Hôm nay,  

Putin Ngồi Trên Lửa

26/02/200500:00:00(Xem: 4719)
Chuyến Âu du của Tổng thống Mỹ đã kết thúc, với kết quả 1-0 trong trận đấu Bush-Putin. Tổng thống Nga có thể không ngồi được lâu vì chuyến đi…
Sau này, các sử gia có thể viết lại, rằng số phận của Chủ tịch Mikhail Gorbachev và Liên bang Xô viết không kết thúc với cuộc đảo chánh tháng Tám năm 1991 mà khởi sự sớm hơn, từ thượng đỉnh lạnh lẽo với Tổng thống Ronald Reagan tại Rekjavick của xứ Ireland trung lập vào tháng 10 năm 1986.
Cũng vậy, sau này, các sử gia có thể nhận định rằng số phận Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga đã được quyết định tại Bratislava của xứ Slovakia trung lập sau thượng đỉnh với Tổng thống George W. Bush vào ngày Thứ Năm 24 vừa rồi. Vấn đề là sau đó, Liên bang Nga sẽ đi về đâu"
Trên bề mặt, thượng đỉnh Bratislava có vẻ là một thành quả ngoại giao tốt đẹp cho đôi bên. Hai nhân vật Bush và Putin nói chuyện với sự tương kính và chân tình của hai người bạn, hai đối thủ ngang tài và thẳng thắn. Truyền thông Hoa Kỳ nhấn mạnh đến thành quả ấy: hai bên đồng ý với một số sáng kiến quốc tế, như phải hạn chế phố biến võ khí tàn sát, hoặc về một số hồ sơ nóng, như Bắc Hàn và Iran không nên chế tạo võ khí nguyên tử, hoặc nhu cầu vãn hồi hòa bình tại Trung Đông (hồ sơ Palestine và Israel). Về đề tài được truyền thông chú trọng là dân chủ hóa tại Nga, dư luận nhấn mạnh đến việc Tổng thống Bush nói thẳng quan điểm của mình trong khi Tổng thống Putin khẳng định là Liên bang Nga không thoái lui về chế độ độc tài và dứt khoát dân chủ hóa theo những điều kiện đặc thù của mình. Kết thúc thượng đỉnh, Tổng thống Bush hứa hẹn sẽ yểm trợ việc Liên bang Nga gia nhập tổ chức WTO và hai Tổng thống đồng ý sẽ gặp nhau nhiều lần trong năm nay, gần nhất là vào tháng Năm tại Moscow, nhân lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng của Liên xô chống Đức quốc xã.
Hôm sau, thông tấn xã Reurters còn loan tin Tổng thống Putin tỏ vẻ hài lòng về thượng đỉnh Bratislava.
Đó là trên bề mặt, và xuyên qua những tường thuật và nhận định của truyền thông.
Thực tế có lẽ lại không tốt đẹp như vậy.
Hai bên không đề cập đến Syria và việc Nga có thể cung cấp hỏa tiễn cho xứ này. Về hiểm họa nguyên tử tại Iran, hai bên không có sáng kiến gì cụ thể. Thượng đỉnh cũng không nói gì đến thế hợp tác Nga-Hoa (để chống Mỹ). Quan trọng nhất, Tổng thống Bush còn mặc nhiên khích động hoặc sách động dư luận - tại Nga và trong vùng ảnh hưởng của Nga, cụ thể là với xứ Belarus- về tiến trình dân chủ hóa, lần này với sự biểu đồng tình của Âu châu. (Chỉ riêng Thủ tướng Đức tỏ vẻ tế nhị hơn: trái với Anh hay Pháp, nước Đức muốn duy trì quan hệ tốt với Nga, như một vùng ảnh hưởng của mình, và Thủ tướng Schroeder tránh nặng lời với Putin.)
Nếu xét tới quan hệ Mỹ-Nga hoặc Bush-Putin về thực tế, ta thấy Bush đã đẩy Putin vào chân tường khi yêu cầu Nga phải trở thành một nước dân chủ như Âu châu. Hoặc hiện đại hóa bằng cách Tây phương hóa. Lý luận này phù hợp với chiến lược đối ngoại được ông Bush thông báo trong bài diễn văn nhậm chức và phúc trình về Tình hình Liên bang.
Nhưng, nhìn từ quan điểm quyền lợi của Nga hoặc vị trí của Putin, lời kêu gọi ấy là một sức ép nguy hiểm.
Dư luận Tây phương (Âu và Mỹ) cho rằng việc các nước Cộng hòa như Serbia, Georgia và gần đây nhất Ukraine đã tiến lên chế độ dân chủ mà không gây đổ máu là một cuộc cách mạng ("cách mạng tím" như tại Iraq, "cách mạng hồng" như tại Đông Âu, "cách mạng cam" như tại Ukraine, theo lối ví von của Bush). Đối với Putin và Liên bang Nga, đấy chỉ là sự bành trướng của Tây phương, là tiến trình Âu hóa vùng ảnh hưởng của Nga, dưới sự điều động và yểm trợ của Hoa Kỳ. Nói theo giọng Hà Nội, đấy là âm mưu "diễn biến hòa bình". Nhìn từ nước Nga ra thì trong vùng đất trước đây thuộc Liên bang Xô viết mà đòi thay đổi giới lãnh đạo độc tài và thân Nga với các lãnh tụ dân chủ và thân Tây phương hơn là một kế hoạch bành trướng thâm độc.

Ta có thể hiểu tâm lý ấy của Putin khi nghĩ đến trường hợp Việt Nam: lãnh đạo Hà Nội ngày nay cũng coi việc kêu gọi dân chủ và tổ chức bầu cử tự do là âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, khiến họ mất hết cả quyền lẫn lợi. Dù ông Putin không đơn giản đến thế, nhiều nhân vật khác tại Nga có thể vẫn kết luận như vậy và họ không hài lòng về khả năng lãnh đạo của Putin. Chúng ta đang trở lại chuyện Reykjavick, hoặc "hội chứng Bratislava".
Thượng đỉnh Bratislava thực ra không làm thay đổi hay cải thiện quan hệ Mỹ-Nga nhưng đẩy Putin vào chân tường, trong khi sau lưng Putin, người ta đang nhìn thấy mầm mống nội lọan. Hoặc nguy cơ đảo chánh.
Đối với dân Nga bình thường, tiến trình cải cách tại Nga dưới các triều đại Yeltsin và Putin có khi chỉ là màn làm thịt doanh nghiệp nhà nước và đem lại lợi lộc cho một thiểu số, các đại tài phiệt và cựu đảng viên cộng sản. Một số khuynh hướng quốc gia và cả cộng sản còn cho rằng đấy là âm mưu bóc lột của tư bản Tây phương, làm nước Nga kiệt quệ và trở thành chư hầu của Mỹ. Nhiều tướng lãnh trong quân đội còn cho rằng Putin đã nhượng bộ Tây phương và Hoa Kỳ quá nhiều, chẳng hạn như việc phối hợp kiểm soát để ngăn ngừa phổ biến võ khí nguyên tử chỉ là âm mưu của Bush nhằm kiểm soát quân đội Nga, chứ sĩ quan Nga làm gì đặt chân qua Mỹ để xem võ khí nguyên tử tại Mỹ có thể bị đánh cắp hay bán lậu cho quân khủng bố hay các chế độ hung đồ"
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều phe nhóm Nga đều bất mãn với hiện trạng sau ba năm lãnh đạo của Putin. Và họ bắt đầu lên tiếng, bắt đầu tổ chức biểu tình phản đối, hoặc công khai ra thông cáo kêu gọi chống đối Putin.
Trong hoàn cảnh chung, về mặt quốc tế lẫn về hiện tình Nga, Tổng thống Bush có thể cần tới sự yểm trợ của Putin (để giải quyết các mối lo xuất phát từ Trung Quốc, Bắc Hàn, Iran, Syria hay các nhóm Hồi giáo cực đoan) và vì vậy, cần củng cố tư thế nội bộ của Putin bằng lời lẽ ôn hòa hơn, hoặc một vài nhượng bộ biểu kiến, để Tổng thống Nga trở về với một vài thành quả. Đằng này, ông Bush không lùi mà còn tiến mạnh hơn và quan hệ đôi bên chẳng những không được cải thiện nhờ thượng đỉnh mà có khi Putin còn bị tấn công từ sau lưng.
Vì sao lại như vậy" Chẳng lẽ chính quyền Bush không hiểu ra sự thể ấy tại Liên bang Nga"
Người ta không quên là nội các mới của Tổng thống Mỹ có một chuyên gia thượng thặng về Nga, đã từng góp phần làm Liên xô sụp đổ và làm Cố vấn An ninh cho Bush trong bốn năm liền. Đó là đương kim Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Bà nắm vững tình hình Liên bang Nga hơn là chúng ta hay truyền thông nói chung có thể biết. Bên lề thượng đỉnh Bratislava, chính Condi Rice chứ không phải Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumfeld đã ký kết văn kiện chung với Tổng trưởng Quốc phòng Nga!
Chính quyền Bush có đặc tính là táo bạo và lỳ lợm thi hành những quyết định mà đa số cho là ngược đời và bất lợi. Cách ứng xử với Liên bang Nga và riêng với Putin có khi cũng thuộc loại quyết định tương tự. Vì vậy, tương lai chính trị của Vladimir Putin có khi đã được chính quyền cân nhắc và định đoạt.
Vấn đề là sau khi Gorbachev bị đảo chính hụt cũng vì bị các tướng lãnh và đảng viên cho là nhượng bộ Reagan quá nhiều thì đảng Cộng sản Nga tan rã, Liên xô sụp đổ và Liên bang Nga thành hình. Lần này, một nước Nga "hậu-Putin" sẽ ra sao, chưa ai biết rõ. Nếu có tò mò thì có lẽ phải theo dõi đường đi nước bước của Condi Rice hay các nhân vật "thân Mỹ" trong vùng ảnh hưởng của Liên bang Nga. Một đề tài thời sự cực kỳ hấp dẫn….

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.