Hôm nay,  

Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên Nhìn Lại Cuộc Chiến

06/05/200000:00:00(Xem: 6251)
* Tổng tham mưu trưởng QL.VNCH Cao Văn Viên nhìn lại cuộc chiến Việt Nam.
Trở lại với cuộc chiến Việt Nam, kể từ khi cuộc đụng độ giữa quân Pháp và lực lượng Việt Minh tại Sài Gòn vào ngày 23/9/1945 cho đến ngày 30/4/1975, Việt Nam đã trải qua gần 30 năm chiến tranh. Là một vị tướng giữ chức vụ tổng tham mưu trưởng lâu nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (từ tháng 10/1965 đến ngày 28/4/1975), đại tướng Cao Văn Viên đã nhìn lại cuộc chiến Việt Nam trong gần 30 năm, một cuộc chiến mà ông đã tham dự khi còn là một chuẩn úy cho đến khi ông trở thành đại tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những nhận định và ý kiến của ông đã được trình bày khá chi tiết trong cuốn hồi ký được Trung tâm Quân Sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản vào tháng 6/1982. Bản Anh ngữ của cuốn hồi ký này do cựu trung tá Chu Xuân Viễn, tùy viên Quân sự cuối cùng của Tòa Đại sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn, dịch từ bản thảo gốc mà cựu đại tướng Cao Văn Viên ghi lại bằng tiếng Việt. Cách đây hơn 3 năm, dịch giả Duy Nguyên đã chuyển dịch bản Anh ngữ sang Việt ngữ. Phần trình bày trong viết này dựa theo bản Việt ngữ của dịch giả Duy Nguyên, đối chiếu với tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH và tài liệu riêng của VB.

Trước khi xuất bản cuốn hồi ký, ngay từ thượng tuần tháng 5/1975, đại tướng Viên cũng đã nêu ra một số nhận định về cuộc chiến Việt Nam khi ông trao đổi với một số quan sát viên và các nhà bình luận quốc tế. Nhận định tổng quan về 30 năm cuộc chiến Việt Nam, tướng Viên ghi lại như sau: “Việt Nam Cộng Hòa đã mất vào tay Cộng sản. Sau 30 năm thí ngiệm và thử lửa tại chiến trường Việt Nam, các loại chiến tranh của địch-còn được gọi là chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân hay giải phóng gì đó. Cuối cùng đã đạt được kết quả. Điều này nên là một lời cảnh cáo cho các nước khác sẽ có thêm nhiều Việt Nam nữa xảy ra trong tương lai”.

* Những lý do đã bức tử VNCH
Về những lý do Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, theo đại tướng Viên, có thể là:
1 Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận một hiệp định mà trong đó có quá nhiều điểm có bất lợi cho sự sống còn của mình. Hiệp định Ba Lê đã làm cho sự tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía Bắc Việt và để cho Bắc Việt toàn quyền tung ra cuộc tấn công 1975.
2- Lời hứa của Tổng thống Hoa Kỳ (TT Nixon) sẽ phản ứng mạnh mẽ mà Việt Nam Cộng Hòa xem như là một sự cam kết mang tính cách giữa hai quốc gia lại không được chính quyền kế nhiệm (TT Ford) tôn trọng, thậm chí ngay cả vào lúc Cộng sản vi phạm trắng trợn.
3- Việc quân viện của Hoa Kỳ bị cắt giảm một cách bất ngờ và lớn lao đã làm kiệt quệ khả năng và tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt Nam Cộng Hòa.
4- Tổng thống Thiệu đưa ra quyết định quá chậm nên không còn cơ may nào để thực hiện thành công mặc dầu ông đưa ra như vậy là cần thiết. Việc rút quân khỏi Vùng 2 (quân khu 2) quá vội vã và hỗn độn, kéo theo sự sụp đổ của Vùng 1 và Vùng 2 quá nhanh (toàn miền Trung và Cao nguyên).
5- Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không nhận ra được chính sách Hoa Kỳ hòa hoãn và tạo thuận lợi cho Cộng sản dù phải trả giá cho sự thất hứa với một đồng minh là giúp đồng minh đó giữ vững nền độc lập của mình.

Đại tướng Cao Văn Viên phân tích tiếp:
Vì vậy các nhà lãnh đạo này không thể hành động phù hợp với thực tế của Hiệp định Ba Lê mà vẫn cứ tiếp tục đẩy số phận của Việt Nam Cộng Hòa vào thế phải tránh né và thúc thủ. Cuối cùng sau nhiều năm chiến tranh liên tiếp, Việt Nam Cộng Hòa phải lâm vào tình trạng phá sản về kinh tế và chính trị. Sự đoàn kết quốc gia không còn nữa; không ai có đủ uy tín để tập hợp người dân về với chính nghĩa quốc gia.

Ngoài những nguyên nhân chính vừa nêu trên, dĩ nhiên còn vô số những lý do chằng chịt khác tác dụng vào tạo nên sự suy sụp này. Vào cuối thế chiến thứ hai, sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với Thế giới Tự do không ai mà không nhìn nhận. Nhưng chừng như khi có cuộc chiến tại Việt Nam và nhất là tại khu vực Đông Nam Á nói chung, chính sách Hoa Kỳ đã thay đổi nhiều lần, mà thoạt đầu là chính sách phi chính sách. Rồi đến khi cuộc can thiệp để chống Cộng sản lên đến giai quyết liệt thì lại nhượng bộ và hòa hoãn. Sự thay đổi này làm ảnh hưởng một cách nặng nề đến chính sách viện trợ và cung cách tiến hành chiến tranh tại phần đất này của thế giới.

Tổng thống Franklin D.Roosevelt không bao giờ có quyết định là có nên giúp cho Pháp trở lại tái lập chế độ thuộc địa tại Đông Dương hay không. Chính quyền Truman thì có một phản ứng rõ ràng về trước cuộc xung đột giữa Việt Minh và Pháp trong khoảng 1945-1946. Chính quyền Mỹ từ khước việc Pháp yêu cầu phi cơ và tàu chiến Hoa Kỳ giúp chuyên chở quân lính Pháp đến Đông Dương và đồng thời cũng từ khước việc Pháp yêu cầu trang bị vũ khí cho quân đội Pháp đánh nhau với Việt Minh. Đồng thời chính quyền Truman cũng từ khước lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Tháng 8 và tháng 9 năm 1945, trong khi lực lượng Việt Minh đang kiểm soát Hà Nội, Hồ Chí Minh, qua trung gian của Văn phòng Cơ quan Chiến lược, gửi yêu cầu lên Tổng thống Truman xin cho Việt Nam được hưởng quy chế “như của Phi Luật Tân” để được bảo hộ trong thời gian giành độc lập.

Từ tháng 10/1945 cho đến tháng Hai năm 1946, Hồ Chí Minh viết cho Tổng thống Truman ít nhất 8 lá thư, chính thức kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc can thiệp để ngăn chận chính sách thuộc địa của Pháp. Không có bằng chứng nào cho thấy các lá thư này được trả lời. Chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam bắt đầu ló dạng từ khi Mao Trạch Đông bắt đầu nắm vận mệnh Trung Hoa vào cuối năm 1949. Mục đích của Hoa Kỳ là chận đứng sự bành trướng của Cộng sản tại châu Á.

* Cuộc chiến đấu tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa
Đề cập đến cuộc chiến đấu tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa, tướng Viên nhận xét rằng: Trong cuộc chiến vừa qua, về phía Việt Nam Cộng Hòa, việc tiến hành chiến tranh chỉ mang tính cách tự vệ. Mục tiêu của chính phủ là ngăn chận sự bành trướng Cộng sản trong lãnh thổ quốc gia. Chỉ có hai lần quân đội vượt biên giới và đánh vào các căn cứ địch tại đất Lào và đất Cam Bốt, nhưng đó chỉ là hành động tự vệ chứ không hề được vạch ra thành chiến lược lâu dài. Nhiệm vụ đầu tiên của Quân lực VNCH là luôn luôn tìm cách bình định được lãnh thổ quốc gia. Do đó luôn có hai phương cách tiến hành song song: bình định các vùng đông dân cư và truy lùng diệt địch tại những khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Suốt trong cuộc chiến, chiến lược tự vệ này khiến cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị lâm vào tình trạng bị động, trong khi địch lúc nào cũng ở thế chủ động; vừa về chiến thuật lẫn lợi thế của vũ khí.

Trình bày về sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa, tướng Viên phân tích như sau:
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhiều người mang sắc phục thường hay hỏi rằng tại sao quân đội có số lượng đông đảo hơn địch mà không đánh bại địch " Lý do căn bản là vì chiến tranh du kích có quy luật riêng của nó. Địch không lộ nguyên hình và không có căn cứ đồn trú để phải bảo vệ. Địch sống chen lẫn với dân chúng ngay trong lãnh thổ của chính phủ VNCH hay trong những mật khu. Khi nào địch có số lượng vượt trội hơn quân chính phủ thì lúc đó địch mới xuất đầu lộ diện, nhưng nếu yếu thế thì lại trốn tránh không dám chạm trán. Sau khi giao chiến xong, địch phân tán mỏng, tái tổ chức, tái huấn luyện lại tại một nơi kín đáo nào đó.

Thật là dễ dàng cho quân đội đánh du kích tại Hy Lạp, tại Mã Lai, tại Phi Luật Tân. Tại những nước này gồm toàn đảo hay bán đảo, do đó sự xâm nhập người và trang bị từ ngoài vào bị trở ngại rất nhiều. Riêng tại Việt Nam thì có chung một biên giới với Lào và Cao Miên dài hàng ngàn dặm từ Bắc xuống Nam. Đường biên giới này nối liền liên tục, không bị đứt quảng chỗ nào nhưng lại đầy rừng rậm và núi non, rất thuận tiện cho địch lập căn cứ để từ đó Cộng sản tiếp tế cho miền Nam từ quân chính quy miền Bắc cho đến đồ tiếp tế.

Ngược lại quân đội VNCH phải sử dụng hết số quân trong tay để bảo vệ và giữ vững những căn cứ quân sự, những cơ quan dân sự. Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho dân chúng trong các làng mạc, thôn xóm. Thêm vào đó, quân đội cần người để tiến hành các cuộc hành quân truy tìm và diệt địch hoặc phản ứng chống trả khi bị tấn công. Các quân sự gia chuyên về chiến tranh du kích thường ước tính rằng muốn đạt được chiến thắng thì phải có số lượng 10 chống 1. Nếu tỷ lệ này rút xuống còn 5/1 thì cuộc chiến sẽ kéo dài triền miên và bất phân thắng bại. Còn nếu chỉ có hai, ba chống một thì không thể nào thắng được. Vào thời điểm sức mạnh tấn công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh là 1.5 triệu người để đánh với lực lượng địch lúc bấy giờ là 320 ngàn người, tỷ lệ lúc đó là 4.7/1. Nhưng lúc ấy lực lượng Đồng Minh và Việt Nam được sự yểm trợ của Không quân từ các căn cứ trên đất liền hay trên các hàng không mẫu hạm. Hơn nữa hỏa lực cơ hữu của các Sư đoàn Bộ binh Mỹ cũng yểm trợ rất hữu hiệu.

Tướng Viên giải thích thêm: Chiến cuộc Việt Nam như vậy thì không thể gọi như nhiều người vẫn gọi sai là “cuộc nội chiến” được. Vào giai đoạn gần kết thúc cuộc chiến hoàn toàn theo quy ước bằng trận địa chiến dữ dội với sự đủ loại vũ khí tối tân, tiếp phẩm dồi dào từ phía khối Cộng sản. Đó là cuộc chiến tranh phác họa, trù tính, thực hiện và chỉ huy bởi Cộng sản Bắc Việt núp dưới chiêu bài giải phóng miền Nam và chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.