Hôm nay,  

Chuyện Dài Dài Thẩm Mỹ: Nhớ Nhà Ngày Tết...

21/01/201700:00:00(Xem: 1967)
Mấy ngày giáp Tết trong tiệm chị Ngà ai nấy đều có vẽ bồn chồn chờ đợi. Mà in như ai cũng bận rộn công ăn việc làm cho nên không thấy ư hử chuyện bếp núc ngoài một lần chị Ngà rủ cả đám đi chợ hoa trên đường Bolsa chơi, mua vài chậu lan màu trắng màu hồng trang nhã, vài chậu cúc đại đóa màu vàng tươi rực rỡ về chưng cho vui nhà.

Chị Ngà bồi hồi, mơ màng những chuyện xửa xừa xưa … như sống lại những ngày giáp Tết.

... chuyện nhớ nhà, nhớ quê hương. Mà lạ, bên này mình có nhà cửa đàng hoàng, còn bên kia, nhà còn đâu, sao cứ nhớ nhà ở bển hoài.

*

Cứ mỗi năm gần Tết là nhớ về quê nhà, bên Việt Nam đó. Trong lòng rộn rịp, nôn nao hay lâng lâng trộn lẫn vào nhau. Nhớ không khí hơi lành lạnh, và nhất là gần ngày nghỉ Tết bỏ hết chuyện học hành qua một bên để tính toán, nào là đi mua quà cho Thầy, Cô, nào là làm bích báo, và làm tiệc tất niên.

Tui còn nhớ năm đó trong lớp tụi nó chia ra, nhóm văn chương chữ nghĩa lai láng thì làm bích báo, nhóm khéo tay thì trang hoàng lớp, còn nhóm tui chắc hay ăn vụng trong lớp cho nên được thủ nhiệm vụ gom tiền đi mua bánh mứt. Quá đã, "tự dì" được cho giờ công khai đi "mua sắm" mờ. Trong nhóm nầy có Mỹ, Thảo, Nhiều và …tui. Bây giờ nghĩ lại chắc tụi nó lựa nhóm tui đi cho khuất mắt để tụi nó yên ổn làm báo khỏi bị phá hay làm bộ… phê bình.

Từ trường Trung Tiểu học Trung Thu nằm trên đường Thành Thái đi bộ ra chợ Bến Thành đâu có gần, mà đi cả đám bốn đứa, nếu đi xe lam thì thâm vô tiền mua mứt cho lớp nên rủ nhau đi bộ. Trời ơi, cả tiếng mới tới. Trước khi đi chợ cả đám dặn nhau đem theo tiền túi để ăn hàng trước, ba chiện mua mứt tính sau.

Tới chợ Bến Thành, đứa này thì gỏi đu đủ tôm thịt, đứa nọ thì xề bên kia bánh ướt nem chua, đứa thì đứng cắn bò bía… ôi thôi hầm bà lằng trong bụng, trước khi đứng lên còn "dọng" thêm một ly đậu đỏ bánh lọt nữa.

Hỏng biết lúc đó tui để dành làm sao mà lúc nào cũng có tiền rủng rỉnh trong túi, đứa nào hỏng đủ thì tui cho mượn, ăn trước, chuyện khác tính sau. Lo xong phần bao tử no nê đầy bụng rồi, bây giờ tới phần chánh là mua bánh mứt. Tiền hùn thì ít xỉn, mà tụi nó dặn phải mua đủ thứ, mứt dừa, mứt me, mảng cầu, chà là, v.v... Tính sao đây. Cái màn nói thách trên trời của mấy bà bán hàng chợ Bến Thành hỏng đứa nào dám trả giá hết. Cả đám đẩy qua con Thảo vì nó lanh nhất để nó trả giá, trả một tiếng bả… bán, thấy lầm rồi nên cũng biết khôn, mua 1 gram thôi.

Bà bán hàng vừa cân vừa lầm thầm trong miệng "Tưởng gì mua có 1 gram mà cũng trả giá cho dữ… mấy con nhỏ này".

Đi qua hàng khác lại màn trả giá, vừa trả vừa run, sợ chúng chửi. Rốt cuộc cũng mua được đủ thứ, mỗi loại nửa ký. Riêng mứt dừa thì phải nhiều hơn mấy thứ kia vì nhiều người thích.

Vậy là xong trách nhiệm được giao phó.

Bây giờ nói về cái Tết bên Mỹ đây, cũng có chợ đêm, chợ hoa, cũng đầy đủ Mai, Lan, Cúc, Trúc, cũng bánh mứt ê hề, cũng có đầy mâm ngũ quả. Ba ngày Tết có diễn hành xe hoa, có múa lân lì xì, ông địa phe phẩy cây quạt. Trong Hội Chợ Tết có dựng cái nhà lá kê cái lu giống bên quê nhà mình (cái nhà này tui thích nhất), có màn thi hoa hậu phu nhân, hoa hậu con gái và hoa hậu con nít đầy đủ tiết mục già trẻ bé lớn, về văn nghệ tân cổ có đủ, có luôn võ thuật. Hay nhứt là cái màn mấy em nhỏ xíu cầm sớ Táo Quân đọc tiềng Việt rót rót thấy thương. Nhưng cái không khí nó vẩn còn… thiêu thiếu cái gì đó. Thiếu không khí Việt Nam.

Nhớ hồi xưa, lúc gần Tết tui khoái nhất là cái màn xách giỏ ra chợ với má mua toàn là thức ăn cho mấy ngày Tết, nhất là củ kiệu, dưa hành để làm chua trước ba ngày cho ngấm, cuốn bánh tráng với thịt kho dưa giá và bánh tét trong mấy ngày Tết thiệt là ngon. Nhưng mà ghét nhứt là cái màn lột cả rổ củ hành hương. Nó nhỏ xíu mà cay mắt muốn chết. Bây giờ ngồi đây nhớ lại "ủa" mà sao năm nào cũng có mình tui với má ngồi lột củ kiệu với củ hành hương hết ta, còn mấy bà chị đi đâu hết vậy cà? tết nầy phải hỏi cho ra lẽ.

Ngày ba mươi, bận rộn cách gì! Nào là cúng quãy, chuyện của má, nào là quét dọn nhà cửa, chuyện này Năm Sira lo, là tui đó. Phận sự treo màn có chị hai lo. Treo cờ vàng mới tinh là chuyện của ba lo. Mấy đứa em hông kể, còn chị ba nhăn, chị tư điệu, lúc đó ở đâu ta ?. Hai bà này mà vô Hải Quân làm thợ "LẶN" được lảnh "CÚP" là cái chắc!

Làm gì thì làm cũng phải cho xong trước Giao Thừa.

Thường thường ba má kiểm soát một vòng trong nhà coi có sạch sẽ không, vì ba ngày Tết không được quét nhà, vụ nầy ba má kỷ lắm. Xong rồi mới chuẩn bị bàn thờ cúng đêm 30. Chuyện cúng Giao Thừa là phần của Ba, rất trịnh trọng. Ba kê bàn hương đèn ngoài sân, ngay trước cửa nhà. Trên bàn có bình bông tươi, thường là bông vạn thọ, hay bông huệ ta thơm phứt, trái dừa tươi, dĩa mứt đủ thứ, nước trà, nước lọc, nhang, đèn cầy phải đủ cặp màu đỏ cho hên. Nhất là hai cây mía thiệt đều nhau dựng ở hai bên bàn cúng, với ngọn được cột dính giao đầu nhau.

Chị em tui lúc này mới sửa soạn thay quần áo mới để… đi ra đi vô, coi ba má sắp đặt, chắc trong lòng đứa nào cũng nôn nao. Lúc ba má cúng là tui chạy tới chạy lui rồi chạy tọt qua nhà hàng xóm rủ mấy đứa bạn đi coi nhà nào đốt pháo trước, đứng bịt lổ tay dòm. Sợ pháo gần chết mà cứ hay đi kiếm để tụi "con chai" đốt liệng vô chân la bài hãi rồi chạy, làm cho đám "con chai" ôm bụng cười rồi canh me làm tiếp. Đêm Giao Thừa thức gần sáng đêm vì ba má và mấy người lớn còn đi chùa hái lộc đầu năm nữa. Cũng có năm đám con nít được đi theo. Ba má tui tin chuyện hái lộc đầu năm nầy lắm.

Sáng mùng một, chị em tui thức thiệt sớm để diện bộ đồ mới mà tối hôm qua chưa có mấy người thấy bộ đồ chiến này, đi ra, đi vô, cắn hột dưa. Cái màn kế tiếp mà tụi tui khoái nhất là LÌ XÌ. Quần áo mới, tiền mới thơm mùi... tiền mới.

Đầu tiên là ba má lì xì, xong là tiếp dọn mâm cúng chay. Nguyên ngày mùng một ăn chay, mùng hai trở đi mới ăn mặn. Má sắp dọn cúng mời Ông Bà về nhà chơi ba ngày Tết với con cháu. Mỗi ngày, nhang và đèn trên bàn thờ Tổ tiên hổng được tắt suốt mấy ngày Tết rất ấm cúng. Bàn thờ Tổ Tiên được chưng dọn sáng rực rỡ với bộ lư đồng, hai trái dưa hấu phải thiệt tròn trịa, có dán tấm giấy đỏ viết chữ Tàu, chắc là chữ Phước và chữ Lộc. Má cúng ngày ba lần, liên tiếp trong ba ngày. Má dặn đám con không quét nhà, không gây lộn, chỉ ăn với cười thôi, cũng khỏi rửa chén luôn, Má làm hết. Chắc ba má khoái nhất là mấy ngày này vì đám con biết nghe lời.

Mùng hai, mùng ba trở đi bà con, hàng xóm bắt đầu lai rai tới chúc Tết, lì xì. Ba má nói mùng một mình không nên tới nhà người khác "xông đất", rủi trong năm có gì không may xảy ra thì người ta "nhớ tới mình" thì mệt, trừ phi người ta "mượn" mình tới xông đất dùm.

Tui khoái nhất là dì Bảy mà mấy chị em tui kêu là Má Bảy, trong gia đình tui, tất cả mấy dì tui đều kêu bằng Má hết. Má Bảy phốp pháp, vui tánh. Má ưa nói đứa nào chúc hay và dài thì được lì xì nhiều, mà phải khoanh tay lại đàng hoàng. Nghe chúc Tết xong Má Bảy cười ha hả rồi móc túi kéo mấy bao đỏ ra, nên mùng hai năm nào tui cũng tính sẳn mấy câu dài thiệt là dài để chúc cho riêng Má Bảy. Má Bảy buôn bán quanh năm không nghỉ ngày nào, nên vào dịp Tết, sau màn đi lòng vòng ngày mùng hai lì xì cho hết thảy mấy đứa cháu xong là Má Bảy bắt đầu ngồi sòng tứ sắc luôn cả ngày đêm cho hết mấy ngày Tết. Má Bảy lựa một ngày tốt mở cửa hàng lấy ngày, xong tiếp tục ngồi sòng. Ai có cần gì thì cứ tới sòng tứ sắc thì gặp Má liền.

Mùng hai. Có tiền rủng rỉnh trong túi bây giờ kiếm chổ đi chơi. Đi sở thú coi thú. Năm nào cũng đi coi thú thì ít mà đứng ngồi làm duyên để chụp hình thì nhiều.

Mùa Tết trong sở thú có đủ loại bông hoa nở đẹp lắm, đủ màu sắc. Tui thích hết tất cả loại hoa trừ hoa Mồng Gà (ghét cay ghét đắng) mà sao ba tui cứ kêu đứng kế Mồng Gà mà chụp hình thành ra tấm hình nào Mồng Gà cũng đẹp hơn tui. Tui đoán chắc ba nghĩ Tết có sẵn quần áo đẹp, và bông hoa đủ màu sắc rực rở, tươi thắm thì hên cả năm cho nên dắt đám con la cà chụp hình ở sở thú cả ngày trời.

Tết nhứt có tiền bạc rủng rỉnh trong túi nên thiệt là vui. Tui khoái nhứt cái màn coi mô tô bay… cực kỳ nguy hiểm, hồi hộp, nín thở!!. mấy ngày Tết hay có biểu diễn. Mua vé vô cửa xong, được người hướng dẫn chỉ lên thang lầu. Kiếm được chỗ ngồi gần lan can, nhìn chung quanh thấy nhiều hàng ghế sắp từ thấp lên cao theo hình tròn (cái nhà này hình tròn, khán giả ngồi phía trên nhìn xuống giống như mình đi coi xiệc vậy, nhưng cái vòm này có chiều cao hơn bình thường nhiều. Từ trên nhìn xuống thấy chung quanh vách ván được đóng hơi lài lài từ phía dưới lên lần lần tới trên là thẳng đứng. Phía dưới là nền bằng xi măng, có chiếc xe mô tô dựng đó, kế bên cái kệ nhỏ trong góc.

Nghe tiếng còi thổi lớn là giờ bắt đầu, mọi người lồm chồm nhìn xuống phía dưới, thấy một người con gái nhỏ nhắn, mảnh mai, bước ra cúi đầu chào xung quanh bốn phía xong bước lại chỗ cái kệ nhỏ trong góc nhà, chấp tay lại và cúi đầu xá. Tôi nghĩ "chắc đây là bàn thờ Tổ của ngành mô tô bay", xong rồi cô ấy mới lấy cái nón sắt đội lên đầu, nhảy cái thoắt lên xe bắt đầu nổ máy. Tiếng máy xe nổ bùm… bùm … thiệt là lớn làm sôi động hết cả một vùng. Mọi người nín thinh, mở lớn mắt ra coi. Cô ấy rồ ga lớn chạy một vòng chung quanh dưới thấp nhất, chắc cho nóng máy, một tay dơ cao chào mọi người, xong đảo thêm hai ba vòng nữa rồi rồ ga mạnh hết cỡ là bắt đầu phóng lên cao thật nhanh chạy theo vòng tròn từ thấp lên cao… lên tới gần lan can chỗ khách ngồi rồi vòng trở xuống cũng theo vòng tròn lập đi lập lại mấy vòng. Có lúc tui giựt nẩy mình, có cảm tưởng như cô ta sắp rớt ra khỏi xe vì cái độ nghiêng của xe.

Hú hồn!!!

Đó là lần đầu mà cũng là lần duy nhứt tui được đi coi mô tô bay với cả nhà.

Sáng mùng ba. Ba má đem mấy chị em tui ra thăm ông Tỉa, bà Ý ở đường Huỳnh Thúc Kháng Sài Gòn (ông dượng, bà dì kêu theo tiếng Hoa). Bên nội người Triều Châu nên nói toàn tiếng Tàu hông hà! mà tụi tụi thì hổng đứa nào biết nói hết thành ra thân bên ngoại hơn bên nội. Nhưng mà ba làm thành thông lệ nên mùng ba năm nào cũng phải đi thăm ông bà, và tụi tui cũng phải mặc áo đầm, chân mang giày bít, vớ trắng rất giống mấy "little chinese girls" nhưng đám con nít trong xóm thì kêu ngạo là “ê ê mấy con xẩm lai”

Gia đình ông bà nói chuyện với ba tui bằng tiếng Tàu vui vẻ lắm, còn tụi tui thì ngồi ngớ ra đó. Vậy mà ông Tỉa, bà Ý lúc nào cũng bắt ở lại ăn cơm tới chiều mới về. Nhà bà Ý lúc nào cũng có sẵn bánh ngọt rất ngon cho con cháu ăn.

Qua chiều mùng ba thì đi coi hát.

Lúc bước ra cửa nhìn tới nhìn lui coi có tụi “con chai” hông, sợ tụi nó liệng pháo vô mình. Nếu tụi nó bận hết thì mình yên tâm bước, còn nếu tụi nó đứng lấp ló đâu đó thì quay trở vô nhà chờ tụi nó đi mới dám bước ra khỏi nhà. Hổng biết tại sao lại đi coi hát dịp Tết, chen lấn mua vé, bị người ta đụng chỗ này… cạ chỗ kia…

Mấy cha đợi dịp chờ nước đục thả câu.

Về tới nhà là hết ngày mùng ba.

Qua mùng bốn. Ăn trưa xong, bày bộ Bầu Cua Cá Cọp ra, rủ luôn mấy đứa hàng xóm qua chơi. Vui thiệt là vui. Đứa thắng thì vui nhiều, đứa thua cũng hổng buồn, vì Tết mà, buồn thì xui suốt năm sao.

Tết bên này cũng có bộ Bầu Cua Cá Cọp nhưng cũng hỏng vui bằng lúc nhỏ bên quê nhà.

Ở thành thị qua mùng bốn, mùng năm là bớt đi không khí Tết rồi. Bắt đầu quét nhà, mà phải quét ngược vô theo lịnh của Ba, vì quét ra là sợ tiền cũng theo ra. Rác nhiều nhứt là xác hột dưa đo đỏ rải rác đầy nhà. Nhưng nếu ở dưới quê thì người ta còn ăn Tết lai rai tới hết cả tháng lận… Sướng thiệt.

Hơn bốn chục năm nay tui chưa từng có được dịp ăn cái Tết đúng nghĩa y như hồi còn nhỏ ở nhà với ba má và đông đủ chị em. Ước gì một hai năm nữa, tất cả mọi chuyện "xuôi chèo mát mái", tui sẽ đem mấy nhỏ trở về quê nhà vào dịp Tết để hít thở cái không khí Tết của năm xưa, cả ở thành thị lẫn thôn quê…

Mà lạ! Bên này mình có nhà cửa đàng hoàng, còn bên kia, nhà còn đâu.?

Sao cứ nhớ nhà ở bển hoài.

Chúc tất cả mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, tâm thần an bình và tài lộc dồi dào.

Năm Sira

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.