau khi TPP sụp đổ, theo tìm hiểu của tôi, nhiều DN Nhật Bản, trong đó có liên doanh ô tô đã xem xét rất kỹ môi trường kinh doanh ở Indonesia để chuyển địa điểm kinh doanh từ Việt Nam sang. Điều đó chứng tỏ, khi TPP mất đi, Việt Nam mất đi tính cạnh tranh khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”.

Theo VEPR, trong quý I, chỉ số mua hàng (PMI) của Việt Nam được cho biết cao hơn cả Thái Lan, Philippines. Song chớ vội mừng bởi chỉ số PMI chỉ tính toán dựa trên kết quả khảo sát 400 DN trong lĩnh vực sản xuất.

Trong khi đó, khảo sát điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện lại cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.