Hôm nay,  

Đôi lời tiễn biệt anh Tâm Đạt Trần Văn Sơn tức bình luận gia Trần Bình Nam

20/03/201617:22:00(Xem: 4572)
Đôi lời tiễn biệt anh Tâm Đạt Trần Văn Sơn
tức bình luận gia Trần Bình Nam
 
Lê Xuân Khoa

Kính thưa toàn thể tang quyến,

Kính thưa quí vị quan khách,


Ngày hôm nay, tôi rất hân hạnh thay mặt cho Vietnam Issues Forum có đôi lời tưởng niệm một thành viên đặc biệt là Tâm Đạt Trần văn Sơn tức nhà bình luận nổi tiếng Trần Bình Nam. Vietnam Issues Forum (VNIF) là một diễn đàn nội bộ trên lưới điện tử của một số người quan tâm đến những vấn đề hệ trọng của đất nước, như bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững và dân chủ hóa chế độ. Qua diễn đàn không chính thức này, các thành viên trao đổi thông tin, tài liệu và ý kiến, hoàn toàn trên cương vị những cá nhân độc lập. Nhiều thông tin và ý kiến trên diễn đàn đã được phổ biến một cách chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm trên các phương tiện truyền thông khác và cũng đã được sử dụng trong một số dự án nghiên cứu hay vận động ở trong hay ngoài nước, như hiện nay một nhóm nhà khoa học về nông nghiệp và môi sinh đang  đóng góp cụ thể cho một chiến dịch mang tên “Cứu nguy Đồng bằng Sông Cửu Long.”.


blank

Lê Xuân Khoa (trái) và Trần Bình Nam (phải) năm 2014. (Photo: PTH)


Anh Trần Văn Sơn, dưới bút hiệu Trần Bình Nam, là người cung cấp đều đặn cho diễn đàn những bài phân tích và nhận định thời cuộc rất có giá trị. Sau ngày sinh nhật thứ 80, 17/7/2013, anh tuyên bố không viết bình luận chính trị nữa và tóm lược cuộc đời của anh trong một bài viết hai chục trang  nhan đề  “Tám mươi năm làm nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam.” Sau đó, anh chuyển sang những bài  viết có lợi ích công cộng, như  cuộc chiến chống khủng bố bằng bom tự sát của nhà nước Hồi giáo, hay tai họa hâm nóng toàn cầu do gia tăng khí đốt và chất thải kỹ nghệ. Cả hai nạn “nhân tai” (khủng bố) và “thiên tai” (môi sinh) đó đang đe dọa trầm trọng cuộc sống  của toàn thể nhân loại.


Anh đã không ngừng viết ngay cả trong những ngày bị hành hạ bởi chứng bệnh ung thư đã lâm vào giai đoạn không còn thuốc chữa. Chỉ ba ngày trước khi ra đi, anh còn viết bài “Tôi và Bịnh Ung thư” để chia sẻ kinh nghiệm điều trị bịnh ung thư của anh với tất cả mọi người. Anh còn đủ bình tĩnh và sáng suốt để ghi lại một câu kết không thiếu tính hài hước: “Bài viết này chỉ còn một dòng cuối thông báo ngày kết thúc chương trình “hospice” của tôi.” Và dòng cuối đó đã được các con anh điền vào ngày 11 tháng Ba năm 2016, trước khi thông báo tin đau đớn đến bà con thân thuộc.  


Kính thưa quí vị,


Nhà văn người Anh Samuel Butler đã viết một câu đầy ý nghĩa: “Một con người không thật chết nếu người đó không bị lãng quên.” Đối với tất cả chúng ta và nhiều người khác, ở trong và ngoài nước, anh Tâm Đạt Trần Văn Sơn vẫn còn mãi trong tâm trí của tất cả mọi người. Tám mươi năm cuộc đời của anh, dù chỉ ghi vắn tắt trên vài chục trang giấy, đã cho chúng ta thấy anh đã sống một cuộc đời trọn vẹn với nhiều kinh nghiệm hữu ích, từ dân sự sang quân sự, từ một dân biểu đối lập dưới sự lãnh đạo của Luật sư Trần Văn Tuyên trong một tình thế vô cùng rối ren của đất nước, đến tình cảnh khốn đốn trong trại tù cải tạo, và sau hết, từ chuyến vượt biển tị nạn kinh hoàng đến cuộc sống ổn định ở Hoa Kỳ nhưng vẫn không ngừng tranh đấu cho tổ quốc được toàn vẹn chủ quyền và dân tộc thoát khỏi nạn cộng sản độc tài.


Chúng ta không bao giờ quên anh Trần Văn Sơn trong hình ảnh cuả một nhà chính trị nhiệt thành yêu nước, một trí thức sáng suốt có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, một nhân cách thanh cao được sự kính trọng của mọi người quen biết.


Bây giờ tôi xin phép được nhắc đến mối quan hệ cá nhân của tôi với anh Sơn. Để cho được khách quan, tôi xin đọc lại một đoạn trong bài “Tưởng nhớ anh Trần Văn Sơn” rất đặc săc của nhà văn hóa Phan Tấn Hải:

.

Điều có thể nhớ nhất về anh Trần Văn Sơn là, một cách bất ngờ, anh là người đầu tiên viết bài ủng hộ Thư Ngỏ của 36 người Việt ngoài nước.


“Phổ biến tháng 8-2011, bản văn ký tên 36 người có tựa đề “Thư ngỏ gửi lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc” với nội dung “đòi hỏi chính quyền phải có những thay đổi toàn diện về cơ chế và chính sách mới có thể bảo vệ được chủ quyền và phát triển đất nước».


“Thư Ngỏ không có tên anh Trần Văn Sơn, nhưng anh là người đầu tiên viết bài tựa đề “Ý kiến về Thư Ngỏ của 36 nhà trí thức hải ngoại” trong đó bày tỏ ủng hộ:


“… Bàn về Thư Ngỏ, trước hết tôi thấy giáo sư Lê Xuân Khoa (tôi không là đồng nghiệp và chưa có hân hạnh quen biết giáo sư Lê Xuân Khoa) có sáng kiến viết Thư Ngỏ và 35 vị trí thức còn lại đồng ý ký tên là một hành động can đảm...

.

Quả thật, tôi đã quá bất ngờ khi được một nhà bình luận nổi tiếng nhưng không quen biết thẳng thắn tán thành nội dung và mục đích của Thư Ngỏ và khen tôi và 35 thân hữu ký thư chung là đã có “một hành động can đảm.” Trong thư cám ơn anh Trần Bình Nam, tôi đã nhấn mạnh chính anh mới thật sự là người can đảm.


Nhưng điều đặc biệt không thể quên mà tôi muốn nói đến ở đây là nhờ bài viết của nhà bình luận Trần Bình Nam mà một số trí thức và nhân vật lãnh đạo trong cộng đồng từng lên tiếng chỉ trích tôi đã suy nghĩ lại, tìm hiểu thêm về tôi và trở thành bạn đồng hành với tôi. Trong dịp găp anh Sơn lần đầu tiên cùng một số bạn ở nhà một người thân của anh ở Quận Cam, chúng tôi đều đồng ý với nhau rằng cần có sự gặp gỡ trao đổi giữa những người đang chống chế độ độc tài cộng sản trong nước bằng nhiều phương cách khác nhau, và bài viết của anh Sơn đã dẫn đến một số cuộc gặp gỡ như vậy. Trong khi đó, anh luôn luôn khuyến khích tôi tiếp tục viết và tham gia vào những hoạt động có lợi ích chung cho cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam. Mới đây, qua sự giới thiệu của anh, tôi đâ được mời tham dự một khóa hội thảo tại Đại học Berkeley vào mùa Thu năm nay giữa các học giả Việt và Mỹ về những nỗ lực xây dựng đất nước của Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm chiến tranh. Tiếc rằng tôi sẽ không thể có mặt trong thời gian hội nghị. Cũng rất tiếc rằng do tuổi tác và bổn phận gia đình, tôi không còn khả năng tham gia vào những nỗ lực chung ngoài việc đóng góp đôi chút ý kiến khi cần thiết.


Anh Sơn quý mến,


Tôi xin được kết thúc những lời tâm tình ngắn ngủi này bằng, một lần nữa, bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi và hứa sẽ cố gắng thực hiện những lời động viên quý báu của anh. Dù hơn anh mấy tuổi, tôi đã học hỏi đươc rất nhiều ở nơi anh.


Tôi tin rằng tất cả những thân bằng quyến thuộc của anh và những người biết đến anh đều không bao giờ quên những đóng góp quan trọng của anh cho đất nước và cộng đồng. Anh sẽ còn sống mãi trong tim óc của tất cả chúng tôi.  Anh là tấm gương sáng và niềm hãnh diện lớn lao cho các thế hệ con cháu của anh. Nhân dịp này, tôi không thể không nhắc đến cháu Trần Tâm Cương, thứ nam của anh, cũng là một thành viên, có lẽ trẻ tuổi nhất, của diễn đàn VNIF. Qua anh, tôi được biết cháu Cương, dù không tham gia diễn đàn công khai và tích cực như anh, vẫn lặng lẽ sử dụng những kiên thức và kinh nghiệm thu thập được từ diễn đàn trong những buổi sinh hoạt của cháu với các chuyên gia cùng lứa tuổi.


Kính chúc hương linh Tâm Đạt Trần Văn Sơn sớm yên vui miền Cực Lạc và phù hộ cho những người đang tiếp tục con đường anh đã chọn được thành công trong sứ mệnh phục vụ tổ quốc và dân tộc.


Lê Xuân Khoa

3/19/2016


  




.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.