Hôm nay,  

CHƯƠNG TRÌNH NHẠC HỘI “VOICES OF TWO GENERATIONS”: Âm Nhạc Của Hai Thế Hệ - Cung Tiến và P.Q.Phan

02/03/201611:09:00(Xem: 4592)

PqPhan 14 VThe Brown Foundation Performing Arts Theater: 1370 Southmore Blvd, Houston, TX 77004.
Ngày 26 tháng Ba, 7:30 pm
Chi tiết và liên lạc mua vé:
Nina Nguyen: fongnin@yahoo.com / Kim Nguyen: kimzung73@gmail.com

Lần đầu tiên, hai tổ chức VN Teamwork và VASCAM đồng giới thiệu chương trình Voices of Two Generations, một chương trình âm nhạc phối hợp các ca khúc của hai nhạc sĩ hai thế hệ: nhạc sĩ Cung Tiến và các ca khúc tiêu biểu bất hủ của ông; và nhạc sĩ P.Q.Phan với phần lớn các trích khúc trong vở Opera Câu Chuyện Bà Thị Kính của nhà soạn nhạc thuộc thế hệ thứ hai. Đây cũng là lần đầu tiên trong không khí mùa xuân ấm áp, khán thính giả Houston được vinh hạnh chào đón nhà soạn nhạc cổ điển đương đại P.Q.Phan (Phan Quang Phục), một nhà soạn nhạc người Việt thành đạt ở tầm vóc quốc tế. Ông hiện là giáo sư âm nhạc về bộ môn sáng tác của trường Jacobs School of Music, Indiana, một trong những trường âm nhạc được xem là đồ sộ, uy danh, tiên tiến, hiện đại và quy củ nhất nước Mỹ. Ông đoạt giải Rome Prize năm 1997. Nhạc do ông soạn đã được trình tấu ở nhiều quốc gia từ Âu sang Á, bởi những dàn nhạc tăm tiếng như The Kronos Quartet, The American Composer Orchestra...

Có thể nói Voices of Two Generations là một chương trình âm nhạc khác với những chương trình nhạc giải trí trong cộng đồng người Việt từ trước đến nay, không chỉ thuần túy khác ở thể loại nhạc hay về nhạc khí, nhạc cụ hay đặc tính đặc thù, mà quan trọng là sự khác biệt về đường hướng của nhà soạn nhạc, như nhạc sĩ P.Q.Phan trong một bài phỏng vấn trước đây trên trang mạng Tiền Vệ đã nói về con đường nhạc cổ điển của ông, rằng “Nhạc cổ điển là thể loại âm nhạc đã cho phép tôi diễn tả những tình cảm và cảm xúc sâu đậm nhất. Qua nó, tôi không bị áp lực phải “giải khuây” cho người nghe, mà chỉ dùng nó như một phương tiện để chia sẻ những tình cảm tốt đẹp nhất của con người.”

Trong mục đích chia sẻ và phản ảnh những tâm tình sâu sắc, Voices of Two Generations được chính nhạc sĩ P.Q.Phan biên soạn kỹ lưỡng cho ban nhạc Tứ Tấu VASCAM String Quartet cùng với nhạc sĩ vĩ cầm Bảo Thi, nhạc sĩ dương cầm Nguyễn Hải Hoàng, nhạc sĩ tây ban cầm Trịnh Hoàng Hải lần lược trình tấu. Hai giọng ca sô-lô nữ chính của chương trình là ca sĩ Bích Vân (Soprano) và ca sĩ Teresa Mai (Soprano). Trả lời Việt Báo về quá trình biên soạn cũng như khởi sự dẫn đến chương trình này, nhạc sĩ P.Q.Phan cho biết: “Sau khi nghe được vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính), cô Kim Dung liên lạc với tôi và tìm cách để dựng lại vở opera cho cộng đồng Việt Nam của mình. Sau khi biết thêm nhiều chi tiết về sự đòi hỏi phương tiện tài chánh và tổ chức cho một vở opera quy mô như vậy, Kim Dung và tôi nghĩ rằng mình phải tiến hành từng bước nhỏ, và hy vọng rằng sẽ dần dần đạt được mục tiêu cuối cùng trong tương lai gần. Vì vậy, buổi hòa nhạc vào tháng Ba nầy rất quan trọng, vì nó sẽ là một ấn tượng trực tiếp đầu tiên đối với cộng đồng mình về hình thức âm nhạc thính phòng và opera. Buổi hòa nhạc nầy phải đạt được những mục tiêu tối thiểu như sau: (1) kết nối được với cảm xúc của người Việt mình, hoàn toàn không áp dụng chủ nghĩa "huyền bí hay kỳ lạ", (2) trình bày sự hòa đồng tinh tế mỹ thuật giữa Âu và Á (Việt Nam), (3) trình diễn âm nhạc có tính chất thu hút bề ngoài nhưng có ý nghĩa và tính mỹ thuật sâu đậm bề trong, phản ánh tính chất âm nhạc hàn lâm (cultivated music or academic music), (4) tận dụng nguồn nhân lực và tài năng của người Mỹ gốc Việt.

Quá trình biên soạn cho buổi hòa nhạc nầy được dựa vào các yếu tố trên. Ca sĩ opera được mời đến từ miền Nam California, và nhạc công từ miền Nam California, Denton Texas, và Houston Texas. 70% nhạc công cho buổi hòa nhạc nầy là người Mỹ gốc Việt. Tôi ước mơ và hy vọng rằng một ngày nào đấy tôi có thể vận dụng nhạc công người Mỹ gốc Việt hoàn toàn.”

Chương trình được chia ra làm hai màn chính, màn I là các nhạc khúc của nhạc sĩ P.Q.Phan xen kẽ với các ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến. Màn II dành trọn cho các trích khúc từ vở Opera The Tale of Lady Thị Kính (Câu Chuyện Bà Thị Kính) do P.Q.Phan biên soạn năm (2010-2011) theo phong cách “đại nhạc kịch” (grand opera), sử dụng kịch bản sân khấu Việt, phản ảnh nền văn hóa, triết lý, niềm tin tôn giáo sâu sắc, và cách hành xử của xã hội Việt Nam thời xưa.

Màn I của chương trình đêm 26 tháng Ba sẽ mở đầu với nhạc khúc “The Tragedy at the Opera” (Thảm Cảnh tại Rạp Hát), do ban tứ tấu đàn dây VASCAM hòa tấu với tiếng đàn vĩ cầm của Chương Vũ và Szemoke Jobbagy, tiếng đàn Viola của Daphne Gerling và tiếng đàn Cello của Dominic Na. Theo P.Q.Phan, đây là “thanh âm của tứ tấu đàn dây kéo, là tượng trưng cho âm thanh hiện đại hóa của hát bội và hát đồng bóng.” "Thảm Cảnh tại Rạp Hát" là một trích đoạn trong bản nhạc dài 22 phút được P.Q.Phan soạn cho tứ tấu đàn dây vào năm 1995 mang tên "Những hồi ức về một linh hồn đã mất" (Memoirs of a lost soul). Đây chính là một tác phẩm rất ưng ý của tác giả, là một hồi tưởng âm nhạc về một quê hương thời chiến tranh với bao nhiêu kỷ niệm. "Thảm Cảnh tại Rạp Hát" là phần III của nhạc phẩm này, kể về câu chuyện có thật khi tác giả cùng cha mẹ đi xem hát bội tại Quảng Nam, một vai diễn đóng cảnh lên cao trào trước khi gục chết, không ngờ người diễn viên đã chết thật ngay tại chỗ vì xúc động và vì gắng sức. Âm điệu và tiết tấu của nhạc khúc này không chỉ phản ảnh những âm hưởng tinh túy của nghệ thuật cổ nhạc, mà với thanh nhịp đều đặn và dồn dập, cùng với tiếng đàn viola và cello đánh nhịp dồn dập đoạt hồn người ca sĩ khiến người nghe quên đi thời gian đương thời trở về hòa nhập vào một không gian chầu văn xưa cũ.

Kế tiếp là cảm xúc “Tự Tình” của Hồ Xuân Hương qua sự trình bày của ca sĩ Bích Vân với tiếng đàn dương cầm của Nguyễn Hải Hoàng. Loạt ca khúc này được nhạc sĩ P.Q.Phan biên soạn với ca từ dịch từ một số bài thơ chọn lọc của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, theo ông, là một nhà thơ đi trước thời đại của bà. Những câu hỏi bén nhạy bà đặt ra cho xã hội được tiếng đàn dương cầm và giọng hát opera cao vút của Bích Vân lột tả qua những âm điệu sắc bén đầy âm hưởng thách thức xã hội và thời đại.

Chương trình được tiếp nối với một nhạc phẩm quen thuộc của nhạc sĩ Cung Tiến - Nguyệt Cầm (1955), do Teresa Mai trình bày với tiếng đàn ghi-ta của Trịnh Hoàng Hải. Được hỏi vì sao nhạc sĩ Phan Quang Phục chọn đi cùng với nhạc sĩ tiền bối Cung Tiến cho chương trình này, P.Q.Phan đã trả lời Việt Báo: “Việt Nam mình có nhiều tác giả nhạc lời rất là nổi tiếng. Tuy nhiên vì chủ đề của buổi hòa nhạc này liên quan đến âm nhạc hàn lâm, tôi thấy nhạc của Cung Tiến rất là phù hợp, vì hai điểm chính sau: Nhạc sĩ Cung Tiến tiêu biểu cho Art Song (một loại bài ca mang tính hàn lâm) của Việt Nam. O ng cảm nhận đươc mỹ thuật chính của Việt Nam và Tây phương. Nhạc Cung Tiến đã tạo ra một cơ hội thưởng thức khác cho những người nghe nào không có cảm xúc với loại nhạc chạy theo trào lưu phổ biến hoặc mang tính cổ hủ, bởi Cung Tiến rất là cẩn thận viết từng nốt nhạc cho các tác phẩm của mình, từ lời nhạc đến hòa âm và nhạc "đệm." Nếu như chúng ta dựa vào tiêu chuẩn viết nhạc phương Tây, thì đây là đúng định nghĩa "sáng tác gia" (composer). Đa số các nhạc sĩ đương thời khác được gọi là "người viết ca khúc" (song writer). Khác với "người viết ca khúc", bản chất âm nhạc của "sáng tác gia" được muôn đời chính xác bởi vì “sáng tác gia” sáng tạo nghệ thuật qua lối nhìn khoa học hơn là cảm hứng. Đây là một lối nhìn hoàn toàn khác hẳn đối với truyền thống “sáng tác” của châu Á.”

Tiếp theo là bài tam tấu A Cry in The Night (1995) của P.Q.Phan do Chương Vũ (Violin) và Daphne Gerling (Viola) và Dominic Na (Cello) trình tấu, với giai điệu phản ảnh ký ức của nhà soạn nhạc về một đêm trong thời chiến tranh Việt Nam, giữa những tiếng la ó tuyệt vọng, tiếng súng đạn dọa nạt, một tiếng khóc khẽ giữa đêm khiến người nhạc sĩ xúc động. Kết thúc phần một trở lại với nhạc sĩ Cung Tiến qua bài Hương Xưa (1955-56) do Bích Vân trình bày với tiềng đàn dương cầm của Nguyễn Hải Hoàng. Hương Xưa là một bản tân nhạc mang âm hưởng cổ điển phương tây. Nhạc sĩ Cung Tiến cho biết ông sáng tác bài này lấy cảm xúc từ sau lần đầu tiên ông được nghe giàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam trình diễn “sống” trong chương trình kỷ niệm 200 năm sinh của nhạc sĩ Mozart.


Màn hai của chương trình dành toàn bộ cho những trích khúc từ vở Opera The Tale of Lady Thị Kính qua hai giọng hát của Teresa Mai và Bích Vân, gồm các bài Overture – To be a Daughter; Sùng Bà’s Aria, To Become a Monk, Overture, Taking You the the Market Place, và Entering Nirvana. Theo P.Q.Phan, "Màn hai mô tả bản chất và tinh thần, cái đẹp vượt thời gian của Câu Chuyện Bà Thị Kính, được diễn giải theo phương cách phổ quát (universalism) chú tâm đến nỗi lòng của người đàn bà. Các aria chọn lọc trong màn này diễn giải các sắc thái đa dạng trong tính cách của nhân vật để lột tả các vấn đề về thân phận con người, về tính cam chịu, lòng sân hận, về tình yêu nhân loại và sự giải thoát.”

Khán thính giả phần nào đã quen thuộc với câu chuyện của tuồng chèo Quan A m Thị Kính, mỗi một giai đoạn, một phần đời, bắt đầu từ lúc Thị Kính ở nhà với cha, sau đó qua nhà chồng, vào chùa, lang thang ở chợ, cơ duyên dưới gốc cây bồ đề, và cuối cùng lên Niết Bàn. Mỗi cảnh, mỗi nhạc khúc của vở OperaCâu Chuyện Bà Thị Kính của nhạc sĩ P.Q.Phan là một nhạc cảnh vẽ lại bức tranh một giai đoạn trong cuộc hành trình của Thị Kính, liên hệ đến những nhân vật, những bi kịch, xung đột, đến khi bà thoát trần, thăng hoa. Âm nhạc cũng như nhân vật, đi từ sự trong sáng, bình dị, trở nên phức tạp, bức thiết, từ tiết điệu dân tộc đến hiện đại, phổ quát. Đó là vở Opera Câu Chuyện Bà Thị Kính. Trong phần hai của chương trình Voice of Two Generations, chúng ta sẽ không thấy dàn nhạc giao hưởng lớn trên 60 nhạc công trình tấu như ở Indiana ngày khai diễn, ngược lại, mỗi bản nhạc, mỗi hoạt cảnh được thay thế bằng một giọng hát sô-lô với hòa âm cho song tấu, cho dương cầm, tam tấu, hay tứ tấu. Nhạc sĩ P.Q.Phan cho biết: “Người đã nghe The Tale of Lady Thị Kính với nguyên dàn nhạc giao hưởng sẽ thấy thiếu các chi tiếc viết nhạc tinh tế, màu sắc phong phú, không gian ba chiều của âm thanh và sân khấu hào hứng. Tuy nhiên khán giả sẽ tiếp nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa chính của tác phẩm. Mình có thể nói rằng: đây là một thách đố lớn cho người nghe vì họ phải thu nhận và tưởng tượng bổ túc song song với nhau. Bài biên soạn cho buổi hòa nhạc nầy sẽ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho tính mỹ thuật sâu đậm của Câu Chuyện Bà Thị Kính.”

Và sau cùng, Việt Báo Houston xin kết thúc và hẹn gặp quý độc giả trong chương trình Voice of Two Generations vào chiều 26 tháng Ba với lời nhắn nhủ, chia xẻ chân tình của người nhạc sĩ: “Tôi hy vọng rằng buổi hòa nhạc tháng Ba nầy sẽ gởi đến nhiều niềm tin và khám phá cho thính giả Houston. Buổi hòa nhạc nầy giới thiệu vài điều mới lạ, tuy nhiên tôi chắc chắn rằng mọi người sẽ cảm nhận được nó. Người phương Tây có câu “không nên để cái xe trước con ngựa”, vì vậy tôi hy vọng rằng thính giả sẽ không có sự e ngại gì trước khi có trải nghiệm trực tiếp. Đây là cơ hội hiếm hoi dành cho Houston do thành ý của cô Kim Dung muốn mọi người có một cơ hội chứng kiến và thưởng thức một chương trình sắc sảo và thú vị, tính nghệ thuật cao, qua tài năng của những nghệ sĩ Mỹ gốc Việt. Tôi tự hào có thể nói rằng đây là một chương trình có một không hai.

Ngoài ra tôi cũng hy vọng cộng đồng ta sẽ ủng hộ và tham gia xây dựng nghệ thuật văn hóa liên hệ đến truyền thống của người Việt Nam chúng ta. Tôi hy vọng mọi người nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật hàn lâm bởi nó phản ảnh chính chất khoa học. Và ai cũng hiểu rằng khoa học là nền tảng chính cho sự tiến bộ. Qua buổi hòa nhạc nầy tôi rất là vui và hãnh diện có cơ hội tiếp xúc với cộng đồng Houston.”

Về nhạc sĩ P.Q. Phan
Giáo sư nhạc sĩ P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sinh tại Việt Nam năm 1962, là một nhạc sĩ sáng tác nhạc cổ điển đương đại (contemporary classical music), hiện sống tại Mỹ. Trong lúc đang học về kiến trúc năm 1978, ông bỗng chú ý đến âm nhạc và tự học chơi dương cầm, sáng tác và hòa âm. Năm 1982, ông tới Mỹ và bắt đầu chính thức học nhạc. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân âm nhạc (Bachelor of Music) tại đại học University of Southern California năm 1987, bằng cao học âm nhạc (Master of Music) năm 1989 và bằng tiến sĩ âm nhạc (Doctor of Music) năm 1993 tại đại học University of Michigan.

Sáng tác của ông đã được trình tấu tại Mỹ, Canada, Mexico, nhiều nước Âu Châu, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đại Hàn và Nhật Bản.

Những giàn nhạc nổi tiếng đã chơi nhạc của ông: Kronos Quartet, BBC Scottish Symphony Orchestra, Radio France, Ensemble Moderne, Cincinnati Orchestra, Seattle Symphony Orchestra, American Composers Orchestra, St. Louis Orchestra - Chamber Group, the Cleveland Chamber Symphony, Charleston Symphony, Greater East Lansing Symphony, Sinfonia da Camera, Pittsburgh New Music Ensemble, và Society for New Music.

Nhiều giàn nhạc nổi tiếng đã đặt ông soạn nhạc: Kronos Quartet, American Composers Orchestra, Cleveland Chamber Symphony, Greater East Lansing Symphony, Obscura Trio, Ensemble Alternance de Paris, Core Ensemble, Pittsburgh New Music Ensemble...

Ông đã liên tiếp nhận nhiều giải thưởng âm nhạc giá trị: Rome Prize, Rockefeller Foundation Grant, Meet the Composers: Music Alive Residency Award with the American Composers Orchestra, ASCAP Standard Awards, Ohio Arts Council Individual Artist Fellowships, Charles Ives Center for American Music, the Concordia Orchestra, và được mời đến MacDowell Colony để sáng tác.

Ông cũng được mời làm soạn nhạc gia tại nhiều đại hội âm nhạc lớn trên thế giới. Những nhạc bản được thu âm cũng như đĩa nhạc của ông gồm có: Tragedy at the Opera (”Kronos Quartet: 25 Years”, Nonesuch 19504), Nights of Memory for solo guitar (Michael McCormick, Plaxton - CD001, L.A., 1992), “Banana Trumpet Games” (gồm những bài Unexpected Desire, Banana Trumpets Games, My Language, Rough Trax, Beyond the Mountains, và Rock Blood).

Ông đã từng dạy nhạc tại University of Illinois at Urbana-Champaign và Cleveland State University. Hiện ông là giáo sư "Full Professor” ngành sáng tác tại nhạc viện Indiana University, Jacobs School of Music ở Bloomington.

Về nhạc sĩ Cung Tiến
Cung Tiến sinh tại Hà Nội ngày 27 tháng Mười Một, 1938. Ông tên thật là Cung Thúc Tiến. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại A m nhạc viện Sydney.

Trong những năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại Sydney Music Conservatory.

Ngoài các ca khúc, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.

Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, với tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này. Năm 2003, Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại "Lơ thơ tơ liễu buông mành" dựa trên một điệu dân ca Quan họ. O ng đã nhận được giải Artist-in-Residency từ The Schubert Club, St. Paul, Minnesota. O ng là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác The American Composers Forum từ năm 1882-98.

Ngoài sáng tác, Cung Tiến còn đóng góp nhiều khảo luận và nhận định về nhạc dân gian Việt Nam cũng như nhạc Hiện đại Tây phương. Trong lãnh vực văn học, những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn. Hai trong số các truyện ngắn ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn. Cung Tiến hiện cư ngụ tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ.

Về VASCAM
Vietnamese American Society for Creative Arts and Music là một tổ chức không lợi nhuận. Mục tiêu của VASCAM là xây dựng, nuôi dưỡng, và truyền bá những sáng tạo về nghệ thuật và sáng tạo về âm nhạc của người Mỹ gốc Việt. Thành viên sáng lập bao gồm Anvi Hoàng, Kim D. Nguyễn, P.Q. Phan, Trường Hoàng. VASCAM sẽ tổ chức hoạt động ở khắp nơi trong nước, ví dụ sắp tới nữa sẽ là buổi triễn lãm tranh vào ngày 23-24 tháng 7 năm 2016 tại San Jose. VASCAM khuyến khích tất cả mọi người có lòng yêu mến sáng tạo nghệ thuật và âm nhạc. Mọi người có thể liên lạc VASCAM qua email: info@vascam.org.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.