Hôm nay,  

Bức Tường Thiên An

09/11/199900:00:00(Xem: 6621)
Vừa đúng 10 năm trước đây, ngày 10-11-1989, bức tường Bá Linh sụp đổ, đưa đến sự tan rã của Liên Sô và khối cộng sản quốc tế. Người dân Bá Linh và toàn thể dân Đức, Đông cũng như Tây đã làm một cuộc lễ thật huy hoàng để kỷ niệm ngày này, trong khi cả thế giới nhìn về Bá Linh để nhớ lại những hình ảnh làm con tim quốc tế như muốn đứng lại khi dân Đông Bá Linh dưới chế độ Cộng sản xông lên dùng đao búa và tay không phá tan từng mảng bức tường khủng khiếp đã ngăn cách hai thế giới cộng sản và tự do.
Và kỳ diệu thay, đúng ngày kỷ niệm 10 năm này, dư luận quốc tế cũng đang chú ý đến một bức tường khác. Bức tường mầu đỏ của Thiên an môn, trái tim chính trị của Trung Quốc nằm giữa Bắc Kinh bao quanh cấm thành gọi là Trung Nam Hải. Có dấu hiệu gì lạ ở đây" Nó đang rạn nứt. Đây là sự tưởng tượng của một cái nhìn thiên lệch chăng" Hãy nhìn cho kỹ những phản ứng của chế độ cộng sản Bắc Kinh đối với phong trào Pháp luân công.
Nhân dân Nhật báo, cái loa phát ngôn chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, cuối tuần qua đã đăng một bài xã thuyết với tựa đề kéo dài trên trang nhất như làm khẩu hiệu: “Dốc toàn lực diệt tà, quyết tâm tận diệt đến cùng”. Mặc dù viết rằng chế độ đã “dứt khoát chiến thắng” khi nhà nước ra lệnh cấm Pháp luân công, bài xã luận lại nói chống Pháp luân công là một cuộc “đấu tranh trường kỳ gian khổ”. Chúng tôi nghĩ đến cuộc Vạn lý trường chinh năm xưa. Nó cũng cho thấy một điều đã được các nhà quan sát quốc tế nhìn nhận: hàng trăm ngàn đệ tử Pháp luân công đã tỏ dấu hiệu bất khuất, hàng triệu người đã chìm vào trong bóng tối âm thầm đề kháng. Pháp luân công không thể nào chết.
Báo đảng hô hào: “Chúng ta phải dốc toàn lực sẵn sàng với những biện pháp thật mạnh cho cuộc đấu tranh đắng cay và phức tạp để chống lại thế lực tà độc này”. Từ khi chế độ được thành lập 50 năm nay, chưa bao giờ Bắc Kinh lại hốt hoảng kêu cứu trước một mối nguy hăm dọa đến chính bản thân chế độ. Pháp luân công là cái gì mà ghê gớm như vây" Một phong trào bất bạo động, không chống đối chế độ, chỉ nhằm khơi lại những truyền thống của dân tộc Trung Hoa về tôn giáo, đạo đức cổ truyền, tập luyện cho cơ thể cường tráng, trí tuệ sáng suốt để làm một người dân tốt mà bị coi là tà độc hay sao" Hãy đọc tiếp một đoạn nữa của bài báo đảng: “Đây là một vấn đề chính trị liên quan đến tương lai đất nước. tương lai của nhân dân ta, tương lai của công cuộc vĩ đại cải cách, mở cửa và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”.

Té ra là như vậy. Hàng trăm câu đầy hùng biện vì nước vì dân, rút cuộc cũng chỉ đưa đến một đề tài nóng bỏng không thể nào che đậy được: đó là nhu cầu đổi mới, mở cửa, nhu cầu hiện đại hóa cái gọi là “xã hội chủ nghĩa”. Sở dĩ có nhu cầu này không phải vì Pháp luân công thúc bách, thực ra cái mầm của nó xuất phát từ những khối óc đang sống lạc hậu với kỷ nguyên kỹ thuật học hiện đại, những người còn cầm đầu dăm ba cái chế độ cộng sản rơi rớt cho đến ngày nay trên thế giới. Tại sao chủ nghĩa xã hội lại cần phải “hiện đại hóa”" Cái chủ nghĩa cộng sản đó thật ra là cái gì"
Mikhail Gorbachev, cựu Tổng Thống Liên Sô là người bị lịch sử coi như có trách nhiệm để mặc cho bức tường Bá Linh sụp đổ, bởi vì Liên Sô lúc đó còn nguyên vẹn với sức mạnh quân sự khổng lồ và các kho vũ khí nguyên tử có thể tiêu diệt cả thế giới. Tại sao Gorbachev không ra lệnh cho Hồng quân ở Đức bắn bỏ những người phá bức tường Bá Linh. Có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất đã được chính Gorbachev kể lại trong cuốn sách của ông mới xuất bản ngày 11-11-99, cuốn sách có tựa đề “Về đất nước tôi và Thế giới”. Gorbachev giải thích tại sao ông không dùng vũ lực đán áp: “Chiến đấu cho cái gì nữa đây" Chủ nghĩa cộng sản - như những người phát minh ra nó đã tưởng tượng - đã không hề có ở bất cứ nơi nào trên thế giới: nó không có ở Đông Âu, không có ở Liên Sô. Chỉ có một thứ xã hội chủ nghĩa kiểu Sít-ta-lin-nít mà thôi. Chế độ kiểu này đã kiệt lực hết thời, số phận không thể tránh được của nó là biến mất trên trái đất này”.
Tôi đã dịch nguyên văn, ở đây tôi chỉ xin phụ đề một câu ngắn gọn: Chính cái quái thai sít-ta-lin-nít đó đã được Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đem về áp dụng trong nước họ và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Bức tường Bá Linh đã sụp đổ và bây giờ bức tường Thiên an môn và bức tường đá hoa cương ở Ba Đình đang rạn nứt, và rồi có những bàn tay của người dân đến phá chăng" Tôi không hề có óc tưởng tượng phong phú như vậy, chỉ biết rằng lịch sử không tái diễn y chang, nhưng con đường lịch sử chỉ có một. Những bước ngoặt của nó có thể mang những dạng khác nhau, nhưng trước sau nó vẫn làm một.
Và dự kiến thời cuộc trước mắt là nếu chế độ cộng sản ở Trung Quốc sụp đổ, chắc chắn nó sẽ kéo luôn chế độ cộng sản ở Việt Nam và các anh cộng sản tép riu khác, có nghĩa là cái quái thai cộng sản hoàn toàn vĩnh viễn biến mất trên hành tinh này. Bao giờ vậy"
Không lâu đâu, vì trong những ngày cuối của thế kỷ chúng ta đang sống, toàn bộ thế giới đã bị chụp chặt trong một cái lưới khủng khiếp có tên là Internet. Chưa ai biết sức mạnh của mạng luới toàn cầu này đến đâu và nó tác động đến đời sống con người như thế nào. Bắc Kinh và Hà Nội đang có chung một vấn đề: bắt buộc phải hiện đại hóa nhưng làm thế nào vẫn giữ được chỗ ngồi. Họ sẽ bảo nhau. Chỉ sợ ma đưa lối quỷ dẫn đường, chỉ tìm những bước đoạn trường mà đi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.