Hôm nay,  

2016: Việt Mỹ Gần Nhau Hơn

08/01/201600:00:00(Xem: 4963)

Năm 2016, Việt Mỹ hai nước sẽ gần nhau hơn, vì vấn đề Trung Cộng xâm lấn Biển Đông.

Thực vậy, nếu tin cái gì tới, phải tới, thì những diễn biến kinh tế, chánh trị, quân sự, ngoại giao của hai nước Việt, Mỹ của năm 2015 là một tiến trình rất tích cực để hai nước gần gũi nhau hơn trong năm 2016. Động lực của qui trình phát triển họp tác chặt chẽ này rất phù hợp với tinh thần bang giao của các chánh quyền tiến bộ. Không có thù muôn thuở, không có bạn muôn đời, chỉ có quyền lợi quốc gia là lâu dài và trên hết. Không có đảng nào, không có chủ nghĩa chánh trị nào quan trọng hơn quốc gia dân tộc.

Năm 2015 đã qua rồi là năm TC giành giựt, xâm chiếm, quân sự hoá biển đảo của VN ở Biển Đông một cách bạo ngược nhứt. Đó cũng là năm VNCS lần đầu tiên sau đại hội Thành đô mật ước gì với TC, đã điều cảnh sát biển ra phá đội hình của TC đưa giàn khoan Hải Dương vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế VN hồi tháng 5 năm 2014. Hành động này là động lực mạnh nhứt đẩy giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, đặc biệt là phe nắm Nhà Nước hướng về Mỹ, tìm con đường cứu Biển Đông. Và biến cố này là cơ hội đầu tiên Thượng Viện ra nghị quyết chống TC, yêu cầu rút khỏi nơi này, trả lại nguyên trạng an ninh hoà bình cho vùng biển. Và không bao lâu sau TC rút. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục giúp cho VNCS. Mỹ lần đầu tiên xả cấm vận vũ khí sát thương từng phần cho VN. Tiếp theo Mỹ giúp đỡ an ninh quốc phòng, an ninh lãnh hải cho VNCS..

Có điều 40 năm trước đây khi Mỹ rút khỏi VN, chấm dứt Chiến tranh VN, dù là một chiến lược gia Tây Phương hay Đông phương, của Đế Quốc CS hay của Thế giới Tự do, dù quá ưu thời mẫn thế cũng không thể nào nghĩ Mỹ sẽ viện trợ quân sự lại cho CSVN. Nước Mỹ chưa bao giờ đưa quân, cấp vũ khí cho một chế độ CS.  Và 20 năm trước đây khi Mỹ bình thường hoá bang giao với VNCS, cũng khó ngờ Mỹ viện trợ quân sự cho kẻ cựu thù CS như vậy vì trong lịch sử bang giao của Mỹ, chưa hề có tiền lệ Mỹ viện trợ quân sự cho một chế độ CS.

Còn giữa CSVN và CS Trung Quốc thì bằng mặt mà không bằng lòng, môi hở răng lạnh trong rất nhiều chuyện. Báo Washington Post của Mỹ kể lại để có thêm đồng minh, Bắc Kinh tung những khoản vay và đầu tư hàng chục tỷ đô la ra cho các nước láng giềng Châu Á, nhưng nỗ lực này tại Việt Nam không được như ý. Hà Nội tìm mọi cách gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ chủ trương và dẫn đầu nhưng lại né tránh Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh. Theo tờ báo gối đầu giường của chánh tri gia Mỹ này nhận định Việt Nam e ngại rằng kế hoạch này có thể ẩn chứa một toan tính tiềm ẩn. Báo Washington Post dẫn lời Tiến sĩ Trần Trường Thủy, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng Chúng tôi nghi ngại vì không biết rõ mục tiêu thực chất là gì. Núp bóng  Con đường Tơ lụa, Trung Quốc có thể thăng tiến tuyên truyền về chủ quyền của họ. Việt Nam gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á do TC chủ trương, nhưng không bước vào Con đường Tơ lụa.

Sau biến cố Giàn Khoan Hải Dương, Hà nội  và Washington xích lại gần nhau về kinh tế, chánh trị,  còn Quân đội hai bên cũng tìm cách siết chặt tương quan với nhau.


Mỹ đặc cách mời Tổng bí Thư Đảng CSVN công du Mỹ. Tổng thống Obama, là vị tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Mỹ đã tiếp một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tại Toà Bạch Ốc, trong phòng Bầu Dục là phòng làm việc chánh thức và truyền thống của Mỹ vào tháng 07/2015.  Ông còn hứa với Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng là sẽ viếng thăm VN vào tháng 5 năm 2016.

Trong 12 tháng của năm 2015, đã có đến 8 trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị  Đảng Nhà Nước CSVN, và rất nhiều tướng lãnh, bộ trưởng nòng cốt của CSVN công du Mỹ. Phía Mỹ có khoảng 6 giới chức cấp chính phủ Mỹ đã đến Việt Nam viếng thăm và làm việc cùng nhau.

Trong khi đó Chủ Tịch Tập cận Bình của TC công du VN, yêu cầu Quốc Hội VN họp khoáng đại để nghe bài diễn văn của Ông. Thì báo Washington Post nhận định trên gương mặt cử tọa là đại biểu nhân dân tức dân biểu đảng cử dân bầu  trong hội trường lộ rõ vẻ chán chường, thờ ơ, thậm chí thù nghịch.

So với lúc Tổng thống Bill Clinton  thăm VN vào năm 2000 hàng chục ngàn bạn trẻ đã đứng đợi tới khuya để đón vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Còn khi Chủ tịch TC đến thăm vào tháng 11, chẳng có đám đông nào hân hoan chào đón.

Dấu hiệu rõ rệt của việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington, đó là việc Việt Nam gia nhập hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, do Mỹ khởi xướng. Hà Nội hy vọng là hiệp định TPP sẽ giúp họ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.  Trí thức VN mừng, hy vọng đó là con đường Thoát Trung.

Còn về phía nội bộ VN. Truyền thống của dân tộc Việt là tôn kính những người chống quân Tàu, giành lại chủ quyền cho dân tộc Việt là anh hùng, liệt nữ của quốc gia dân tộc. Truyền thống đó còn thấy nổi bật trong thời kỳ TC xâm lấn biển đảo của VN. Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng là người cầm đầu chánh phủ chủ trương đổi mới kinh tế, đi với Mỹ để hoá giải hoạ TC xâm lăng, bành trướng, xâm lấn biển đảo của VN. Ông là người mạnh miệng, kiên tâm chống lại sự xâm lấn của TC. Tiêu biểu như năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, TT Dũng là người lãnh đạo đầu tiên lên tiếng, không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viễn vong đối với TC.

Trước thế đại hội Đảng thứ 12 vào tháng 1/2016, tin VOA tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ ngày 01.01.2016 cho biết “Trang về Thủ tướng Dũng làm mưa làm gió trên mạng”. “Theo trang web xếp hạng Alexa thuộc công ty bán hàng trực tuyến Amazon, trang nguyentandung.org hiện đứng thứ 21. Hồi tháng Chín vừa qua, trang web này thậm chí còn lọt vào top 10… Khi phóng viên VOA tiếng Việt truy cập trang web này vào tối ngày 1/1, theo công cụ đếm trên đó, có hàng nghìn người đọc cùng lúc, và đa phần người truy cập trên trang này là từ Việt Nam… đã có tới hơn 2 tỷ lượt người xem.”

Còn trong nội bộ Đảng CS triển vọng của TT Dũng được cử làm Tổng Bí Thư rất cao. Ba lần phe bảo thủ thân TC mưu hạ Ông không nổi. Hầu hết những nhà phân tách ngoại quốc theo sát thời cuộc VNCS đều nhận thấy TT Dũng có nhiều phiếu ủng hộ vào chức Tổng bí thư nhứt./.(VA)

Ý kiến bạn đọc
09/01/201605:22:23
Khách
Tổng Thống Obama nói thì rất nhiều nhưng làm thì chẳng được bao nhiêu,Trung Quốc thấy được thừa cơ làm tới xây đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự đến bây giờ ở Mỹ đang mùa tranh cử Tổng Thống, Obama sắp mãn nhiệm kỳ không còn muốn làm gì thêm nửa (no plan), Trung Quốc lại làm càn thêm thử đáp máy trên đảo nhân tạo, nay mai có thể đem tàu chiếc, missile tới không chừng.....
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.