Hôm nay,  

SAIGON: Một Quả Trứng Phải Chịu 14 Loại Thuế và Phí

09/01/201700:00:00(Xem: 2970)
SAIGON -- Hiện nay, một quả trứng phải chịu 14 loại thuế và phí, đồng thời phải qua ít nhất 2-3 tay nhà buôn nên khi đến với người tiêu dùng, giá tăng nhiều so với giá gốc, theo báo Người Lao Động (NLĐO).

Tại Hội thảo diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo 2017 diễn ra vào cuối tháng 12-2016, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho biết, do tác động của chi phí sản xuất và chi phí trung gian vô lý chưa được khắc phục, hàng hóa trên thị trường bán lẻ vẫn đang đứng ở một mức giá cần phải có những điều chỉnh xuống cho phù hợp.

“Điển hình như trứng gà ở Vĩnh Phúc chỉ 20,000 đồng/chục, sau khi đi một đoạn đường 65km thì giá bán lẻ tại các siêu thị Hà Nội khoảng 43,000-47,000 đồng/chục. Điều vô lý này vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết, bởi một quả trứng phải chịu 14 loại thuế, phí và qua 2-3 tay nhà buôn”, ông Phú dẫn chứng và cho rằng trên thị trường, các hàng hóa khác cũng bị tình trạng tương tự.

blank
Giá một quả trứng bán đến tay người dân đã cộng trước 14 loại thuế, phí.

NLĐO dẫn tiếp ý kiến của chuyên gia Vũ Vinh Phú, cho biết tình trạng hàng hóa bị ép giá, ép cấp vẫn xảy ra với nhiều mặt hàng trong năm qua. Tại Đồng Tháp, 1 kg chanh tươi bán tại gốc được có 200-300 đồng/kg nhưng khi đó, bán ở Hà Nội và một số tỉnh khác là 20,000 -30,000 đồng/kg, gấp khoảng 100 lần so với giá gốc. Dừa Bến Tre cũng bị ép giá, giá bán lẻ tăng đến 2-4 lần so với giá thương lái mua của bà con tại vườn.


Ông Phú cho rằng nếu giảm bớt được các chi phí kinh doanh, giảm bớt một vài khâu trung gian vô lý thì giá cả những mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ giảm được 5-10%.

“Điều quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ phải nhận thức được là hiện nay họ đã hưởng lợi nhuận kinh doanh quá mức mà họ được hưởng. Cần đảm bảo lợi nhuận hợp lý trước hết cho khâu sản xuất, đó là cái gốc phát triển bền vững của xã hội”- ông Phú cho biết.

NLĐO nêu nhận định của chuyên gia Vũ Vinh Phú, rằng nhiều địa phương đã công bố sẵn sàng kềm giữ giá cả thị trường cho mùa Tết Đinh Dậu sắp tới, nhưng việc cam kết không tăng giá và đảm bảo chất lượng hàng hóa kinh doanh trên thị trường, đó là hai điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất.

“Bài học phục vụ Tết Bính Thân 2016 vẫn còn đó khi Hà Nội công bố có 32,000 tấn rau tham gia thị trường nhưng đến Tết thì rau, cà chua tăng 3-4 lần mà không thấy ai chịu trách nhiệm. Có số lượng hàng hóa lớn là tốt nhưng điều quan trọng là hàng hóa đó là của ai? Ai quyết định giá bán hàng hóa đó trên thị trường?”, ông Phú băn khoăn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.