Hôm nay,  

Biển Đông Quan Ngại

05/04/201600:00:00(Xem: 5214)

Trong khi bản tin VOA ghi nhận tàu ngầm Nhật Bản ghé hải cảng Cam Ranh, bản tin RFI cho biết tàu cá được Hải quân Trung Quốc yểm trợ tôi đa, và BBC cho biết Hải Quân VN vừa bắt một taù nhiên liệu TQ xâm nhập vùng biển VN.

Một bản tin khác từ RFI cho biết: Mỹ-Philippines tập trận chống xâm lược tại Biển Đông...

Bản tin VOA cho biết hai tàu khu trục và một tàu ngầm của Nhật Bản đã cập cảng Subic của Philippines hôm 3 tháng Tư, lần đầu tiên trong 15 năm. Hải quân Philippines cho biết mục đích của chuyến thăm này là để duy trì “hoà bình và ổn định” khu vực.

Bản tin cũng nói, theo chương trình đã định, đoàn tàu Nhật Bản sau khi rời Vịnh Subic, sẽ tiếp tục cuộc hành trình tới Việt Nam, tuy nhiên chi tiết của chuyến đi này vẫn chưa được loan báo rõ rệt.

Trong khi đó, một bản tin RFI cho biết nơi Biển Đông: Tàu cá Trung Quốc được yểm trợ tối đa.

Trong tình hình nguồn cá ở châu Á-Thái Bình Dương đang giảm đi, các đội tàu cá của nước nào cũng tìm cách hoạt động lấn sang lãnh hải của nước khác. Nhưng đặc biệt các tàu cá Trung Quốc có vẻ “mạnh dạn” hơn cả, có lẽ vì biết họ được yểm trợ rất nhiều về mặt hậu cần. Các vụ đụng độ gần đây giữa các tàu cá Trung Quốc với hải quân hoặc lực lượng tuần duyên các nước láng giềng cho thấy rõ mức độ yểm trợ đó. Trang mạng Quartz (qz.com ) ngày 04/04/2016, có một bài viết về đề tài này.

Vào tuần trước, ngày 31/03/2016, lực lượng biên phòng của Hải Phòng vừa bắt một tàu của Trung Quốc. Bề ngoài có vẻ đó là một tàu cá xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông. Từ lâu Việt Nam vẫn tố cáo tình trạng các tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Việt Nam. Nhưng trên thực tế, chiếc tàu bị bắt tuần trước không phải là một tàu đánh cá, mà là một tàu tiếp nhiên liệu cho các tàu cá Trung Quốc.

Vào tháng trước, một tàu tuần duyên của Indonesia cũng đã bắt một tàu cá Trung Quốc trọng tải 300 tấn và bắt giữ các thuyền viên của tàu này vì tội đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna. Nhưng khi tuần duyên Indonesia kéo tàu này về bờ, thì lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện và giải thoát cho chiếc tàu cá bị bắt.

Các tàu cá hoạt động xa bờ cũng được sự hỗ trợ của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa. Với các đảo đó, Bắc Kinh có thể mở rộng tầm kiểm soát ở vùng biển này, cũng như có thể tung các đội tàu cá đi xa hơn, với sự hộ tống chặt chẻ của các tàu hải cảnh.

Trung Quốc hiện có đội tàu cá đông nhất và đánh bắt xa bờ nhất. Năm ngoái, tổ chức bất vụ lợi Stop Illegal Fishing cho biết đội tàu cá này tổng cộng 2000 chiếc, thường xuyên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, ở những khu vực gần bờ biển, tức là những nơi có nhiều cá.

Ngư dân tại bang Sarawak của Malaysia, vốn vẫn đánh cá tại khu vực bãi cạn Luconia, hiện đang rất sợ đụng các “pháo hạm” của Trung Quốc đang tích cực yểm trợ các tàu cá Trung Quốc hoạt động ở khu vực này.

RFI nói, ngay cả những nước xa châu Á cũng đã từng đụng độ với đội tàu cá Trung Quốc. Vào tháng trước, Achentina đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc đánh cá trái phép trong vùng biển Achentina và bắt giữ các thuyền viên của tàu này. Trước đó, tàu cá Trung Quốc đã bất chấp những hiệu lệnh cảnh cáo của tàu Achentina, thậm chí khi bị truy đuổi còn định đâm vào tàu Achentina.

Bản tin BBC cũng ghi nhận về tình hình Việt Nam bắt tàu nhiên liệu Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc tên Quỳnh Dương Phổ số hiệu 13056 và ba thuyền viên người Trung Quốc bị bộ đội biên phòng Hải Phòng bắt giữ từ đảo Bạch Long Vĩ, các báo tại Việt Nam đưa tin.

Thông tấn xã Việt Nam nói tàu bị bắt khi giả làm tàu đánh cá.

Phía Việt Nam cũng cho biết con tàu chở 100.000 lít dầu, mà theo thông tin các báo Việt Nam đưa lại là "bán số dầu trên cho các tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng biển của Việt Nam."

Báo chí Việt Nam trích thuật giới chức trách nói thủy thủ đoàn đã không đưa ra được giấy phép cần thiết và giấy tờ về nguồn gốc của khối lượng dầu này.

BBC ghi lời Ông Phạm Đình Thành - phó Hải đội 2, bộ đội Biên phòng Hải Phòng nói với báo Thanh Niên họ đã lập biên bản hơn 20 tàu cá Trung Quốc và xua đuổi 110 lượt tàu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam.

Bộ đội biên phòng Việt Nam cũng nói gần đây các tàu Trung Quốc liên tục gia tăng hoạt động "xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam".

BBC phỏng vấn ông Lê Kế Lâm, cựu Chuẩn Đô đốc hải quân Việt Nam, Nguyên giám đốc Học viện Hải quân nhận định:

“Xua đuổi là việc làm rất tốn công sức và không có kết quả vì đuổi ở trên biển thì họ chỉ chạy dăm hải lý là sang vùng biển của họ và mình không có quyền gì giải quyết xâm phạm vùng biển của họ.”

Ông Lâm giải thích thêm với BBC: “...các tàu cá Trung quá nhiều. Họ đánh bên phía biển của họ hầu như cạn kiệt rồi, nên họ lấn sang phía Việt Nam đánh bắt.”

Một bản tin của RFI ghi nhận về cuộc tập trận Mỹ-Philippines:

“Tổng cộng 5000 quân Mỹ, 4000 quân Philippines, 80 quân nhân Úc hôm nay, 04/04/2016, khai diễn cuộc tập trận chung thường niên kéo dài 11 ngày tại Biển Đông. Điểm đặc biệt là bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đến chứng kiến trận «giải phóng đảo» bằng đạn thật, vào lúc Bắc Kinh yêu cầu «nước ngoài» không nên can thiệp vào ao nhà của Trung Quốc....

...Chính phủ Philippines khẳng định cuộc tập trận này không nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ-Phi thao dượt ở một phần đảo Palawan, gần quần đảo Trường Sa, mà một số bãi đá ngầm đã bị Trung Quốc gia cố thành đảo nhân tạo làm tiền đồn.”(ngưng trích)

Đầy nỗi lo vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.