Hôm nay,  

Ảo Tưởng Và Thực Tế Qua Một Vài Tác Phẩm Của Văn Chương Phản Kháng Trong Nước

06/05/201609:48:00(Xem: 6096)

ẢO TƯỞNG VÀ THỰC TẾ QUA MỘT VÀI TÁC PHẨM
CỦA VĂN CHƯƠNG PHẢN KHÁNG TRONG NƯỚC

 

Nguyễn Văn Sâm

 

Dân không phải  không biết, nhưng không dám nói, không dám viết.

 (Báo SGGP ngày 11-6-86)

                                                              Bài viết hơn hai mươi năm trước! (NVS)

 

Hiện nay ai cũng biết trong nước đang có phong trào phản kháng. Mức độ trở thành mãnh liệt và công khai từ khi Nguyễn Văn Linh tuyên bố đổi mới và cỡi trói cho văn nghệ trong buổi họp cùng với anh em văn nghệ sĩ toàn quốc hai năm trước, từ khi những người cựu kháng chiến từng quyền thế một thời, bây giờ bị đẩy ra ngoài rìa, ngồi với nhau thành lập Câu Lạc Bộ Kháng Chiến ra báo nói lên tiếng nói của nhóm mình nói riêng và tiếng nói người thấp cổ bé miệng không nắm chức vụ nào trong chính quyền nói chung. Khó lòng mà chủ trương rằng những người như Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Trà, Trần Văn Giàu, Nguyễn Hộ…không mang trong đầu họ những lý thuyết, đường lối đấu tranh, phương pháp suy luận, quan niệm tự do, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân … theo cung cách của người Cộng sản- ít nhất là cho tới ngày hôm nay. Chấp nhận như vậy là vô lý khi mà hầu hết những người này đã bỏ hơn bốn mươi năm suy nghĩ, làm việc theo kiểu người Cộng sản. Những hành động của họ bây giờ- lên tiếng công kích chính quyền chuyên chính vô sản về mặt bản chất hay mặt hiện tượng ta chưa cần xét vội- nếu không phải sinh ra từ lòng yêu nước thì là kết quả của những hành vi vô cùng can đảm. Họ đã phản tỉnh và đã thấy được phần nào chủ thuyết mình theo đuổi bấy lâu nay không còn phù hợp nữa. (Trong trường hợp họ không hè với chính quyền mất nhân tâm hiện tại để diễn một màn đối lập cụi dọn đường cho cuộc bầu cử trao quyền phải có khi những ông bình vôi ở Bắc Bộ phủ ở vào thế chịu chấp nhận giải pháp đa đảng. Chuyện cụi nầy có hay không đều ngoài khả năng xét đoán của người viết. Hiện tại, thiên về giả thiết cho rằng họ đối lập thiệt, đối lập vì “những người Cộng sản đã làm băng hoại đất  nước này”,  nói theo cách nói của Phạm Xuân Ẩn, không phải là điều hợp lý).

Nhà nước Cộng sản Việt Nam bây giờ đang chịu ba mặt giáp công: nhóm quân sự công thần lên tiếng tấn kích về vấn dề bè phái và suy thoái trong đảng, các nhà báo trẻ chưa bao giờ có dính dấp gì với chế độ Miền Nam trước đây phơi bày một cách không vị nể các mặt băng hoại của xã hội, các nhà văn con đẻ của chế độ đưa lên những điều xấu xa cốt lõi có tính bản chất của chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Trước hiện cảnh không mấy gì tốt đẹp của xã hội Việt Nam mà ba lớp người trên chứng kiến từ khi thống nhất đến nay, ảnh hưởng trong quần chúng của ba mặt tấn kích này, mặc dù không một tiếng súng, chưa một chết chóc nào từ phía chính quyền cũng vô cùng rộng lớn. Gián tiếp e ngại những ảnh hưởng nguy hại cho chế độ, mới đây Võ Nguyên Giáp khi trả lời cuộc phỏng vấn của một ký giả Pháp có nói là : “…người ta luôn luôn muốn đi quá mau”. Thật ra đợi cho tới bây giờ mới “nói” cũng đã là quá chậm. Cách mạng và thay đổi nào cũng có vẻ quá mau đối với những người thụ hưởng ân sủng của chế độ, muốn kéo dài chế độ cho mình hưởng lợi, đối với quần chúng, sự tồn tại ngày nào của áp bức là “quá chậm” ngày đó.

Quá chậm nhưng cuối cùng sự tấn công vẫn đã nổ ra, và chắc chắn sẽ tạo ảnh hưởng như một thứ ngòi nổ châm vào hầm thuốc súng – mặc dù những công kích có thể không muốn như vậy – vì vậy những ngày sắp tới sẽ dài nhất cho chế độ Hà Nội. Giai đoạn sinh tử của họ là lúc này, ở vào thế tiến thoái lưỡng nan: diệt trừ những tiếng nói kia thì mang thêm tiếng xấu có thể tạo nên những phản ứng dây chuyền nguy hiểm, làm lơ cho các nhóm công kích có chỗ phát tiết thì có thể lâm vào tỉnh trạng dưỡng hổ di họa, nguy cơ càng ngày càng lớn đến một lúc nào đó sợ không thể kiểm soát được…

Trần Văn Giàu, nhân vật quan trọng của Câu Lạc Bộ Kháng Chiến trong một bài nói chuyện ứng khẩu tại đây tấn công thẳng kiểu người miền Nam về sự tham quyền cố vị của những người ngồi chót vót trên cao hiện tại “Làm quan trong đảng và nhà nước phải luân phiên…làm lâu quá, hư. Làm lâu quá sẽ bè đảng, rồi phải tự tư tự lợi” và sự suy đồi cần cải tổ không tư vị, không tiếc thương, không thỏa hiệp: “Trước hết phải chỉnh đốn Đảng, không chỉnh đốn Đảng thì không làm được việc gì. Chỉnh đốn Đảng là mười ngàn, hai mươi ngàn, một trăm ngàn, hai trăm ngàn, ba trăm ngàn cũng được, những người không xứng đáng là Cộng sản thì phải loại bỏ nó đi”.

Chủ trương thanh lọc đảng viên nhưng vẫn nói rằng mình tin tưởng đảng Cộng sản và lớn tiếng phủ nhận nguyên tắc đa đảng, Trần Văn Giàu thực tâm không tin tưởng những gì mình nói đâu, ông ta chỉ đưa lá chắn “giữ vững lập trường Mac-Lênin” lên che cho mình khi bắn phát súng thần công vào thành trì đảng để tránh trường hợp bị dội ngược lại. Đây là một thái độ khôn ngoan của những người già nhiều mưu lược. Ta nên chú trọng đến những điều đòi hỏi của Trần Văn Giàu hơn là chú ý đến những gì ông ta nói rằng mình tin tưởng ở đảng Cộng sản Việt Nam và “đánh chết cái nết không chừa” thần phục tuyệt đối Nga sô.

Nguyễn Hộ trong bài nói chuyện cũng hôm ấy tấn công thẳng vào sự đàn áp của chính quyền đối với nhóm của ông ta “Tờ báo Truyền thống Kháng Chiến đã sai lầm gì mà cấm cố nó? Chẳng qua là nó nói mạnh đụng chạm đến lãnh đạo nên lãnh đạo tỏ ra khó chịu và đập nó thôi. Mà như vậy là sao? Là trù dập, định kiến, không dân chủ”.

Đây có lẽ là những lời tố cáo đầu tiên và duy nhất thẳng lên các cấp lãnh đạo Cộng sản, những tố cáo khác chỉ đưa ra hiện tượng ở cấp dưới hay nói chung chung mà thôi.

Khi phát súng đã nổ vào thành trì lãnh đạo thì trận chiến không thể dừng lại được.Ta có thể thấy trước việc Câu lạc bộ sẽ phải chịu những áp lực nặng nề hơn trong tương lai hay những khó khăn đến cho chính con người của Nguyễn Hộ, Trần Văn Giàu.

***

 

Câu Lạc Bộ Kháng chiến đại diện cho tiếng nói của từng lớp công thần bất mãn, vấn đề của họ đặt ra vì vậy có tính cách chính trị nhiều hơn và “chung chung” hơn, không đi vào chi tiết. Người dân thì sao? Họ có thấy những sai trái của chính quyền ? Họ có là nạn nhân của những sai trái đó ? Và cách nói của họ?

Lật bất cứ tờ báo nào ta cũng có thể nhìn thấy câu trả lời.

Các báo Sài gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ đăng các thiên phóng sự sôi nổi về sự xuống dốc của chế độ như cửa quyền, tham ô, đĩ điếm cờ bạc, những vấn đế mà trước đây một vài năm được bao che bưng bít không cho chường lên mặt báo, hay có lên thì đã được cắt xén thế nào cho tình trạng trở thành một sự kiện hư hỏng mang tính cách cục bộ - thuộc về hiện tượng chứ không phải bản chất.

Tuổi Trẻ số 1543 – 1544  phát hành tháng Giêng 1990 đăng tệ nạn mãi dâm trá hình “masage” mà các cơ quan đảng cũng có dính vào với lời bình luận nhức nhối: “Những thỏa hiệp ma quỷ, ngấm ngầm, sự quản lý chạy theo doanh thu, câu khách của nhà hàng, cả Nhà Nước lẫn tư nhân…đã xô đẩy một số - tất nhiên vào con đường mãi dâm”,hay rõ ràng hơn:”Sẽ còn đau lòng hơn khi chính chúng ta – Nhà Nước – đã hợp pháp hóa một hình thức kinh doanh trên thân xác phụ nữ: đó là hoạt động massage. Các chủ chứa cũ hầu hết đều có tiền án tiền sự là người đầu  tiên đánh hơi thấy khả năng tổ chức mãi dâm trá hình trong vụ massage.”

Ta cần lưu ý tính cách gia trọng của lời tố cáo khi tờ báo không nói Quận A, quận B, cơ quan X, cơ quan Y mà nhắc đi nhắc lại mấy chữ Nhà Nước coi như những ung nhọt này sinh ra với sự đồng tình hay cố tình lơ là của những người đang ngồi trên chóp bu, những người đại diện cho Nhà Nước.Sự dung túng, lơ là có thể vì tiền, tiền vào ngân sách (một phần, dĩ nhiên): “Trung bình mỗi điểm masage, mỗi năm nộp cho ngân sách địa phương trên dưới mười triệu đồng. Trong tình hình hiện tại, con số đó là cả một vấn đề. Phải chăng vì thế mà người ta đã sẵn sàng đổi cả trụ sở của cơ quan nhà nước đi nơi khác, lấy chỗ cho massage như trụ sở …”

Tố cáo sự xấu xa của chế độ bằng hình thức phóng sự điều tra ai ai cũng thấy rằng nhà báo chỉ đánh ngọn roi nhẹ vào chế độ - kiểu của người mẹ cưng con đánh mà ngại con đau, chớ chưa phải là ngọn roi trừng phạt của người cha – Hình ảnh xấu quá cụ thể nên những điều được nêu lên trên mặt báo đã trở thành cá biệt và đơn lẻ.. Nói cách khác, cái xấu được trình bày dưới hình thức phóng sự chỉ có tính chất hiện tượng: Thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng mãi dâm trá hình chứ không có những tệ nạn khác…Nhà báo, ở đây phải ghi công hàng đầu cho nhà văn Nguyên Ngọc thấy được điểm căn bản đó nên khi điều khiển tờ Văn Nghệ ông cho đi thêm một bước dài hơn trong sách lược tấn kích, sử dụng một thể loại ở giữa văn chương và sự thật: thể ký. Căn cứ vào sự thật để xây dựng một bài văn hơi có tính chất văn chương, tâm tình, nhà văn viết ký vừa có lá mộc chắn đạn hữu hiệu khi bị quan trên vặn vẹo, vừa có tính chất thuyết phục với đại đa số người bình dân ở sự giảm thiểu tối đa “tính hư cấu” và tăng cường tối đa “tính cụ thể”.

Mấy truyện ký “Bông Lúa Nổi Giận”. “Công Lý, Đừng Quên Ai” và “Nơi Ấy Bây Giờ”vì vậy mới là ngọn roi mây mà chính quyền đau thấu mây xanh khi bị vụt tới. Các tác giả Hà Văn Thủy, Lâm Thị Thanh Hà…đi vào thực tế, xuống đến tận các thôn hẻo lánh, đối diện với cái xấu, đối thoại với nạn nhân, tâm tình với những phẩn uất, thỉnh thoảng xen vào những nhận xét thật cơ bản, đưa đến cốt lõi vấn đề. Chẳng hạn trong Nơi Ấy Bây Giờ “Sự trấn áp bằng máy phóng thanh không chỉ dành riêng cho những gia đình ngụy quân, theo Mỹ mà cả những gia đình cách mạng chí cốt tiêu biểu cho làng nầy…hay “Những ngày sau đó, đoàn chỉ đạo của ông Sáu Kiên rút về, huyện ủy Giá Rai cử đoàn cán bộ khác gồm hai mươi người xuống Long Điền Đông A để làm những công tác khác: củng cố đoàn thể quần chúng, các phong trào văn nghệ thể dục, thể thao để làm giảm bớt không khí nặng nề, căng thẳng. Còn chuyện lúa, phân, tiền và sự kiện “Bảy Liên Xô” tạm dừng lại, để tính sau.. Nghĩa là cơ thể của Long Điền Đông A trong cơn đau quằn quoại được tạm thời tiêm một mũi thuốc an thần, còn liều thuốc lấy dân làm gốc, chưa ai dám sử dụng trong lúc này”.

Trong “Công Lý Đừng Quên Ai”, lời kết cuối bài đưa người đọc đến một cảm giác bàng hoàng mà hình thức truyện ngắn khó thể có: “Tôi bước ra về và bỗng muốn kêu lên thật to. Nhưng tôi đã kịp kìm mình lại, bởi chợt nhớ cái câu chính tôi đã khuyên vợ chồng anh Nhiên: “Công lý sẽ không bỏ quên ai. Hãy cố đợi, và đừng nói gì, làm gì bậy mà thành có tội”. Bây giờ, cũng chính là cái câu tôi đang tự khuyên mình”.

Thể ký là đứa con tư sinh của văn chương, chưa phổ thông lắm trong Miền Nam trước đây và cũng chưa thấy có vẻ gì phát triển được ở hải ngoại, có sức mạnh riêng của nó đã đành, còn làm được chuyện không ngờ: ghi lại những bài hát dân gian phổ biến hạn chế trong một vùng, trong một giai đoạn ngắn mà giá trị xác tin không ai có thể đặt vấn đề để bàn cãi. Tôi xin ghi lại bài hát sau thấy trong “Nơi Ấy Bây Giờ” như một tài liệu sống về lời ta thán của nhân dân dưới ách của chế độ bạo tàn, về chuyện cường hào ác bá đỏ:

            “Bán phân thì bán bằng tiền,

            Cuối mùa lấy lúa làm phiền nhân dân.

            Dân ta tức giận đấu tranh,

            Bắt dân nhốt khám tanh banh xã nhà”.

Ký mạnh do tính chất bám víu trên sự thực, nhưng nhược điểm của nó cũng ở đây, không có tính chất tổng quát nên không đại diện được điều tác giả nói trên một bình diện cao hơn, người đọc mãi vụ vào những sự thực được trình bày nên không thể đẩy ý nghĩa của bài viết vào những vấn đề trừu tượng có thể đặt ra. Hình thức văn nghệ cao cấp hơn được một đại đa số nhà văn dùng đến khi tình trạng cỡi trói văn nghệ lên đến tuyệt đỉnh của nó vào năm 1988.

Cái xấu được phô bày bằng hình thức truyện ngắn đầy đủ đặc tính văn nghệ, như sự tấn công bằng tác phẩm văn chương, có sức mạnh cử đỉnh bạt sơn của nó. Nhà văn đã thu nhặt nhiều hiện tượng cá lẻ riêng biệt mới tạo được thành một điều khái quát và phô diễn điều đó dưới hình thức vắn nghệ. Phản ứng của văn nghệ sĩ vì vậy có thật nhiều tác dụng, đó là lực lượng trừ bị cuối cùng của hình thức tranh đấu ôn hòa. Qua khỏi lực lượng này, tình trạng đổ máu của hai phe chắc chắn sẽ xảy ra mà là sự thắng hay bại còn tùy thuộc ở sức mạnh của quần chúng và hoàn cảnh.

Nhưng ngày nay “hiện tượng” bao trùm khắp mọi nơi. Khi đâu đâu cũng bày ra hiên tượng thì hiện tượng đã biến thành bản chất. Khi cái xấu đã ở khắp mọi chỗ thì môi trường đó là một môi trường xấu, chế độ quản lý môi trường đó là một chế độ xấu. Ta có thể thấy ngay những cái xấu đó trong hầu hết các báo chí Cộng sản bây giờ. Người đọc không có những rung động lâu dài đến tận cùng khi đọc chuyện “khai thác thịt người” dưới hình thức các phòng tắm hơi được viết bằng thể văn phóng sự ở báo Tuổi Trẻ. Cái xấu lồ lộ quá. Cụ thể quá. Ta thấy nhiều người làm giàu, ta biết chắc rằng nhiều cô gái đã tan nát đời hoa khi chính quyền làm ngơ cho khai thác dịch vụ này. Nhưng ta không thấy cái tâm tình của một cô nào đó một cách cụ thể, một cách văn chương. Cái xấu được phơi bày dưới hình thức văn chương vẫn có vẻ nào đó cao trọng và nhiều tác dụng hơn các hình thức khác. Đi sâu vào lòng người hơn. Tấn công vào những vấn đề trừu tượng hơn nhưng cấp thiết hơn. Truyện hiện thực có giá trị tố cáo cao hơn ký một bậc nữa vì dù sao ký vẫn còn bám víu trên chi tiết và hiện tượng – chỉ ở một nơi chốn nào đó thôi và trong vấn đề nhất định đước nêu ra thôi – trong khi truyện là hình thức tổng quát hóa các điều được nói đến, nếu truyện có giá trị tố cáo thì sự tố cáo không chỉ dừng lại trên mặt hiện tượng mà đã đi vào mặt bản chất. Văn chương phản kháng ngày nay ở Việt Nam được dân chúng tin và chính quyền sợ hãi vì được hỗ trợ bằng những cảnh có thật xảy ra trước mắt mọi người hằng ngày. Người Cộng sản dùng văn chương bao nhiêu năm nay minh họa cho sự tốt đẹp của xã hội Cộng sản mà không thành công vì văn chương minh họa một đàng mà hiện thực phơi bày một nẻo, văn chương minh họa tô điểm cho một xã hội trên lý thuyết sẽ trở thành hiện thực nhưng quá lâu ngày mà xã hội đó khồn tiến bộ gì nên đã trở thành vẽ vời cho một viễn tượng không biết đến bao giờ mới có, một xã hội viễn mơ không biết có nằm trong một nơi nào đó của tương lai vô tận hay không.

Văn chương phản kháng tố cáo xã hội hiện tại ở Việt Nam nhưng không cường điệu hóa những sai lầm đang có của xã hội.. Nhà văn chưa dám bước ra khỏi sự thực che chở phần nào cho an toàn bản thân. Khi nói lên những xấu xa của xã hội, nhà văn đứng trước vấn đề lương tâm, mình như một tấm gương phản ánh, “một cái gương khách quan, không thiên vị, đánh giá chính xác đầy đủ toàn hình người soi, mách bảo những nét chưa hoàn chỉnh, tô từng chi tiết hòa hợp trên nét mặt, vóc dáng người đứng trước nó” (Ma Văn Kháng, truyện Mẹ  Và Con,1981 )

Không thể làm khác hơn, mặc dầu điều nói hôm nay phản hoàn toàn với điều mình đã nói trong bao nhiêu năm trước:

            “Vẫn biết rằng người cầm bút như tôi

            Phải hát về những gì đã hát

            Những cuộc sống gọi tôi về sự thực

            Và cho tôi ngôn ngữ rạch ròi”.

                                    ( Sự thực của chúng ta … Nguyễn Bá )

và có thể tiếng nói của mình phải được trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Nhà văn phải chọn con đường đúng, chính nghĩa, sự thực, không thể làm khác hơn được, không thể đồng lõa với cái Ác:

                        “Lúc cái thiện còn yếu hơn cái ác;

                        Lấn lướt trong chùa là quỷ sa tăng,

                        Thì giá nói lên sự thực

                        Đổi ngang sinh mạng chính mình!”

                                    ( Sự thực của chúng ta … Nguyễn Bá )

            Nguyên tắc viết đã được suy gẫm, quyết tâm viết đã được đặt ra, sự nở rộ của phong trào văn chương phản kháng đương nhiên phải có.

            Nhìn chung, truyện ngắn đối kháng hiện nay ở Việt Nam có thể chia làm hai thứ loại, tả chân hiện thực và phân tích tâm lý.

            Ở loại tả chân hiện thực người viết chủ ý mô tả tệ trạng, thảm cảnh, bất công…để gián tiếp chứng minh cái xấu của chế độ. Trong lối viết này sự kiện và chất liệu thực của cuộc đời giữ vai trò chính. Điều được mô tả nói lên những gì tác giả muốn diễn tả, nhân vật, chỉ là những bóng mờ trước sự phong phú của dữ kiện cho nên phần nội tâm, nỗi thất vọng của nhân vật bị tác giả lướt qua. Nhân vật Răng trong “Người chưa có chiến công” của Vũ Bảo ( trong tập truyên ngắn Tướng Về Hưu ) nghĩ gì ta không biết, nhưng ta biết được tệ trạng cấp chỉ huy trong quân đội không chịu động não suy nghĩ, chỉ biết khen thưởng chiến công cho những người “tự gây thêm khó khăn cho mình để rồi sau đó lại dũng cảm khắc phuc hậu quả của chứng bệnh cẩu thả vừa gây ra để lập một chiến công nổi bậc hơn anh em khác”, còn người chăm chỉ, phòng xa, không cẩu thả - khiến cho không có vấn đề mà phải giải quyết – thì không được khen thưởng, không được kết nạp vào đảng, Vũ Bảo tố cáo chế độ vụ hình thức, tổ chức đã đi vào nề nếp cứng nhắc chỉ biết ghi công, khen thưởng “dựa trên bề mặt thấy được của sự kiện” mà không nhìn thấy nguyên nhân sâu xa của những cơ cực không cần thiết, tạo nên những chiến công đó, Theo Vũ Bảo, nếu người ta biết cẩn thận, tiên đoán, thương yêu đồng đội thì một số lớn việc xấu đã không xảy ra và người ta sẽ khỏi cực khổ giải quyết những khó khăn đó.

            “Đứa Con Ông Giáo Già Và Đứa Con…” của Sao Mai cũng thuộc loại tả chân hiện thực này, nói lên tính cách bè phái và tình trạng nghèo đói nhưng không cho thấy tâm tình của ông giáo hay thằng con bị đánh đến gần hóa điên của ông.

            Muốn nhìn thấy tâm tình nhân vật, người đọc phải khai thác tâm trạng nhân vật trong các truyện mà tôi tạm gọi là những tác phẩm phân tích tâm lý.

            Nếu ở nhóm trên người đọc cảm nhận sự đớn đau trên khía cạnh thân xác của nhân vật, thì tác phẩm của nhóm dưới vẽ cho ta sự ê chề, tuyệt vọng. Ê chề không phải bị ức hiếp, bị bạc đãi mà vì bị mất lòng tin, bị đối đầu với sự thật phũ phàng, một sự thật mà trước đây dầu có trí tưởng tượng phong phú đến đâu họ cũng không dám nghĩ đến. Các truyện loại này ta có thể kể “Con Rắn”, “Người Thợ Làm Móng Tay” của Dương Thu Hương, “Về Nhà Trước Cơn Mưa” của Trang Thế Hy, “Thời Gian” của Cao Duy Thảo.

            “Thời Gian”là một trường hợp đối kháng tinh tế, một phản ứng ngầm. Truyện đi theo một triết lý “thôi thì cứ để cho người ta sống trong ảo tưởng, trong sự thật thêu dệt theo sự suy nghĩ của người ta, đừng đánh thức họ dậy, đừng chỉ cho họ cái thực tế ở ngoài, dù cái thực tế đó thực muôn phần. Đánh thức sự mê ngủ của họ, họ sẽ chết trong thất vọng”. Tôi liên tưởng những người Cộng sản thức tỉnh nhìn những người Cộng sản chưa thức tỉnh một cách bao dung khi đọc truyện này của Cao Duy Thảo. Một bà mẹ trong bao nhiêu năm trời tin tưởng con trai mình đã hy sinh cho “cách mạng” mặc dù chưa bao giờ phát hiện được xác anh ta và mặc dù có nguồn tin trước đây “bác sĩ Long (con bà) nhởn nhơ trong một trại chiêu hồi” hay “trước nữa có một thằng cha lang băm nào đó sau khi chiêu hồi, tự xưng là bác sĩ ra mở phòng mạch châm cứu…”. Bà sống trong một niềm tin chắc nịch con mình “không làm cái chuyện nhục nhã ấy đâu”.Trong niềm tin đó bà sống, trong niềm tin đó bà mạnh khỏe đi đó đi đây cố xác minh trường hợp “yêu nước, cách mạng” của con bà, trong niềm tin đó bà vui lòng nhắm mắt. Mà không phải một mình bà sống trong ảo tưởng khác hẳn sự thực như vậy, thiên hạ còn biết bao người nữa, như cô Phượng em anh Long trong truyện, như bà mẹ của nhân vật chính trong truyện Về Nhà Trước Cơn Mưa…

            “Thời Gian” được tôi cho vào loại mở đầu những chống đối.  Thật ra đây là giai đoan thất vọng của những nhà văn phản tỉnh mà chưa thể nói ra rõ ràng vì chưa được phép. Không thể nào một nhà văn cung đình, bồi bút, khiếp nhược, sợ hãi dám đặt vấn đề sống trong một niềm tin không thật. Nhà văn Cao Duy Thảo chắc đã băn khoăn nhiều khi ông viết: “Tôi không thể nói ra sự thực kia…Tôi khe khẽ gật đầu, lòng thầm nhắc thôi đừng nói thêm một điều gì nữa. Hãy cứ để cho Phượng và bà mẹ tin những điều mà cả hai đều hẳng nghĩ như vậy…” . Bịt mắt họ lại để họ chỉ thấy màu xanh của ảo tưởng còn hơn mở mắt họ ra cho họ thấy một màu đen khổng lồ của sự thật”

            Ý tưởng đó hao hao giống Ma Văn Kháng khi nhà văn cho nhân vật của mình nhắc đến câu nói của Nam Cao:

            “…Năm chục năm sống thui thủi một mình, con nghĩ thương bà quá!”

“Rồi cũng quen đi con ạ.”

Chị đáp, tưởng như lấy lệ mà giọng lại nghẹn đắng, nhưng Hóa nhấc bát cơm, chép miệng thật già dặn:

“Ông Nam Cao nói khổ mà không biết khổ là thế đấy!” ( Mẹ Và Con – 1981 ).

Ảo tưởng về tư cách và sự thật dối trá của đảng được diễn tả tượng trưng qua truyện Con Rắn của Dương Thu Hương cũng là điều đáng nói. Truyện nói về một cô thiếu nữ yêu người tình của mình hết lòng, một ngày kia cô rơi xuống tận cùng của hố thẳm thất vọng khi khám phá rằng vị hôn phu đã phản bội mình một cách bỉ ổi. Phản bội, anh ta không xứng đáng tình yêu trong trắng của mình đã đành, tệ hơn nữa anh ta còn dối quanh để che tội, còn đổ trút trách nhiệm cho người khác, còn mưu này kế nọ để lấp liếm, chạy tội. Người thiếu nữ trong truyện của Dương Thu Hương sau một thời gian buồn bã phấn vân tìm hiểu cuối cùng đã dứt khoát cắt đứt cuộc tình, hủy bỏ hôn ước “tình yêu còn lại chút ít, nhưng lòng kính trọng hoàn toàn đã mất”.

            Dương Thu Hương muốn ta liên tưởng đến những người đặt trọn niềm tin vào đảng Cộng sản, đã lầm lạc trao cả quảng đời thanh xuân của mình để rồi về già như mấy ông già trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến nhận chân ra sự lừa lọc bất xứng thì đã quá trễ. Vỡ mộng, những người này chưa cắt đứt tình với đảng tức thời, nhưng càng sống trong tình trạng mất niềm tin họ càng khám phá thêm sự bỉ ổi, cuối cùng đành phải lên tiếng chống lại.

            Dương Thu Hương, viết truyện này cho mình, cho nhà văn nói chung, cho Nguyên Ngọc của “Rẻo Cao” ngày trước và của các anh điều hành tờ Văn Nghệ gần đây, cho Nguyễn Quang Sáng trong “Quán Rượu Người Câm” ngày trước và của “Con Khướu Xổ Lồng”, “Hát Bội” gần đây, cho Trang Thế Hy của “Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại” ngày trước và của “Về Nhà Trước Cơn Mưa” ngày nay…

            “Về Nhà Trước Cơn Mưa”  là sự thất vọng ê chề cho chính bản thân mình khi hoàn cảnh xã hội vây khổn khiến mình không thể làm đúng theo bản tính của mình. Ông già bán nước đá cục rất muốn làm điều nghĩa khi chứng kiến điều thương tâm, không phải vì ông muốn chứng tỏ mình là người dõng mà vì cái trắc ẩn chi tâm trong lòng ông còn manh mà xã hội nghèo đói, lừa lọc vẫn chưa tiêu diệt được. Vậy mà cuối cùng ông đành bỏ rơi thằng nhỏ đáng thương đó khi nó mãi nằm ngủ một cách ngây thơ. Thân ông, ông còn không thể cưu mang, làm sao có thể cưu mang thêm một đứa nhỏ, làm sao có thể bảo vệ nguyên tắc “dõng” khi biết chắc cuộc sống của mình vốn đã bấp bênh? Nghề, nghiệp vụ của ông đâu có thể gọi là một cái nghề được. Và rồi ông đành làm người “kiến nghĩa bất vi” vì hoàn cảnh như mình không nhiều. Không nhiều sao được khi xã hội đang ở tận cùng của sự nghèo đói?

            Tuy vậy ở truyện nầy Trang Thế Hy không nhằm vào chỗ tố cáo cái xã hội tạo nên sự nghèo khổ của những gia đình ngủ đường, của những người đàn bà không đủ cơm ăn khiến phải bỏ rơi đứa con thân yêu để tìm sinh lộ cho mình, Trang Thế Hy muốn đả kích cái xã hội làm tiêu mòn nhân tính của con người sống trong đó, một xã hội mà ai cũng chỉ biết lo cho mình, quay lưng lại với sự đau khổ của người khác.

            “Ê Chề” được nói đến lần đầu tiên trong văn chương phản kháng là truyện ngắn “Thợ Làm Móng Tay” của Dương Thu Hương, (được tuyển chọn trong Truyện Ngắn Việt Nam 1945 – 1985 ). Có thể nhiều nhà phê bình không đồng ý thời gian xuất hiện của sáng tác mang khuynh hướng phản kháng đi quá xa trong quá khứ như vậy (1984), mặt khác, truyện này cũng không rõ nét phản kháng lắm. Tuy nhiên tôi tìm thấy một ánh sáng le lói của sự thất vọng, một tiếng thở dài tiếc cho hình ảnh mình xây đắp về một chuyện gì với thật nhiều tốt đẹp, huy hoàng, bỗng sự thực hiện ra và khổ thay sự thực đó lại là phản diện của hình hảnh trong trí – như kiểu các cuộc hôn nhân không đem lại hạnh phúc cho người trong cuộc – thấy nhan nhản trong truyện ngắn ở Việt Nam bây giờ. Tôi không gọi hình ảnh trong trí là ảo tưởng hay lý tưởng, nhưng ít ra đó là những hình ảnh đẹp. Hình ảnh đẹp mà người chị họ tên Bê của thằng cu Sáng mang trong đầu về nó không sao phai mờ được theo thời gian là hình ảnh một đứa nhỏ lễ phép, vui vẻ, ấp ủ một chí khí rất đáng phục: “Nó bắt đầu làm những động tác kỳ cục, khi xoay trái, khi xoay phải, hai chân cà tầng như con gà chọi. Tay nó cầm con dao cùn đâm chọc tứ tung, hai ống chân gầy nhưng lanh lẹn nhảy nhót làm bụi tro bay lên, nóng sực. Tôi ngồi nhìn Sáng, ngây người vì cảm phục. Một chập Sáng đổ mồ hôi, nó ngồi xuống, hai mắt sáng rực nhìn tôi:

-         Thế nào, chị sợ không?

-         Sợ, ai dạy mày thế ?

-         Chú Cổn, chú bảo em phải tập võ cho giỏi, lớn lên khi giết thằng Tây đã bắn chết bố em.

            Tôi im lặng ngắm đôi lông mày dài đen lánh trên đôi mắt đen, cặp má lấm tấm bụi tro với mồ hôi của đứa em trai, lòng tràn đầy niềm khâm phục và yêu mến. Hình ảnh ấy đã rung động trái tim tôi mạnh mẽ, nó trở thành một vết sáng lung linh trong ký ức tuổi thơ”.

            Vậy mà hai mươi mấy năm sau chi Sáng đi tìm đứa em mình trong Nam – có lẽ vẫn còn đấy ắp hình ảnh ngày xưa trong đầu về nó – thì thằng cu Sáng từng “.. một người thợ sửa móng tay lành nghề, anh xoay trái, xoay phải, lúc lấy thứ này, lúc lấy thứ khác mà không lần nào đụng hoặc vấp một vật gì trong gian buồng chật hẹp”… “Hai cô gái bước vào sửa móng chân. Sáng múc nước lại cho họ dầm. Xong xuôi nó quay lại một người khách khác, một bà nạ dòng có khuôn mặt đẹp, tay đeo cặp vòng đá lúc lỉu, chân bà ta đã ngâm nước nóng từ lâu. Sáng quỳ xuống nhẹ nhàng lấy bàn chải cọ xát hàng móng chân, lớp thuốc ngâm đã bở và những móng chân người đàn bà chẳng mấy chốc bong hết thuốc, để lộ màu ngà bẩn. Sáng nắm lấy từng bàn chân một, nâng lên gối và lấy bấm móng tay cắt sửa. Cậu ta ngắm nghía cẩn thận, mắt chăm chú theo dõi từng mảng sừng trắng rơi xuống. Dưới bàn tay Sáng, móng chân người đàn bà dần dần hiện ra như mười hạt đào nhỏ và đẹp. Cắt xong, Sáng lấy dũa mài cho các đầu móng chân trơn nhẵn. Chiếc dũa đưa qua đưa lại nhẹ nhàng. Bàn tay Sáng trắng xanh, những ngón tay dài ẻo lả. Một tay mắm lấy gót chân người đàn bà, tay kia đưa dũa, thỉnh thoảng ngón út duỗi ra gạt nhẹ lớp bụi trắng bám trên làn da”.

            Tôi cho rằng những nhà văn khi ý thức rằng mình phải viết lên những điều phản kháng chế độ trước khi “lệnh cỡi mở” ra đời đã thấy thực tế của ảo vọng chủ nghĩa Cộng sản nhưng họ không thể nói ra rõ ràng nên đã diễn tả mờ mờ ảo ảo ( truyện Người Thợ Làm Móng Tay ) hay chọn chính sách lấp che ảo vọng đó, thôi đừng gợi lên nữa, cứ để đêm tối của sự thật báo trùm vậy người người khổ ít thấy khổ hơn (truyện Thời Gian ).

***

            Ý niệm tự do đã đánh mất cần phải tìm lại là khao khát của tất cả mọi người và ý niệm kẻ ngu hèn đương được thời nắm chóp bu quyền thế là hai nét căn bản dễ chạm nọc chính quyền nhất nên nhà văn phản kháng phải viết lách thế nào cho người đọc hiểu mà lãnh đạo không thể nói được, Nguyễn Quang Sáng làm được điều đó trong hai truyện ngắn ngắn “Con Khướu Xổ Lồng” và “Hát Bội” . Khung trời của Con Khướu là khung trời rộng bên ngoài cái lồng son, là tình yêu,  chớ không phải là nước đường và chủ nhân đã tập quen cho nó. Ngoài trời thênh thang nó tự do bay lượn, gió mưa không đáng kể, nó phải sống khác với số phận đen tối của một số đồng loại không may. Con Khướu của Nguyễn Quang Sáng khước từ sự nhân danh che chở những gió mưa để được làm kiếp chim đúng nghĩa: “Chim thì phải bay. Chim bay”. Bởi vì “Tạo hóa cho loài chim đôi cánh là để bay, nhưng trong trời đất này có biết bao con chim không được bay”.

            Nguyễn Quang Sáng đùng ẩn dụ, ông viết tượng trưng. Cũng vậy, trong truyện ngắn “Hát Bội” ông viết về một thằng nhỏ khờ khạo, đần độn, nhưng khi cả bọn trẻ chơi trò đóng tuồng thì nó lại được làm vua vì làm vua thì khỏi làm gì hết, quá dễ, khỏi trật, mọi chuyện đã có người khác cong lưng ra làm.

            Có thể cách viết của Nguyễn Quang Sáng không rõ ràng, ý niệm chống đối, phản kháng hơi mơ hồ, điều ông đưa ra có tính cách chung chung, hai nghĩa, ông viết theo cách của một người dọ dẫm vào vùng nguy hiểm bước một chân về phía tiến bộ nhưng chân kia sẵn sàng rút lại phía sau. Thật ra trong thế giới Cộng sản mà nói được kiểu Nguyễn Quang Sáng cũng đã khá rồi. Trước sự bạo tàn của chuyên chính, không phải ai cũng có thể đấu tranh kiểu xung kích như Dương Thu Hương, Tràn Mạnh Hảo, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp. Vấn đề là điều chuyên chở và ý nghĩa do nhà văn đưa ra, công phá trực diện hay gián tiếp tùy theo tính khí của mỗi người.

            Nguyễn Linh trong “Dưới Tán Rừng Còn Lại”viết trực tiếp bao nhiêu thế mà khi muốn nói đến sự vong ân và thay đổi của những người quyền thế, lãnh đạo, vẫn phải xa xa gần gần dùng con rạch và cái nắng để chửi xéo: “Hàng ria mép màu phèn tua tủa khẻ rung rinh, ông già Tư bất chợt rủa thầm con rạch. Hừ, thứ đồ rạch nhỏ xíu mà cũng hung dữ! Còn nắng nữa, mầy cũng hung hăng gắt đến nhức mắt. Táo nhớ ngày xưa bay đâu có vầy!”

            Văn chương phản kháng đã có, những vấn đề phản kháng đã được đặt ra, nhưng ta thấy được những phản ứng gì ở những con người bị hiếp đáp, bóc lột, nhất là những người Miền Nam thẳng tánh trước giờ sống trong khung cảnh tự do?

            Đó là thái độ cương quyết, đương đầu đến cùng, chấp nhận nguy hiểm và cái chết nếu cần. Ông Bảy Liên Xô (trong Nơi Ấy Bây Giở)  biết tụi nó dàn cảnh để bắt mình đã tính ăn thua đủ nên lận lưng con dao, đến chừng tụi nó liệu mòi không xong, rút di, anh mới chịu “bước vào cánh cửa phía trong, vén vạt áo sau lưng rút con dao, dắt vào kẹp vách”. Ông già Tư Đấu ( trong Dưới Tán Rừng Còn Lại) bị tụi nó đòi đốn cây của mình làm nông trường một cách vô lý đã thách thức và phản ứng đúng điệu bộ của người nông dân yêu thương đất đai, cây cối của mình:

            “Tụi bây ra tay đi”.

            Một tiếng búa, rồi nhiều tiếng búa bổ vào thân cây vang dội. Cả người ông Tư run tê tê nhu người bị chém. Tưởng chừng như ông sẽ gục ngã  hẳn xuống luôn bên mâm rượu giữa nền nhà. Nhưng không, ông vùng dậy như một chiếc lò xo. Cây mác thông nằm trong kẹt vách được rút ra đánh sạt một cái. Ông chạy bay ra rừng như một cơn lốc. Ông gào to:

            “Tụi mầy giết…tao đi…”.

            Rồi ông lăn lội lên huyện khiếu nại với Huyện ủy, Sáu Giai, là người trước đây vợ ông đem mạng mình đỡ đạn giùm cho, cái mả còn nằm bên canh nhà từ ấy. Nhưng Sáu Giai bây giờ không còn là Sáu Giai ngày trước khiến ông bực quá. Đôi môi rung giật từng cơn, mắt đỏ ngầu, cục lộ hầu chạy lên chạy xuống, ông hét lớn: “Tao chống”.

            Vậy mà sau khi dạy dỗ, chửi bới Sáu Giai, thấy tên nầy xuống nước ông lại mủi lòng, “nghe lòng mình bối rối. Hối hận vì đã nặng lời với người bạn năm xưa”. Cái mủi lòng của ông, sự tin tưởng nơi công lý của cấp trên, tin tưởng nơi người bạn ngày xưa mình từng làm ơn cho nó đã như sợi dây thắt cổ “treo ông tòn teng trên nhánh cây rừng cạnh mả vợ ông” . Khi nghe ông Tư Đấu uất ức tự vẫn, Sáu Giai, không làm gì coi cho được, “vẫn với tác phong bình tĩnh của một người lãnh đạo, anh chỉ dừng lại ở chỗ cúi đầu và sụt sịt mũi trong chiếc khăn tay”. Rồi thôi, mọi chuyên sẽ qua, sẽ trôi vào quên lãng của thời gian chập chùng, kiểu ông Đại Sứ Mỹ rửa tay sau khi hoàn thành công việc giao những người Đồng Minh của mình ngày hôm qua cho Cộng sản trong truyện “Những Kẻ Bị Hy Sinh Bên Bờ Sông Danuble” của V.C Ghorghiu.

            Nhưng với người đọc thì cái chết của ông Tư Đấu không vô ích, số phận khốn khổ bi thương của người đàn bà khi chống lại tập đoàn tham nhũng đỏ bị chúng bắt cóc giữa đêm khuya cũng không vô ích. Ngòi bất mãn sẽ lan tràn khắp nơi và những nhân vật Tư Đấu, Bảy Liên Xô, người đàn bà trong truyện sẽ bước ra ngoài đời trong một tương lai không xa để tạo một vận hội mới thật sự cho Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ trì trệ vô ích vì đường lối giành độc lập và xây dựng đất nước của người Cộng sản Việt Nam.

            Chính sách mà nhà văn tự cho phép mình không phơi bày ra ánh sáng điều cần nói, theo thời gian không còn hữu hiệu nữa, nhất là khi  Nhà Nước vì lý do bắt buộc từ phía xa, đã yêu cầu nhà văn nói thật, nói rõ, đừng sợ sệt.

            Được đà, những tiếng kêu than tuôn ra đưới nhiều hình thức nhức nhối chính quyền, làm nhột nhạt người lãnh đạo, những Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Duy, Cáo Duy Thảo, mở những loạt tác phẩm dò đường, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Nguyễn Bá, Rum Bảo Việt, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Nguyễn Quang Sáng… bức phá để tạo một cao trào. Lãnh đạo bị nhột, cởi mở bị buột lại, thay đổi Tổng Biên Tập được thi hành, trù dập được thực hiện… nhưng những tiếng nói lương tâm đã bay ra, ảnh hưởng đã có. Những tác phẩm mà chúng ta gọi là văn chương phản kháng từ trong nước đã đóng vai trò thông điệp cho thế giới thấy sự thấp kém của chế độ Việt Nam bây giờ, đồng thời cũng là một cuộc rửa mặt xứng đáng của người cầm bút tại quê nhà mấy chục năm quá hèn nhục im lặng hay vỗ tay khen thưởng cho chế độ.

            Sĩ khí của người cầm bút càng cao thì ngòi nổ có thể phá tung sự bền vững của chế độ càng mạnh và kết quả càng nhanh.

            Tôi tin tưởng điều đó. Tôi không một chút nghi ngờ nào trên sự “đánh cụi” của anh em viết văn nơi quê nhà.

***

            Cái khổ của nhà văn biết phàn kháng không chỉ nằm ở chỗ thấy vấn đề, nỗi khổ của họ còn do sự hiện diện của những cây bút khác, hèn hạ và ác độc, ve vuốt chế độ, bao che cho sức mạnh phản động của chính quyền, sẵn sàng tấn công người cấp tiến tiên phuông bằng những hình thức chụp mũ tồi tàn. Mặc dầu trong năm 1988 Trần Độ đã trấn an nhóm văn cấp tiến rắng “phải để cho nhà văn cảm nhận cuộc đời, xúc động và suy ngẫm cuộc đời theo ý thức của mình”, chúng ta không cảm thấy an tâm cho số phận của các nhà văn phản kháng vì lực lượng nhà văn phản động vẫn còn quá mạnh, họ sẵn sàng làm vui lòng chủ nhân để nhận ân sủng cuối mùa, kiểu Đặng Anh Đào khi anh ta lớn tiếng rằng nhân vật phản diện của Dương Thu Hương “minh họa cho ác cảm của nhà văn” trong khi nhân vật chính diện nạn nhân thì bị gọi bằng danh từ “phía bên kia” và bị khiếu nại rằng được tác giả viết tự nhiên hơn. (Hoài niệm, mặc cảm, định kiến trong Những Thiên Đường Mù, tạp chí Sông Hương, trang 87).

            Mong rằng sự lo lắng kia không có cơ sở. Mong rằng những lẽ phải nói lên bằng cả sanh mạng của những nhà văn can đảm của phong trào phản kháng không trôi vào hư vô, vô ích và chúng ta, nhà văn, cũng như độc giả ở hải ngoại, không phân hóa vì những nhận định có tính cách cảm tính.

 

Nguyễn Văn Sâm

(Trích trong Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương bài viết nhân lần Cỡi trói văn nghệ độc nhất của VN. trước đây khá lâu!)

 

 


.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.