Hôm nay,  

Cảm Xúc Tết Dương Lịch, Chờ Đón Xuân Ất Dậu – 2005

05/02/200500:00:00(Xem: 5124)
Trời mấy hôm nay trở gió. Rét đậm rét hại. Mùa xuân ất Dậu tới gần. Đã sang năm 2005. Năm tuổi của tôi. Cất tiếng oe oe chào đời đã được sáu con giáp. Da mặt răn reo, nhiều vết đồi mồi hiện lên cả mu tay. Già lão rồi!
Từ khi tướng Trần Độ mất, tôi không còn cảm hứng viết cảm nghĩ mỗi độ xuân về. Năm nay bỗng lại thấy rào rạt, như cây khô nảy mầm xanh. Cảm hứng đến bởi tại mấy câu thơ của Mãn Giác thiền sư đời Lý cách ta gần nghìn năm:
Dịch âm:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Cạn chén rượu độc ẩm. Người nóng lên. Mặt hồng hào mất hết vẻ xanh nhớt hàng ngày. Hồi ức lại cũng năm ất Dậu cách nay vừa đúng một hội. Một hội theo Kinh Dịch là 60 năm. Phải rồi! Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã đưa nước ta từ nô lệ thuộc địa, trở thành một nước độc lập tự do. Dân làm chủ. Cụ Hồ đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một cuộc đổi đời tưng bừng. Phố phường Hà Nội là một rừng cờ đỏ sao vàng. Lời ca khúc xao xuyến lòng người:
Người Việt Nam xin đừng quên
Hơn sáu mươi niên
Loài lang thú chuyên quyền
Róc xương thịt mình
Trời Việt Nam khốc tàn điêu linh.
Được ngày nay xin đừng quên
Muôn giới kết liên
Duy nhất ta hợp quần
Cương quyết ta một lòng
Vì giang sơn giống dòng......
Thế mà đã 60 năm! Một thoáng chốc! Những thiếu niên như tôi thuở nào, chạy theo đoàn người biểu tình, trèo hàng rào sắt vào chiếm Bắc Bộ Phủ năm 1945, nay tóc đã bạc trắng. Một cái búng tay của Đức Phật! Một sát-na!
Một sát-na mà đã biết bao thay đổi. Thế giới từ đối đầu chuyển sang đối thoại, rồi chung sống hoà bình, và bây giờ thì hội nhập toàn cầu. Liên Xô thành trì phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, kéo theo sự cáo chung của học thuyết Mác Lênin. Trung Quốc đưa ra học thuyết ba đại diện. Khủng bố thế giới đánh sập toà tháp đôi nước Mỹ, đẩy thế giới vào một hình thái chiến tranh chưa từng có trong lịch sử loài người: chống khủng bố toàn cầu. Kinh tế thế giới hình thành các liên minh khu vực. Con người chuẩn bị lên sao Hoả..vv..
Một sát-na mà ở Việt Nam cũng trải qua bao nhiêu biến cố. Hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Học thuyết đấu tranh giai cấp đã lộ rõ sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương nghiệp, vụ án Nhân văn-Giai phẩm, vụ án Xét lại-Chống Đảng... Thực hiện chuyên chính vô sản xây dựng xã hội chủ nghĩa sau 1975 đã đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm. Phải sửa sai bằng nghị quyết của Đại hôi VI (1986). Rồi chính sách khoán 10. Rồi kinh tế thị trường. Rồi đầu tư nước ngoài, cổ phần hoá, tư nhân hoá... mới vực được đất nước đứng dậy giống một người ốm nặng vừa bình phục còn run rẩy. Rồi phải tính thuốc men bồi dưỡng ra sao đây để cơ thể khoẻ mạnh hoàn toàn, có thể hội nhập với thế giới toàn cầu một cách bình đẳng.
Ba mươi năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, tính từ sau 1975, thiết tưởng chúng ta đã có thể rút ra những bài học xương máu:
1). Nên từ bỏ học thuyết Mác-Lênin, vì chính nó là nguyên nhân gây ra sự trì trệ của đất nước cho tới hôm nay. Nhiều nước theo học thuyết này đã từ bỏ nó, như Liên Xô và các nước Đông Âu. Trung Quốc cũng từ biệt nó theo kiểu của Trung Quốc, không còn nói đấu tranh giai cấp và bóc lột nữa, xác nhận quyền sở hữu tư nhân và kinh tế hàng hoá. Đảng Cộng sản Pháp và đảng Cộng sản Nhật cũng từ bỏ nó trong cương lĩnh của mình.
Học thuyết Mác-Lênin đã chứng tỏ sức mạnh tập hợp quần chúng đánh đổ chế độ bất công cũ, nhưng bộc lộ sự bất cập trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đổi mới.
Vậy nên thay nó bằng cái gì" Có thể bằng tư tưởng "Dưỡng sức dân" của Trần Hưng Đạo, có thể bằng tư tưởng "Thân dân" của Nguyễn Trãi, hoặc có thể bằng tư tưởng "Dân làm chủ" của Hồ Chí Minh. Chúng ta không thiếu những tư tưởng hay đẹp, có thể làm kim chỉ nam cho hành động, đủ khả năng hấp dẫn tập hợp quần chúng, lại không mang tiếng là ngoại lai, ngoại nhập.
Có người cho rằng, nhờ học thuyết Mác-Lênin ta đã làm cách mạng Tháng 8 thành công, kháng chiến chống Pháp thành công, kháng chiến chống Mỹ thành công. Cứ cho là như thế đi (vì có những người không cho là như thế, trong số đó có tôi) thì việc đó đã làm xong, nó nên được ghi công ơn và tôn thờ trong bảo tàng. Lịch sử đã bước sang đoạn đường mới, cần có những công cụ mới. Kinh Phật chép truyện: "Một người bơi thuyền qua sông. Nhờ nó mà qua được sóng to nước cả. Quý hoá nó anh ta cứ vác cái thuyền trên lưng như con rùa đội mai và than phiền không biết làm sao mình đi chậm... như rùa. Người qua đường thấy vậy bảo: "Bỏ quách cái mai rùa mà đi cho nhanh". Anh ta làm theo, quả đi nhanh thật".
Thiết tưởng câu chuyện ngụ ngôn của nhà Phật, vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta hôm nay.
2). Nên đổi tên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì 30 năm nay cụm từ này đã gây một ấn tượng hãi hùng trong lòng dân chúng. Những chứng cớ được ghi nhận trong nền văn học truyền khẩu dân gian. Xin đưa vài ví dụ:
"Xã hội chủ nghĩa được dân gian định nghĩa là xếp hàng cả ngày, là xuống hố cả nước, là xã hội chết ngáp ... Một cách chơi chữ đặc thù của tiếng Việt, láy lại những chữ đầu các từ Xã Hội Chủ Nghĩa. Này, có khi nào bạn nhìn con cá thiếu nước há mồm ngáp đợi chết, thì mới cảm nhận nổi hình ảnh ví von mang ấn tượng hãi hùng đến thế nào về xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Đừng cho nó là phản động. Nó có tác động thức tỉnh chúng ta.
" Chế độ bao cấp quan liêu phân phối từ miếng xà phòng, cái áo may ô, lưỡi dao cạo râu, chiếc kim sợi chỉ vá quần áo.... chi phối cuộc sống cán bộ viên chức nhiều năm, được ghi lại trong một vế mời thách đối: "Cái cứt gì cũng phân mà phân thì như cứt". Theo chỗ chúng tôi biết, hình như cho đến nay cũng chưa ai đối lại được. Câu đối lại cũng phải dậy mùi lên, từ ngữ chan chát như đao kiếm chạm nhau thì mới thú.
"Chế độ tem phiếu bìa A, bìa B, bìa C, bìa D ... được ghi lại trong bài ca dao:
Tôn Đản là chợ vua quan
Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần
Đồng Xuân chợ của thương nhân
Vỉa hè ấy chợ nhân dân anh hùng.
Xin giải thích với bạn đọc hôm nay một chút. Phố Tôn Đản là cửa hàng cung cấp bán cho loại bìa A, bìa B, cỡ trung ương uỷ viên, bộ trưởng, thứ trưởng. Phố Nhà Thờ có cửa hàng bán cho các cán bộ vừa phải, loại bìa C. Bìa D là cán bộ sơ cấp. Bìa E là dân thường. Còn những người không tem phiếu, được gọi là nhân dân anh hùng, thì sống bằng chợ vỉa hè.
Nghe nói bài ca dao này truyền đến tai cụ Hồ, sau đó cửa hàng Tôn Đản và Nhà Thờ đóng cửa.
"Nền kinh tế tập trung, công hữu hoá tư liệu sản xuất, luôn luôn hô hào mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba, được ai oán ghi lại trong bài ca dao:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài tậu xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho cán bộ dựng nhà xây sân
Chúng dân ngồi đứng tần ngần
Nghe lời cán bộ cái gân chẳng còn.
Thời nhà Chu xa xưa, đã thành lệ, hàng năm cử những viên quan chuyên trách đi về các nơi thôn cùng xóm vắng thu thập những bài hát, hò vè trong dân gian, nhà vua căn cứ vào đó, biết tâm tình dân chúng mà sửa đổi chính sách cai trị, sau này được gộp lại thành sách gọi là Kinh Thi. Một trong năm cuốn sách (ngũ kinh) mà sĩ tử ngày xưa phải học để sau ra làm quan.
Tôi cũng hy vọng rằng sẽ có những người sưu tầm ghi lại những truyện dân gian hôm nay, những tân tiếu lâm, tân ca dao, tân tục ngữ, để lãnh đạo rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo đất nước, cũng như để lại cho hậu thế mai sau muốn tìm hiểu dấu ấn của một thời. Một công trình đáng giá đấy, hay ho nữa, có lẽ sẽ chẳng thua gì công trình "Ca dao, tục ngữ Việt Nam" của ông Vũ Ngọc Phan tái bản lần thứ 6.
Vậy bỏ tên nước Xã hội chủ nghĩa thì thay bằng tên gì " Tên nước Xã hội chủ nghĩa mới được đặt ra từ thời ông Lê Duẩn cùng ông Lê Đức Thọ nắm quyền hành. Hồi ấy còn định thay cả quốc ca. Đã tổ chức những cuộc thi làm quốc ca mới. Không thành công, vì không được lòng dân. Nếu thành công sẽ còn thay đổi cả quốc kỳ nữa kia. Ông Duẩn muốn ghi tên tuổi mình vào lịch sử, đã thay đổi quốc ca, và nghe một anh quân sư quạt mo nào đó mách rằng, muốn lưu danh thiên cổ phải có học thuyết, một lý luận của riêng mình, nên đã cho ra đời cái lý luận "làm chủ tập thể" khá mơ hồ. Từ lâu chỉ có hai khái niệm rạch ròi. Cá nhân làm chủ tập thể thì là độc tài. Tập thể làm chủ, tức nhân dân làm chủ, thì là dân chủ. Cái học thuyết mập mờ của ông Lê Duẩn đã gây khó khăn cho các phiên dịch viên khi phải dịch ra tiếng nước ngoài trong những buổi giao tiếp quốc tế. Bây giờ chẳng còn ai nhắc đến nữa.
Phải chăng nên trở lại tên nước của thời Cách mạng Tháng 8, thời cụ Hồ cùng toàn dân giành chính quyền, đặt tên nước đã ghi trong Hiến pháp đầu tiên của chúng ta: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, với tiêu chí Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Thực ra, theo đúng văn phạm phải gọi là nước Cộng hoà dân chủ Việt Nam, như nước Cộng hoà Pháp, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa...vv... La République démocratique du Vietnam. Nhưng cụ Hồ đưa dân chủ lên trên là muốn nhấn mạnh cái sự dân làm chủ, niềm khao khát của người Việt Nam, nó khác với thân phận dân nô lệ dưới thời Pháp thuộc, và cũng khác với ý thức con dân, thần dân của thời phong kiến ngàn năm. Đúng là một cuộc đổi đời. Đúng là lật trang sử mới, một kỷ nguyên mới. Người dân bây giờ được làm chủ đất nước và làm chủ thân phận của mình. Không sung sướng sao được! Không mừng rỡ sao được!
Cho nên trở lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là đúng đắn nhất, hợp tình hợp lý nhất. Nó đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng của dân tộc từ 60 năm nay, lại phù hợp với sự tiến hoá của nhân loại bây giờ. Nhân loại sẽ tiến vào kỷ nguyên dân chủ toàn cầu cùng với sự hội nhập kinh tế toàn cầu. Những chế độ độc tài, phát xít, chuyên chính, rồi sẽ phải triệt tiêu trong dòng chảy của cuộc đời.
Vòng quay sau một hội đã trở lại. Nay đã là mùa xuân ất Dậu 2005. Nhưng nó không phải là vòng tròn trở lại điểm xuất phát. Nó là vòng xoáy ốc nâng cao. Xuân ất Dậu 2005 sẽ đưa chúng ta vào WTO, hội nhập toàn cầu. Đất nước sẽ có nhiều thay đổi lớn.
Trong không khí của mùa xuân mới, tôi còn một đề xuất thứ ba:
3). Sắp tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhân dịp này ta cũng nên đổi tên Hà Nội trở lại Thăng Long xưa. Cho ứng với khí tượng rồng bay. Vừa rồi ta đã dựng tượng Lý Thái tổ ở một vườn hoa đẹp nhất thủ đô. Lý Thái tổ đứng đấy để chứng kiến thủ đô sẽ bay lên, Việt Nam sẽ bay lên như một con rồng, đua nhau cùng những con rồng Châu á khác múa lược trên bản đồ thế giới.
Theo Kinh Dịch, âm dương cân bằng thì khoẻ mạnh, phát triển. Chúng ta có Hạ Long thì nên có Thăng Long, cho cân bằng âm dương, tạo đà cho sự phát triển của con dân nước Việt. Sự phát hiện ra hoàng thành cổ trong lòng đất Hà Nội không phải là không có nguyên do, theo những nhà tâm linh, nó là điềm báo cho một thời kỳ phục hưng đất nước. Hồn thiêng sông núi, linh khí của tổ tiên con Hồng cháu Lạc sẽ phù hộ độ trì cho con dân nước Việt tai qua nạn khỏi, sẽ chắp cánh cho con cháu bay lên trong khí thế rồng bay ở thế kỷ 21. Này bạn, ta hãy lắng nghe thanh âm : THĂNG LONG, ngữ âm phát ra như hai tiếng chuông thượng bình thanh vang vọng ngân nga trong thinh không đất nước hoà bình, trên những xóm làng êm ả bên cánh đồng xanh, cũng như trong lòng mỗi người dân Việt hai chữ an hoà.
Còn tên Hà Nội mới được đặt dưới thời Minh Mệnh (1819-1840). Lúc bấy giờ vùng đế đô Thăng Long bị hạ cấp xuống thành một tỉnh. Tỉnh Hà Nội , mang cái nghĩa là bên trong sông, chẳng có một điển tích nào cả. Phát âm thì bị chặn lại bởi một thanh trắc, loại hạ thanh (những tiếng có dấu nặng): nội, nghe như đóng nút lại, rất khó cho âm nhạc ca hát. Tiếp theo cái tên Hà Nội nặng trịch, thì mảnh đất Hà Nội liên tiếp những kỷ niệm đau buồn. Thất thủ Hà Nội lần thứ nhất (1873), Nguyễn Tri Phương bị thương, bị bắt, nhịn ăn không chịu uống thuốc mà chết. Thất thủ Hà Nội lần thứ hai (1882), Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn bên cây đa miếu liệt tổ liệt tông. Pháp vào đóng quân trong thành Hà Nội, đặt bót sở cẩm các phố phường Hà Nội và xây phủ Toàn quyền tại trung tâm Hà Nội.

Đẫ có vài cơ hội đổi lại tên Hà Nội. Đó là sau Cách mạng Tháng 8, dân chúng tự động đổi tên Hà Nội là thành Hoàng Diệu, đội tự vệ thành Hoàng Diệu, hội phụ nữ thành Hoàng Diệu, đội nhi đồng thành Hoàng Diệu ... Có cả một bài hát về thành Hoàng Diệu bấy giờ:
Hoàng Diệu hùng cường muôn năm!
Hoàng Diệu hùng cường muôn năm!
Hoàng Diệu từ xưa vang tiếng anh hùng
Hồ Gươm oai linh soi sáng núi Nùng
Nước sông Nhị Hà muôn đời sắc máu
Đống Đa lịch sử còn vang
Ôi năm xưa nơi cố đô Thăng Long
Bao nhiêu người hy sinh vì giống dòng
Đây mồ chôn sâu bao lũ xâm lăng
Giờ còn vang vang tiếng khóc câu than
Giờ còn nghe khúc khải hoàn nước Nam.
Nhưng năm nay quân thực dân Pháp khởi hấn
Bàu trời vang tiếng căm hờn
Quân dân nước Nam mau vùng lên giữ cơ đồ
Diệt tan loài phát xít dã man. Mau mau!
(Trở lại điệp khúc):
Hoàng Diệu hùng cường muôn năm!
Hoàng Diệu hùng cường muôn năm!
Nếu tôi nhớ không lầm thì nhạc và lời bài hát này của nhạc sĩ Phong Nhã. Ông còn lập ra đội thiếu nhi Hùng Cường gia nhập kháng chiến.
Sự tự động đổi tên gọi chỉ nói lên tâm trạng của mọi người không thích cái tên Hà Nội. Một vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam trong kháng chiến chống Pháp, có bài thơ, trong đó có hai câu:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Đất Thăng Long, người Thăng Long, vẫn được lưu truyền trong ngôn ngữ dân gian hàng ngày, hàng giờ.
Giới sử học cho biết, còn hai cơ hội nữa để đổi tên Hà Nội. Đó là dịp giải phóng thủ đô 1954. Theo giáo sư Trần Văn Giàu, bên sử học có đề đạt với Quốc hội, nhưng ông Trường Chinh trả lời, nhiều việc phải làm quá chưa để tâm tới được. Hồi ấy chưa giải phóng miền Nam.
Cơ hội thứ hai là sau 1975, đất nước thống nhất. Nhưng chẳng ai để ý đến lời đề nghị đó. Có biết bao nhiêu việc cũng cần phải làm sau khi đất nước liền một dải.
Đến bây giờ một dịp nữa tới, và có lẽ là cơ hội cuối cùng để đặt lại tên cho Hà Nội. Phải có dịp, phải vào dịp, chứ không thể bất cứ lúc nào cũng được. Đó là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới, vào năm 2010. Còn 5 năm nữa nếu tính từ bây giờ. Tôi tha thiết đề nghị các nhà sử học, các văn nghệ sĩ, cùng những người yêu quý thủ đô nghìn năm văn vật, hãy lên tiếng trên mặt báo chí, hãy tổ chức những buổi hội thảo, hãy đề đạt với Quốc hội soạn thảo văn bản đặt lại tên Thăng Long cho thủ đô. Công việc thì nhiều mà thời gian còn ít. Nhưng làm được điều này là điều đại thiện cho đất nước vậy.
Xin tiết lộ thêm, một nhà giáo dạy sử cho biết, những tên tỉnh như Hà Nam, Hà Tây, Hà Đông, Hà Bắc, Hà Nội...vv... bên Trung Quốc đều có cả. Ta ảnh hưởng của họ hay họ ảnh hưởng của ta" Câu trả lời không phải là khó. Nhưng Thăng Long thì chỉ Việt Nam có mà thôi.
Cụ Chu Văn An dạy: Kẻ sĩ phải nói những điều ích nước lợi dân.
Tôi mang tiếng là người đọc sách, cố noi theo tiền nhân, nói những điều ích nước lợi dân, không sợ thiệt hại đến bản thân, cũng không tính lợi lộc cho bản thân. Cỗi rồi, nói như ông Đỗ Phủ, là đã tới cái tuổi xưa nay hiếm :
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
(Người sống 70 xưa nay hiếm)
Sang xuân ất Dậu, biết bao nhiêu việc phải làm, biết bao khó khăn phải giải quyết, nhưng cũng biết bao niềm vui đang chờ đón.
Muốn chống tham nhũng kết quả, phải cho ngôn luận tự do, phải có báo chí tự do. Nhân dân mới chống được tham nhũng, chứ các quan chức nhà nước làm sao chống nổi tham nhũng. Lý do rất dễ hiểu. Chỉ các quan chức mới tham nhũng, chẳng lẽ mình lại chống mình.

Trước mắt, bước vào xuân mới, hãy giải quyết dứt điểm vụ Tổng cục 2 và T4. Như thế mới thu phục được lòng dân. Hãy giải oan cho những người bị vu khống, và trừng trị nghiêm khắc những kẻ thủ mưu. Công khai và minh bạch
Chúng ta cần phải tắm rửa con người cho sạch sẽ để bước vào hội nhập với toàn cầu, bước vào WTO trong năm ất Dậu.
Lúc này cần đoàn kết hơn bao giờ hết. Đoàn kết là sức mạnh. Cần có chính sách thu hút Việt Kiều ở hải ngoại trở về đóng góp dựng xây đất nước. Chia rẽ là chết. Lục đục là chết.
Việc đổi tên nước và tên thủ đô, nếu cần thiết, mở cuộc trưng cầu dân ý. Âu cũng là thực tập nếp sinh hoạt dân chủ ở nước ta vậy.
Viết đến đây thì nghe đài đưa tin: Con số người chết trong vụ động đất sóng thần tính đến hôm nay là 155 ngàn người. Mà chưa phải là con số cuối cùng. Xót thương thay! Con người vẫn chỉ là hạt bụi trước sức mạnh của thiên nhiên.
Vậy thì thù hận nhau mà làm gì! Giết chóc nhau mà làm gì! Hãy mở rộng tình thương yêu, vì cuộc sống đời người có hạn mà còn chịu biết bao tai ương: thủy, hoả, đạo, tặc, bệnh tật, già nua ...vv...
Nhưng trong hoạ có phúc. Nạn sóng thần đã làm nhân loại gần gụi nhau hơn, thương yêu nhau hơn, lòng nhân ái mở rộng, lòng thù địch bớt đi. Hầu hết các nước không bị nạn, đều chia sẻ đau thương, gửi hàng trợ giúp cùng đoàn cứu nạn, số tiền đã lên đến hàng chục tỷ đôla. Liên hiệp quốc đóng vai trò hô hào cứu trợ. Đúng là anh em một nhà. Đúng là em ngã chị nâng. Thế giới đã bước vào quỹ đạo kỷ nguyên hội nhập toàn cầu trên hành trình tiến tới của loài người.
Miên man suy cảm, đi đến nhà Hoàng quân, ông bạn văn chương, ngồi nhắp ly trà cúc nóng, ngắm nhìn cành đào nở sớm, mấy nụ hoa hàm tiếu chúm chím như môi trinh nữ, nhớ đến bài thơ của Thôi Hộ, có câu:
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
mà thi hào Nguyễn Du chuyển dịch là: "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông". Gió từ phương Đông thổi tới, gió ấm áp, làm muôn hoa đua nở, tức là mùa xuân đến rồi. Cổ văn còn gọi chúa xuân là Đông quân. Không biết cao kiến gì thi hào họ Nguyễn lại dịch là gió đông. Gây ra bàn cãi cho con cháu. Hay đấy là chủ ý của cụ thi hào, Truyện Kiều, hơn 200 năm nay rồi, con cháu vẫn say sưa đọc, say sưa bàn bạc, say sưa tranh cãi. Nó chưa bao giờ nằm im trong viện bảo tàng. Nó chứng tỏ sức sống của thi ca đích thực.
Cầu mong một cuộc sống tốt đẹp, để được đắm mình trong những áng thơ văn.
Thăng Long thành. Tháng 1-2005
Những ngày rét đậm. Đón xuân ất Dậu.
Hoàng Tiến, nhà văn
Địa chỉ:
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc - Hà Nội

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.