Hôm nay,  

Sau Cơn Hồng Thủy ‘su-na-mi’, Nói Chuyện Động Đất

09/01/200500:00:00(Xem: 4788)
Năm 2004, khi bàn giao cho 2005, đã ghi dấu một thảm cảnh hồng thủy kinh hoàng, làm cho nhân loại hoang mang và lo sợ. Tuy số người chết vì thiên tai này không cao như những lần trước, nhưng vì ảnh hưởng lan rộng trong nhiều quốc gia, và cuốn đi hàng chục ngàn du khách Tây Phương, nên dư luận có phần xúc động mãnh liệt. Từ thế kỷ thứ tư, nhân loại đã ghi nhận hàng ngàn vụ động đất gây chấn động thế giới. Những cơn động đất làm chết từ 10 đến 50,000 người thì nhiều lắm, không thể kể hết. Nhưng chết trên dưới 50,000 người thì cũng không ít: năm 365, động đất ở Crete làm chết hơn 50, 000 người. Năm 1755, ở Lisbon: 62,000. Đến 1868, Chile chết 52,000. Năm 1908: thành phố Calabria, Italy, hơn 58,000 mạng vong. Năm 1970, Peru mất 66,800 người.
Những cơn địa chấn làm thiệt mạng từ gần 100,000 đến 1 triệu gồm có: Năm 1556, ở Trung Hoa, chết 830,000 người. Liên Xô trong năm 1667, chết hơn 80,000. Năm 1693, đảo Silicy ở Ý động đất giết 100,000 người. Nước Nhật vào năm 1703, chết trên 200,000 người. Năm 1737, Calcutta mất 300,000. Đến 1780, Iran chết trên 100,000. Cũng con số 100,000 này, Java cũng đã đếm được vào năm 1883. Năm 1920, Trung Hoa một lần nữa số tử vong gấp hai con số 100. Gần bằng 2004, năm 1923, Tokyo cũng thiệt mạng 143,000.
Những thế kỷ tiếp theo, con số thiệt mạng giảm đi, không tới 50,000 nữa. Nhưng đến 1976, Trung Hoa lại làm thế giới kinh hoàng vì con số 655,000 người chết trong mấy làng mạc cũ kỹ, xây cất lỏng lẻo, lại ở chen chúc như đóng hộp. Nhưng có lẽ trận địa chấn làm chết nhiều nhất trong lịch sử nhân loại là trận động đất ở Egypt và Syria năm 1201, chết hơn 1,110,000 người.
Nhìn vào loại thiên tai này, một số người cho rằng đó là sự trừng phạt của Thượng Đế, của Thiên Chúa và nghĩ rằng những người chết đó toàn là người đáng bị trừng phạt. Suy nghĩ này, theo niềm tin tôn giáo, có lẽ không đúng. Vì Thánh Kinh có chép lần nghe tin có động đất làm chết nhiều người ở vùng bên cạnh, một số Tông Đồ liền nói ngay những người chết đó là những người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu liền nghiêm mặt quở trách rằng "chưa chắc những người còn sống là tốt đẹp hơn người đã chết đâu." Hiện nay, theo kinh nghiệm, nhiều người lại đoán rằng cứ trời nóng là dễ gây động đất, và cứ đến mùa hè là lo sợ. Điều này cũng không chính xác bởi có những tâm địa chấn ở sâu dưới mặt đất hàng trăm cây số, không ảnh hưởng gì đến khí hậu bên trên mặt đất.
Vậy, địa chấn hay động đất là gì" Nhân ngày đầu năm, thử tìm hiểu đôi chút về động đất xem sao. Động đất hay địa chấn xẩy ra bởi nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính là sự trượt hay va chạm của các lớp vỏ trái đất. Như chúng ta biết, vỏ trái đất không mịn màng như quả bóng ping-pong mà gồ ghề như một quả bóng đá, có nhiều lớp vỏ dầy mỏng khác nhau và chồng lên nhau. Điều khác giữa lớp vỏ trái đất và một quả bóng đá là những múi gồ lên của quả bóng thì bằng nhau, và khe rãnh giữa những múi đó thì xa nhau, trong khi vỏ quả đất thì gồm nhiều miếng lồi lõm có diện tích khác nhau và cọ quẹt vào nhau liên tục, không đứng yên một chỗ. Mỗi một miếng tách rời đó được gọi là một "plate" hay một "đĩa", "tấm", hay "phiến". Có đĩa dầy lên thành đất cho người ta ở, gọi là lục địa. Có đĩa lại nằm dưới mặt nước biển. Lục địa Châu Âu và Châu Á chung nhau một đĩa: Eurasian plate. Châu Úc và biển chung quanh đó là Indian-Australian Plate. Châu Phi và biển bao quanh thuộc về đĩa Arabian và African plate. Bắc Mỹ và biển phía đông là đĩa North American. Trung Mỹ, tưởng là dính liền với Bắc Mỹ nhưng lại thuộc về một đĩa khác. Nam Mỹ khác, Nam Cực dĩ nhiên cũng thuộc đĩa khác...

Những đĩa này có thể di động và trôi giạt, trong khi chúng ta cứ đinh ninh là vỏ trái đất vĩnh viễn đứng yên một chỗ. Dĩ nhiên, lớp vỏ ở trên rất cứng và không di chuyển, nhưng lớp vỏ bên dưới thì mềm hơn và ảnh hưởng bởi nhiệt độ tan chẩy từ khối trong cùng của trái đất nên đôi khi lỏng ra, và làm lớp trên cùng ... trôi đi. Một khi trôi đi như vậy, (người ta gọi là Plates and Drifting Continents), thì có va chạm. Lớp nọ trượt trên lớp kia, cạnh đĩa này chui xuống dưới bờ của đĩa khác. (Trong chiến tranh, nếu một quả bom khổng lồ nổ gần một cây cầu, thì cây cầu này có thể vỡ ra hoặc trượt đi chỗ khác. Vỏ quả đất cũng vậy, khi có một năng lượng khủng khiếp bùng ra, thì sẽ trượt đi.) Tùy theo chỗ đá cứng hay đá mềm mà xẩy ra các hình thức động đất khác nhau. Chỗ đá cứng thì trượt đi, lên trên hay xuống dưới, sang trái hay sang phải. Nơi có nhiệt độ thấp thì đá gẫy dòn tan (brittle). Nơi có nhiệt độ cao thì đá sẽ mềm và uốn cong rồi bật trở lại như khi ta cầm cán bàn chải đánh răng bẻ cong lại rồi thả tay ra (elastic rebound). Mỗi một sự trượt, uốn, bật như vậy sẽ tạo ra một năng lượng kinh khủng, và năng lượng đó sẽ phải tỏa ra khắp hướng theo các làn sóng: sóng bề mặt (surface wave) và sóng thân (body wave). Sóng bề mặt sẽ chạy dài trên mặt vỏ quả đất và giật đổ sập những kiến trúc đứng trên đó. Sóng thân thì chạy xuyên qua tâm quả đất. Muốn biết sóng bề mặt gây ảnh hưởng trên mặt đất như thế nào thì dùng một cục lò xo vẫn bán cho trẻ em chơi mà nhúng một cái rồi buông tay ra, ta sẽ thấy cái lò xo ấy co dãn lần lượt từ đầu này tới đầu kia. Ta cũng có thể đứng một bên tấm chăn đã trải trên giường, cầm một đầu chăn, giũ lên. Từng lớp sóng trên mặt chăn sẽ cho ta thấy sóng địa chấn cũng chuyển động y như vậy: từ tâm địa chấn, sóng chạy dồn ra ngoài, càng xa càng yếu đi. Nếu gặp tầng cấu tạo chỗ nào toàn là đá, sóng bị yếu sớm, và không giật sập nhà sập cửa dễ dàng. Nhưng nếu gặp chỗ cấu tạo toàn là cát và đất sét, thì không còn "một hòn đá nào trên hòn đá nào..." nghĩa là toàn bộ cấu trúc trên mặt đất đều bị giật xuống. Cho nên, những người mua nhà có học qua địa chất, đều nghiên cứu kỹ vùng nào cấu tạo bằng đá, vùng nào toàn cát... Cùng trong một "County" mà thành phố này có kiến trúc đá, thành phố bên cạnh lại nhiều cát hay đất sét. Điều này giải thích tại sao nhiều người đứng gần ngay tâm động đất lại không chết, người ở xa hơn lại tử vong. Nên nhiều người ta đi mua nhà lại đọc bản đồ địa chất trước khi quyết định. Đại đa số cứ mua đại vì nhà đẹp, "location" tốt, chứ không ai đi tìm thầy địa chất mà hỏi! Hơn nữa, con người có mạng hết rồi, chạy đâu cho khỏi số Trời! Những ai học khoa Địa Chất, sẽ thấy một tấm hình chụp một căn nhà đứng chơi vơi giữa hai đường nứt sâu và cách nhau cả thước. Đường nứt do địa chất tạo ra chạy thẳng tới gần căn nhà thì tự nhiên tách ra làm hai, "né" căn nhà này, rồi lại hợp lại thành một đường thẳng băng! Chỉ có Trời mới giải thích nổi hiện tượng này!
Với những cơn địa chấn ở biển, thì ảnh hưởng lại khác. Biển cũng giống như một cái ly nước bằng giấy đựng đầy nước, nếu ta dùng ngón tay đập vào đáy ly, nước sẽ trào ra ngoài. Tùy theo đập mạnh hay nhẹ mà nước bắn tung lên hay chỉ nhỏ giọt. Nếu trung tâm địa chấn ở gần lớp vỏ dưới đáy biển, sóng bề mặt sẽ truyền mạnh lên trên, đẩy mạnh khối nước biển lên cao, tạo ra sóng thần mà người Nhật gọi là Su-na-mi. Sóng thần sẽ tỏa ra theo hướng mà sóng bề mặt đẩy tới, rồi ập ra chung quanh bãi biển, chỗ sóng thần không còn đường chạy nữa. Và thế là những con người, những làng mạc, khu du lịch cạnh biển sẽ tan theo ngọn sóng vô tình này.
Như trên đã nói, sống chết là do số Trời. Không ai biết địa chấn sẽ xẩy ra ở đâu và vào giờ nào, chỉ có thể đoán trước được một hai giờ là may lắm, nếu cơn địa chấn không đột ngột bùng phát, mà có âm ỉ trước khi bục ra. Các nhà Địa chất học đã gắn những máy đo chuyển động (rất đơn giản, chỉ là một cái hộp có "sensor" ghi chuyển động) dưới đất sâu có khi vài chục thước, nếu có rung động sớm, các rung động này sẽ chạy về trung ương nghiên cứu làm rung cây kim gài sẵn trên một cuộn giấy, nhìn vào đó mà biết có động đất hay không. Ngoài ra, thiên nhiên cũng cho một số loài vật có linh giác "ngửi" thấy động đất. Có một loại cá ở Nhật có thể tiên đoán động đất khi chúng tự nhiên bơi hoảng loạn. Vài giống vật khác cũng có cảm xạ như vậy và đột ngột chạy nhẩy lung tung. Con người dần dần sẽ nghiên cứu được giác quan này và tìm ra cách biết sớm hơn để tránh. Có lẽ còn vài chục năm nữa hay chỉ vài năm...
Trước mắt vẫn là tình nhân loại và tiếng kêu cứu đau đớn của các nạn nhân trận sóng thần vừa rồi. Hàng ngàn trẻ em mồ côi, hàng vạn gia đình lâm vào thảm cảnh, người đã chết hay người còn sống sót đang rất cần thiết những giúp đỡ đầy tình người. Tùy theo tôn giáo, cơ quan, mà chúng ta đóng góp. Một miếng khi đói bằng một miếng khi no. Hãy cứu người đi, Trời sẽ giúp lại bạn.
Chu Tất Tiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.