Hôm nay,  

Ronald Reagan Lên Đồi

07/06/200400:00:00(Xem: 4684)
Tổng thống Ronald Reagan đã ngủ yên trên đó, ở một cõi tươi sáng hơn, để lại nhiều thương tiếc cho nhân thế dưới này... Những con người phi thường dường như còn biết từ biệt nhân thế theo đúng phong cách sống của mình.
Albert Camus, nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm về sự phi lý của cuộc đời, đã chết một cách phi lý: tai nạn xe hơi vào tuổi trung niên còn tràn nhựa sống. Antoine de Saint Exupery, một phi công thời chiến và nhà văn về một thế giới hư ảo của tình người, tác giả của “Hoàng tử bé”, đã biến mất năm 1944, trong một chuyến bay vào hư vô. Nguyễn Du của chúng ta, con người tài hoa không có hạnh phúc, đã nằm yên nghe bệnh thấm vào xương. Khi người nhà sờ nắn thân thể và báo là chân đã lạnh, ông thản nhiên nói: “Được!” và nhắm mắt ngủ giấc ngàn thu. Thế nào là “được”"
Cái chết của Ronald Reagan được cả thế giới nói tới, vì ông là nhà lãnh đạo, một Tổng thống thuộc loại xuất sắc nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng, nghĩ đến cách ông ra đi, chúng ta nhớ tới các nhà văn, nghệ sĩ...
Ông chọn lúc ra đi không thể nào hợp thời hơn. Cái chết của ông là một nhắc nhở hợp thời.
Ronald Reagan thắng cử năm 1980 để nhậm chức tổng thống vào tuổi 69, thành vị tổng thống cao niên nhất khi vào tòa Bạch Ốc. Năm đó, hãng bảo hiểm nhân thọ Metropolitan Life Insurance Company đã làm một bản nghiên cứu về ảnh hưởng của chức vụ tổng thống đối với tuổi thọ. Làm tổng thống cũng giảm tuổi thọ như... hút thuốc lá. Trung bình, các vị tổng thống Mỹ bị giảm mất 3,9 năm, qua thế kỷ 20, thế kỷ ta gọi là văn minh tiến bộ, các tổng thống Mỹ bị giảm thọ mất 5,2 năm. Căn cứ trên công trình khảo cứu đó, MILC dự đoán Tổng thống Reagan còn sống được 11 năm sau khi nhậm chức, nghĩa là sẽ tạ thế vào năm 1992.
Các hãng bảo hiểm đều biết tính toán thống kê và xác suất rất cao, nên đoán thì ít lầm. Lầm thì sạt nghiệp. Nhưng Metropolitan Life Insurance đã lầm về Reagan. Như nhiều người khác, nhất là truyền thông và trí thức Âu-Mỹ, cũng đã lầm.
Nhiều người cho là ông gặp may, đóng phim thì xoàng, loay hoay thế nào mà làm Thống đốc California rồi làm Tổng thống Hoa Kỳ, thủy chung không có vẻ gì xuất chúng, về cả trí tuệ lẫn khả năng lãnh đạo. Dư luận báo chí thời của ông có cả chục giai thoại về sự lờ ngờ của Reagan khi làm tổng thống: không thuộc hồ sơ, không ưa chi tiết rắc rối, chỉ có vài nguyên tắc lý tưởng rồi cứ vậy mà làm, cho thuộc cấp tùy tiện giải quyết, và làm bậy, ở dưới. Vụ xì-căng-đan Iran-Contra (ngầm tài trợ cho Kháng chiến chống cộng tại Nicaragua và đi đêm với Iran) là thí dụ.
Hãng bảo hiểm đã lầm vì đến tháng 11 năm 1994 Ronald Reagan vẫn còn đó, chính thức thông báo trên lá thư viết tay lời giã biệt công chúng: ông bị bệnh Alzheimer và từ từ bước vào cõi “quên trí nhớ”. Từ đó, ta không biết gì thêm về ông, ngoài những chi tiết do người tình và người vợ tuyệt vời của ông là Nancy thông báo cho dư luận. Cho đến tuần qua. Vài năm trước, Nancy Regan đã tâm sự “nhà tôi đang đi vào nơi mà tôi không theo tới được nữa”. Ông chìm vào sự hôn mê kéo dài gần 10 năm, và mất vào buổi trưa Thứ Bảy mùng năm tháng Sáu, giờ Cali. Ông sống thọ hơn dự đoán của hãng bảo hiểm đến 12 năm, trở thành vị tổng thống có tuổi thọ cao nhất.
Sự nghiệp của ông còn tồn tại lâu hơn vậy.
Ronald Reagan không phải là người gặp may. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo miền Trung nước Mỹ, ở Illinois, với người cha nghiện rượu, Reagan đã phấn đấu để vươn lên trong khi nước Mỹ đang chìm sâu trong cuộc Tổng khủng hoảng. Ông tiếp tục phấn đấu, trong quân đội, trong ngành điện ảnh, truyền thanh, hoạt động nghiệp đoàn, và tự tìm cho mình một nhân sinh quan và xã hội quan không giống ai, nghĩa là đi ngược với tư duy của đa số cùng thời. Ông thuộc loại chính khách ít học nhất, vì vậy bị coi thường về trí tuệ. Thực tế thì ông có trí tuệ vượt xa đa số cùng thời. Từ cánh tả, từ đảng Dân chủ, ông chuyển về cánh hữu, và đưa tới cuộc cách mạng về tư duy và chủ trương của đảng Cộng hòa trong tám năm làm Thống đốc California.
Nhiều người tưởng rằng ông đã hết thời khi ủng hộ ứng viên cánh hữu của Cộng hòa là Barry Goldwater và ông này bị thảm bại. Reagan tồn tại lâu hơn vậy và đưa khuynh hướng bảo thủ lên đài vinh quang, làm thay đổi chính trường Mỹ tựa cơn động đất, một trận đại hồng thủy, khi thắng phiếu tại 44 trong 50 tiểu bang của Mỹ, một chiến thắng long trời lở đất.
Lịch sử sẽ ghi lại rằng Ronald Reagan làm thay đổi nước Mỹ và thế giới ở hai điểm chính.
Thứ nhất, “chính quyền là vấn đề chứ không là giải pháp”. Reagan nhậm chức với chủ trương giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền, bằng việc giảm thuế, phá vỡ các thế lực đang nắm giữ chính quyền như con tin để làm suy yếu kinh tế, nghĩa là làm xã hội thêm nghèo nàn vì chính sách bao cấp. Chủ trương tự do kinh tế và giản lược hóa công quyền là di sản nội chính của Regan. Nhiều người cho rằng vì chính sách đó mà ngân sách quốc gia bị khiếm hụt, nhưng quên là giảm thuế thì cũng phải giảm chi, và Quốc hội do đa số Dân chủ nắm quyền, đã không giảm chi mà còn tăng chi. Cuộc tranh luận đó, đến nay vẫn còn là thời sự.

Thứ hai, “Liên xô là Đế quốc Độc ác”. Reagan nhậm chức giữa cao điểm của phong trào phản chiến và chủ trương hòa giải với Liên bang Xô viết. Ông tạo ra cuộc cách mạng khi nói thẳng cảm nghĩ của mình về chủ nghĩa cộng sản, trước sự giật mình lo sợ của giới ngoại giao, và mở ra cuộc thi đua võ trang làm Liên xô hụt hơi, từ từ đi vào tan rã. Ngược với cảm nghĩ của nhiều người, Reagan không là kẻ hiếu chiến. Dù trực tiếp đả kích Liên xô, ông gây dựng được một mối giao tình đặc biệt với Tổng bí thư Mikhael Gorbachev, thuyết phục Gorby cùng ký kết các thỏa ước tài giảm binh bị, nhất là giải trừ các hỏa tiễn nguyên tử tầm trung. Reagan ghét võ khí nguyên tử và bày ra một cuộc chiến khác để đánh gục Liên xô. Người ta hay nói đến kế hoạch mơ hồ của Reagan là phòng thủ không gian bằng siêu kỹ thuật, được truyền thông ngốc nghếch đặt tên Stars War theo bộ phim khoa học giả tưởng. Nhưng, Reagan cũng là người thuyết phục Saudi Arabia bơm dầu thật mạnh, để giá dầu sụt dưới giá thành của Liên xô! Reagan đánh cho Liên xô bị cạn vốn. Vài năm sau khi Reagan thách thức Gorbachev: “Hãy hạ bức tường đó xuống”, bức tường Bá Linh sụp đổ, Chiến tranh lạnh kết thúc... không tốn một viên đạn, như lịch sử ghi lại.
Nhưng, như thường lệ, lịch sử vẫn bất công về Reagan và di sản của ông.
Ronald Reagan lên cầm quyền sau khi nước Mỹ bị hai cuộc khủng hoảng nhập một. Vụ thảm bại Việt Nam và phá sản của chính trị hoạt đầu kiểu Nixon đã đưa xu hướng lý tưởng ngớ ngẩn Jimmy Carter lên cầm quyền, với nhân sinh quan bi đát, trong một nước Mỹ ôm ấp sự hoài nghi yếm thế như niềm đau cao thượng, trước sự khinh thường của đối phương. Vụ Iran bắt giữ con tin và Liên xô uy hiếp Âu châu trong khi kinh tế Mỹ sa sút vì lạm phát và suy trầm là kết quả. Reagan đảo ngược xu thế bi quan đó bằng sự lạc quan và niềm tự tin không gì lay nổi. Ông dựng con bệnh dậy, thúc đẩy Hoa Kỳ tìm hòa bình bằng sức mạnh. Tinh thần lạc quan và tự tin là di sản tinh thần của Reagan, nó giải thích đường lối lãnh đạo của ông. Đó là một.
Ronald Reagan không thích chuyện trừu tượng và lý luận cao xa uyên bác. Những người từng cộng tác với ông đều nói đến thói quen Reagan là ghét con số hay ý niệm phức tạp. Là người cực kỳ thực tế, ông luôn luôn tìm ra cách trình bày những điều phức tạp đó cho đơn giản, ở tầm hiểu biết bình thường của người bình thường. Và ông còn có khả năng thiên phú là có óc khôi hài, có khả năng tự châm biếm, để duyên dáng thuyết phục được quần chúng, đồng minh lẫn đối thủ. Trí tuệ của ông là ở đó.
Ronald Reagan là người quả quyết và đởm lược. Ông luôn luôn đi ngược lời khuyên của các thuộc cấp, đều là những người siêu đẳng, để nói thẳng nói thật. Chuẩn bị thăm viếng Berlin, ông cho người tìm hiểu xem dân Đức muốn gì, thay vì nghĩ là mình, chính quyền Mỹ, muốn gì. Kết quả là câu thách đố nổi danh lịch sử về bức tường Berlin đã làm lịch sử chuyển động. Ông có tinh thần của người làm cách mạng và không sợ đi ngược trào lưu.
Ronald Reagan được mọi người yêu quý vì khéo nói. Người ta còn cho rằng tài diễn xuất của ông là một ưu điểm. Mọi chính trị gia đều phải là nghệ sĩ trình diễn, Reagan là tài tử hạng B và không tìm cách trình diễn. Ông có sự nồng nhiệt ngay từ trong tâm, nói chuyện với ai cũng bày tỏ sự quý trọng với người đó, bất kể chức vụ cao hay thấp. Bản chất của ông là người có lòng nhân, một ý niệm tưởng như lạc lõng trong chính trường Mỹ. Bản chất đó mới dẫn đến sức thuyết phục đó.
Ronald Reagan là người kính trọng chức vụ mình đảm nhiệm. Trong phòng làm việc, ông không khi nào cởi áo (đừng nói tới những việc kỳ cục khác của Bill Clinton) và để lại một câu nói thời danh: “Chức vụ này cho phép ta thực hiện được nhiều kỳ vọng, miễn là đừng làm thế để thành danh với hậu thế”. Ông không tìm cái danh cho mình nên có tự do trong từng quyết định, và gây lại được sự kính trọng cho tòa Bạch Ốc sau những thủ đoạn của Nixon hay lúng túng của Carter.
Nhưng tại sao lại nói rằng Ronald Reagan biết chọn cách ra đi thích hợp với nhân sinh quan của mình" Ông bị bệnh tâm trí thì còn chọn được gì"
Reagan là người ngoan đạo, sùng tín mà không cuồng tín, nhưng không đi lễ nhà thờ khi có ống kính truyền hình. Thượng Đế của ông có lẽ đã chứng giám nguyện vọng của ông.
Reagan giã từ cuộc đời vào đúng tuần lễ cả thế giới và nước Mỹ tưởng niệm 60 năm vụ đổ bộ tại Normandie năm 1944, cuộc tổng phản công dẫn tới chiến thắng năm sau. Cái chết của ông làm thế giới và nước Mỹ xúc động, làm Tổng thống George W. Bush có một cái thế thuyết phục bất ngờ. Cái chết của ông cũng khiến dư luận Mỹ tìm lại sự tự tin và tinh thần lạc quan khi tình hình Iraq đang xoay chuyển và có hy vọng ổn định. Cái chết của ông giữa mùa bầu cử là một nhắc nhở cho mọi chính khách: có thể không đồng ý với nhau nhưng vẫn phải kính trọng nhau. Nó có tác dụng đoàn kết.
Ronald Reagan vì vậy làm người ta liên tưởng đến những nhà văn nhà thơ vĩ đại, với khả năng hàn gắn nhờ nghệ thuật của họ.
Cả thế giới đều nói đến hai bài diễn văn kỷ niệm ngày đổ bộ Normandie. Bài của ông Bush nhân 60 năm, và bài của Reagan nhân 40 năm. Có ai nói đến bài diễn văn nhân 50 năm, một thời điểm cũng đáng ghi nhớ vậy" Không ai nói đến Bill Clinton trong dịp này, dù ông còn sống ngờ ngờ, khỏe mạnh và còn đầy ảnh hưởng trong đảng Dân chủ.
Di sản của Clinton không có gì dưới cái bóng vĩ đại của Reagan. Đảng Cộng hòa vừa mất một lãnh tụ, nhưng được Reagan chúc phúc trước khi lặng lẽ bước lên đỉnh đồi...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.