Hôm nay,  

40 Năm Người Việt Trên Đất Mỹ: II. Ký Sự: Người Đến Trước, Người Đến Sau

17/02/201600:00:00(Xem: 9170)



Nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng, nguyên Giáo Sư Triết, cho biết trước khi sang Mỹ, đã bị bắt 4 lần vì tội vượt biên, bị nhốt ở Tiền Giang 8 tháng, ở U Minh 12 tháng. Nghĩ lại thấy rùng mình, nhưng nhớ đến những ngày đầu tiên, ông còn thấy ớn lạnh:

- Hồi tôi mới qua, ở nhờ nhà ông em, ổng ở đây từ 1975. Lương vào năm 1985 đã 67,000 đô môt năm. Vợ làm khoảng hai mươi mấy ngàn, tổng cộng là hơn 100,000 một năm. Một lần ra phố, thấy tờ tạp chí Văn có đăng bài ông M. Th. chúc mừng tôi mới tới Mỹ, tôi có hỏi mua cho tôi tờ báo ấy. Ổng bảo: “tờ báo này những 3 đồng rưỡi, mắc quá! Ở đây, báo Mỹ ra ngày chủ nhật cả trăm trang mà giá chỉ có 1 đồng!” Ổng ấy nhất định không cho tôi mua tờ báo, mặc dầu ông biết tờ báo Văn đó có giá trị tinh thần với tôi như thế nào. Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người ta làm 100,000 đô một năm mà không thể bỏ ra được 3 đồng cho người anh mua một tờ báo?

Việc đầu tiên của tôi là đi phát Flyer bán nhà. Tôi phải chạy như điên, dưới trời tuyết, leo lên đỉnh đồi, bị chó cắn, lạnh run rẩy, một ngày được 22 đồng. Lý do mà tôi phải đi làm ngay là vì tôi không được hưởng trợ cấp xã hội. Bà cán sự là một luật sư cũ, học chung với em tôi. Bà ấy khó chịu vô cùng, làm đủ cách để tôi không được lãnh Welfare, mặc dù bà ấy biết tôi mới sang, vợ 3 con, không có nghề ngỗng chi cả.

Anh cười ha hả:

- Rồi cuộc đời cũng trôi thôi.

Nhà báo Mai Văn Hiền, một cựu phi công…Tuy anh nói: “mới đến xứ người, làm gì có chuyện vui mà kể, chỉ toàn chuyện buồn thôi”, nhưng rồi anh cũng cho thấy một cái nhìn rất độc đáo của anh. Anh vừa cười cười, vừa dùng cái giọng bất cần đời của anh mà kể lại:

- Anh biết không? Lúc mới qua, người Mỹ hay hỏi: “Wherere you from?” lắm. Một số người mình, vì mặc cảm, nên cứ dấu cái quá khứ của mình, nói “tôi là người Nhât, người Đại Hàn, hoặc người Tầu.” Còn tôi, khi nghe cha nào hỏi kiểu kỳ thị, “Wherere you from?”, tôi cũng hỏi ngược lại: “Wherere you from?” Nếu hắn nói hắn sinh ở Mỹ mà, thì tôi lại hỏi: “Where were your father from?” rồi “Where were your grand father from?” Thế là tụi Mỹ hết nói!

Anh cười dòn tan:

- Anh biết nghề đầu tiên của tôi là gì không? Là nghề.. bóp các bà!

- Cái gì? Anh nói sao? Bóp cái gì?

- Hi hì! Bóp đầm ấy mà! Bóp cho mấy bà xách chứ không phải bóp..vào thân các bà đâu..Công việc của tôi là dán nhãn hiệu lên bóp da. Lương cũng đủ sống. Nhưng một hồi, tôi thấy không thể kéo dài mãi cái nghề này được nên đi học. Ở Mỹ này, không có nghề là chết. Tôi đi học Electronic mất 3 năm, rồi đi làm.

Anh lại kể tiếp:

- Thằng con tôi hồi đó 6, 7 tuổi. Một hôm đi chơi, có một tay Mỹ hỏi nó có phải là Da Đỏ không? Nó đứng bật dậy, la lớn: “Không, tôi không phải là Da Đỏ! Tôi là người Việt Nam!” Thằng nhỏ la to quá, làm tôi ngượng. Về nhà, tôi hỏi nó tại sao lại không nhận là người Da Đỏ. Nó trả lời là không muốn làm Da Đỏ để người Mỹ tìm giết thì sao?

Trần Ngọc, một nhà báo ở San Diego, một cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, khi mới sang, cũng đi làm Assembler, làm thợ vịn. Sau đó đi bỏ báo cho một tờ báo tuần rồi đi kiếm quảng cáo cho tờ báo đó. Làm công việc này được hai năm, anh liều mạng mở một tờ báo riêng cho mình, rồi vợ chồng và hai đứa con cùng xúm lại làm. Bố đi kiếm quảng cáo, con gái đánh máy, con trai “lay-out” bằng cách dán từng bài lên một khổ giấy khổng lồ, rồi bố đem đi in. Cuối tuần, cả ba bố con cùng đi bỏ báo. Mấy tháng đầu, chỉ lỗ và lỗ. Thân chủ đăng quảng cáo đâu chịu trả ngay. Nhiều người quịt luôn hay trả tiền bằng “chếch” dỏm. Từ từ rồi tờ báo mới kiếm được chỗ đứng. Bây giờ, tờ báo của anh đã có uy tín lớn ở miền này, con trai kỹ sư, con gái dược sĩ, đời sống ổn định và đi vào chiều hướng khá giả.

……

Nhà báo Đỗ Ngọc Yến, chủ trương tờ Người Việt, khi còn sinh tiền, cũng kể cho người viết một câu chuyện khác.

- Hồi đầu, gia đình tôi gồm 4 người, một vợ, hai con, mà đứa út còn ẵm ngửa, đến Texas, phải ở chung với gia đình một người ân nhân, “sponsor” người Mỹ. Hai vợ chồng này có một cô con gái, tốt bụng lắm, coi gia đình tôi như ruột thịt. Hai bố con cứ thay phiên nhau đưa chúng tôi đi làm thủ tục, đưa đi kiếm việc. Đến khi có việc làm, tôi đi bằng xe buýt, làm ca tối, về nhà rất khuya. Tối nào khuya quá, không còn xe buýt nữa, thì cô con gái đến đón tôi, chân tình lắm. Cô tươi mát, hay cười, nói chuyện rất có duyên. Một ngày kia xui xẻo, kính tôi bị gẫy, tôi lo quá, vì nếu không có kính, thì tôi chẳng làm được việc gì, mà tôi lại không có tiền mua kính mới. Ngày sau, đang lo lắng, thì ông “sponsor” kéo tay tôi lại và dặn tôi ghé tiệm kính gần nhà trước. Theo lời dặn, tôi đến tiệm kính. Vừa bước vào, ông chủ tiệm ra đón và nói “Hi!” liền, rồi vồn vã lôi tôi đến chỗ thử kính. Sau khi thử xong, ông chủ tiệm đưa tôi cặp kính và nói: “Ông sponsor của anh đã trả tiền cho anh trước rồi!” Thật cảm động với tình người!

Anh Đỗ Ngọc Yến kể tiếp là sau khi ở Texas một thời gian, thấy nghề rửa chén không khá, anh muốn di chuyển về Dallas, mà phân vân mãi, không biết nói từ biệt ra sao với ông ân nhân kia được, anh phải nói dối là đi sang Dallas tìm thân nhân,nhưng hình như ông bà ân nhân kia cũng đoán được ý định thật của anh, nên khi chia tay, mắt họ rướm lệ, bàn tay đưa ra bắt run run. Tuy họ không nói một lời trách móc, nhưng anh cũng phải quay đi để dấu những dòng lệ xúc động đang dâng lên mắt. Sau khi đến nơi rồi, anh mới viết thư cho vợ con sang sau. Thời gian sau, nghe lời vài người bạn, anh lại dọn về California. Trên đường đi, anh gặp một chuyện lạ lùng, khó tin nhưng có thật:

- Tôi kể cho anh nghe một chuyện, không biết vui hay buồn. Khi người mình mới sang Mỹ, may mắn thì gặp người tốt như trường hợp tôi, còn nếu quờ quạng thì có người rơi vào tay chủ nô, làm nô lệ suýt chết. Hôm đó, năm 1977, tôi cùng với mấy người bạn, lái xe từ tiểu bang miền Bắc về California, tìm chỗ lập nghiệp. Bất ngờ, xe tôi bị nổ lốp gần một vùng trông như thôn quê. Chúng tôi phải ngừng lại bên đường để thay bánh xe. Vì mỏi chân, tôi tản bộ tàn tàn đến bên đường, nhìn ngó lung tung. Bất ngờ, tôi thấy ở đàng xa kia, sát bên trong cái hàng rào sắt B.40 cao hơn đầu người, có một người đội cái nón lá ngồi lum khum nhổ cỏ! Nghi nghi là người Việt mình, tôi bước nhanh lại và chào đại: “Chào ông!” Người kia giật mình, nhìn lên. Thấy tôi cũng là người Việt, ông ta vẫy tôi ngồi xụp xuống bên hàng rào rồi kể vắn tắt cho tôi nghe một chuyện kinh hoàng. Tất cả đợt di tản năm ấy có 42 người, được một chủ trang trại bảo lãnh đưa toàn bộ vào trại này. Những tưởng đời mình ổn định rồi, có việc làm ngay rồi, nhưng không ngờ, đây là cửa Tử! Vào đến nơi, lập tức chủ trại phân chia 42 người ra nhiều láng khác nhau, và bắt làm như nô lệ. Đàn bà, con gái bị cưỡng hiếp trước họng súng. Đàn ông làm quần quật không lương. Ai tìm cách trốn chạy là bị bắn chết… Người đàn ông kia thầm thì kể thật nhanh, nhờ tôi đi báo cảnh sát. Sau đó, ông ta chạy vội vào trong sâu.

Tôi ngớ người ra, chẳng tin vào sự thật, nhưng cũng kể lại cho bạn nghe. Tất cả cùng đồng ý đi báo Cảnh sát xem sự thật ra sao. Đúng như người kia kể lại, cảnh sát nghe xong chuyện thì đã biết ngay nội vụ vì họ theo dõi trang trại này từ lâu, nhưng không có chứng cớ, không có thể đột nhập vào tư gia của chúng, nếu không có trát tòa. Nghe câu chuyện của chúng tôi, cảnh sát liền báo lên trên và sau này, tôi nghe kể lại là họ phải cộng tác với FBI, mở một cuộc tấn công, có xe bọc sắt bảo vệ, vào sào huyệt băng đảng này và giải cứu được tất cả những nô lệ ở đây, gồm cả Mễ và vài người Á Châu khác.

…Với nhà báo Phạm Quốc Bảo, tình trạng lúc ban đầu rất căng thẳng. Anh ra tù rồi mới vượt biên, nên đến Mỹ sau anh Đỗ Ngọc Yến nhiều. Chiếc ghe của anh chỉ dài có 12 m mà chứa tới 156 người, chất như nêm cối. Tuy không bị cướp bóc, bão bùng gì, chỉ có một bà lão chết. Có lẽ vì ngộp, vì sợ, hay vì bệnh tim, bởi lúc mới lên tầu đã xỉu.

- Sau khi được cứu, tôi được đưa lên trại Pula Bidong để chờ đến khi được tái định cư. Ngay khi đi học, tôi cố lấy lại bằng Master về Psychology. Trong khi đó, tôi phải đi rửa bát ở tiệm ăn để lấy tiền sinh sống qua ngày. Nhưng chỉ được một tuần là tôi phải nghỉ. Bởi vì công việc trông thì nhẹ nhàng nhưng lại rất căng thẳng, liên tục. Đứng trước một chồng đĩa cao, tay tôi lúc nào cũng như cái máy, đưa lên, nhặt xuống.. Chụp lấy cái đĩa, cái tô, đưa qua vòi, xỉa xà bông vô, chà xát xong tráng lại để qua bên kia, rồi lại chụp cái khác, đưa qua vòi. Cứ thế mà kéo dài 8 tiếng, 9 tiếng đồng hồ không ngưng nghỉ. Chỉ có chừng 15,20 phút để ăn. Nhưng lại ăn không được, vì gớm! Tất cả mọi thứ đồ ăn dư của khách đều cho vào.. recycle! Không bỏ thùng rác một thứ gì. Những món không xài được cho người thì cho chó, mèo. Làm mệt mà nuốt không vô. Mới có một tuần mà tôi đuối sức, chịu không nổi.

Nghỉ nhà hàng, anh xin làm trong trường học. Công việc này trái ngược với công việc lúc trước. Ở nhà hàng thì phục vụ ăn uống, ở trường thì phục vụ những thứ xả ra từ ăn uống. Anh chịu trách nhiệm dọn Restroom và quét lá rụng. Mới đầu anh không biết kinh nghiệm rửa ráy nên cứ lu bu cả ngày với mấy cái vòi nước. Vừa mới cọ được mấy cái bồn tiểu, cả nam lẫn nữ, thì có người vào, anh phải ngưng việc, đứng ngoài chờ! Cách kỳ cọ của anh cũng rất công phu, anh bối rối quá, không biết làm thế nào để vừa làm vừa học được. Mãi sau, anh mới biết rằng, muốn rửa cầu tiêu, chỉ cần để bảng cấm ở ngoài cửa, thế là không có ai vào nữa.

Anh cười ha hả:

- Làm như thế, chả có ai làm gián đoạn công việc cao quý của tôi nữa cả. Còn muốn rửa mấy cái bồn tiểu, chỉ việc phun nước xà bông lên, rồi phun nước tráng lại. Thật giản dị. Những tưởng việc học, việc làm như vậy thì cũng đều đặn thôi, nhưng không ngờ lại phải đổi ngành học. Sau khi đi hỏi thăm người người có kinh nghiệm, tôi mới biết rằng cái văn bằng Master of Psychology nếu có lấy được cũng khó kiếm việc, vì ngôn ngữ kém, không thể làm việc được, lấy bằng về chỉ treo phòng khách chơi mà thôi. Thế là tôi đi học Electronic Technician. Sau khi tốt nghiệp, tôi cầm cái bằng đi xin việc cũng mất một thời gian dài, cạnh tranh với bao người Mỹ. Cuối cùng, trong một lần tuyển dụng, có hai người chót được vào chung kết, tôi và một người Mỹ. Khi đến phần tôi, tưởng là may mắn vì người phỏng vấn tôi là một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam. Anh ta hỏi thăm tôi ân cần lắm, cuối cùng anh ta nói: “Còn một câu cuối, tôi hỏi anh, có Citizenship chưa?” Tôi ngơ ngác nói: “Thì tôi đã viết từ đầu là tôi mới sang Mỹ, làm sao có quyền công dân được? Sao ông không nói từ đầu, làm tôi thi đi thi lại mãi…” Anh chàng phỏng vấn lúc đó mới cho hay là điều kiện để làm việc ở đây phải là công dân Mỹ! Tôi buồn bực quá, chẳng biết làm sao nữa, đành ngồi nhà chờ, và do duyên số đưa đẩy, gặp được mấy người bạn làm báo cũ, rủ nhau làm báo. Thế là tôi trở thành nhà báo!

… Khi được hỏi về những ngày đầu tiên đến Mỹ, Bác sĩ Đoàn Yến kể lại:

- Cay đắng lắm, anh ạ! Bước đầu tiên là phải “survive” đã, sau mới nói đến việc học lại. Năm 80, tôi vượt biên, đến hải phận quốc tế thì bị chìm tầu, may có chiếc tầu Phi đến cứu, đem về Phi. Được mấy tháng thì qua Mỹ. Thời gian sau, thì vợ con tôi cũng qua tới. Những ngày đầu, vợ chồng tôi cũng vất vả lắm.Có khi không còn tiền mua đồ ăn, cả nhà chỉ được 3 cái đùi gà nhỏ, bố mẹ phải nhường cho con ăn. Một lần, trường con tôi tổ chức “Field Trip” mà vét cả gia tài của vợ chồng tôi chỉ có 10 đô, vợ chồng nhìn nhau muốn khóc. Con tôi tới trường kể cho cô giáo nghe, thế là cô gọi điện về, bảo cứ cho đi, cô giáo sẽ đóng tiền cho.

- Thế còn người Mỹ? Họ có phân biệt đối xử với anh không?

- Dĩ nhiên là có chứ! Ông trưởng nhóm “training” của bọn tôi, một lần bảo thẳng vào mặt tôi: “Tôi mà như anh, thì tôi về Việt Nam, không có ở đây đâu.” Tôi nghe mà chẩy nước mắt, nhưng cố cắn răng chịu đựng, mà học. Điểm căng thẳng cho tôi là những năm từ 78 đến 84, bác sĩ bị “surplus”, nên họ hạn chế thí sinh ngoại quốc ghê lắm.Tôi phải chật vật rất nhiều mới vượt qua được. ….

Bác Sĩ Nguyễn Hữu, Santa Ana, thì may mắn hơn. Từ năm 1970, còn ở Việt Nam, ông đã tình nguyện ghi tên thi bằng tương đương của Mỹ. Thật tình, lúc ấy, ông cũng chưa biết giá trị của tấm bằng tương đương ấy ra sao, mãi cho đến khi sang Mỹ, vào 1975, ông mới nhận thức được giá trị của tấm bằng tương đương ấy. Ông được một Bác Sĩ Cố Vấn giới Y Khoa từng quen biết trước kia, bảo lãnh cho sang Hawaii, và vì ông đã có bằng tương đương, mà trong bằng này cũng có phần thi Toefel rồi, nên được nhận vào “Residency” tại bênh viện ngay, không phải thử thách, thi cử gì. Sau 2 năm “Residency”, ông xin đổi về Santa Ana mở phòng mạch cùng làm việc cho bệnh viện gần nhà. Đến nay, với phương châm phục vụ tận tình, danh sách bệnh nhân của ông vẫn tăng lên mỗi ngày.

Rời văn phòng Bác Sĩ, đến văn phòng Luật sư Lê Trường Xuân, một cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, anh cho hay lúc mới sang, đã cùng hai người bạn đi tuốt lên miền núi làm thợ sơn. Vì biết chút tiếng Anh, nên anh được làm cai, lương $4.25 môt giờ, còn hai người bạn chỉ có $2.25 một giờ.

Anh nói:

- Bị bóc lột dễ sợ. Làm quần quật như trâu. Sau vài tháng, thấy tương lai không khá, tôi quyết định đi học, trong khi hai người bạn chấp nhận ở lại, lao động mệt nghỉ! Một anh bạn tôi, sau đó bị “stress”, đã trở nên điên khùng, đi ngoài đường, hát ca tùm lum. Cảnh sát bắt, tống vào nhà thương điên, được vài năm, thì anh ta tự tử chết.

Theo Luật Sư Lê Trường Xuân, việc phẫn chí quyên sinh trong mấy năm đầu không phải là hiếm, nhất là những người có vợ con còn lại ở Việt Nam. Nhớ gia đình nhiều khi chịu không nổi. Cứ ngồi tưởng tượng cảnh vợ con đang bị Cộng sản hành hạ khổ sở, nhiều anh bỗng trở nên “mát dây”. Những anh độc thân khác cũng muốn điên nhiều không kém. Tiếng nước người ta thì không biết, giao thiệp thì chẳng được, nhìn chung quanh chỉ thấy núi đồi. Muốn đi kiếm gái giải quyết mối sầu cũng không biết cách nào. Lạng quạng đụng cô nào kỳ thị là bỏ mạng. Thường thì khi gặp mấy cô Mỹ, chỉ biết giương mắt ra mà nhìn, nên làm sao mà có “đào, địch” gì được? Đi làm về là chui vào apartment uống rượu cho quên. Lúc uống thì có quên thật, nhưng tỉnh rồi, lại nhớ hơn, sầu lại nặng thêm. Do đó mà phải tìm đến cái chết.

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết, Giáo Sư và Cố Vấn trường Santa Ana College, một trường đại học khá lớn ở Quận Cam, lại cho thấy một cái nhìn khác:

- Thập niên 75-85, số người Việt ly dị rất ít, chỉ khoảng 10%, nghĩa là cứ 100 người, thì 10 người lâm vào tình trạng ly thân hoặc ly dị. Nhưng đến thập niên 1990-2000, thì tỷ lện này tăng lên đến 50%, nghĩa là cứ hai cặp vợ chồng là có 1 cặp rã đám. Bây giờ thì còn tăng cao nữa. Có cặp vợ chồng mới lấy nhau chừng 3 tháng, 6 tháng đã bỏ nhau. Lúc cưới thì làm lớn lắm, lúc chia tay nhau thì lại lặng lẽ cũng như tình trạng một số văn phòng dịch vụ, một số tiệm ăn, nhà hàng “tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa” vậy. Thật là buồn! …

Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, người hùng Bình Long - An Lộc, so sánh sự khác biệt giữa hai đợt di tản lớn: 1975 và 1990 cho “dân H.O.”

- Những người di tản trong những năm đầu sau 1975 đã có chút lợi thế hơn người qua sau này vi hai lý do:

- Trước hết, sự thất bại của người Mỹ trong vấn đề Việt Nam, khiến cho Viêt Nam sụp đổ đã gây bứt rứt trong lương tâm người Mỹ trung thực. Họ cảm thấy phải giúp đỡ những người bạn bất hạnh để xí xóa phần nào những mặc cảm tội lỗi. Mặt khác, họ cũng muốn biểu dương lòng tốt của dân tộc Hoa Kỳ đối với những người muốn chạy đến Lãnh Tụ của Thế giới Tự do, như họ vẫn thường làm với bất cứ sắc dân nào khác. Cho nên, những người đi trước đã nhận được nhiều giúp đỡ tích cực, dĩ nhiên, tinh thần nhiều hơn vật chất từ các cơ quan đoàn thể như nhà thờ Công Giáo, Tin Lành.

Một vị Tướng Lãnh khác cũng cho rằng hơn 90% người chạy qua hồi đó là những người có địa vị tốt, học vị cao, những người đã có quan hệ với Hoa Kỳ, những người đã đi tu nghiệp ở các nước bạn, như bản thân của ông đã đi nhiều nơi trên thế giới.

- Đến sau này, người Mỹ bắt đầu lơ là vì họ quan niệm những người đến sau đều vì kinh tế. Rồi cũng chính những người đến trước, sau thời gian đầu lập nghiệp đã cảm thấy vững vàng, nên tính đến chuyện về Việt Nam để ăn chơi, buôn bán thì nhiều, mà thăm quê hương thì ít. Số người này đã đánh động nước Mỹ về những hành động chuyển ngân khổng lồ, về những hành vi trác tang, những thủ đoạn lường gạt mà báo chí Việt Cộng vẫn đăng tải hàng ngày cùng với các tin tức từ báo Mỹ.. Việc này làm cho người Mỹ chán nản, bực bội. Họ tin rằng họ đã làm xong nhiệm vụ của họ và không cần giúp đỡ thêm nữa. Ngoài ra, còn một lý do chung có tính cách xã hội mà ai cũng hiểu: Đó là sự giúp đỡ lúc ban đầu cũng có giới hạn. Một vài năm thì còn hăng hái, chứ kéo dài mười mấy, hai chục năm thì người chủ nhà, dù có hiếu khách đến đâu cũng cảm thấy căng thẳng, bực bội vì những phiền toái gây ra bởi sự giúp đỡ ấy.

Một vị Tướng Lãnh từng một thời lừng lẫy chiến công, đã nói thêm về vấn đề này:

- Ngay như ở Việt Nam trước 1975, khi người Miên lánh nạn chiến tranh, chạy sang An Lộc, Bình Long, chúng ta cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi mặt, nhưng dần dần, chúng ta cũng mệt mỏi, rã rời. Huống hồ ở đây, nhiều phần tử xấu đã làm mang tiếng cộng đồng. Người có học thì lừa gạt tinh vi, kẻ thất học thì đón đường ăn cướp, hiếp dâm. Bất bình với nhau là nhả đạn! Làm sao mà người Mỹ không cắt giảm trợ cấp, không giảm bớt lòng nghĩa hiệp được? Mặc dầu cộng đồng ta cũng từng hãnh diện về thành tích học tập, về các sự đóng góp trong các công tác xã hội, từ thiện, các kết quả việc làm… nhưng nói chung, thế giới cũng đánh giá thấp chúng ta vào thập niên 1990. Do đó mà khi các anh em cựu chiến sĩ sang sau thì gặp phải khó khăn hơn trước nhiều. Không còn Sponsor, không còn ai dẫn đi kiếm việc làm, Welfare thì bớt hoặc cúp hẳn, nhiếu anh qua sau thật sự bối rối. Tôi vẫn hằng mong ước được như người Do Thái, người này giúp đỡ người kia, không cần dựa dẫm vào chính phủ nước nào cả. Người Việt qua trước, thành công rồi, thì giúp người qua sau, nhưng thực tế cho thấy là ai thành công cứ lo hưởng thụ một mình, ai nghèo khó cứ việc nghèo khó. Cá nhân tôi thì tuy rất muốn giúp đỡ anh em, nhưng không làm gì hơn được. Một cây làm chẳng nên non. Tôi qua đây, cũng phải đi cắt cỏ mấy tháng xong học làm thợ máy ô tô, rồi chuyển qua làm hãng dầu, được một thời gian lại đi làm ở hãng đóng tầu. Vị công việc “labor” này cực quá, già rồi, chịu không nổi, làm lại đi làm nghề Electronic cho đến giờ.

Khi được hỏi về các tướng lãnh Mỹ mà ông từng quen biết, ông cho hay:

- Các ông Tướng Lãnh Mỹ rất lơ là với các vị Tướng di tản. Chả ai giúp đỡ gì hết. Chỉ có mỗi ông Tướng 4 sao, thay ông Westmoreland có gửi thư thăm hỏi một lần rồi thôi. Có thể họ mặc cảm, mà cũng có thể họ, dầu có muốn cũng chả làm gì được. Tướng Mỹ không giống Tướng Việt Nam là có quyền hét ra lửa, nhất là các Tướng Tư Lệnh Vùng, Tư Lệnh Quân Đoàn…

Để trả lời cho câu hỏi về các vị lãnh đạo dân sự cũ, ông cười buồn:

- Tôi có gặp lại gần như đầy đủ các vị lãnh đạo cũ, chả có ai làm được gì cả! Chỉ hỏi thăm xuông tình vậy thôi, ngay cả lãnh đạo tối cao… cũng sống kín đáo ở đâu đó.

(Trích đoạn sách “40 Năm Người Việt Trên Đất Mỹ” của Chu Tất Tiến)

Ý kiến bạn đọc
19/02/201606:08:20
Khách
co the cho chau hoi tham Basi Nguyen Huu co phai da tung o va lam viec o Hue city khong vay bac neu phai la bac xin bac cho chau biet voi
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.