Hôm nay,  

Qúy Vị Có Nhận Người Di Dân Này Không - Phần 1

20/05/201600:00:00(Xem: 2839)

blank
Lê Minh Hải

Mục Di Trú và Thăng Tiến Đời Sống do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm cập nhật tin tức và phát huy kiến thức di trú, rất hữu ích cho quý vị quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Chủ đề trên đây cũng được thảo luận trực tiếp trên trang nhà, www.rmiodp.com vào mỗi tối thứ Tư, từ 7:00-8:00 giờ và phát thanh, phát hình 24/24 trên www.facebook.com/rmiodp

(Robert Mullins International) Trong thời gian gần đây, những lời ta thán vọng từ các văn phòng Lãnh sự Hoa Kỳ trên thế giới và từ những văn phòng di trú tại Hoa Kỳ đã làm cho giới truyền thông Hoa Kỳ chính thức bình luận về vấn đề này. Những người liên hệ, từ những người bảo lãnh, người được bảo lãnh cho đến các luật sư di trú và các nhà vận động tích cực cho người di dân, than phiền là nhiều câu hỏi chất vấn những người cặp vợ chồng và những cặp hôn thê-hôn phu đã làm kinh ngạc nhiều người, vì chúng rất không hợp lý và không thực tế, mặc dù mục đích của việc chất vấn này nhằm truy tìm những hồ sơ bảo lãnh gian dối.

New York Times, một trong những nhật báo uy tín và lớn hàng đầu trên nước Mỹ đã lên tiếng về sự kiện này trong một loạt bài chủ đề đặc biệt, có tựa đề "Qúy Vị Có Nhận Người Di Dân Này Không?". Nhân dịp này, văn phòng Tham vấn Di trú Robert Mullins International xin được chuyển dịch một bài viết đặc biệt của nữ ký giả Nina Bernstein của tờ New York Times, số ra ngày 11 tháng 6 năm 2011, liên quan đến vấn đề thời sự di dân nóng bỏng hiện nay.

*

Người thợ cơ khí về hưu, ở Michigan, dáng vẻ rất bối rối bên cạnh cô dâu của ông ta. Cô dâu vốn là một tay đàn dương cầm nhạc cổ điển đến từ Mạc Tư Khoa, nước Nga hiện nay. Cô đang cầm trên tay những bản email trong thời gian trao đổi tình cảm với nhau trên mạng điện tử internet. Một đôi vợ chồng khác, còn trẻ, mới cưới nhau, đến từ Long Island, thuộc tiểu bang New York, cũng vừa mới khỏe lại đôi chút sau bữa tiệc cưới với 600 khách tham dự cuối tuần vừa rồi, đã lúng túng khi luật sư của họ đang quay những câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến những chi tiết trong ngày họ ký giấy hôn thú ở tòa thị sảnh thành phố hồi bốn tháng trước. Ở một đôi khác, người phụ nữ ở vùng Manhattan, cũng ở New York, đã cãi nhau với anh chồng người Thổ Nhĩ Kỳ vì những loại câu hỏi mà họ được khuyến cáo là có thể bị hỏi trong cuộc phỏng vấn.

Liệu họ có biết về màu sắc bàn chải đánh răng của nhau không? Loại gạch trong phòng tắm có kiểu cọ ra sao? Họ làm gì trong ngày Năm Mới vừa qua? Và họ đã chuẩn bị trả lời những câu hỏi riêng tư xa hơn nữa từ những viên chức chính phủ chuyên săn tìm những chỉ dấu kết hôn giả hay chưa?

"Những câu hỏi rất xấu hổ". Cô Lindsay Garvy-Yeguf, 28 tuổi, cư dân thành phố Manhattan, có hình xâm con bướm trên chân, đã nói như vậy, trong khi anh chồng, Gunes Yeguf, 31 tuổi, trông vẻ mặt xanh tái trong bộ áo vest đậm màu. Cô nói: "Họ có thể hỏi bạn về đời sống tình dục".

Ba cặp vợ chồng kể trên ở trong số hàng chục cặp khác ở phía trong trung tâm di trú liên bang ở Manhattan trong thứ Ba vừa qua, đang ngồi trong phòng đợi, bên cạnh những tấm giấy quảng cáo lớn có ghi chữ "Chào Mừng Công Dân, Chào Mừng Nước Mỹ".

Khi đã bị thất bại trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Sở di trú USCIS, vì họ đã từng bước vào một thế giới huyền bí của một đơn vị di trú đặc biệt có tên gọi là "Đơn vị Stokes", chuyên thực hiện những cuộc phỏng vấn hôn nhân, khi một công dân Mỹ muốn kiếm một tấm Thẻ Xanh cho người hôn phối người ngoại quốc. Trong một án lệnh liên bang năm 1976, cho phép những cặp vợ chồng quyền được bảo vệ, được quyền đưa luật sư của mình tham dự cuộc phỏng vấn lần thứ hai có ghi âm, nếu cuộc phỏng vấn đầu tiên của họ bị nghi ngờ là giả mạo hôn nhân. Để làm cho công việc tốt hơn, bộ phận phỏng vấn Stokes đã tăng thêm 22 nhân viên.

Những câu chuyện về hôn nhân liên quan đến di trú cũng từng được lên phim, như phim "Proposal" (tức Lời Càu Hôn) thực hiện năm 2010, và phim "Green Card" (tức Thẻ Xanh) được ra mắt năm 1990. Và trong khi chính quyền không hỏi về giá trị cuộc hôn nhân của Faisal Shahzad, kẻ đã thất bại khi muốn đặt bom phá hoại quảng trường Times Square, thì việc bắt giữ tên này vào tháng 5 vừa qua đã đưa đến việc tái duyệt lại những nghi vấn liên quan đến thủ tục duyệt xét đơn xin Thẻ Xanh của đương đơn. Trên toàn quốc, số hồ sơ bị từ chối vì bị nghi ngờ giả mạo hôn nhân không lớn lắm. Theo sở di trú, có 506 đưn bị từ chối trong số 241.154 hồ sơ được nộp trong tài khóa năm 2010, tức khoảng 2% (chưa kể khoảng 7% bị từ chối vì những lý do khác, chẳng hạn như không xuất hiện trong ngày phỏng vấn).

Một vài nhà phê bình cho rằng con số nhỏ nhoi này chỉ đơn giản cho thấy hệ thống di trú dễ bị phỉnh gạt. Trong khi một số người khác thì cho rằng sự phỏng đoán về những cuộc hôn nhân giả mại bị thổi phồng lên cao trong nhiều năm qua đã tạo nên một con quái vật quan liêu, gây khó những cặp vợ chồng hợp pháp - dù sinh hoạt hôn nhân có khác thường, và điều này đã khuyến khích những vụ xâm phạm đời sống của họ trái với hiến pháp.

Ở một số nơi trên nước Mỹ, các viên chức chính phủ đã cho tiến hành những vụ kiểm tra giường chiếu lúc bình minh. Bà Laura Lichter, nữ luật sư di trú ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado, nói rằng: "Một người nào đó xuất hiện trước cửa nhà bạn với thẻ chứng minh và súng, không thông báo trước". Họ nói:"Xin chào, chúng tôi đến từ sở di trú. Qúy vị có gì phiền không nếu chúng tôi vào trong nhà để nhìn và xem nếu hai chiếc khăn tắm có ướt không?"!

Ban đặc nhiệm di trú Stokes đã thực hiện việc kiểm tra kể trên rất thường xuyên ở tiểu bang New York. Các luật sư và các nhà vận động di trú than phiền rằng, ở mức tồi tệ nhất, phương pháp kiểm tra của sở di trú là một dạng đầy kịch tính như một chương trình truyền hình chuyên phỏng vấn những cặp mới cưới nhau, có tên là "The Newlywed Game", nhưng với tình huống kinh hoàng hơn: Những người bị rớt phỏng vấn có thể dẫn đến việc bị trục xuất. Tương lai của họ tùy thuộc vào những viên chức quan liêu đa nghi, chỉ dựa vào điều luật nói rằng họ không thể kết hôn chỉ vì Thẻ Xanh.


Đối với những cuộc tình quen biết hiện đại trên mạng internet, những vụ kết hôn đã được cha mẹ định trước, những sự quen biết của hai người khác màu da, nhưng vụ hôn nhân phóng khoáng và ly dị nhiều lần, thì việc chứng minh cuộc hôn nhân trong sáng sẽ khó khăn hơn, đã làm cho một cặp vợ chồng không thể cung cấp một hóa đơn điện thoại liên tục và đã bị chất vấn về việc ngừa thai. Trong ngày thứ Ba ở ban điều tra di trú Stokes, một cặp vợ chồng tự khai rằng người vợ đã mang thai 8 tuần lễ, nhưng đã bị nhân viên di trú hỏi người chồng một cách thẳng thừng rằng: "Bào thai đó có phải là con của ông không?".

Ông Andrea Quarantillo, giám đốc một cơ quan di trú ở New York nói rằng: "Quyền hạn của những nhân viên di trú rất rộng rãi, và họ được thực tập rất kỹ lưỡng. Điều này có hoàn hảo không? Xin thưa là không. Việc của họ là phán quyết mà thôi".

Theo một bản danh sách riêng của cơ quan di trú nhưng vừa mới bị tiết lộ trên mạng internet, những chỉ dấu rất đáng nghi ngờ hôn nhân giả mạo bao gồm "những sự khác biệt văn hóa không thông thường", hay sự sai biệt về tuổi tác khá nhiều, hoặc số lượng con cái riêng "không bình thường", hoặc người bảo lãnh công dân Mỹ có tài sản nghèo nàn. Ông Daniel Lundy, một luật sư di trú, nói rằng những ô vuông nhỏ để nhân viên phỏng vấn ghi chú trong bản danh sách này "chỉ là cách thực hành việc phân biệt chủng tộc mà thôi". Luật sư Lundy bình phẩm cách phỏng vấn của bộ phận di trú Stokes và cho rằng: "Quí vị có thể đã kết hôn 50 năm, nhung cũng khó có thể đậu cuộc phỏng vấn như vậy".

Sự hiểu biết của ban phỏng vấn Stokes kể trên cũng có giá trị như một loại phim bộ truyền hình của họ chuyên chiếu về đời sống thực. - những cặp hôn nhân giả bị bắt quả tang, đúng, nhưng cũng có những cặp vợ chồng có những điểm bất thường khác mà tính xác thực của họ đã làm kinh ngạc mọi người. Một người chồng đồng tính luyến ái khai rằng ông ta bất ngờ tìm được người phụ nữ mà ông yêu thương (hồ sơ này bị từ chối); hoặc một người chồng vừa mới cai nghiện rượu đã mất trí nhớ (hồ sơ này được chấp thuận); hoặc một người chồng tự khai rằng anh ta không thể ân ái với vợ được, vì muốn giải thích lý do tại sao người vợ không biết nơi anh ta có chín hình xâm nơi chỗ kín (hồ sơ này không thành công); hoặc người chồng công dân Mỹ đã lớn tuổi, từng bị mất một tay trong tai nạn, nhưng đã tìm được hạnh phúc với người vợ gốc Caribbean còn rất trẻ (hồ sơ này thành công).

Bà Maria Guerra, giám sát viên của ban di trú Stokes, nói rằng: "Chúng tôi không thể đưa ra định nghĩa về hôn nhân, đặc biệt là ở New York. Nhưng chúng tôi biết hết mọi sự".

Nhưng họ đã biết "hết mọi sự" ra sao? Những cặp vợ chồng đi phỏng vấn để người hôn phối có thể được cấp Thẻ Xanh sẽ phải đối đầu với phương pháp chất vấn của nhân viên di trú ra sao sẽ được nói đến trong kỳ tới, cũng trong loạt bài chủ đề di dân của nhật báo New York Times.

Hỏi Đáp Di Trú

- Hỏi: Buổi sáng hôm nay trước khi đến đây quý vị có ăn sáng không? Ai thức dậy trước? Ai tắm trước?

- Đáp: Hầu hết những cuộc phỏng vấn đầu tiên của những hồ sơ xin chuyển diện Thường trú nhân, nhân viên di trú ít khi hỏi những câu hỏi chi tiết này. Tuy nhiên, qúy vị cần quan tâm và nhớ những sinh họat hàng ngày để phòng hờ nếu cần phải trả lời những câu hỏi bình thường nhưng lại ít khi để ý này. Nếu hai vợ chồng có thói quen ăn sáng chung trong ngày thường ở nhà, cần nhớ ai hay làm thức ăn sáng. Điều này không thể quên đã ăn uống món gì vào buổi ăn sáng của ngày phỏng vấn. Cũng như không thể quên ai là người thức dậy trước và ai đã đi tắm trước, nếu đây là thói quen mỗi buổi sáng.

- Hỏi: Lần cuối hai người đi chợ vào ngày nào? Chợ tên gì? Ở đâu? Ai trả tiền và trả bằng cách nào?

- Đáp: Nhân viên phỏng vấn thường hỏi những sinh họat hoặc những biến cố mới xảy ra gần đây nhất để qúy vị không thể nại lý do đã quên vì xảy ra đã quá lâu. Qúy vị không nên trả lời rằng "không nhớ" cho hầu hết những câu hỏi. Qúy vị có thể trả lời không nhớ chính xác ngày đi chợ với nhau lần cuối, nhưng cần trả lời, thí dụ như tuần trước hoặc hai tuần trước. Nhưng cần nhớ tên chợ và ở địa điểm nào. Qúy vị cũng cần nhớ vợ, hay chồng đã trả tiền mua hàng, và trả bằng tiền mặt, chi phiếu hoặc thẻ tín dụng (credit card).

- Hỏi: Xin cho biết buổi lễ kết hôn của anh chị vừa qua có sự tham dự của bao nhiêu người thân? Xin kể tên những người tham dự này?

- Đáp: Trong các sinh họat hôn lễ tại Hoa Kỳ, quý vị nên nhớ lễ kết hôn thường không phải là tiệc cưới. Nghi lễ kết hôn là ngày hai người được giới thiệu, hoặc được tuyên bố chính thức là vợ chồng trước mặt một hoặc nhiều người khác. Chẳng hạn như trước mặt một viên chức hợp lệ của chính quyền trước khi ký giấy hôn thú, hoặc trước mặt một vị tu sĩ, hay trước mặt người thân thuộc trong gia đình như chúng ta thường thấy trong các nghi lễ kết hôn truyền thống của người Á Châu ở tại nhà trước khi đến nhà hàng dự tiệc cưới. Qúy vị cần nhớ có khỏang bao nhiêu người tham dự, và phải có thể kể tên hầu hết những người thân tham dự; chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em và họ hàng gần gũi.... Để có thể trả lời chính xác câu hỏi này, qúy vị nên hỏi lại người phỏng vấn rằng buổi lễ kết hôn là ngày ký giấy hôn thú, hay là ngày được sự xác nhận theo nghi lễ tôn giáo, hay là ngày được xác nhận theo nghi lễ kết hôn truyền thống của gia đình.

Kính mời quý độc giả đón đọc chủ đề Di Trú và Thăng Tiến Đời Sống trên các báo chí Việt ngữ địa phương số cuối tuần, hoặc nghe trực tiếp chương trình của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư trên các làn sóng: Bắc Cali 1430AM, 7:00-8:00, Nam Cali 106.3FM,7:00-7:30. Phát lại vào Chủ Nhật từ 3-4 giờ trên làn sóng 1500AM, và 24/7 trên trang nhà: www.rmiodp.com. Hoặc www.facebook.com/rmiodp. Hay liên lạc với văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933, San Jose (408) 294-3888, Sacramento (916) 393-3388, Rạng Mi: 84-3914-7638 hay Email: info@rmiodp.com

Lê Minh Hải

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.