Hôm nay,  

Tường Trình Ra Mắt Tuyển Tập Đường Thiên Lý

30/12/200400:00:00(Xem: 5238)
Ngày 20 tháng 11 năm 2004, chúng tôi, Trần Quan Long và Linh Linh Ngọc đã mời quý đồng hương, các đại diện truyền thông, tôn giáo, đoàn thể, đồng bào cùng quý thân hữu tới dự buổi lễ dâng hương tại Đền Thờ Tổ Hùng Vương (Little Sàigòn Westminster, Hoa Kỳ) để trình bầy lý do và mục đích vì sao chúng tôi phải tái bản tuyển tập Đường Thiên Lý thêm phần Pháp ngữ. Trong buổi lễ đó, khi chúng tôi trưng tấm phóng ảnh 13 thủ cấp các anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thực dân Pháp chém đầu tại pháp trường Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930, nhiều đồng bào đã bật khóc. Những tiếng khóc từ trái tim đó không phải chỉ vì đau thương mà còn vì phẫn nộ khi nhìn thấy hàng chữ chú thích bằng tiếng Pháp bên dưới “ Têtes de Pirates décapités” có nghĩa là “Thủ cấp của những kẻ cướp biển”.
Chính tấm hình đó, chính hàng chữ đó là động lực mãnh liệt thúc đẩy chúng tôi phải tái bản Đường Thiên Lý thêm phần Pháp ngữ để nói với người Pháp rằng họ đã phổ biến sai dữ kiện lịch sử khi gọi những anh hùng của dân tộc Việt Nam là cướp biển ! Họ nợ dân tộc Việt Nam một lời xin lỗi.
Cơ duyên thuận lợi đã đến với chúng tôi khi những thân hữu tiếp tay phần dịch thuật sang Pháp ngữ cho biết sẽ có buổi giới thiệu những tác phẩm mới của năm 2004 tại Thượng viện Pháp vào đầu tháng 12 năm 2004 do “Hội các nhà văn tranh đấu Pháp” (AEC) tổ chức, dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Pháp Jacques Chirac và chủ tịch Thượng viện, Christian Poncelet.
Điều kiện để được giới thiệu là sách phải đến tay hội đồng kiểm duyệt của ban tổ chức một tháng, trước ngày ra mắt. Tiêu chuẩn đầu tiên để được thông qua là nội dung phải nói lên tinh thần tranh đấu cho lý tưởng cao đẹp, sự hy sinh, lòng dũng cảm cho lợi ích chung. Tiêu chuẩn đó thì Đường Thiên Lý đã có vì nội dung tuyển tập này viết về giai đoạn hào hùng của cuộc cách mạng trong thập niên 1930 do Việt Nam Quốc Dân Đảng khởi xướng, kêu gọi toàn dân đứng lên chống ngoại xâm, giành lại độc lập cho xứ sở. Chỉ có một điều chúng tôi e rằng tuyển tập này có thể bị từ chối là những dữ kiện lịch sử trong đó nhắc lại sự tàn ác, dã man của thực dân Pháp khi họ đô hộ Việt Nam. Và sau hết, với tư cách là công dân của Quốc gia Việt Nam, chúng tôi chính thức đòi hỏi :
Người Pháp phải xin lỗi dân tộc Việt Nam.

Sự e ngại của chúng tôi đã qua đi khi ông Antoine Nguyễn Tấn, trưởng ban dịch thuật Pháp ngữ, gọi từ Paris cho biết Đường Thiên Lý đã được chấp thuận góp mặt tại Đại sảnh Thượng viện Pháp ngày 4 tháng 12 năm 2004. Có lẽ, với “tinh thần tranh đấu” của “Hội các nhà văn tranh đấu Pháp”, ban tuyển lựa đã đặt “tinh thần tranh đấu” cũng như “sự thật lịch sử” lên hàng đầu, dù nội dung có bất lợi cho Quốc gia họ. Chúng tôi cảm phục tinh thần này.
Và với tin vui đó, chúng tôi nhận lãnh trách nhiệm mà quý vị hiện hiện tại Đền thờ Tổ Hùng Vương cũng như quý thính giả của các đài truyền thanh, truyền hình, trên internet, từng lắng nghe, từng đọc về Đường Thiên Lý, đã gửi gấm.

Ngày 29 tháng 11 năm 2004, chúng tôi đáp chuyến bay Air France từ Los Angeles California Hoa kỳ sang Paris, Pháp quốc.

Đón chúng tôi tại phi trường Charles de Gaulle có các thân hữu mà chúng tôi từng sinh hoạt chung trong những lần đến Pháp trước đây và hai bà chị đến từ Lyon và Antony. Theo đúng chương trình, thân hữu Hoàng Hải mang những vali đầy sách về Paris, còn chúng tôi khăn gói theo anh chị Antoine Nguyễn Tấn về tư gia anh chị, tỉnh Eragny Sur Oise (vùng phụ cận Paris) để cùng với ban dịch thuật duyệt lại những chi tiết chót về buổi ra mắt tại Thượng viện Pháp.
Chương trình trong hai tuần lễ đầu quá khít khao vì sáng ngày chủ nhật 4 tháng 12 năm 2004 (ngày ra mắt sách) cũng là ngày chào cờ Việt Nam Cộng Hòa (như hình thức chào cờ đầu tháng tại Tượng Đài, Westminster, Hoa Kỳ) được tổ chức mỗi chủ nhật đầu tháng tại Thánh thất Cao Đài. Nhiều nhân sỹ, Hội đoàn, Đoàn thể và đồng hương đã nghe tin về Đường Thiên Lý nên rất muốn gặp chúng tôi ở lễ chào cờ này. Để không phụ lòng thân hữu, chúng tôi phải chia hai: Trần Quan Long về Paris dự lễ chào cờ rồi sẽ từ đó đến Thượng viện; Linh Linh Ngọc “bị” ban dịch thuật giữ lại ở Eragny Sur Oise để có thể đến Thượng viện sớm vì, thứ nhất, các tác giả được vào trước để chuẩn bị, thứ hai, qua sự kiểm soát nghiêm ngặt của Thượng Viện Pháp như ở phi trường, e sẽ mất nhiều thì giờ, đó là chưa nói đến việc tìm chỗ đậu xe.
Chúng tôi : Linh Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phi, Antoine Nguyễn Tấn, Đan Thúy Vi và Kim Long rời Eragny Sur Oise lúc 10 giờ rưỡi sáng, dưới bầu trời đầy sương mù. Qua không gian trắng đục, sao tôi như thấy rõ quê nhà, dáng núi Ba Vì xanh thẫm qua bóng tre quê nội, lá ngô đồng trải vàng quê ngoại Hà Nam. Và rõ rệt nhất, nơi tôi chưa từng được đến, là linh địa Yên Bái, nơi hồn thiêng sông núi muôn đời phảng phất trầm hương. Sao lại có thể “nhìn thấy” được nơi mình chưa từng thấy" Có lẽ vì nhìn đây không phải là nhìn bằng mắt mà nhìn bằng rung động của con tim.
Trên đường đến Thượng viện của nước Pháp, sáng ngày 4 tháng 12 năm 2004, tôi cảm nhận được rõ ràng trách nhiệm và bổn phận con dân nước Việt của mình. Tôi phải làm tròn phần vụ nhỏ bé đó, dù chỉ nhỏ như hạt cát cũng phải góp mình cho sự hùng vĩ của đại dương. Và, một lần nữa, như hàng triệu lần trước, tôi thầm xin hồn thiêng sông núi giúp tôi hoàn thành tâm nguyện góp phần làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc, đòi lại danh dự cho những anh hùng đã bị ngoại nhân bôi nhọ.
Thượng viện Pháp tọa lạc tại số 15 ter, đường De Vaugirard, Paris bên cạnh khu vườn nổi tiếng Luxembourg. Ngay cổng vào, trên tường có khắc chữ “SÉNAT” mạ vàng, có anh lính đứng gác. Đúng như chương trình, các tác giả được vào trước giờ khai mạc nửa tiếng. Chính trong thời gian quý báu này, tôi đã gặp gỡ và trò chuyện cùng những vị trong ban tổ chức cũng như các tác giả khác. Tôi đã trao sách tận tay ông Michel Tauriac, đương kim chủ tịch “Hội Các Nhà Văn Tranh Đấu Pháp”. Ông đã xúc động lắng nghe chúng tôi nói về nội dung tuyển tập Đường Thiên Lý ba ngôn ngữ. Sau đó, ông nhận sách tặng bằng cả hai tay với thái độ đầy trân quý. Chúng tôi cũng tiếp xúc với ông Guillemain, giám đốc nhà xuất bản Duquesue, trực thuộc Thương viện Pháp. Ông cho biết ông rất hân hạnh được giới thiệu cuốn Đường Thiên Lý, vì theo ông, sách song ngữ thì nhiều nhưng sách gồm ba ngôn ngữ thì hơi hiếm. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi lại tâm sự là vì sao tuyển tập này phải mặc tới ba mầu áo. Chúng tôi cũng chụp hình lưu niệm và có dăm phút truyền trò với bà Laure Sainetelette, cựu Tổng thư ký Hàn lâm viện Khoa Học hải ngoại Pháp và hiện là đương kim Tổng thư ký “Hội Các Nhà Văn Tranh Đấu Pháp”. Bà nói, bà đón nhận Đường Thiên Lý với niềm hân hoan của một người đón nhận sự thật. Và, một vài phút trước giờ khai mạc, chúng tôi có dịp chào hỏi ông Philippe De Gaulle, con trai của cố Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle.
Đúng 2 giờ trưa ngày 4 tháng 12 năm 2004, cửa chính của Đại sảnh Thượng viện Pháp mở rộng, chào đón quan khách. Chưa đầy 10 phút, ba phòng lớn trên tầng lầu hai của Thượng viện đã tràn ngập người yêu sách. Ông Michel Tauriac, trưởng ban tổ chức lên tiếng cáo lỗi vì Tổng thống Jacques Chirac có công vụ bất ngờ, không đến chủ tọa được, nhưng Tổng thống gửi lời chúc mọi sự thành công tốt đẹp. Nhạc sỹ Trần Quan Long hơi buồn vì không có dịp trao tặng sách tận tay Tổng Thống như đã dự trù, nhưng Antoine Nguyễn Tấn đã ngồi xuống, viết ngay lời chúc Tết trên sách tặng và ông hứa sẽ gửi ngay đến Phủ Tổng thống. Giáo sư Hàn Lâm Tiến sỹ Lê Mộng Nguyên trong ban dịch thuật cũng hiện diện với phu nhân để cùng chúng tôi tiếp đón quan khách và giới thiệu sách.
Chúng tôi không biết các thân hữu ở Paris làm cách nào mà đã mời được các đoàn thể, đảng phái, hội đoàn, nhân sỹ và đồng hương Việt Nam nhiều đến thế ! Nhiều đến nỗi chúng tôi không dám ghi ra đây vì lỡ thiếu sót thì sẽ có lỗi cùng quý vị. Chúng tôi chỉ mượn trang giấy này tri ân tất cả quý đồng hương ở Paris và các vùng phụ cận đã thương yêu chúng tôi, đã quan tâm đến trọng trách của Đường Thiên Lý mà đến với chúng tôi trong buổi trưa ngày 4 tháng 12 năm 2004 tại Thượng viện Pháp, khiến bàn sách Đường Thiên Lý tràn ngập tiếng hỏi han tíu tít, người bản xứ muốn mua sách phải kiên nhẫn đứng chờ, như hai thi sỹ tài danh Raymond Demaret và Andrée Sollier, sau đó, đã chụp một tấm hình, cười rất tươi vì hài lòng với cuốn Đường Thiên Lý trên tay.
Người dùng hai ngôn ngữ Việt-Pháp để giới thiệu Đường Thiên Lý với quan khách chính là ông Thomas Larget, người giáo sư Thạc sỹ tài ba của Đại học nổi tiếng Sorbonne Paris. Ông giới thiệu sách mà tưởng mình là một hướng dẫn viên đang đưa du khách vào thăm những danh lam thắng cảnh, kỳ quan thế giới. Ai cũng cảm thấy như thế vì bằng hai ngôn ngữ Việt-Pháp xen nhau, ông diễn tả những trang sách như từng khúc phim khiến ai đã dừng lại là bị thu hút, phải lắng nghe, chăm chú. Và nghe rồi, ai không muốn có trong tủ sách gia đình một cuốn sách sống động, chất ngất lòng ái quốc, ngùn ngụt lửa đấu tranh và bát bát tình người. Xin cảm tạ Giáo sư Thomas Larget.
Giữa không khí nhộn nhịp này, một thiếu nữ trẻ mặc áo dài mầu vàng hoàng hậu, ôm một bó hoa tươi tiến về bàn sách Đường Thiên Lý. Đó là em Hélène Lê Mộng Thanh Bình, 12 tuổi, sinh trưởng tại Paris. Em nói rằng, em đến đây hôm nay để tặng tác giả Đường Thiên Lý một bó hoa gồm 12 bông hồng đỏ và một bông hồng trắng, sau khi em được cha mẹ nói cho nghe về nội dung cuốn Đường Thiên Lý. Bó hoa với 13 bông hồng tượng trưng cho 13 vị anh hùng đã vị quốc vong thân tại pháp trường Yên Bái (Việt Nam) ngày 17 tháng 6 năm 1930. Bông hồng trắng, vừa tượng trưng Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, vừa tượng trưng ngôi sao trắng trên nền xanh Đảng kỳ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Linh Linh Ngọc nhận bó hoa mà lòng vô cùng xúc động. Với những quan tâm sâu xa về lịch sử như thế hệ Lê Mộng Thanh Bình, chúng tôi càng tin rằng hồn thiêng sông núi luôn sống trong chúng ta, dù nơi chân trời góc biển nào. Xin cám ơn em, Lê Mộng Thanh Bình.


Bó hoa hồng này, sau đó, để thể hiện lòng cám ơn chân thành với người đã giới thiệu Đường Thiên Lý tại Thượng viện, Linh Linh Ngọc đã trao tặng lại Giáo sư Thomas Larget; và rồi, một lần nữa, vì tình cảm thông, bó hoa đã rời khỏi tay Giáo sư Thomas lúc nào, chính ông cũng không hay biết, để chuyển tới tay một mệnh phụ bản xứ, người từ phút đầu đã rất quan tâm đến bàn sách Đường Thiên Lý. Từ lúc đó đến khi rời Thượng viện, chủ nhân cuối cùng của bó hoa đã hãnh diện ôm “Tinh thần Việt Nam Quốc Dân Đảng Bất Diệt” đi từ bàn sách này sang bàn sách khác. Nếu có dịp, chúng tôi sẽ viết một truyện ngắn với tựa đề “Bó hoa hồng của Giáo sư Thomas Larget” để nói thêm nhiều chi tiết kỳ diệu về bó hoa đặc biệt này.
Theo chương trình, buổi ra mắt sách tại Thương viện sẽ bắt đầu lúc 2 giờ trưa và chấm dứt lúc 6 giờ chiều ngày 4 tháng 12 năm 2004, nhưng Linh Linh Ngọc và Trần Quan Long phải rời đại sảnh trước giờ bế mạc để kịp đáp chuyến tầu tốc hành đi Munich (Đức quốc), dự buổi ra mắt lúc 12 giờ trưa hôm sau. Ban dịch thuật cùng một số đông thân hữu đã tình nguyện ở lại lo bàn sách cho đến khi bế mạc. Hai thân hữu trẻ Kim Long và Thúy Vy đã không quản ngại tình trạng kẹt xe của khu Saint Michel cuối tuần, đã sốt sắng nhận làm “bác tài” đưa chúng tôi ra ga Paris-Est. Trèo được lên xe lửa, tìm được giường ngủ, cất xong hành lý, chúng tôi mới có thì giờ để nhìn nhau, cùng bật cười khi Trần Quan Long nói “Đúng là hai khỉ già phiêu lưu ký”. Đúng thế, chúng tôi đều đã già rồi, ở nhà cố làm việc hộc tốc, in cho kịp sách; có sách rồi, khiêng trẹo vai (sách nặng nửa ký mỗi cuốn) mà chạy không kịp thở vì chương trình các thân hữu đã sắp xếp quá khít khao (có lẽ ngỡ chúng tôi còn trẻ !). Chỉ lúc tầu đêm lăn bánh chúng tôi mới được thở, nhưng thở trong lo lắng vì đây là lần đầu sang Đức, không biết thành phần “khán giả” ra sao để liệu mà “trình diễn”. Tôi bèn hát khẽ một câu trong bài “Tiền Thân” do Trần Quan Long phổ nhạc để …..biết là mình còn đang thở : “ Kiết già trên đá. Nhắm mắt chắp tay. Thở vào tâm Bát Nhã. Thở ra lệ trần ai…”
Bác sĩ Nha Khoa Thục Quyên đón chúng tôi lúc 9 giờ sáng hôm sau tại nhà ga Hauptbahnhof, Munich. Hiện cô điều hành một Trung tâm Nha khoa và một Thiền đường để ai muốn đến tu học, lễ Phật hoặc ngồi thiền, cũng như các hội đoàn, đoàn thể có khuynh hướng Quốc gia dân tộc, muốn mượn để sinh hoạt. Qua điện thoại viễn liên, cô có nhã ý thu xếp, mời đồng bào tới Thiền đường để chúng tôi có dịp giới thiệu Đường Thiên Lý với đồng hương tại Munich.
Thư mời ghi 2 giờ trưa mà mới hơn 1 giờ, nhiều đồng bào đã tới. Vì đây là Thiền đường nên quan khách đều ngồi trên tọa cụ. Thiền đường ấm cúng, trang nhã và nghệ thuật, từ kệ sách tới bình hoa, từ thư họa tới mành trúc, trang kinh mở, tiếng chuông ngân…nhất nhất đều có bàn tay chủ nhân chăm sóc. Chúng tôi được dành hai tọa cụ sát bàn thờ Phật, đối diện quan khách. Đã từng quen với không khí Thiền đường, chúng tôi ngồi bán già, tâm thanh thản, ý hiển bày, và bắt đầu buổi nói chuyện. Qua cách lắng nghe đầy đạo vị, chúng tôi ghi nhận được sự cảm thông của cử tọa. Sự cảm thông đó lên cao độ khi cô Thục Quyên mời mọi người phát biểu ý kiến sau khi chúng tôi dứt lời. Một điều bất ngờ đối với Thục Quyên là rất nhiều vị muốn phát biểu, khiến cô phải điều khiển, tuần tự mời vị nào giơ tay trước. Riêng Linh Linh Ngọc cũng có một bất ngờ thật cảm động là được gặp lại cô giáo dạy toán năm xưa tại trung học Trưng Vương, cô Hoàng thị Doãn (các bạn Trưng Vương còn nhớ không "). Theo cô Doãn thì khi nhận được giấy mời tới dự buổi ra mắt sách, nhìn thấy tên tác giả Đường Thiên Lý, cô bỗng nghi rằng, đây chính là con bé học trò dốt toán của mình năm xưa. Cô liền điện thoại cho Thục Quyên để điều tra cặn kẽ. Khi biết chắc rồi, cô Doãn dặn Thục Quyên giữ bí mật, xem trò có nhận ra cô giáo cũ không ! Làm sao mà quên nhau được, thưa cô giáo yêu của em. Riêng Trần Quan Long thì gặp lại một chiến hữu cùng binh chủng Thiết Giáp hiện cư ngụ tại Munich này.
Sau phần hội luận, phát biểu, cô Doãn mang sách đến từng vị hiện diện. Tiếc thay, sách quá nặng nên dù chúng tôi cố khiêng tối đa cũng không đủ trao tới tất cả quan khách. Đồng bào thể hiện tình thương yêu và thân ái với thái độ vui vẻ đứng chờ tác giả ký tên. Có vị, cầm tới 2 cuốn Đường Thiên Lý, trong khi đứng chờ đã giải thích với anh Trần Quan Long là con gái ông đang phải tìm tài liệu về cuộc cách mạng thời thập niên 1930 tại Việt Nam để hoàn tất một biên khảo bằng tiếng Pháp. Vấn đề khá nan giải với cô con gái của ông là biết tìm tài liệu ở đâu, và lại còn phải viết bằng Pháp ngữ nữa. Thì đây, Đường Thiên Lý đã sẵn sàng cho cô rồi ! Ông ấy mừng quá, nói phải mua 2 cuốn, một cho ông và một để tặng con. Ông nghĩ rằng đây là món quà đẹp nhất mà con ông mong đợi. Ra đến cửa, ông còn ngoái lại, nói thêm lời cám ơn !
Chiều đông, trời Munich lạnh trừ 5, trừ 7 độ là thường, nhưng với người đến từ miền nắng ấm Cali thì…không thường chút nào. Cái khó là, chẳng lẽ vượt mười ngàn cây số tới đây để xong việc rồi… trùm chăn ! Thế là chúng tôi theo Thục Quyên ra phố, ăn Bratwurst (thịt nướng đặc biệt) trên lề đường đầy hàng quán rộn rịp quà Giáng sinh, vào tiệm Hackerhaus uống bia Hacker đặc sản của Đức, đi qua cổng Sendlinger Tor, khởi điểm của bức tường lớn bao quanh thành phố, chen vai cùng hàng trăm người trong khu Marienplatz rực rỡ đèn mầu để vừa nhóp nhép nhai bánh kẹo, vừa nghển cổ nhìn lên hành lang tầng hai của nhà thờ New Gothic Rathaus, nghe ban nhạc thành phố trình diễn nhạc Giáng Sinh …v…v… Trần Quan Long thì nhất định phải chụp một tấm hình đứng ở quảng trường, nơi khi xưa Adolf Hitler đã đứng hô hào Nazi là thiên đường hạ giới!
Ba ngày ngắn ngủi ở Munich là ba ngày đầy đạo vị, thân thương, với tình đồng hương, tình chị em, tình thầy trò, tình bè bạn……Xin cám ơn thân tình của Munich.
Trở lại Paris giữa tuần thứ hai của tháng 12, chúng tôi phải chuẩn bị cho hai buổi họp mặt kế tiếp là tối 11 tháng 12, tiệc khoản đãi các thân hữu Paris tại nhà hàng Caravelle và trưa 12 tháng 12, dự lễ tưởng niệm nhà cách mạng Trương Tử Anh, Đảng trưởng của Đại Việt Cách Mạng Đảng tại Trung tâm Quốc tế Fiap, phòng hội Lisbonne, một hội trường sang trọng ở Paris. Khi chúng tôi ra mắt Đường Thiên Lý tại Thượng viện Pháp, rất nhiều vị thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng đã nhận được giấy mời và đến dự. Có lẽ thân hữu của chúng tôi tại Paris nghĩ rằng cuốn Đường Thiên Lý viết về cuộc cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà Đại Việt Quốc Dân Đảng và VNQDĐ có cùng chung mầu cờ nên đã gửi nhiều giấy mời quý vị trong Đại Việt Quốc Dân Đảng chăng " Thật là thâm trầm và cảm động. Ngay sau khi chúng tôi có mặt tại Paris hai ngày, quý vị trong Đại Việt QDĐ đã có lòng mời chúng tôi dự buổi họp nội bộ chung kết những chi tiết buổi lễ tưởng niệm Cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh sẽ tổ chức tại hội trường Fiap. Trong buổi lễ này, Ban tổ chức có nhã ý sẽ dành cho chúng tôi thời lượng đủ để giới thiệu Đường Thiên Lý, đánh dấu sinh nhật lần thứ 100 của anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học. Số sách mang theo không còn bao nhiêu nhưng chúng tôi cũng ráng khiêng hết đến hội trường, dù không nghĩ là sẽ tiêu thụ nhiều ở đây. Nhưng chúng tôi đã lầm ! Với không khí trang nghiêm và hùng tráng của buổi lễ tưởng niệm nhà cách mạng Trương Tử Anh, thì sự có mặt của một cuốn sách viết về tinh thần cách mạng sẽ là những vân thạch chạm nhau để cùng làm bùng cháy khí phách kiên cường, lòng yêu nước, niềm hãnh diện về tiền nhân, tiềm ẩn trong mỗi con dân Việt Nam. Thế nên, trong giờ giải lao, đồng bào hiện diện đổ xô về bàn sách. Thân hữu Hoàng Hải, người phụ trách bán sách chưa kịp quay về bàn thì bàn đã trống trơn không còn một cuốn nào! Anh đành đứng đó, vui vẻ chuyển sách mà đồng bào đã tự đến lấy, để tác giả ký tên. Chúng tôi và ban dịch thuật Pháp ngữ gồm anh Antoine Nguyễn Tấn, Giáo sư Thạc sỹ Thomas Larget, Giáo sư Hàn Lâm Tiến sỹ Lê Mộng Nguyên phải lên máy vi âm cám ơn đồng bào và hứa sẽ gửi thêm sách sang Paris.
Trong tuần lễ thứ ba ở Pháp, chúng tôi được có đôi chút thì giờ để thăm viếng gia đình ở Antony, thăm mộ một người anh đã yên nghỉ tại nghĩa trang Ancien Vitry thuộc Vitry Sur Seine cách quận 13 vài dặm.
Trước khi lên đường về lại Hoa Kỳ, chúng tôi được dự buổi kỷ niệm ngày Đảng sinh của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại tư gia thân hữu Hoàng Hải. Buổi lễ có tính cách nội bộ nhưng vô cùng trang nghiêm với đầy đủ nghi lễ và có sự hiện diện của đại diện Hòa Hảo, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Cộng đồng v. v... Sau khi chào Quốc kỳ, Đảng kỳ, mọi người đều xúc động khi nghe Việt Dzũng cất tiếng hát trầm buồn diển tả “Chiêu Hồn Tử Sỹ Việt Quốc” do Trần Quan Long sáng tác. Hương trầm được đốt lên tưởng như phảng phất anh linh bao “anh hùng tử mà khí hùng bất tử” !.
Sáng sớm ngày 22 tháng 12 năm 2004, thân hữu Hoàng Hải đưa chúng tôi ra phi trường Charles De Gaulle để về lại Los Angeles trong niềm lưu luyến của nhiều bè bạn thân thương, trong cả lời trách “khó thương” của các thân hữu bên Anh quốc vì…không còn cuốn sách nào, lấy gì ra mắt ở Luân Đôn "
Tổng kết: Ngoài tất cả lượng sách đã được đồng bào và thân hữu ở Paris (Pháp) và Munich (Đức) hưởng ứng, chúng tôi đã gửi trước 2 thùng sách sang Paris và đã phân phối tới:
Thư viện Đại học Sorbonne
Thư viện Quốc Gia Mitterand (Pháp)
Thư viện các Giáo xứ Việt Nam tại Paris và các vùng phụ cận
Thư viện Chùa Khánh Anh
Thư viện thị xã Eragny
Thư viện thành phố Cergy Pontoise
Đài phát thanh Tiếng Quê Hương – Radio Enghien
Tòa soạn báo Journal le Monde Littéraire France
Tòa soạn báo Journal le Figaro Littéraire France …
Sách gủi tặng:
Ông Jacques Chirac, Tổng thống Pháp
Ông Christian Poncelet, Chủ tịch Thượng viện Pháp
Ông Chủ tịch Hàn Lâm Viện Pháp
Sách trao tận tay:
Ông Michel Tauriac, chủ tịch “Hội các nhà văn tranh đấu Pháp”
Ông Guillemain, giám đốc nhà xuất bản Duquesue của Thượng viện Pháp
Bà Laure Sainetelette, Tổng thư ký “Hội các nhà văn tranh Đấu Pháp”

Với tất cả cố gắng, chúng tôi đã tạm hoàn thành phần vụ mà chúng tôi tự nhận phải làm và đã được nhiều đồng hương, thân hữu tin tưởng, yểm trợ chúng tôi trên nhiều phương diện.Với những giòng chữ này, chúng tôi xin tường trình với tất cả lòng tri ân.
Đường thiên lý còn dài. Một lần nữa, chúng tôi xin được nhắc lại lời Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã viết khi giới thiệu Đường Thiên Lý “Không ai trong chúng ta muốn làm một kẻ độc hành”.
Đa tạ.

Linh Linh Ngọc (Tác giả “Đường Thiên Lý”, tuyển tập truyện ngắn tam ngữ Việt-Pháp- Anh)
Trần Quan Long (Giám đốc nhà phát hành Gió Đông, La Mirada, Los Angeles, USA)
Ngày 23 tháng 12 năm 2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.