Hôm nay,  

Tờ Hộ Khẩu

18/02/200000:00:00(Xem: 5639)
Tôi rất mừng. Cơ quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc khuyến cáo CSVN bỏ tờ hộ khẩu (Tin Việt Báo 15-2-2000). Mừng không phải tin là Việt Cộng sẽ nghe lời, bỏ tờ giấy chết nguời đã gần nửa thế kỷ nay, bó chân bó tay người Việt miền Bắc lẫn miền Nam. Vì tôi biết Việt Cộng không dễ gì bỏ một vũ khí lợi hại, kềm kẹp nhân dân chỉ vì một khuyến cáo dù đó là của một cơ quan quốc tế và có quyền về kinh tế. Tôi mừng vì ít ra cơ quan lớn nhất thế giới cũng đã hiểu được nỗi khổ của nhân dân Việt Nam chỉ vì tấm giấy lộn ấy - giấy lộn nhưng khống chế mọi sinh hoạt của người dân: Tờ hộ khẩu.

Tờ hộ khẩu là một tờ giấy lộn thôi. Giấy lộn vì nó không dựa trên một căn bản pháp luật nào. Nó không được Hiến Pháp, luật pháp hay văn kiện lập qui cấp cao nào qui định. Nói theo thuật ngữ pháp chế Việt cộng, hộ khẩu không phải do pháp lịnh lập ra, mà chỉ do ngành Công An vẽ ra. Cao lắm nó chỉ là một nghị định hay quyết định hành chánh mà thôi. Do vậy, tờ hộ khẩu do ngành công an xét cấp và quản lý. Đó là bộ phận quản lý trị an và trật tự xã hội, có mặt từ quận, tỉnh, thành, đến bộ.

Nhưng hiệu lực cưỡng chế và cưỡng hành của tờ hộ khẩu vô cùng rộng và mạnh trong cuộc sống của cá nhân và xã hội: Y, thực, trú, hành (ăn, mặc, đi, ở) là bốn nhu cầu của con người. Tờ hộ khẩu chi phối hết hai. Không hộ khẩu sẽ không thể xin tờ di chuyển ra khỏi địa phương. Không hộ khẩu, không xin được bất cứ một giấy tờ gì dù là tầm thường nhất. Không hộ khẩu, sinh con không khai sanh được, chết không khai tử được. Dĩ nhiên, đi học, đi làm, mua bán, vay mượn mà không hộ khẩu cầm chắc là không được. Tôi chưa thấy một thứ giấy tờ nào quan trọng, thiết yếu đến như thế trong nền pháp chế hay hành chánh của Tây Âu Bắc Mỹ.

Nguồn gốc của nó nghe đâu có từ đời nhà Tần. Xin chép lại một đoạn thơ của một nhân sĩ đọc cho anh em nghe ở Chí Hòa liên quan đến gốc tờ hộ khẩu: “Có một pháp gia ở nước Tần, bày ra hộ khẩu nắm thần dân. Nhà quen nhà lạ phân thành tổ. Lúc ở lúc đi khó bội phần; Thất sủng, tha phương cần chỗ trọ. Nghi gian lữ quán báo quan gần...” Hai ngàn năm sau (Tần lập quốc năm 202 trước Tây lịch), ông giáo làng Mao Trạch Đông gồm thâu thiên hạ, cho áp dụng tại Trung Quốc để kiểm soát thần dân. Nhờ súng ống dư của Trung Quốc, Hồ Chí Minh hạ được Điện Biên Phủ, ôm được miền Bắc, liền sao y chánh bản tờ hộ khẩu của sư phụ để kiểm soát nửa phần đất Việt Nam. Lúc bấy giờ “Bác và Đảng” sử dụng một cặp bài trùng. Một là tờ hộ khẩu của Trung Quốc. Hai là cuốn sổ gạo trị người bằng bao tử theo sáng kiến của Palov, bí thư của Lenine. Palov là một nhà khoa học đã tìm ra luật phản xạ có điều kiện trong một thí nghiệm gồm một con chó, một miếng thịt bò và một cái chuông. Ban đầu mỗi lần đưa miếng thịt ra thì đánh keng một cái, chó thèm tiết ra nước cường toan ở bao tử (không biết có rớt nước miếng không"). Làm vài lần, chỉ đánh chuông mà không đưa ra miếng thịt, chó vẫn tiết cường toan. Bài học đó được áp dụng vào việc cai trị nhân dân. Trị người bằng bao tử. Đói bảo gì cũng phải nghe. Đói cho ăn gì cũng phải nuốt. Nhờ vậy mà Việt Cộng gọi lính rất dễ. Thanh niên trốn quân dịch, lính đào ngũ, xã thu hồi sổ gạo, cả nhà đói dài ra, tự động đi tìm con ra trình diện để được trả sổ gạo. Đó là lý do chính của số thanh niên “sanh Bắc tử Nam” chớ không phải vì giải phóng, vì chủ nghĩa, ý thức hệ nào cả. Sổ gạo mất hiệu lực từ 30/4/75 vì ở miền Nam không quản lý được lúa gạo chắc như miền Bắc. Cúp sổ gạo vẫn đi “mót” lúa (lượm lúa sót ngoài đồng sau mùa gặt) sống được. Sổ gạo bị khai tử sau khi áp dụng kinh tế thị trường để cứu nguy sự sụp đổ của chế độ, thập niên 80.

Nhưng con bài thứ hai, hộ khẩu, vẫn còn đắc dụng để VC khống chế cá nhân và xã hội Việt Nam. Tính cách vi hiến, vi luật của định chế hộ khẩu rõ như ban ngày, như đen với trắng mà các vị đại biểu nhân dân (tên gọi Dân biểu của Việt Cộng), mấy trăm người, liền mấy khóa, chưa ai đặt ra. Vì ăn xôi chùa phải ngậm miệng" Hay vì thấy cái gương của Hồ Ngọc Nhuận, Dân Biểu VNCH đi đêm với CSVN, được Đảng chỉ định và cho đắc cử đơn vị quận Phú Nhuận, đặt vấn đề vi hiến một lần về vấn đề học phí, bị cho nghỉ việc, quản thúc tại Saigon trong Mặt Trận Tổ Quốc gần mấy năm.

Nhân dân thì khác. Từ khi kinh tế thị trường được áp dụng, dân miền Trung tràn vào Saigon như lúc dân dồn về California thời tìm vàng. Bà con bất chấp hộ khẩu. Đối với bà con này, hộ khẩu là tờ giấy lộn không hơn không kém. Dân nông thôn ở tất cả các tỉnh dồn về tỉnh lỵ để mưu sinh. Con số cơ quan phát triển UNDP ghi là từ 70 đến 100 ngàn dân các nơi vào Saigon, Hà Nội là số của VC cấp. Thực tế mỗi năm Saigon, Hanoi có hơn con số đó nhiều, ít nhứt là 50% cao hơn. Chánh quyền VC từ chối mọi sự giúp đỡ xã hội (đi học, đi làm, đi nhà thương), mọi bảo vệ luật pháp - hộ khẩu đâu mà được thưa kiện. Chính mắt tôi thấy tại Saigon, số đồng bào này bị bố ráp, bị rượt đuổi trước các ngày lễ lớn của VC. Nhưng bà con vẫn sống. Các nghề chính là bán hủ tiếu trên xe ba bánh, bơm ga hộp quẹt, làm phu bến xe v.v... Có tiền thì đêm dựa lưng vào nhà trọ, không thì gầm cầu, mái hiên ngủ gà ngủ gật, nhưng tai vẫn cảnh giác đủ mọi thứ lính có thể bắt - Cảnh sát, công an, dân phòng... Ngày thì cơm hàng cháo chợ, dè xẻn từng đồng gửi về quê nuôi con, vợ ốm đau hay thất nghiệp. Bản chất nông dân hiền hòa, chất phác, quen một nắng hai sương nên số lưu dân này chưa hề gây ra một cuộc mất trật tự nào lớn ngay trong nội ô hay ven đô Saigon. Dù tác phong như thế, VC vẫn xem bà con này là bất hợp pháp và từ chối mọi quyền công dân. Do vậy số người đáng thương này mất quyền công dân ngay trên đất nước của mình, không được bầu cử, không được sự giúp đỡ xã hội, văn hóa và luật pháp, chỉ vì tờ giấy lộn hộ khẩu ấy.

Một xã hội ổn định là một xã hội gồm nhiều người trung lưu. Cách mạng 1789 của Pháp hành động do thành phần thứ dân (tiers état) chịu không nổi gánh nặng thuế khóa của Louis 14 và 15. Phá ngục Bastille, xử tử vua và hoàng hậu cũng là thứ dân. Vì sức chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. 10 ngàn người nghèo đói đứng lên, công an Saigon dẹp được, nhưng 1 triệu người (bây giờ có ít nhất 2 triệu người khăn rách, áo ôm) công an nào dẹp nổi. Nắm người có tóc thì dễ, làm sao nắm người trọc đầu!

Trong chiều hướng đó mà cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc khuyên VNCS (gọi là Việt Cộng cho gọn) bỏ tờ hộ khẩu. Hợp thức hóa số người này là giải quyết được một phần ổn cố xã hội cho các thành phố lớn trước khi nó biến tướng thành một bất ổn chánh trị. Mà bất ổn chính trị ở một quốc gia nghèo, bế tắc và tích lũy nhiều uất hận như VNCS rất dễ xảy ra.

Quốc Hội VNCS dù 99% là Đảng viên CS. Nhưng nhất định, về hình thức quí vị vẫn phải là của dân, vì dân. Đã đến lúc đặt vấn đề vi hiến tờ giấy lộn đó để làm nhẹ bớt nạn cảnh sát trị. Hiến pháp VNCS có điều khoản nào cấm đi lại, cư trú đâu" Là đại diện dân, dù hình thức hay nội dụng, dù đối lập hay thân hành pháp, dân vẫn là chiếc thuyền chở quí vị đi tới hay nhận chìm quí vị. Quí vị không làm. Nhân dân sẽ làm và làm hại quí vị đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.