Hôm nay,  

Kỷ Niệm Pan Am Tháng 4-75: 30 Năm Sau Chuyến Bay Cuối

20/12/200400:00:00(Xem: 6017)
(Hoa Thịnh Đốn-VATV) Ngẫm lại đã gần 30 năm, cuộc di tản từ 75 đã đưa hơn 1 triệu người dân Việt Nam tìm tự do nơi những vùng đất mới. Nhưng không biết bao nhiêu người vẫn còn nhớ tới hình ảnh cái thời lưu lạc, hãi hùng khi phải bám víu vào những thành rào, đong đưa trên những mảng tầu, trôi dạt, đói khát trên biển khơi, lén lút, rã rời mệt mỏi trên những lộ đất dọc biên giới, trải qua bao hiểm trở" Những lúc đó, hai chữ “tự do” quả nhiên thật là cao quý cho dù không ai dám mơ tưởng định mệnh sẽ đưa cuộc đời của họ đến phương trời nào. 30 năm sau, trong vùng đất tự do, những người dân tị nạn thuở nào, nay đã ổn định trong cuộc sống sung túc, tràn trề tự do. Không biết còn bao nhiêu người vẫn tưởng nhớ đến những khung cảnh đau thương ấy"
Đầu tháng 12 vừa qua, hãng hàng không United Airlines chính thức khai trương chuyến phi vụ thương mại đầu tiên trực tiếp về Việt Nam. Mọi người nùng nục, bon chen mua vé để được ngồi trong chuyến máy bay lịch sử đánh dấu bang giao Mỹ-Việt. Trong lúc mọi người vồn vã, phấn khởi trên chuyến bay này, có ai nghĩ tới tâm trạng của những người hành khách bất đắc dĩ trong chuyến máy bay cuối cùng rời Việt Nam 30 năm về trước" Vào tháng Tư năm 1975, chuyến bay cuối cùng (the last flight out) của hãng hàng không đã tuyệt tự, Pan Am, đã đưa hơn 400 người dân Việt sang vùng tự do, và ngày nay, một hãng hàng không cũng đang vật vờ như ngọn đèn trước gió lại cố gắng mang những người đã từng đi tìm tự do về lại vùng đất mà họ đã trốn bỏ.
Riêng đối với nhóm cựu nhân viên hãng hàng không Pan Am, chuyến phi vụ cuối cùng rời Sài Gòn ngày 24 tháng 4, 1975, đã khơi nguồn cho một đại gia đình mới, kể cả sau khi hãng Pan Am ngừng hoạt động. Từ 1975, mỗi 5 năm, họ đều tổ chức những buổi họp mặt đoàn tựu để cùng nhau tưởng nhớ lại những giây phút hồi hộp, căng thẳng xưa.
Đặc biệt trong 3 ngày từ 22 đến 24 tháng Tư, 2005, họ sẽ tổ chức buổi hội thảo và họp mặt đoàn tựu để tưởng nhớ 30 năm ngày chuyến bay cuối cùng của Pan Am rời Việt Nam với chủ đề “Wings of Freedom”. Ban tổ chức dự đoán con số quan khách tham dự có thể lên đến 600 người. Vì trong lịch sử, Pan Am không những chỉ có chuyến bay cuối cùng rời Việt Nam, mà Pan Am cũng giữ vai trò nồng cốt trong chiến dịch “Baby Lift Operation” đã hỗ trợ đưa các trẻ mồ côi sang Mỹ. Các trẻ em mồ côi đã có cơ hội trưởng thành trên vùng đất tự do và một số sẽ trở lại để hội ngộ cùng những ân nhân đã cho họ một sự sống đầy ý nghĩa.
Tuy nhiên, đối với cá nhân của ông Allan Topping (“Al”), người lãnh đạo Ban Tổ Chức buổi hội ngộ, đây là cuộc hẹn hò mà ông đã trải qua 30 năm trước khi ông phải đơn độc chỉ huy cuộc di tản cho nhân viên của ông. 30 năm sau, công việc tổ chức không căng thẳng, nhọc nhằn nhưng sẽ không kém những giây phút đa cảm, kích động.
Tháng Tư năm 1975… Sài Gòn chìm đắm trong phối cảnh ngộp thở, căng thẳng, hồi hộp, và đầy lo sợ. Càng ngày giặc cộng càng tiến gần vào thủ đô; không khí trở nên dồn dập, hỗn độn. Người người ráo rức chạy quanh tìm hiểu thêm tin tức, không biết số phận mình sẽ về đâu nếu Sài Gòn thất thủ.

Lúc ấy, Al Topping người giám đốc trẻ, 36 tuổi đời, của hãng hàng không Pan Am phải đương đầu với một vấn đề nan giải. Tình trạng Sài Gòn ngày càng bế tắc, vấn đề ra đi chỉ một sớm một chiều, nhưng lúc nào là đúng lúc" Trong thời gian này, Pan Am trở nên bận rộn với những phi vụ đưa nhân viên và thường dân Hoa Kỳ về nước. Đồng thời, khi chuyến máy bay C-5A chuyên chở trẻ mồ côi bị rớt, với hơn 200 người tử nạn, trong số đó có 140 trẻ em, Pan Am đã lãnh trách nhiệm cung cấp phi vụ đưa 243 trẻ mồ côi và 62 người lớn sống sót sang Mỹ. Thế nhưng, Pan Am không thể quyết định cho số phận của 62 nhân viên người Việt và thân nhân của họ. Trong thời gian này, các công ty lớn như IBM, Bank of America, Chase Manhattan Bank, Citibank, Exxon đều đã di tản tất cả nhân viên và chính thức đóng cửa, ngưng hoạt động.
Trong khi đó, Al, chờ đợi tổng tham mưu cho lệnh di tản, phải đương đầu với một thử thách khó khăn, bức rức tinh thần trước sự căng thẳng giữa ông và nhân viên. Ông nghĩ rằng họ đang trách ông, giận ông vì họ tưởng ông sẽ bỏ rơi họ như chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Bối rối tinh thần giữa lòng trung thành của ông với nhân viên và trách nhiệm với công ty, Al cố tâm tranh đấu và cuối cùng đã được sự chấp thuận của cấp trên. Nhưng, ông phải tự lo tổ chức việc di tản và bảo vệ cho nhân viên của ông. Hãng chỉ cho ông chiếc máy bay Boeing 747. Mọi việc đều phải giữ bí mật.
Bước kế tiếp là thâu thập danh sách nhân viên và gia đình của họ. Đây quả là bài học văn hóa cho ông. Bởi vì, danh sách dài tới 700 tên trong khi nhân viên của Pan Am chỉ có 62 người. À thì ra, gia đình của người Việt Nam bao gồm cả ông bà, cô chú bác, họ hang đôi bên. Lại thêm một gúc mắc nữa. Chiếc Boeing 747 chỉ có thể chứa đến 375 người. Một lần nữa, phải thanh lọc danh sách để còn lại 350 người mà Al phải bảo lãnh và tuyên hứa chịu trách nhiệm. Ngày 24 tháng 4, 1975, chuyến Clipper Unity (N653PA) cất cánh rời Phi Trường Tân Sơn Nhất với 463 hành khách, phập phồng lo sợ, hồi hộp, hoang mang, nhưng cũng không kém phần phấn khởi. Họ đang được đôi cánh thần đưa về vùng an bình.
Thế nhưng, Al vẫn bị lương tâm cắn rứt, bởi vì ông vẫn còn một nhân viên kẹt lại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lực đã quyết định ở lại Sài Gòn vì mẹ ông lúc ấy bệnh nặng, không thể di chuyển. Liên tục trong 17 năm trời, Al tiếp tục tranh đấu, gây quĩ, liên lạc với quốc hội để giúp ông đem người bạn cũ sang Mỹ đoàn tụ. Riêng ông Lực, sau 1975, đã bị đi cải tạo 8 tháng. Khi ra tù, ông dạy kèm Anh ngữ để kiếm tiền nuôi mẹ, vợ và 11 đứa con còn non dại. Khi mẹ và vợ ông qua đời, ông nghĩ đã đến lúc các con ông phải hưởng chút hương vị tự do. Ông quyêt định tìm cách liên lạc với ông “xếp” cũ. Một ngày tháng 3 năm 1992, ông Lực và 3 người con út đặt chân xuống phi trường Miami hội ngộ cùng ông xếp “cũ” cũng là người bảo hộ cho gia đình ông. Những giọt lệ đón chào buổi hội ngộ cũng là những giọt lệ đón mừng hơi thở tự do cho cha con ông Lực.
Được biết ban tổ chức “Wings of Freedom” đang mong mỏi liên lạc với các cựu nhân viên Pan Am và các trẻ em mồ côi nay đã trưởng thành. Xin quý vị liên lạc ông Al Topping, 305-254-4071, yclipper2@aol.com, hoặc cô Bernadette Nguyen, truongo@msn.com. Muốn biết thêm chi tiết, quý vị có thể viếng trang web www.paavn.org.
Đối với 2 triệu dân tị nạn Việt Nam, 30 tháng Tư, 1975 đánh đấu một vết thương lòng triền miên. Chúng ta đã cất cánh tìm tự do trên những vùng đất tốt, nhưng đừng quên, 30 năm sau, những chuyến bay đưa chúng ta về Việt Nam vẫn chưa đem được tự do về cho quê cha đất tổ.
(Lê Thùy Lan)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.