Hôm nay,  

Biển Đông Mịt Mờ...

26/04/201600:00:00(Xem: 4894)

Biển Đông càng lúc càng lo ngại...

Bản tin RFA kể rằng trong bài nói chuyện đọc tại một hội nghị thương mại tổ chức ở Tokyo, Ngoại Trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng thế giới quan ngại xâu xa trước việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngoại Trưởng Kishida nói rõ rằng không chỉ Nhật Bản quan ngại những việc Trung Quốc đang làm, như tăng ngân sách quốc phòng, đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, mà những quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương cũng như toàn thế giới đều có cùng quan ngại đó.

Ngoại Trưởng Nhật cũng cho hay ông sẽ sang Bắc Kinh, thảo luận thẳng thắn với Trung Quốc về những vấn đề hai nước cùng quan tâm, để Tokyo và Bắc Kinh cùng xây dựng mối quan hệ bền vững.

Hiện giờ, quan hệ Nhật-Trung đang gặp khó khăn, một phần vì vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, là khu vực Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc nói chủ quyền khu vực đảo này thuộc về họ.

RFA cũng ghi thêm:

"Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện chính sách ủng hộ một số nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, chẳng hạn như hỗ trợ cho Manila và Hà Nội dưới nhiều hình thức khác nhau, để Philippines và Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ an ninh lãnh hải.

Mới đây, Nhật đưa tầu ngầm và chiến hạm ghé cảng Subic Bay của Phi. Sau đó chiến hạm Nhật Bản đã ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam."

Trong khi đó, RFI ghi về ván cờ ngoại giao oỏ Vịnh Cam Ranh.

Bản tin RFI cho biết:

"Tờ Nikkei Asian Review ngày 25/04/2016 có bài viết nhân sự kiện hai khu trục hạm của Nhật Bản viếng thăm Vịnh Cam Ranh ngày 12/04 vừa qua. Đây là lần đầu tiên các chiến hạm của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản ghé thăm cảng này, chỉ nằm cách hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khoảng 550 km.

Nikkei Asian Review nhận định, đối với Việt Nam, chuyến viếng thăm của chiến hạm Nhật đặt họ vào thế khó xử. Một mặt, chuyến đi này là lời cảnh báo gởi đến Trung Quốc, hiện đang xây dựng một căn cứ quân sự ở vùng biển tranh chấp. Mặt khác, việc này có thể gây bất bình cho láng giềng khổng lồ, vốn có quan hệ chính trị và kinh tế rất chặt chẽ với Việt Nam.

Chính vì vậy mà Hà Nội đã chọn giải pháp trung dung. Họ đã yêu cầu là khi hai khu trục hạm Ariake và Setogiri đi vào Vịnh Cam Ranh, sẽ không có tàu ngầm huấn luyện Oyashio đi theo. Cả ba chiếc tàu này trước đó đã ghé thăm Vịnh Subic của Philippines ngày 03/04.

Việt Nam chắc là đã rất muốn được tận mắt nhìn ngắm công nghệ tiên tế của tàu ngầm Nhật Bản, nhưng cuối cùng đã quyết định không để Oyashio đi vào cảng Cam Ranh, vì theo lời một quan chức Nhật Bản được Nikkei Asian Review trích dẫn, «tàu ngầm là vấn đề "nhạy cảm" nhất đối với Trung Quốc và Việt Nam đã không muốn làm Bắc Kinh giận dữ».

Để đối đấu với Trung Quốc, năm 2015, Việt Nam đã tăng cường lực lượng tàu ngầm, triển khai 6 tàu ngầm hạng Kilo của Nga tại căn cứ ở Vịnh Cam Ranh. Về phần Trung Quốc thì đang có trong tay hơn 70 tàu ngầm.


Theo dự kiến ban đầu, một chỉ huy của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản sẽ mở một cuộc họp báo trên đất liền sau khi tàu cập bến cảng Cam Ranh. Nhưng vào giờ chót, Việt Nam đã thay đổi chương trình, để cho viên chỉ huy này phát biểu với báo chí trên một chiến hạm Nhật, dường như là để cho cuộc họp báo không diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam." (ngưng trích)

Trong khi đó, một bản tin VOA kê chuyện Campuchia, Lào bị chỉ trích về thỏa thuận Biển Đông với Trung Quốc.

Bản tin VOA cho biết:

"Cựu Tổng Thư Ký ASEAN Ong Keng Yong chỉ trích việc Campuchia và Lào mới đây đạt thoả thuận với Trung Quốc về cách giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ông nói rằng làm như vậy là hai nước này can thiệp vào công việc nội bộ của Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN.

Phát biểu tại diễn đàn Cộng đồng ASEAN ở Jakarta hôm 25/4, ông Ong nói rằng động thái này là đáng ngạc nhiên, vì Campuchia và Lào không phải là các nước đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà 4 nước ASEAN đang tranh chấp với Trung Quốc là Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines.

Cựu Tổng Thư Ký ASEAN Ong Keng Yong, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, khẳng định Biển Đông là một vấn đề luôn nằm trong nghị trình của tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách hành xử của các bên trong Biển Đông. Ông nói "chúng tôi đã đồng ý với nhau trong ASEAN rằng vụ tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết song phương, nhưng lập trường của ASEAN là có thể Lào đã viện chức Chủ tịch ASEAN trong năm nay để quyết định đưa ra một phát biểu, nhân danh cả khối."

Hôm thứ Bảy vừa rồi, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị loan báo rằng Bắc Kinh đã đạt được thoả thuận 4 điểm với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông..."(ngưng trích)

Một bản tin khác của VOA cho biết, báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn nguồn tin hải quân Trung Quốc cho hay nước này sẽ bồi đắp một bãi cạn khác ở Biển Đông trong năm nay.

VOA viết:

"Tờ báo đăng tin hôm 25/4 nói rằng Trung Quốc sẽ bồi đắp bãi Scarborough có tranh chấp mà Trung Quốc nói thuộc về chủ quyền của họ. Bãi này cách bờ biển Philippines khoảng 230 kilomet.

Nguồn tin được cho là thân cận với Hải quân Nhân dân Trung quốc nói một đường băng sẽ được xây sau khi việc bồi đắp hoàn tất.

Tin tức này có phần chắc sẽ gia tăng căng thẳng vốn đã ở mức cao ở khu vực. Sự lo ngại đã tăng lên ở khu vực kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu bồi đắp các đá và bãi cạn ở quần đảo Trường Sa cách đây 2 năm. Việt Nam có tranh chấp chủ quyền chủ yếu với Trung Quốc về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, song không có tranh chấp về Scarborough, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham...

...Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau nhận định: "Nếu Trung Quốc hoàn thành bồi đắp Scarborough, họ có thể lắp radar và các cơ sở khác để theo dõi 24h/ngày căn cứ không quân Basa của Mỹ ở Pampanga"..."

Nghĩa là, mịt mờ sương khói. Ngư dân VN sẽ không còn biển để mưu sinh nữa. Thê thảm vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.