Hôm nay,  

TQ Quậy Căng Thẳng Biển Đông

24/12/201600:00:00(Xem: 2358)
BIỂN ĐÔNG -- Vẫn liên tục căng thẳng trên Biển Đông, bất kể đang tới những ngày lễ cuối năm...

Bản tin RFI ghi rằng Trung Quốc bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật đến đảo Phú Lâm, trong khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, sau khi sân bay tại đây được phê duyệt cho các hoạt động dân sự, Tân Hoa Xã cho biết tin này hôm thứ Năm.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, nơi qua lại của các thương thuyền quốc tế với lượng hàng hoá qua lại trị giá hơn 5 ngàn tỷ đôla mỗi năm.

Theo Tân Hoa Xã, chuyến bay đầu tiên đã cất cánh hôm thứ Tư từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc.

Cũng theo Tân Hoa Xã, chuyến bay đến đảo Phú Lâm sẽ bay mỗi ngày với giá vé một chiều là 1.200 nhân dân tệ (khoảng 172 đôla).

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, là nơi mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Năm 2012, Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa trên đảo này và biến nơi đây thành trung tâm hành chính để quản lý các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Sân bay Trung Quốc xây dựng trên đảo được sử dụng chung cho các mục đích quân sự lẫn dân sự. Tân Hoa Xã cho hay sân bay này đã được phê duyệt cho các hoạt động dân sự hôm thứ Sáu tuần trước.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc nói “Việc này sẽ cải thiện điều kiện sống và làm việc của cán bộ công chức và quân nhân cư trú tại thành phố Tam Sa”.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi nhận rằng đêm 23/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức phản đối hành động của Trung Quốc. Người phát ngôn Lê Hải Bình được trang mạng của Bộ Ngoại giao dẫn lời nói "Việc Trung Quốc khai trương đường bay hàng không dân dụng ra Phú Lâm là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" và "Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".


Việt Nam thường bị cho là khá chậm chạp trong phản ứng trước những hành động xâm lấn hay gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiến sĩ Jonathan London, giáo sư của trường đại học Leiden, Hà Lan, nói sự chậm chạp trong phản ứng của Việt Nam là một “đặc trưng”. Ông nói với VOA vào tối 23/12, lúc Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phản hồi gì sau gần 2 ngày báo chí đăng tải về động thái mới nhất của Trung Quốc:

“Không thể đoán là phía Việt Nam có lý do cụ thể nào để chưa phản ứng. Nhưng chắc là sẽ không có thay đổi gì trong quan điểm của Việt Nam. Có lẽ việc phản ứng chậm hiện nay, về bối cảnh lớn của tranh chấp thì có đang trong một thời điểm có lẽ phức tạp hơn so với những năm trước đây vì động thái của Tổng thống sắp bổ nhiệm Trump ở bên Mỹ còn chưa rõ ràng”.

Theo GS. London, trong các sự kiện diễn ra lúc này ở Biển Đông, có lẽ Việt Nam thường chờ đợi một phản ứng từ phía Mỹ trước khi đưa ra một phản ứng chính thức. Ông nói:

“Nếu Trung Quốc có những hành động cụ thể như thế này, thì chắc chắn trong những ngày tới sẽ có một phản ứng chính thức từ phía Mỹ. Cũng có thể Việt Nam đang muốn xem Mỹ phản ứng thế nào và nó sẽ tạo ra một cơ hội để Việt Nam góp ý. Bởi vì những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang rất gay gắt. Trong bối cảnh như thế thì vì quyền lợi, Việt Nam cũng sẽ từ từ và đánh giá những phương án một cách kỹ càng hơn”.

VOA ghi thêm:

“Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và Biển Đông cũng thừa nhận rằng các chuyên gia rất khó đánh giá chính xác các phản ứng của Việt Nam đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông do sự “thiếu minh bạch” và “phức tạp” trong mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.