Hôm nay,  

Thủ Tướng Phúc: VN Lo Sụp Vì Nợ Công, Nếu Không Đổi Mới... Nợ Tới 1.039 USD/Người

12/01/201700:00:00(Xem: 3180)
HANOI -- Nợ công vượt trần... Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận như thế, và có thể có cơ kéo sụp đổ tài khóa quốc gia, theo tin VOA.

Trong khi đó, bản tin CafeF ghi lời Thủ Tướng Phúc rằng không đổi mới là chết.

Bản tin VOA ghi rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.

Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội hôm 6/1, thủ tướng được các báo trong nước trích lời cho biết tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm qua.

Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, bộ tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, theo VietNamFinance trích lời nói tại hội nghị này rằng nợ công “được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép” nhưng Thủ tướng Phúc lại thừa nhận rằng “nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép.”

VOA ghi rằng việc thừa nhận này của Thủ tướng Phúc được nhiều người hoanh nghênh trong đó có chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

"Tôi nghĩ cảnh báo của thủ tướng là đúng và thủ tướng nói thẳng ngay như vậy là điều rất tốt bởi vì lâu nay khi các cơ quan báo cáo đưa ra con số một cách chính thức về nợ công thường vẫn tính chưa hết và vẫn ngần ngại khi mà thừa nhận thực tế là nợ công của Việt Nam đã đến trần Quốc hội cho phép. Thậm chí thủ tướng nói thẳng là đã vượt trần nếu tính đủ. Tôi nghĩ thông điệp của Thủ tướng càng tốt vì những người làm việc ở Việt Nam nhất là trong hệ thống nhà nước cần phải hiểu rõ là nợ công trên thực tế đã vượt trần rồi."

Bà Lan, người từng là phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết “tính theo nhiều cách khác nhau, nhất là của các chuyên gia tính theo chuẩn quốc tế thì cho thấy nợ công ở Việt Nam đã lên rất cao.”


Trong khi đó, bản tin CafeF/Tri Thức Trẻ ghi rằng “Nợ công lên tới 94,8 tỷ USD: Mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ khoảng 23 triệu đồng.”

Tính đến thời điểm hiện tại, nợ công Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD, nợ bình quân là 1.039 USD/người.

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu The Global Debt Clock trên trang Economist.com, tính đến thời điểm hiện tại, nợ công Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD, tương đương 45,6% GDP, chia bình quân đầu người là 1.039 USD, mức gia tăng nợ là 9,3% /năm.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính Phủ khoảng 53,62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.

CafeF viết rằng:

“Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo trong giới hạn cho phép nhưng Thủ tướng trong phiên họp mới đây với cơ quan này đã nhắc lại việc tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc “nếu tính đủ thì nợ đã vượt quá trần cho phép”.

Do đó, người đứng đầu Chính phủ đã cảnh báo về “việc không tránh khỏi sự sụp đổ nền tài khoá quốc gia” nếu không chấm dứt được tình trạng trên.”

Đặc biệt, bản tin khác của CafeF ghi rằng trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sáng ngày 11/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu đích danh Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương... là những đơn vị giữ lợi ích cục bộ trong quy hoạch ngành.

Ông Phúc nhấn mạnh:

"Tư duy như vậy là sao, tôi đã nghe nhiều báo cáo và ý kiến. Tới đây, Chính phủ sẽ kiểm điểm vấn đề này các bộ liên quan, tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.