Hôm nay,  

Mất Dần Những Tòa Nhà Cổ Còn Sót Lại Ở Sài Gòn

26/10/201500:00:00(Xem: 2961)

SAIGON -- Giống Hà Nội hay Hội An, Sài Gòn cũng có phố cổ, nhưng ít người biết hay nhắc tới, bởi những gì còn lại không còn nguyên vẹn, các tòa nhà cổ thì tản mát, thậm chí đang mất dần. Khu phố cổ duy nhất sót lại ở Sài Gòn nay chỉ còn 16 nóc nhà biến dạng từng ngày, theo báo Tiền Phong.

Một số tài liệu cũ cho biết khu phố cổ này giới hạn trong các con đường (hiện nay) là Hùng Vương ở phía bắc, kênh Tàu Hủ ở phía nam, Lương Nhữ Học ở phía tây và Phù Đổng Thiên Vương ở phía đông. Trục chính của khu này là đường Triệu Quang Phục. Ngày xưa khu vực này rất náo nhiệt, với chợ Bình Tây là trung tâm buôn bán sầm uất, với bến Bình Đông là nơi tiếp nhận hoa trái nông sản từ ĐBSCL lên, cũng là nơi hàng hóa từ Sài Gòn xuống tàu, ghe tỏa đi các vùng, miền khác.

Theo Tiền Phong, khu phố cổ gắn liền với người Việt gốc Hoa vùng Chơ Lớn, đồng thời gắn với cá nghề truyền thống của họ, như nghề thuốc bắc, nghề mài dao kéo, nghề làm đầu lân… truyền qua nhiều thế hệ.

Một số tài liệu nói rằng, nhà cổ ở đây hầu hết được xây từ đầu thế kỷ 20 vào thời Pháp thuộc, có đặc điểm nổi bật cho đến ngày nay là kết hợp họa tiết phương Tây với phong cách kiến trúc Trung Hoa. Ngoài nhà cổ, khu vực này còn có nhiều đình, miếu, chùa cổ rất nổi tiếng.

Nhưng nay, các tòa nhà cổ này hầu hết đã bị thay đổi kết cấu và bài trí bên trong, bên ngoài một số căn cũng bị tu sửa để phù hợp với việc kinh doanh của người dân.

blank
Khu nhà cổ góc Hải Thượng Lãn Ông – Triệu Quang Phục có một số nhà bị sửa bên ngoài.

Tiên Phong mô tả là tại tòa chung cư ở góc đường Hải Thượng Lãn Ông – Triệu Quang Phục, tầng trệt của một căn nhà ngay ngã tư đã được sửa mới. Khu siêu thị thuốc bắc và các hộ dân khác phía tầng trệt nhìn bên ngoài thì còn nguyên vẹn nhưng bên trong, một số căn đã bị thay đổi. Khu vực các tầng phía trên được chủ nhà ngăn lối, chia phòng cho thuê. Mỗi tầng chỉ có một khu nhà vệ sinh chung khá chật hẹp, những tầng trên cùng có nơi không có nhà vệ sinh. “Người thì đập đi xây lại, người ngăn phòng cho thuê. Nói nhà cổ nhưng chỉ được chút cổ bên ngoài thôi”, ông.

Và cũng như các khu phố cổ khác, phố cổ Sài Gòn cũng phải đối mặt những vấn đề liên quan chuyện bảo tồn.

Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Dân (60 tuổi, chủ nhà số 47, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5) nói hiện tại, người dân muốn sửa nhà vẫn được phép nhưng phải giữ nguyên trạng. Tức là tu sửa bên trong, không được cơi nới, thay đổi cấu trúc, bên ngoài mặt tiền phải sơn đúng màu. Hiện nay, đa số người sở hữu ngôi nhà cổ đã tu sửa, thay đổi bên trong; phần mái ngói cũng bị bỏ đi, thay vào đó là mái tôn.

Ông Dân cho rằng, chính quyền muốn bảo tồn những ngôi nhà cổ thì chỉ có một cách là quy hoạch, di dời người dân hoặc đầu tư tu sửa, phát triển du lịch. “Hiện nay, tòa nhà tôi ở mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh chung mà nhìn vào ai cũng sợ. Có nhiều đoàn khách Tây đến tham quan nhưng khi lên trên lầu nhìn thấy nhà vệ sinh không đảm bảo, kết cấu bên trong bị thay đổi hết. Chắc họ sẽ không đến nữa”, ông nói. Bà Giang Thị Loan (chủ nhà số 106, đường Hải Thượng Lãn Ông) cho biết đã mua lại căn nhà cách đây hơn 30 năm. Theo bà, chỉ có thể sửa chữa bên trong để phù hợp với sinh hoạt mỗi gia đình, chứ việc xây lại là không thể bởi khu nhà xây chung móng, chung tường, chung cột.

Tiền Phong nêu ý kiến của ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích – Sở Văn hoá & Thể thao TP., cho rằng hiện tại khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông – Triệu Quang Phục chỉ còn 16 căn nhà cổ. Những ngôi nhà này đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Vì vậy, các hộ dân ở trong những ngôi nhà này muốn sửa chữa thì phải có ý kiến phê duyệt của thành phố. Tuy nhiên, xếp hạng di tích đối với các căn nhà là rất khó khăn bởi mỗi nhà có một chủ riêng. Mà theo luật di sản, muốn xếp hạng di tích phải có đơn của chủ sở hữu. Trong khi đó, các gia đình có nhu cầu sử dụng khác nhau. Hơn nữa, hiện tại, những căn nhà này chỉ còn phần mặt tiền là “cổ”.

Ông Lý Thế Dân, Phó trưởng phòng Quản lý khu vực 1 (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP), thì cho biết chưa có dự án bảo tồn khu phố cổ khu vực Chợ Lớn mà chỉ có nghiên cứu về bảo tồn và phát triển Chợ Lớn do đơn vị tư vấn DCU của Tây Ban Nha thực hiện từ năm 2010, được chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. Do chưa có dự án bảo tồn nên chưa thể đánh giá được tác động của việc bảo tồn đến đời sống người dân. Nghiên cứu của đơn vị tư vấn DCU cũng chưa đưa ra được những đánh giá cụ thể về tác động đến cuộc sống người dân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.