Hôm nay,  

Cuộc Chiến Việt-Trung 1979 Và Tranh Chấp Biển Đông

01/04/201600:01:00(Xem: 4947)

CUỘC CHIẾN VIỆT-TRUNG 1979 VÀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

Nguyễn Mạnh Trí



  1. TỔNG QUÁT

  2. LÝ DO TRUNG QUỐC TẤN CÔNG VIỆT NAM

  3. VAI TRÒ CỦA LIÊN XÔ

  4. TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG HIỆN NAY TẠI BIỂN ĐÔNG

  5. KẾT LUẬN



  1. TỔNG QUÁT

Chiến tranh biên giới 1979, hay thường được gọi là Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước. Chiến tranh biên giới Việt - Trung bắt nguồn từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố đã “dạy cho Việt Nam một bài học” và hoàn thành việc rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979 sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung mới được bình thường hóa trở lại.

Sau 37 năm, quan hệ ngoại giao Việt-Trung cũng như các nước có liên hệ đến Biển Đông lại diễn biến phức tạp. Từ giữa tháng 2/2016, rất nhiều mạng từ Việt Nam như Nguyentandung.org, Baodatviet.vn, Tuoitre Online, Infonet, VNExpress, VietnamNet đã đăng rất nhiều bài viết từ 2013, 2014, 2015 cũng như các bài mới viết trong năm 2016 về cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979. Được khoảng 2 tuần thì một số bài được dỡ ra khỏi các mạng này rồi sau đó được tiếp tục đăng lại trên mạng Đất Việt. Năm nay cũng đánh dấu tròn 28 năm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, bị hải quân Trung Quốc chiếm từ tay quân đội Việt Nam. Các báo trong nước cũng đăng những bài về cuộc sống khốn khó của những cựu binh Gạc Ma ... Nhà báo Nguyễn Trung Dân, cựu Phó Tổng biên tập báo Du lịch, cho hay: “Tôi không ngạc nhiên khi thấy các báo năm nay đăng bài về Gạc Ma vì biết trước hay sau thì truyền thông cũng phải nói sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa”. Giới sử học lại tiếp tục đưa kiến nghị phải giáo dục về lịch sử dựa trên những sự thực đã diễn ra để cho thế hệ mai sau biết lịch sử chủ quyền biển đảo … Giáo dục phải dựa trên những chứng cớ, sự thực lịch sử. Đây là bài học cho hiện tại và tương lai, để rút ra bài học phải ứng xử.

Các biến cố khác là đầu tháng 4, hai chiến hạm và 1 tàu ngầm của Nhật Bản sẽ chính thức thăm viếng Cam Ranh. Trước đó, phát biểu tại buổi lễ khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh ngày 8/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương nhanh chóng xây dựng cảng quốc tế Cam Ranh là để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng, các bộ ngành Trung ương, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện giai đoạn 2 của dự án cho việc xây dựng các cầu cảng tiếp nhận các tàu quân sự, dân sự cỡ lớn như tàu sân bay có tải trọng 110,000 DWT. Cảng hàng không Cam Ranh cũng đang được nâng cấp thành phi trường quân-dân sự với đường bay thứ hai đang được xây cất.
.

Mo Cang Quoc te Cam Ranh: Viet Nam can luu y gi?
Cầu tàu dự trù cho cảng Cam Ranh
.

Bài viết này không nói nhiều về trận chiến Việt-Trung 1979 vì đã có quá nhiều tài liệu viết về đề tài này mà có mục đích xa hơn là dùng những kinh nghiệm trong cuộc chiến 1979 để áp dụng cho sự tranh chấp hiện nay tại Biển Đông.

  1. LÝ DO TRUNG QUỐC TẤN CÔNG VIỆT NAM


Kể từ đầu thập niên 70, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đã để lộ ý định không muốn thấy một nước Việt Nam thống nhất dù dưới chế độ nào. Một nước Việt Nam thống nhất là cản lực đầu tiên và quan trọng nhất nhằm chống lại âm mưu tiến về phía Nam cũng như ra Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam sẽ là một đối thủ đáng gờm trong mọi lãnh vực cho các nước Đông Nam Á.


  • Trên đất liền, với chiều dài 22,143 km, tiếp giáp với 11 quốc gia, ngoại trừ Pakistan có quan hệ tốt, phần lớn đường biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Liên Xô và đồng minh Liên Xô như Mông Cổ, Ấn Độ và Việt Nam, khiến Trung Quốc không khỏi suy tưởng về một hình thế bị bao vây bởi một vòng cung lớn hình chữ C. Điểm khởi đầu của vòng cung này là biên giới Liên Xô - Bắc Triều Tiên, chạy xuyên suốt lãnh thổ Liên Xô ở châu Á, băng qua Mông Cổ, vòng theo đường biên giới phía Tây của Trung Quốc xuống Nam Á, qua Đông Nam Á đến điểm cuối là Việt Nam. Mối nguy cơ bị Liên Xô bao vây của Trung Quốc ngày càng tăng, nhất là trước những diễn biến ở Afghanistan và Campuchia trong những năm 1978-1979. Việt Nam, với vị thế địa chính trị tiếp giáp Trung Quốc và Biển Đông đã trở thành một chướng ngại vật đầu tiên trong thế phá vỡ gọng kềm của Trung Quốc.

  • Ngay sau khi Việt Nam thống nhất, Trung Quốc bắt đầu tăng gia ảnh hưởng tại Campuchia. Một nước Campuchia chống Việt Nam đã trở thành mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Đến năm 1978 đã có gần 20,000 cố vấn Trung Quốc tại đất nước này. Việt Nam bắt buộc phải có quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô cũng như không thể ngồi yên để nhìn Campuchia trở thành lưỡi dao đưa vào yết hầu của mình. Các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975-1978 đã dẫn đến quyết định của Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1979 dù biết rằng sẽ chịu chế tài của quốc tế.

  • Đặng Tiểu Bình cũng đã kết thúc chuyến công du sang Mỹ, cùng với việc ông ta lớn tiếng đe dọa "dạy cho Việt Nam một bài học", Trung Quốc tỏ ra họ có được hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, hoặc ít nhất là Mỹ cũng im lặng tán thành. Thêm vào đó, việc Trưởng Ngân khố Mỹ Blumenthal của chính quyền Carter viếng thăm Trung Quốc vào thời gian này cũng có tác dụng phụ đảm bảo với Trung Quốc tình hình tại vùng duyên hải Phúc Kiến đối diện với Đài Loan sẽ yên tĩnh trong thời gian đầu năm 1979, khiến Trung Quốc có thể yên tâm tái phối trí các lực lượng tại Phúc Kiến về hướng biên giới phía nam với Việt Nam.

  • Đặng Tiểu Bình gây ra chiến tranh để giữ cho quân đội bận rộn trong khi ông củng cố quyền lực và loại bỏ các đối thủ cánh tả từ thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên cuộc chiến đã bộc lộ sự sai lầm trong chiến lược và yếu kém trong tác chiến của quân đội Trung Quốc.


  1. VAI TRÒ CỦA LIÊN XÔ

Cuộc chiến Việt-Trung cũng phơi bày cho chúng ta nhiều điều về mối quan hệ ngoại giao phức tạp Liên Xô - Trung Quốc - Việt Nam. Đây là một mối quan hệ tay 3 tưởng chừng đơn giản bởi cùng chung hệ tư tưởng, nhưng kỳ thực lại rất phức tạp. Kết quả cuộc chiến 1979 cho thấy Trung Quốc không thể tung toàn bộ lực lượng vào nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học" vì chịu sức ép lớn từ phía Liên Xô.

Trước cuộc chiến, Bộ Chính trị Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ phản ứng của Liên Xô và quốc tế: Liệu Liên Xô có phản ứng bằng cách tấn công từ phía bắc khiến quân đội Trung Quốc phải chiến đấu trên hai mặt trận; Liệu Liên Xô có nhân cơ hội để trục lợi từ tình hình chăng? Thế giới sẽ phản ứng lại thế nào? Và liệu chiến tranh với Việt Nam có làm trở ngại đến nghị trình mới của Trung Quốc là hiện đại hóa nền kinh tế? Mối lo lớn nhất là phản ứng của Liên Xô. Theo các phân tích tình báo, Liên Xô có thể sẽ tung ra 3 chiến dịch quân sự nhằm đáp trả cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam: một cuộc đột kích quân sự lớn bao gồm cả tấn công trực diện vào thủ đô Bắc Kinh; xúi giục các phần tử dân tộc thiểu số có vũ trang đang lưu vong ở Liên Xô quay về tấn công vào các tiền đồn Trung Quốc ở Tân Cương (Xinjiang) và Nội Mông (Inner Mongolia); hoặc sử dụng các cuộc giao tranh nhỏ gây ra sự căng thẳng biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, khi mà Liên Xô chưa có lực lượng đầy đủ để tiến hành bất cứ các hoạt động quân sự lớn nào chống lại Trung Quốc một cách ngay lập tức thì các lãnh tụ đảng, đặc biệt là họ Đặng, đã tin rằng một cuộc chiến tranh vào Việt Nam chớp nhoáng, có giới hạn, sẽ không kích thích đủ sự can thiệp của Liên Xô hay một làn sóng phản đối quốc tế nào. Hai cuộc xung đột biên giới trước đó với Ấn Độ (1962) và Liên Xô (1969) đã minh chứng cho lập luận này. Ý định về một cuộc chiến tranh nhanh gọn cũng đã thuyết phục được một số phản đối trong nội bộ và biện hộ cho sự lựa chọn chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên các lãnh tụ Trung Quốc cũng không dám lơ là cảnh giác bằng cách đồng thời ra lệnh cho các đơn vị quân đội ở các quân khu miền Bắc và Tây Bắc luôn ở vào tư thế sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp Liên Xô tấn công.

Sau khi chiến tranh nổ ra, chỉ 2 ngày sau (tức ngày 19/2), đoàn công tác đặc biệt gồm các tướng lĩnh Liên Xô do Đại tướng Gennady Obaturov dẫn đầu đã đáp xuống Hà Nội và sau đó đã giúp ngay Việt Nam:

  • Trong không đầy một tháng, Liên Xô đã giúp di chuyển 20,000 quân của Việt Nam, hơn 1,000 đơn vị trang thiết bị chiến đấu, 20 máy bay quân sự và máy bay trực thăng, hơn 3 nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn và cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh từ Campuchia trở về miền Bắc Việt Nam.

  • Theo đường vận tải biển, Liên Xô đã chuyển đến Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe thiết giáp, xe bộ binh cơ giới, 400 khẩu pháo và súng cối, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và hàng nghìn tên lửa, 800 súng chống tăng RPG-7, 20 máy bay tiêm kích.

  • Cùng với tuyên bố đanh thép của Tổng bí thư (TBT) Brezhnev, Moskva đã hành động thực sự. Các đơn vị tên lửa chiến thuật, các sư đoàn đang đóng quân dọc biên giới Xô - Trung đều được chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. 44 sư đoàn đang bố trí dọc biên giới Xô - Trung với sự yểm trợ của không quân chiến thuật bắt đầu tập trung triển khai lực lượng dọc các tuyến biên giới. Các trung đoàn Không quân (KQ) chiến đấu từ Ukraine và Belarus được chuyển về các sân bay ở Mông Cổ. Cùng với các trung đoàn KQ chiến đấu còn có KQ vận tải và các phân đội bảo trì kỹ thuật-phục vụ sân bay. Tại những thời điểm riêng trong không trung cùng một lúc có mười trung đoàn KQ chiến thuật. Hạm đội Thái Bình dương cũng không đứng ngoài những sự kiện đang diễn ra trên biên giới Việt – Trung. Các chiến hạm khác cũng được lệnh cơ động về tập kết trong khu vực cùng với tuần dương hạm Sverdlov và khu trục hạm Krivak, tổ chức thành một tập đoàn lực lượng hải quân công kích. Trong khoảng cuối tháng 2/1979, đã có 13 chiến hạm Xô Viết cùng lúc hoạt động trên khắp biển Đông. Theo sau đó là lực lượng tăng cường với kỳ hạm là chiếc tuần dương hạm Đô đốc Senyavin. Từ ngày 12 đến 26/3, với mục đích tạo áp lực quân sự lên Trung Quốc, theo quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, trên tất cả các quân khu vùng biên giới phía Đông, trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng và diễn tập hải quân có sử dụng đạn thật. Tổng cộng, cuộc tập trận có sự tham gia của 20 sư đoàn binh chủng hợp thành và không quân với quân số hơn 200 nghìn người, 2,600 xe tăng, 900 máy bay và 80 chiến hạm. Những cuộc diễn tập quân sự lớn nhất ở phía mặt trận Mông Cổ, nơi có sự tham gia của 6 sư đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới, 2 lữ đoàn hỗn hợp, 3 sư đoàn không quân, cũng như các đơn vị hợp thành và cơ sở tăng cường. Các bên tập trận phân ra "quân Bắc" và "quân Nam". Để yểm trợ lục quân đẩy lùi kẻ thù trong quá trình tiến quân, cũng như yểm trợ khi tấn công trong trường hợp tao ngộ chiến, phía Liên Xô đã huy động 3 sư đoàn KQ biên chế đầy đủ, hai trung đoàn trực thăng và 2 trung đoàn KQ trinh sát. Về cơ giới, tổng cộng có khoảng 12 trung đoàn xe tăng được tung vào trận (mỗi trung đoàn biên chế gần 100 xe). Sư đoàn đổ bộ đường không từ Tula được vận chuyển vào khu vực Chita trên quãng đường dài 5,500 km bằng máy bay vận tải quân sự trong một đợt hành quân kéo dài 2 ngày. Trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc, gần 50 chiến hạm của Liên Xô, trong đó có 6 tàu ngầm, tiến hành các hoạt động sẵn sàng chiến đấu và đồng loạt triển khai diễn tập các hoạt động tác chiến nhằm tiêu diệt lực lượng hải quân đối phương. Riêng vùng biển Primorie tiến hành diễn tập đổ bộ đường biển. Đây được xem là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất lịch sử quân sự nhân loại. Riêng số xăng dầu dự trữ chiến lược sử dụng cho cuộc tập trận này, phải mất đến 2 năm Liên Xô mới phục hồi được.

  • Việc Liên Xô tăng cường hành động quân sự trên suốt chiều dài 4,500 km biên giới với Trung Quốc đã đặt Bắc Kinh vào tình thế báo động đỏ. Dọc theo tuyến này hiện đang triển khai 44 sư đoàn Liên Xô. Quân đội Liên Xô có thể xuất hiện trên các đồng bằng phủ tuyết Tân Cương, nhưng nhiều khả năng là Mãn Châu - trung tâm của ngành công nghiệp nặng Trung Quốc - bị đặt vào tầm ngắm. Các chuyên gia quân sự thế giới gọi các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc ở Lobnor như là một mục tiêu của "ngày phán xét" (mục tiêu này được ưu tiên hơn trong con mắt của giới quân sự Liên Xô).

TẠI SAO LIÊN XÔ KHÔNG THAM CHIẾN?

Liên Xô đã tham chiến nhưng ở 1 mức độ chừng mực. Trên phương diện quốc tế, Liên Xô lên án gay gắt Trung Quốc và tuyên bố hỗ trợ toàn diện cho Việt Nam về mọi mặt. Về hành động, họ đã làm quá nhiều như trên. Tuy nhiên, để dẫn đến việc tiến hành 1 cuộc chiến công khai với Trung Quốc là điều cả 2 bên phải cân nhắc. Đây chỉ là 1 cuộc “Xung đột biên giới” như biết bao cuộc tranh chấp, xung đột khác đã diễn ra giữa biên giới của nhiều nước. Việc 1 bên thứ 3 công khai ủng hộ 1 phía và tấn công bên còn lại sẽ đưa đến những hệ quả khôn lường về mặt chính trị trên bình diện quốc tế. Về mặt ý thức hệ, cuộc chiến biên giới Việt - Trung có thể xem như 1 cuộc nội chiến giữa các nước Cộng Sản. Tạp chí TIME số tháng 3/1979 đã gọi tên cuộc chiến này 1 cách mỉa mai là “Cuộc chiến giữa những người anh em nổi giận”. Hơn nữa, một khi Liên Xô tuyên bố khai chiến với Trung Quốc sẽ là cuộc chiến lớn giữa 2 người khổng lồ dẫn đầu toàn khối và bất luận kết quả cuộc chiến đó như thế nào, cũng ảnh hưởng dẫn đến sự phân hóa sâu sắc toàn bộ khối Cộng Sản trên toàn thế giới. Lý do chính và cũng đầy ẩn ý nhất như chính nhật báo Pravda của Liên Xô đã bình luận: "Liên Xô hiểu được dã tâm của Bắc Kinh vì vậy đã không đáp lại những khiêu khích quân sự của Trung Quốc với mục đích duy nhất là làm leo thang căng thẳng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ”. Nên nhớ, đây đang là giai đoạn cao trào của chiến tranh lạnh & các cuộc chạy đua vũ trang.

Nếu cuộc chiến chỉ gói gọn trong phạm vi “tranh chấp biên giới”, miễn là quân đội Việt Nam còn đứng vững, thì Liên Xô sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh trên mặt trận tuyên truyền. Đó là điều chắc chắn. Chỉ khi nào Bắc Kinh quyết định muốn tiến xa hơn nữa, bắt đầu đặt Hà Nội và những thành phố lớn của Việt Nam như Hải Phòng vào tầm ngắm, hoặc quyết định vẫn giữ sự hiện diện của quân đội nước này trong lãnh thổ Việt Nam, thì khi ấy, Liên Xô chắc chắn sẽ không muốn biểu thị sự yếu đuối và do dự, sẽ can dự vào cuộc xung đột.

  1. TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG HIỆN NAY TẠI BIỂN ĐÔNG


LỰC LƯỢNG HẢI-KHÔNG QUÂN TRUNG QUỐC


Hải quân Trung Quốc gồm có 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải chịu trách nhiệm từ biển Hoa Đông xuống đến Biển Đông. Hạm đội Nam Hải là hạm đội lớn nhất. Trong trường hợp cần thiết, ít nhất là nửa hạm đội Đông Hải có thể tăng cường cho Hạm đội Nam Hải.


Tính đến 12/2015, lực lượng của HĐNH gồm có:


  • 1 Hàng không mẫu hạm hạng trung loại Kuznetsov (số16)

  • 11 Khu Trục Hạm hạng nặng: 3 loại 052D (số 172-173-174) - 2 loại 052C (số 170-171) - 2 loại 052B (số 168-169) - 1 loại 051B (số 167) - 3 loại 051(số 163-165-166)

  • 17 Khu Trục Hạm hạng trung (Frigates): 8 loại Jiangkai II (số 568-569-570-571-573-574-575), 3 loại Jiangwei II (số 564-566-567), 4 loại Jianghu II (số 553-554-555-557), 6 loại Jianghu V (số 558 đến 563).

  • 5 Khu Trục Hạm hạng nhẹ (Corvettes) loại Jiangdao 056 (số 584-585- 585-587-589-592)

  • 8 Tàu ngầm loại Ming.

  • 14 Tàu đổ bộ: 3 LPD loại Yuzhao (số 998-999-989) - 11 LST loại Yuting (số 908-910, 934-940, 991).

  • Các đơn vị không quân thuộc Hạm đội Nam Hải gồm các sư đoàn 2 (căn cứ Lôi Dương (Leiyang), sư đoàn 3 (căn cứ Trạm Giang), sư đoàn 8 (căn cứ Hải Khẩu), sư đoàn 9 (căn cứ Linh Thủy - Lingshui) và các Trung đoàn biệt lập. Báo National Interest đã gộp chung lực lượng không quân của cả hai binh chủng Không quân và Hải quân gồm 24 sư đoàn không quân tiêm kích với tổng cộng 1,321 máy bay chiến đấu các loại. Như vậy, mổi sư đoàn có khoảng trên 50 máy bay. Điều cần để ý là Trung Quốc đang canh tân bộ máy quốc phòng cồng kềnh của mình, giảm số lượng các phi cơ-chiến hạm củ để thay bằng các loại mới. Trung Quốc vẫn còn tùy thuộc kỹ thuật sao chép từ Nga Sô.


Hạm Đội Nam Hải (South Sea Fleet) đặt căn cứ tại Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, đảo Hải Nam, kiểm soát Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải. Các căn cứ hải-không quân đặt căn cứ tại: Foluo, Quế Bình (Guiping), Hải Khẩu (Haikou), Linh Linh (Lingling), Linh Thủy (Lingshui), Jialaishi, Tam Á (Sanya). Ngoài ra, Trung Quốc vừa mới canh tân phi đạo trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa có thể chứa các chiến đấu cơ tầm trung và các chiến hạm cỡ 5,000 tấn. Đảo nhân tạo Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa cũng có thể được quân sự hóa với số lượng phi cơ và chiến hạm tương tự. Hai đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn cũng có thể có khả năng như đảo Chữ Thập.


blank


LỰC LƯƠNG VIỆT NAM VÀ ĐỒNG MINH


Trong thời gian đầu tiên, lực lượng đồng minh tại Biển Đông có thể gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Philippines và Việt Nam. Sau đó có thể thêm Singapore, Malaysia và Indonesia. Vấn đề xử dụng các căn cứ hậu cần tại Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia và Việt Nam là điều phải thỏa thuận trước. Quân cảng Cam Ranh, Subic Bay và Changi là tam giác chiến lược kiểm soát đường giao thương chính trên Biển Đông.


HOA KỲ


Chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ ở miền Tây Thái Bình Dương là Đệ Thất Hạm Đội đặt bản doanh tại 2 cảng Yokosuka và Sasebo tại Nhật Bản cùng với các căn cứ tại Hàn Quốc. Đây là hạm đội lớn nhất của HQHK gồm có 60-70 chiến hạm, 200-300 phi cơ với khoảng 40,000 thủy thủ và Thủy Quân Lục Chiến đang hoạt động trong bất cứ lúc nào. Ngoài các lực lượng Xung Kích Hàng Không Mẫu Hạm CSG và Can Thiệp Tiền Phương ESG tăng phái từ nội địa Hoa Kỳ, Đệ Thất Hạm Đội còn có các lực lượng, chiến hạm đặt căn cứ thường trực tại Nhật Bản và Guam. Điều này giúp cho Đệ Thất Hạm Đội có sự hiện diện thường trực tại vùng Đông và Đông Nam Á, giảm bớt thời gian di chuyển từ các căn cứ miền Tây Hoa Kỳ. Các lực lượng căn bản thuộc Đệ Thất Hạm Đội gồm có:


  • Lực Lượng Xung Kích Hàng Không Mẫu Hạm số 5 (Carrier Strike Group: CCG-5) mà báo chí quốc nội gọi là Cụm tàu sân bay gồm có một HKMH hạng nặng (USS Ronald Reagan – CVN 76), là soái hạm của CSG do một Đô Đốc 2 sao chỉ huy, có nhiệm vụ tấn công phi cơ và chiến hạm địch cũng như các mục tiêu trên bộ. CSG gồm có: một Không Đoàn Chiến Thuật gồm có 8 phi đoàn phản lực cơ chiến đấu và các phi cơ thám thính, điện tử, săn tàu ngầm và liên lạc - Một hay hai Tuần Dương Hạm Aegis loại Ticonderoga trang bị hỏa tiễn hành trình Tomahawk có khả năng tấn công tầm xa - Hai hay ba Khu Trục Hạm Aegis loại Arleigh Burke có khả năng tấn công phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm địch. Các KTH này cũng có thể được trang bị hỏa tiễn hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu xa trên đất liền - Hai tàu ngầm tấn công loại Los Angeles có nhiệm vụ tấn công phi cơ, chiến hạm và tàu ngầm địch. Các tàu ngầm này cũng có thể được sử dụng để hoạt động ở tầm xa trong nhiệm vụ bảo vệ CSG - Các tàu tiếp tế dầu, đạn dược, thực phẩm loại AOE, AOR, T-AOE để cho các chiến hạm chủ lực có khả năng hoạt động dài hạn trên biển. Ngoài ra, Hoa Kỳ có 18 tàu ngầm chiến lược loại Ohio mà phối trí là bí mật quốc phòng.

  • Song song với 12 CSG là 12 đơn vị Can Thiệp Tiền Phương (Expeditionary Strike Group: ESG). Cấu trúc của ESG cũng tương tự như CSG về thành phần hộ tống. Chiếc HKMH được thay thế bằng các chiến hạm đổ bộ loại LHD/LHA, LPD và LSD. Trên các chiến hạm này là 1 Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến khoảng 2,200 người (Marine Expeditionary Unit: MEU). Nhiệm vụ của ESD là sẵn sàng can thiệp khẩn cấp ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ có 7 Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến trong đó MEU số 31 là đơn vị đóng thường trực tại Okinawa, Nhật Bản.

  • Ngoài Phân đội Khu trục hạm số 15, Đệ 7 Hạm đội mới được tăng cường thêm Phân đội Khu trục hạm số 7 di chuyển từ miền tây Hoa Kỳ qua Singapore do HQ Đại tá Lê Bá Hùng chỉ huy, trách nhiệm vùng Biển Đông. Phân đội này hiện chỉ có 2 LCS sẽ được tăng lên 4-6 chiếc trong tương lai và sẽ được tăng cường các chiến hạm khác tùy tình hình đòi hỏi cũng như có thể sẽ phối hợp với các quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề tuần tra Biển Đông.

  • Tùy nhu cầu, lực lượng của Đệ 3 Hạm đội có thể tăng phái có thể tăng phái cho vùng Tây Thái Bình Dương bất cứ lúc nào. Sự kiện Lực Lượng Xung Kích HKMH số 3 với HKMH John C. Stennis (CVN-74) cùng các chiến hạm đổ bộ và hộ tống đã từ tiểu bang Washington vượt Thái Bình Dương qua tuần tiểu Biển Đông đã nói sự linh động của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.


NHẬT BẢN - ẤN ĐỘ - ÚC ĐẠI LỢI


Nhật Bản, nếu có được sự đồng ý của Hoa Kỳ cũng như các quốc gia Đông Nam Á sẽ đủ sức phát triển một lực lượng hải-không quân trong một thời gian ngắn không thua sút một quốc gia nào. Tính đến 2015, hải quân Nhật Bản có 124 chiến hạm trong đó có 4 chiến hạm đổ bộ, 17 tàu ngầm, 43 khu trục hạm các loại cùng với 200 phi cơ và 150 trực thăng. Hải quân Ấn Độ có 170 chiến hạm trong đó có 1 HKMH, 6 chiến hạm đổ bộ, 13 tàu ngầm, 42 khu trục hạm các loại. Hải quân Úc Đại Lợi  có 3 chiến hạm đổ bộ, 6 tàu ngầm cũ loại Collins, 12 khu trục hạm cỡ 4,000 tấn.


Các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc Đại Lợi mổi nước có thể dể dàng gởi 1 phân đội gồm 1 chiến hạm đổ bộ, 4-6 khu trục hạm, 2 tàu ngầm và các phi cơ săn ngầm tham gia các cuộc tuần tra Biển Đông.


NGA SÔ


Nga Sô là một nước ở trong trường hợp cần để ý đến. Hiện nay, Nga vẫn duy trì quan hệ mua bán vũ khí và dầu hỏa với Trung Quốc, đang bị Hoa Kỳ và Liên Âu cấm vận vì chuyện Ukraine và cuộc chiến tại Trung Đông. Tuy nhiên, về phương diện chiến lược, Nga có thể giải quyết những bất đồng và phối hợp với Hoa Kỳ và quốc tế trong nỗ lực bảo vệ an ninh tại Biển Đông. HĐ/TBD của Nga đóng bản doanh tại Hải Sâm Uy (Vladivostok và Petropavlovsk-Kamchatsky). Cho đến bây giờ, HĐ/TBD có 22 tàu ngầm (7 hạt nhân) và 6 chiến hạm chủ lực: 1 TDH loại Slava - 4 KTH chống ngầm loại Udaloy II - 1 KTH loại Sovremenny.


VIỆT NAM


Không quân Việt Nam có 36 chiếc Su-30MK2V và khoảng 200 chiếc gồm các loại cũ hơn như Mi-21 (144 chiếc), Su-22 (38 chiếc) và Su-27 (12 chiếc). Su-30MK2V là  chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Việt Nam gồm 3 trung đoàn 923, 927 và 935 trong đó hai trung đoàn đóng tại Cam Ranh, một trung đoàn đóng tại Đà Nẵng. Về hải quân, chủ lực là Lữ đoàn 189 gồm có 6 chiếc tàu ngầm mới đóng loại Kilo của Nga cỡ 2,300 tấn mà chiếc cuối cùng sẽ bàn giao cuối năm 2016. Các tàu chiến mặt nước gồm Lữ đoàn 162 gồm có 6 chiếc tàu hộ tống tên lửa loại Molniya cỡ 500 tấn đóng tại Việt Nam dựa theo thiết kế của Nga và 2 tàu tên lửa loại Gepard 3.9 cỡ 2,300 tấn, 2 chiếc đang đóng sẽ được bàn giao 2017-2018 và 2 chiếc đã được ký kết. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy, Hải quân Việt Nam đã chính thức mua 2 chiếc chiến hạm SIGMA-9814 của Hà Lan tuy có vài chi tiết chưa được thỏa thuận.


PHILIPPINES


Philippines đã đồng ý để Hoa Kỳ tái xữ dụng 8 căn cứ Hải-Không quân trong đó có căn cứ hải quân Subic Bay, căn cứ không quân Clark Field. Hoa Kỳ và Philippines cũng đã đồng ý với nhau về 5 địa điểm mới mà các lực lượng Mỹ có quyền tiếp cận trong đó có căn cứ không quân Antonio Bautista ở đảo Palawan trang bị ra-đa nhìn ra biển Đông chỉ cách đảo đá ngầm Mischief (Vành Khăn) có 300 km trong khi căn cứ thứ nhì là Basa ở phía bắc Manila nằm cách Scarborough 330 cây số, bị Trung Quốc chiếm đoạt năm 2012. Tổng thống Philippines ngày 9/3 cho biết nước này đang xúc tiến thủ tục thuê 5 máy bay TC-90 của Nhật để tuần tra ở Biển Đông. Hàn Quốc đã cung cấp 2 chiến đấu cơ hạng nhẹ và sẽ giao thêm 10 chiếc trong năm 2017 theo hợp đồng. Manila sẽ mua thêm 6 máy bay hỗ trợ và 2 máy bay tuần tra tầm xa. Ba hệ thống radar giám sát trên không sẽ được lắp đặt trong những máy bay mới của Philippines. Ngoài ra Philippines có kế hoạch mua một phi đội máy bay chiến đấu đa chức năng, hệ thống tên lửa không đối đất, máy bay cảnh báo sớm và máy bay không người lái, theo Reuters. Việt Nam cũng có thể giúp Philippines trang bị tên lữa trên 2 tàu tuần duyên Hoa Kỳ vừa mới bàn giao cho Philippines chiếc cũng như đóng những tàu hộ tống tên lửa loại Molniya.

  1. KẾT LUẬN


Có những điều căn bản mà Việt Nam có thể học được từ cuộc chiến biên giới để dùng cho tranh chấp Biển Đông:


  • Trong cuộc chiến biên giới 1979, Việt Nam chỉ nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô thì hiện nay, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi và hầu hết các nước trên thế giới. Trung Quốc trở thành một thế lực bá quyền cô đơn. Một quy luật sẽ không bao giờ thay đổi là các siêu cường trên giới luôn luôn hành động vì quyền lợi riêng tư của mình. Việt Nam phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự nhưng đây là trường hợp xấu nhất. Đừng để những kinh nghiệm đau xót của cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạt Ma 1988 xảy ra một lần nửa. Nếu phải hy sinh thì phải bắt Trung Quốc trả giá cho hành động xâm lược của mình. Nhu cầu dài hạn là phải phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.

  • Cuộc chiến 1979 là một cuộc chiến trên bộ không có sự tham gia của không và hải quân. Việt Nam đã tận dụng ưu thế về lòng dũng cảm và sự thiện chiến, hy sinh của các lực lượng dân quân. Tại Biển Đông, nếu cuộc chiến xảy ra thì đây sẽ là sự đối đầu giữa các lực lượng hải-không quân các bên mà lực lượng, trang bị và huấn luyện sẽ là yếu tố quyết định. Trong suốt 3 thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ hải-không quân của mình chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Chưa ai ước đoán được khả năng của Trung Quốc trong các lãnh vực này nhưng chắc chắn vượt trội so với Việt Nam. Chỉ có một cuộc đụng độ thực sự với lực lượng liên minh mới thấy rõ sức mạnh của hải-không quân Trung Quốc.



THAM KHẢO


  1. “Sino-Vietnamese War” trên Wikipedia.

  2. “Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979” trên Wikipedia.

  3. Bài viết “Nhìn lại cuộc chiến Việt-Trung năm 1979” ngày 4/11/2015 trên mạng nghiencuuquocte.org.     

  4. Bài viết “Shadow of Brutal ’79 War Darkens Vietnam’s View of China Relations” trên báo New York Times ngày 5/7/2014.

  5. Bài viết “Chiến tranh Biên giới 1979: Không thể quên lãng” trên mạng VietnamNet ngày 17/02/2016.

  6. Bài viết “Cảng quốc tế Cam Ranh tiếp nhận tàu sân bay 110,000 tấn” trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 8/3/2016.

  7. Các bài viết về Hải Quân Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi và Việt Nam của tác giả.

  8. “Hạm đội Nam Hải” trên Wikipedia.


File: ITN-033116-VN-QS-Cuoc chien Viet-Trung 1979 va Tranh chap Bien Dong.doc



Nguyễn Mạnh Trí
Tu chỉnh: 31 tháng 3 năm 2016





.
.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.