Hôm nay,  

Sài Gòn: Gian Nan Nghề Đổ Rác Thuê, Lượm Ve Chai

24/04/201600:00:00(Xem: 4011)
SAIGON -- Những người làm nghề đổ rác thuê và lượm ve chai ở Sài Gòn hôm nay chỉ biết nương tựa vào sức khoẻ của họ, sức khoẻ chính là thứ có giá trị duy nhất giúp họ hàng ngày bươi móc các đống rác để có cái ăn mà tồn tại qua ngày, theo báo Thế Giới Tiếp Thị.

Thời Tây, dân mua bán ve chai ở Sài Gòn đều là người Hoa, họ mua luôn đồng nát, đồ cũ. Sang thời có mặt quân đội đồng minh Mỹ, nghề ve chai được bổ sung thêm một số món rác Mỹ “béo bổ” như đồ hộp, đồ tiêu dùng cao cấp, sắt thép… Còn ngày nay rác Sài Gòn có gì, và những người hốt rác thuê và lượm ve chai kiếm sống ra sao từ rác?

Theo Thế Giới Tiếp Thị, ở Sài Gòn hiện có hàng ngàn người sống bằng nghề đổ rác và lượm ve chai. Trước đây họ sống quanh các khu vực như xóm Sở Thùng ở Bình Thạnh, Cầu Kho quận 1, Chợ Quán… số phận thăng hay trầm của họ và gia đình họ từ xưa đến nay vốn được định đoạt tuỳ theo sức xả rác của cư dân đô thị quanh khu vực họ sống và hành nghề.

blank
Công nhân của những tổ vệ sinh dân lập chia nhau số ve chai lựa ra từ rác hốt dọn hằng ngày.

Ở Sài Gòn không thiếu những người giả đò tàn tật, lê lết ăn xin, giả đò con đau, vợ bệnh sắp chết, khóc kể với người qua đường để xin tiền, duy chỉ những người lượm ve chai là luôn cúi mặt xuống với rác và cái họ có thể chia sẻ với người khác chỉ là rác.

Thế Giới Tiếp Thị thuật câu chuyện về vợ chồng anh T., hốt rác thuê ở chung cư 162 Nguyễn Thị Nhỏ, nơi có đến hai bô rác. Mỗi tháng, nhà thầu đổ rác trả cho vợ chồng anh T. khoảng 800,000 đồng, trong khi thu của 75 hộ dân ngụ trong chung cư là 20,000 đồng/hộ.

Để nuôi hai đứa con tuổi học cấp 1, ngoài tiền lương, thu nhập chính của gia đình anh dựa vào số ve chai bới lượm từ rác.

Nhưng không phải chỉ có gia đình anh T. là được hưởng trọn vẹn đồ ve chai của số rác trên, Thế Giới Tiếp Thị nêu rõ, bởi từ sáng sớm, lúc người ta chưa thức dậy, cái số lượng rác mà vợ chồng anh “phụ trách”, từ đợt này đến đợt khác sẽ được đám trẻ bụi đời móc bọc và những người lượm rác bằng xe đạp thay nhau bới móc; đến lượt vợ chồng anh hốt rác thì số ve chai trong rác còn lại không đáng bao nhiêu. “Ai cũng chỉ kiếm được chút đỉnh thôi mà. Giành với tụi đó cũng đâu kiếm hơn được bao nhiêu”, anh T. chia sẻ.

Anh T kể thêm rằng thường vào dịp tết hay có người dọn nhà, xây nhà, họ kêu cho một số đồ cũ, có người rộng rãi còn cho cả giường, tủ, máy giặt, quạt máy cũ…, thì mới mừng vui chút đỉnh.

Thế Giới Tiếp Thị nêu tiếp trường hợp anh Ba M, rằng người khác dễ nhận ra anh là dân sở rác (ở Bình Thạnh), chính là từ cái mùi rác đeo bám dai dẳng trên da trên tóc của anh. Anh vốn là dân sở rác, lượm ve chai cha truyền con nối.

Lâu nay, đội quân làm nghề đổ rác và lượm ve chai như anh Ba M. và vợ chồng anh T. đóng vai trò như một thứ nhà máy chế biến rác di động, không chỉ của Sài Gòn mà còn của cả nước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.