Hôm nay,  

Nga, Mỹ Đua Hỏa Tiễn

01/11/199900:00:00(Xem: 6137)
Hôm đầu tuần qua, Nga lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ rằng họ có đủ võ khí để chế ngự mọi hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ. Nga cũng cảnh cáo Hoa Kỳ rằng họ sẽ bố trí nhiều đầu đạn nguyên tử thêm nữa nếu Hoa Kỳ xây dựng một hệ thống phòng chống hỏa tiễn. Việc Nga cảnh cáo Mỹ như trên được đưa ra chỉ mấy tuần sau khi Hoa Kỳ thí nghiệm thành công việc dùng hỏa tiễn để phá mọi hỏa tiễn có thể tấn công Hoa Kỳ một cách bất ngờ.
Theo tin tức báo chí thì ông Nikolai Mikhailov, Đệ nhất Thứ Trưởng Quốc Phòng Nga nói với các ký giả rằng “kho vũ khí của Nga có thể đủ khả năng kỹ thuật để chiến thắng mọi hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn. Kỹ thuật đó có thể được sử dụng một cách thực sự và sẽ được sử dụng nếu Hoa Kỳ đẩy chúng ta tới việc đó.”
Lời tuyên bố của ông Nikolai Mikhailov như trên đã được đưa ra sau cuộc gặp gỡ mới nhất giữa các nhân vật chính Nga và Mỹ trong tuần rồi để bàn về đề nghị của Hoa Kỳ muốn sửa đổi một vài điều khoản trong hiệp ước phòng chống hỏa tiễn liên lục địa năm 1972 giữa Nga và Hoa Kỳ. Lập trường của Nga là cực lực chống lại mọi sự thay đổi trong hiệp ước vì hiệp ước này ngăn cản hai quốc gia Nga và Mỹ xây dựng những hệ thống có thể chận đứng các cuộc tấn công của hỏa tiễn.
Sự cảnh cáo của Nga không làm các giới quan sát chính trị thế giới ngạc nhiên. Sau khi Hoa Kỳ thí nghiệm thành công hỏa tiễn chống hỏa tiễn chính là để xây dựng một hệ thống phòng thủ mọi tấn công bất ngờ. Vậy là đã lộ rõ ý muốn thay đổi hiệp ước phòng chống hỏa tiễn liên lục địa ký kết với Nga năm 1972.
Sự cảnh cáo của Nga, chủ quan mà nói, là hợp lý vì chính Hoa Kỳ cũng thừa nhận họ đã làm trái với hiệp ước phòng chống hỏa tiễn năm 1972 nên muốn thảo luận để sửa đổi. Vấn đề được đặt ra là Nga có chấp nhận các đề nghị sửa đổi hiệp ước của Hoa Kỳ hay không và nếu Nga không chấp nhận thì Hoa Kỳ có đơn phương tự ý thiết lập một hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn hay không. Và trong trường hợp Hoa Kỳ bất chấp những gì đã ký kết thì Nga sẽ có phản ứng như thế nào"

Các giới quan sát theo dõi tình hình cho rằng Nga có một phương pháp chính để đối phó lại ý định của Hoa Kỳ là sẽ bố trí thật nhiều đầu đạn nguyên tử, vì tin rằng hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ không thể bắn chận hết các đầu đạn đó được. Nói cách khác là Nga muốn dùng số đông để tràn ngập hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ. Đó không phải là điều vô lý vì từ trước tới nay, Nga thường dùng chiến thuật biển người để áp đảo đối phương.
Tuy nhiên, vẫn theo các giới quan sát, muốn dùng chiến thuật “biển hỏa tiễn” thì Nga cũng phải có phương tiện. Các giới nói trên cho rằng Nga một mặt có thể hoãn lại việc phá hủy một số hỏa tiễn có thể mang nhiều đầu đạn nguyên tử theo như hiệp ước năm 1972 đòi hỏi. Mặt khác có thể biến hỏa tiễn mới nhất của Nga có tên là Topol-M chỉ mang có một đầu đạn thành thứ có thể mang tới 3 đầu đạn nguyên tử. Hơn nữa Nga cho rằng hỏa tiễn Topol-M của họ có thể dùng để chống lại hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ vì lẽ hỏa tiễn Topol-M bay thấp và không tỏa nhiều nhiệt, khó bị hệ thống phòng thủ Mỹ khám phá để bị bắn hạ.
Nói thì vậy nhưng thực tế đối với Nga không dễ. Việc duy trì số hỏa tiễn có thể mang nhiều đầu đạn nguyên tử rất hao tốn. Theo giới chuyên môn thì hiện nay Nga không đủ phương tiện để chế tạo thêm những vũ khí mới. Ngay loại hỏa tiễn Topol-M mới nhất của Nga cũng chỉ có thể được sản xuất 10 chiếc mỗi năm. Chính ông Ilya Klebanov, Thứ Trưởng Quốc Phòng phụ trách việc điều hành khối kỹ nghệ quân sự của Nga phải thừa nhận rằng dù Nga có đủ kỹ thuật cần thiết để sản xuất vũ khí mới thì “chúng ta cũng không có phương tiện”. Không riêng gì về phương diện hỏa tiễn liên lục địa mà trên phương diện vũ khí tổng quát, chính Mikhailov cũng phải thừa nhận rằng Nga chỉ sản xuất được 30% những vũ khí tân tiến so với 80% của Tây phương. Ông nói: “Việc này sẽ làm cho chúng ta tốn hao vô cùng và muốn theo kịp các nước Tây phương chúng ta phải mất 15 năm nữa.”
Có lẽ vì biết như thế nên Hoa Kỳ chẳng mấy để ý tới những lời cảnh cáo vừa rồi của Nga. Nhưng vấn đề là việc xây dựng hệ thống phòng thủ hỏa tiễn chống hỏa tiễn đó có làm cho nước Mỹ được kính nể hơn trên thế giới hay không"
Tục ngữ Việt Nam có nói “Chơi dao có ngày đứt tay”. Liệu cứ lấy vũ khí áp đảo người, Hoa Kỳ sẽ đi về đâu trong thiên niên kỷ mới"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.