Hôm nay,  

Một Cuộc Thí Nghiệm

13/01/200500:00:00(Xem: 5174)
Cuộc bầu cử Palestine đã diễn ra trong hòa bình và ổn định. Ông Mahmoud Abbas đã được bầu làm Chủ tịch chính quyền với một đa số lớn, ấn tượng tiên khởi cho thấy người dân Ả rập Palestine ủng hộ lời kêu gọi của ông nhằm mở lại hòa đàm với Israel, chấm dứt 4 năm đấu tranh bạo động đẫm máu. Để tránh đi vào ảo tưởng, tôi nghĩ đây không phải là một sự tiên tri mà cũng không phải là "một bước tiến lịch sử". Đây chỉ là một cuộc thí nghiệm nhỏ thôi vì còn nhiều khó khăn đang chờ ông Abbas. Việc đầu tiên ông phải làm là chấn chỉnh hàng ngũ nội bộ phong trào đấu tranh của người Palestine và hướng dẫn phong trào này đi đến một thế đấu tranh mới hiệu quả hơn trước, tránh những phương pháp quá tàn bạo như đánh bom tự sát chỉ gây phản ứng ngược như phẫn nộ và kinh tởm, làm chết lây đến thường dân.

Tổ chức đánh bom tự sát Hamas đã hô hào tẩy chay bầu cử, nhưng không thấy có bạo động, dù vậy cũng chỉ có hơn quá nửa cử tri ghi danh đi bầu. Ngoài ra các nhóm Thánh chiến như Islamic Jihad hay một bộ phận nhỏ của al Fatah cũng im lìm. Bầu cử là chuyện thông thường, nhưng tự nó không phải đã là dân chủ. Vấn đề chỉ là kết quả cuộc bầu cử có đem lại tính chất đại diện hợp pháp dưới mắt người dân hay không. Cái thước đo tính chất này là câu hỏi có bao nhiều người đã đi bỏ phiếu" Nếu lần này câu trả lời chưa rõ, người ta phải chờ đến cuộc bầu cử kế tiếp dự liệu vào tháng 7 năm nay để bầu ra Quốc hội lập pháp Palestine. Cho đến ngày đó, Abbas phải thương lượng với Hamas các nhóm Jihad khác để đặt ra một căn bản đấu tranh chính trị mà các phe phái có thể chấp nhận được. Gay go nhất là việc thống nhất các cơ quan an ninh nội bộ, cho đến nay mỗi phe nhân danh chống Israel đều tổ chức những ban an ninh riêng, tính ra có đến 14 ban và đôi khi đã có những cuộc xung đột giữa các phe này gây thiệt hại đến người dân Palestine, thay vì giết người Do thái. Chỉ khi nào chính quyền Palestine thống nhất được quyền hành về quân sự cũng như về an ninh, Chủ tịch Abbas mới có hy vọng tạo ra một sắc thái mới trong cuộc sống chính trị của dân chúng Palestine. Đó là đoàn kết tạo sức mạnh cho mọi sự đòi hỏi của người Palestine khi thương thuyết hòa bình với Israel.

Việc nối tiếp hòa đàm với Palestine không có gì khó khăn. Sau cuộc bầu cử có 800 quan sát viên quốc tế chứng kiến, ông Abbas ít ra cũng đã là người đại diện chính thức của Palestine do dân bầu và mục tiêu đầu tiên của ông được công bố từ trước là "hòa đàm". Phía Israel, chính phủ của Thủ tướng Sharon đã được Quốc hội tín nhiệm với đa số khít khao, chấp thuận kế hoạch rút hết các trại định cư Do thái ra khỏi đất Gaza của người Palestine, như vậy cũng "sẵn sàng hòa đàm". Tuy nhiên cũng giống như bầu cử chưa phải là dân chủ, hòa đàm cũng chưa hẳn có nghĩa là sẽ có hòa bình. Đây không phải là lần đầu tiên Israel và Palestine nói chuyện hòa bình. Một trong những khó khăn lớn vẫn là vấn đề lãnh thổ của người Palestine. Đến nay một phần lãnh thổ nhỏ tách rời là dải đất Gaza đã được giải quyết, còn phần lãnh thổ lớn ở Tây ngạn sông Jordan vẫn mắc kẹt vì Israel đã lấn đất, trong khi các khu định cư Do thái ở đây nhiều hơn gấp bội so với Gaza. Một khó khăn khác là dân Palestine vẫn đòi lấy một nửa thành phố Jerusalem làm thủ đô mới của họ. Nơi đây có những di tích của Hồi giáo. Nhưng người Do thái bác bỏ sự đòi hỏi đó. Gay go nhất là năm xưa khi Do thái lập quốc, người Palestine đã bị xua đuổi ra khỏi lãnh thổ Israel, nay Palestine đòi hỏi những người đó được hồi cư trở về quê cũ. Israel quyết liệt chống đối vì sợ số dân gốc Palestine quá đông trong tương lai sẽ làm nước Israel hết là nước của người Do thái.


Mặc dù những khó khăn rất phức tạp đó, người ta vẫn hy vọng sau bốn chục năm đấu tranh đẫm máu không giải quyết được gì, nay với thời thế mới hai bên sẽ mềm dịu bớt lập trường cứng rắn và tìm một thế dung hòa, để hai nước Israel và Palestine lấy dân chủ làm căn bản có thể chung sống bên nhau trong hòa bình vững bền. Cố nhiên những tư tưởng cực đoan nhất của cả hai bên không cách nào biến mất trong thời gian ngắn. Nhưng khi dân chủ được củng cố, tập quán thành hình, luật đồng thuận sẽ có hiệu quả. Đồng thuận không có nghĩa là tất cả đều đồng ý, mà là đa số thắng thiểu số theo luật căn bản của mọi chế độ dân chủ. Khi đa số quyết định, những tư tưởng quá khích bạo tàn và những hành động đẫm máu làm hại người dân vô tội sẽ biến mất, chỉ còn là những vết nhơ mờ dần trong lịch sử.

Một thế hòa ở Trung Đông sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới, nhất là vấn đề khủng bố hiện nay. Giải quyết cuộc xung đột Palestine sẽ làm nhẹ bớt gánh nặng không lối thoát của Mỹ ở Iraq, đồng thời làm dịu đi tình hình căng thẳng trong thế giới Hồi giáo do cuộc chiến chống khủng bố gây ra. Cuộc bầu cử ở Palestine chỉ là một cuộc thí nghiệm nhỏ, xét vì dân Palestine đến tuổi đi bầu chỉ có khoảng 1.8 triệu người. Nhưng chính vì nhỏ nên mới dễ làm, xây dựng hòa bình và dân chủ là một tiến trình rất khó khăn, hãy tìm nơi dễ nhất để làm trước. Ít ra nó cũng còn hơn các cuộc thí nghiệm khác. Trong lãnh vực khoa học, các cuộc thí nghiệm hợp pháp của các nhà bác học chỉ nằm trong một căn phòng hay một khu đất nhỏ, nếu hỏng lần này lại làm lần khác không chết ai. Dùng vũ lực tối đa để trừ khử kẻ thù nhân danh xây dựng dân chủ cũng là một cách thí nghiệm để thử xem vũ lực có thành công hay không. Nếu mỗi lần thí nghiệm như vậy mà không có người chết thì hay biết mấy.

Riêng về mặt đấu tranh của người Palestine cho chính nghĩa dân tộc, có nhiều bài học đáng chú ý. Dưới thời Yasser Arafat, chính quyền lâm thời của Palestine đã nát bấy vì nạn quan liêu, tham nhũng, thiếu đoàn kết. Đôi khi Arafat cũng ngầm khuyến khích sự đối nghịch giữa các thế lực cực đoan để củng cố quyền hành của ông. Mọi tư tưởng cực đoan đều đưa đến quyền lợi vị kỷ, thối nát và mất đoàn kết. Khi nội bộ đã chia rẽ thì đừng nói đến đấu tranh làm chi cho mệt. Vì chưa đánh đã thua.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.