Hôm nay,  

Lợi Ích Và Những Vấn Đề Của Hiệp Ước TPP

11/10/201519:38:00(Xem: 5733)

LỢI ÍCH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HIỆP ƯỚC TPP




MỤC LỤC


  1. TỔNG QUÁT VỀ TPP

  2. LỢI ÍCH CHO TỪNG NƯỚC

  3. NHỮNG VẤN ĐỀ PHẢI GIẢI QUYẾT

  4. ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC QUỐC GIA KHÔNG THAM GIA TPP - PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC & HÀN QUỐC





  1. TỔNG QUÁT VỀ TPP


blank

.
Hoa Kỳ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương (Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã đạt được thoả thuận chung cuộc về một hiệp định thương mại sẽ hạ thấp thuế quan và giảm thiểu những rào cản mậu dịch cho gần phân nửa nền kinh tế thế giới.  Theo tường thuật của các thông tín viên đài VOA, hiệp định TPP được nhiều người ở Châu Á hoan nghênh, nhưng cũng có những mối lo ngại. Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, giảm thiểu thuế quan và rào cản mậu dịch cho nhiều loại hàng hoá và dịch vụ, kể cả xe hơi, thuốc men và những sản phẩm làm bằng sữa. Ngoài ra, những biện pháp bảo vệ lao động và môi trường, tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ, buôn bán động vật hoang dã, khai thác quá mức môi trường, mở rộng internet và các tiêu chuẩn về quyền của người lao động đã được nâng cao mạnh mẽ nhất so với tất cả những hiệp định thương mại toàn cầu từ trước tới nay.

Hiệp định TPP gồm có 30 chương điều chỉnh thương mại và các vấn đề liên quan tới thương mại. Bắt đầu từ thương mại hàng hóa và tiếp tục với hải quan và thuận lợi hóa thương mại; vệ sinh kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; quy định về phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; sở hữu trí tuệ; lao động. Trong đó chương về thương mại là đặc biệt quan trọng. Phần về thuế suất được đặc biệt quan tâm, tới 90% dòng thuế sẽ về 0% ngay khi TPP có hiệu lực; số còn lại sẽ về 0% sau một lộ trình dài nhất là 10 năm. Mục tiêu chính của TPP - vượt cao hơn WTO hay những hiệp ước thương mại (FTA) khác - là nhằm xây dựng vùng mậu dịch có 2 đặc điểm:


1) Xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Trong nỗ lực này, bản thân TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điều chỉnh chính sách và hướng đi luật pháp của các nước thành viên. Tức là các điều luật về mậu dịch của những quốc gia thành viên phải tuân theo định hướng của TPP.


2) Thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động, quyền công nhân, kiểm soát chặt chẽ các công ty quốc doanh không chèn ép tư doanh v.v…

.
  1. LỢI ÍCH CHUNG VÀ CHO TỪNG NƯỚC


LỢI ÍCH CHUNG


Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman phát biểu như sau về thỏa thuận có được sau 7 năm đàm phán gay go: "Chúng tôi dự kiến hiệp định lịch sử này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ cho những công ăn việc làm lương cao; tăng cường sáng tạo, năng suất và sức cạnh tranh; nâng cao tiêu chuẩn sinh hoạt, giảm thiểu nghèo túng ở các nước chúng tôi; và thúc đẩy cho sự minh bạch, quản trị tốt đẹp và những sự bảo vệ mạnh mẽ cho người lao động và môi trường. Một khi có hiệu lực, TPP sẽ mang lại cho Mỹ những đối tác thương mại gần gũi hơn, nghĩa là những người bạn thân thiết hơn, tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, có nền kinh tế gắn kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, Trung Quốc có thể sẽ bị buộc phải đi theo các chuẩn mực do Mỹ quy định nếu không muốn bị thua thiệt.

Nếu được Quốc hội 12 nước thành viên thông qua, TPP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới; TPP sẽ dỡ bỏ các hàng rào thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn chung từ Việt Nam đến Canada. TPP do Hoa Kỳ và Nhật Bản lãnh đạo sẽ là đối trọng với Trung Quốc trong thế kỷ thứ 21 ở Châu Á – Thái Bình Dương. Một số dự đoán nói rằng TPP sẽ đem lại thêm cho thế giới khoảng 300 tỷ USD giá trị GDP mỗi năm.


blank

LỢI ÍCH CHO TỪNG NƯỚC

.

HOA KỲ  


Các nhà phân tích gọi việc hoàn tất đàm phán hiệp định thế kỷ TPP là thắng lợi định hình “di sản” của Tổng thống Mỹ Barack Obama. TPP là một bước đi chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ và cũng là thắng lợi quan trọng về chính sách đối ngoại của Mỹ dù rằng hiệp định này sẽ gặp khó khăn tại quốc hội. Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ hai cho biết TPP sẽ giảm 18,000 loại thuế khác nhau cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ..

NHẬT BẢN

Đây là thắng lợi chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thủ tướng Nhật Bản cũng cho rằng hiệp định này là một cơ hội để thay đổi cho nền kinh tế nước ông. Giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano của Đại học Sophia ở Tokyo nói rằng sẽ không một nước nào tham gia hiệp định này thắng hay thua. "Tùy thuộc vào quan điểm kinh tế của bạn về quốc gia tham gia hiệp định này để đánh giá thỏa thuận này tốt hay xấu." Với Nhật Bản, ngành hưởng lợi lớn nhất là ôtô, khi được quyền tiếp cận Mỹ - thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất cho nước này - với mức thuế rẻ hơn. Việc TPP mở cửa thị trường dịch vụ của tất cả các nước thành viên với nhau cũng sẽ đem lại lợi thế lớn cho họ. Do lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tương đối kém cạnh tranh, họ sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển. Các ngành sẽ được hưởng lợi là logistics, lưu kho, phân phối, du lịch, thực phẩm – đồ uống. Hơn nữa, tác động cộng hưởng của cả TPP và một FTA khác với Liên minh châu Âu (EU) có thể nâng đáng kể tốc độ tăng trưởng trong dài hạn cho Nhật Bản, Biswas cho biết.
.

VIỆT NAM


TPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cải tổ mạnh mẽ về thế chế, nâng cao năng lực và trình độ của nền kinh tế, tạo cú hích không chỉ cho tái cơ cấu kinh tế, đầu tư, công nghiệp, mà còn giúp Việt Nam có đà đẩy tới các cải cách về xã hội, thị trường, thậm chí chính trị. Với thu nhập bình quân thấp nhất trong nhóm, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định TPP. Theo nhóm nghiên cứu Eurasia, thỏa thuận TPP có tiềm năng giúp GDP Việt Nam tăng thêm được 11% vào năm 2025, với kim ngạch xuất khẩu trong cùng thời điểm tăng 28% nhờ vào việc các công ty xí nghiệp di dời cơ sở sản xuất của họ từ nước khác vào Việt Nam để tranh thủ mức lương còn thấp tại chỗ. Một cách cụ thể hơn, hai ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam là thủy sản và dệt may sẽ được lợi rõ nét. Việc giảm thuế nhập khẩu ở Mỹ, Nhật Bản với mức thuế vào Mỹ hiện nay trong ngưỡng 17-32% sẽ là một hậu thuẫn đáng kể cho ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam, sẽ tranh thủ được lợi thế lương nhân công thấp của mình để giành lấy các thị phần hiện nằm trong tay Trung Quốc.


  • Hiện nay nền kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều. Cán cân thương mại hai nước rất là lệch. Thứ hai nữa là, phần lớn các công trình ở Việt Nam, các công trình quan trọng, là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Như đã nói trong các bài nghiên cứu trước, bội chi khi nhập cảng nguyên liệu từ Trung Quốc chưa hẳn là điều xấu nhưng khi Việt Nam vào TPP, thì có khả năng đa phương, đa dạng hóa thị trường với nhiều đối tác khác, có sự hợp tác chặt chẽ thì tỷ lệ nhập siêu 40 tỷ USD với Trung Quốc so với 23 tỷ USD xuất siêu với các quốc gia TPP sẽ dần dần giảm bớt.  

  • Việt Nam có nhiều lợi ích khi tham gia TPP như có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nhiều hơn, tham gia vào chuỗi cung ứng mới sẽ được hình thành trong khu vực TPP. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm công ăn việc làm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, qua đó giúp tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Đông Á. Việt Nam có giá lao động thấp như sẽ hưởng lợi từ việc có thể thâm nhập các thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản nhưng chưa bị đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về lao động và môi trường.

.

AUSTRALIA


Phát biểu với báo giới sáng 6/10, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố TPP là "một thắng lợi lớn" của Australia. Theo đó, nông dân sẽ được cắt giảm mạnh thuế trong các lĩnh vực như thịt bò, các sản phẩm sữa, rượu vang, đường, gạo, rau quả và hải sản ở một số thị trường. Các nhà sản xuất thịt bò cũng sẽ được cắt giảm thuế thêm 9% và lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ các nhà sản xuất lúa gạo sẽ có thể tăng sản lượng bán tại Nhật Bản. Những người trồng mía sẽ tăng gấp đôi sản lượng đường xuất đi thị trường Mỹ từ mức hiện nay là 107,000 tấn lên thành 207,000 tấn. Australia sẽ đa phương hóa việc xuất cảng nguyên liệu. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ giúp gỡ bỏ 9 tỷ đôla Australia thuế nhập khẩu cho nước này. Các công ty dược phẩm nước này sẽ rất hứng khởi khi thời hạn bảo hộ dược phẩm đã bị hạ xuống tối thiểu là 8 năm, thay vì 12 năm như Mỹ yêu cầu trước đây. Việc này có thể khiến giá thuốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

.

SINGAPORE VÀ BRUNEI


Singapore và Brunei có thị trường nội địa quá nhỏ bé, sản xuất nông nghiệp không đáng kể và từ lâu đã là những nền kinh tế có độ mở lớn, phát triển chủ yếu dựa vào thương mại quốc tế. Do đặc điểm này, đa số người dân Singapore và Brunei không phản đối TPP và các hiệp định tự do thương mại. Tuy nhiên, là nền kinh tế đi đầu trong hội nhập khu vực và quốc tế, Singapore sẽ không có lợi nhiều khi tham gia TPP so với một nền kinh tế còn tương đối đóng kín như Việt Nam. TPP cũng sẽ giúp mở các thị trường mới như Canada và Mexico bởi hiện tại Singapore chưa có hiệp định thương mại tự do song phương với hai quốc gia này.

.

CANADA


Thủ tướng Canada Stephen Harper hôm 5/10 hoan nghênh hiệp định thương mại tự do “lịch sử” TPP và cho rằng việc Nhật Bản mở cửa thị trường nông nghiệp sẽ là một mối lợi lớn cho nông dân và ngành tài nguyên Canada. “Các nhà xuất khẩu Canada sẽ gần như được miễn thuế hoàn toàn khi cung cấp hàng hóa cho gần 800 triệu người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, AFP dẫn lời ông Harper phát biểu. “Và điều tối quan trọng với chúng tôi (khi vào TPP), đó là Nhật Bản chính là một thị trường mới mẻ rộng lớn cho doanh nghiệp và hàng hóa của Canada”, ông Harper nói thêm, đồng thời bình luận rằng TPP “vượt trên kỳ vọng lớn nhất của tôi”.

.

MEXICO, CHILE VÀ PERU


Tổng thống Peru Ollanta Humala khẳng định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được giữa 12 nước thành viên sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc gia Nam Mỹ phát triển và hội nhập quốc tế. Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại Lima (CCL) Jorge von Wedemeyer khẳng định TPP sẽ góp phần thúc đẩy Peru mở cửa thị trường nhiều hơn nữa với bên ngoài, tạo thêm công ăn việc làm và giảm đói nghèo. TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho 3 nước này trong lĩnh vực sản xuất liên quan 6 thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Úc, Brunei, Malasia, New Zealand, Singapore và Việt Nam).

MALAYSIA

Malaysia chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ, Canada hay Mexico. Vì thế, họ cũng sẽ là đối tượng hưởng lợi chính từ TPP. "TPP sẽ giúp các hãng xuất khẩu Malaysia có cơ hội tiếp cận toàn bộ thị trường Bắc Mỹ, và sẽ tăng tính hấp dẫn của Malaysia trong vai trò trung tâm nhận đầu tư từ Bắc Mỹ", Rajiv Biswas - Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS cho biết. Các ngành được lợi nhiều nhất là điện tử, hóa phẩm, dầu cọ và xuất khẩu cao su. Malaysia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và là một trong những nước trồng cao su lớn nhất toàn cầu. Dù vậy, các công ty quốc doanh nước này có thể phải chịu trận với các điều khoản công bằng về hoạt động cung cấp hàng cho Chính phủ.

NEW ZEALAND

Thủ tướng New Zealand John Key nói rằng hạ giảm thuế quan cho 93% các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm từ sữa của nước ông ít hơn mức ông trông đợi nhưng nhìn chung là một thỏa thuận tích cực. TPP cũng sẽ giúp họ tiết kiệm 168 triệu USD tiền thuế mỗi năm, Bộ trưởng Thương mại - Tim Groser cho biết. Ngành sữa được hưởng lợi lớn nhất với khoản tiết kiệm gần 67 triệu USD thuế, nhờ quyền tiếp cận các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico. Những mặt hàng xuất khẩu khác như thịt bò, hoa quả, hải sản, rượu và thịt cừu cũng sẽ được hưởng lợi.
.

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ PHẢI GIẢI QUYẾT


Những người chống đối TPP tranh cãi rằng những thỏa thuận được thương lượng trong vòng bí mật như TPP chỉ làm lợi cho các tập đoàn đa quốc gia nhưng gây thiệt hại cho lợi ích của công chúng. Chẳng hạn như TPP bao gồm một thỏa thuận về hệ thống giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện chính phủ nước sở tại về những quy định làm giảm lợi nhuận của họ.  Hệ thống đó được gọi tắt là ISDS. Tuy nhiên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói trong một thông báo rằng TPP đặc biệt chú trọng đến "các vấn đề y tế công cộng liên quan đến thuốc lá, bảo lưu quyền của Hoa Kỳ và các nước tham gia TPP khác quy định các luật lệ về thuốc lá." Giáo sư Nakano của Nhật Bản cho rằng quyền của người lao động sẽ không được bảo vệ chặt chẽ như quyền của các doanh nghiệp trong hiệp định này. "Mặc dù vào giai đoạn này chúng ta được bảo rằng đây là một thắng lợi cho người lao động trên toàn thế giới, kể cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam, thì điều đó cho đến nay chưa được thể hiện trong quá trình đàm phán". Tại Châu Á cũng như tại Hoa Kỳ, Giáo sư Nakano nói, TPP sẽ thúc đấy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng sẽ làm tăng khoảng khác biệt về thu nhập, khiến công chúng phẫn nộ, chống đối toàn cầu hóa và tư bản chủ nghĩa.


Điều hơi trái ngược là việc chấp thuận và thực thi hiệp định sẽ gặp nhiều khó khăn tại các nước lớn và cũng là các nước dân chủ như Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand và nhất là tại Hoa Kỳ. Chắc chắn trong hiệp định sẽ có một số điều khoản mà các nhóm quyền lực mổi nước không hài lòng. Và điều đó sẽ gia tăng áp lực lên các nhà lập pháp, khi họ cân nhắc việc thông qua hiệp định này. Nếu tất cả các nước tham gia không phê chuẩn TPP trong vòng hai năm thì 6 quốc gia ký thỏa thuận ban đầu, vốn chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội của khối này, sẽ phải phê chuẩn hiệp định này. Điều đó có nghĩa là việc chấp thuận của Mỹ cùng với Canada hoặc Nhật Bản là điều hết sức quan trọng. Một số nhà quan sát nhận định rằng việc thông qua, nếu có, ở Mỹ sẽ chỉ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm sau.

.

HOA KỲ


Tại Hoa Kỳ, chấp thuận chung cuộc cho TPP có thể gặp rắc rối vì sự chống đối của đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại 2 viện. Cho đến bây giờ, một số thành phần quá khích trong đảng Cộng Hòa có khuynh hướng đặt ý thức hệ và đảng phái lên trên quyền lợi quốc gia. Sự từ chức của lảnh tụ đa số Hạ viện John Boehner gần đây sau khi gặp Đức giáo hoàng đã nói lên sự khó khăn của những nguời Cộng Hòa trung dung. Ngày 8/10, Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cũng bất ngờ rút lui khỏi cuộc đua tranh chức chủ tịch Hạ Viện. Đảng Cộng Hòa không muốn Tổng thống Obama hưởng “credit” trong hiệp ước này. Ứng cử viên cánh tả Bernie Sanders của đảng Dân Chủ và các lãnh tụ nghiệp đoàn cũng chống đối kịch liệt hiệp ước TPP.  Các công đoàn ở Mỹ nói rằng dung hòa những tiêu chuẩn lao động và luật môi trường có thể làm suy yếu những biện pháp bảo vệ người lao động khó lắm mới đạt được ở Mỹ hoặc ở những nước khác. Họ cho rằng những biện pháp bảo vệ quyền lao động yếu kém ở một số nước đối tác thương mại của Mỹ sẽ giữ cho chi phí sản xuất ở mức thấp và khuyến khích các công ty chuyển thêm công ăn việc làm ra khỏi Mỹ tới những nước có mức lương thấp. Ứng cứ viên hàng đầu của đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton cách đây mấy ngày cũng “flip-flop” trong vấn đề này. Điểm quan trọng về tương lai hiệp ước là sự ủng hộ của Wall Street và các tập đoàn đa quốc gia mà phần lớn là của Hoa Kỳ. Điều khá dễ hiểu mà ai cũng biết là nền chính trị Hoa Kỳ phần lớn bị chi phối bởi những thế lực kinh tài trong nước. Hy vọng các chính trị gia của 2 đảng sẽ tìm được một sự hòa hợp vì quyền lợi tối thượng của đất nước. Ngoài ra, Hoa Kỳ phải giảm quyền bảo hộ bản quyền sinh dược từ 12 năm xuống còn 8 năm. Việc bảo hộ này sẽ khiến các nước đang phát triển không thể phát triển thuốc generic (thuốc thay thế có công thức tương đương hoặc giống với biệt dược) để giảm giá thành. Đây là một sự đồng thuận hợp lý vì sức khỏe của dân chúng trên thế giới.

.

NHẬT BẢN

Tại Nhật Bản, liên minh Đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Abe có đủ số phiếu cần thiết trong quốc hội để thông qua TPP. Có phần chắc sẽ gặp phải sự chống đối từ một ngành sản xuất nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với thịt bò giá rẻ hơn từ liên minh 5 quốc gia chăn nuôi bò (FNBA) bao gồm New Zealand, Úc, Canada và Hoa Kỳ cùng với Mexico và các mặt hàng nhập khẩu khác vì thuế quan được miễn, giảm. Các quốc gia FNBA chiếm 1/3 ba sản lượng và khoảng 1/2 xuất khẩu thịt bò toàn cầu. Nhật phải dỡ bỏ một số biện pháp bảo hộ thị trường gạo, giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ 38.5% xuống 9% trong vòng 16 năm, đồng thời thuế nhập khẩu thịt lợn cũng bị hạ thấp. Ngoài ra, giới nông dân cũng sẽ chống đối mãnh liệt hiệp ước TPP. Tuy nhiên dường như Nhật cũng đã chuẩn bị. Khá nhiều nông dân Nhật Bản đã bắt đầu hợp tác đầu tư với Việt Nam về nông nghiệp, sản xuất rau quả tươi dùng công nghệ cao để xuất khẩu sang Nhật cũng như các nước trong vùng.
.

VIỆT NAM

Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong nhóm nên các nước thành viên đã dành cho Việt Nam khá nhiều thì giờ để làm những cải tổ cần thiết. Một chương đặc biệt được dành cho những nước kém mở mang như Việt Nam, Malaysia.

  • Nhưng những tác động của TPP tới sự phát triển của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi tư duy lãnh đạo, cách thức phát triển, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đàng hoàng, là động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp VN. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là phải nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế, qua đó đẩy mạnh phát triển khu vực tư doanh để tận dụng sự nhạy bén thị trường của giới doanh nhân, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị thì mới có thể tham gia vào sự cạnh tranh đầy hứa hẹn của TPP.

  • Vấn đề lao động là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất cho Việt Nam trong quá trình đàm phán. Việt Nam đã dành nhiều thời gian đàm phán với các đối tác. Những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận không phải chỉ của riêng Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào mà là của ILO. Việt Nam là thành viên của ILO và phải cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO mà Việt Nam sẽ thực hiện.

  • Đa số các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường kinh tế mang tính “ăn xổi ở thì” và thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế, do đó mà khi hội nhập vào TPP, doanh nghiệp Việt Nam chỉ loay hoay trong sân chơi của mình, trong khi các doanh nghiệp của những quốc gia thành viên TPP sẽ nhảy vào đầu tư ở Việt Nam để “đón sóng” TPP nhất là các ngành da giày, dệt may - những ngành được cho là thế mạnh của Việt Nam.

  • Các mặt hàng nông phẩm của Việt Nam nông nghiệp Việt Nam chủ yếu phát triển theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu sự tham gia của khoa học công nghệ cao, do đó, lĩnh vực này sẽ chịu nhiều áp lực nhất, nhất là ngành chăn nuôi (thiếu hụt quỹ đất để trồng cây làm nguyên liệu, chi phí đầu vào cho thức ăn chăn nuôi) khó có thể cạnh tranh nổi các nước thành viên khác. Tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, năng xuất lại càng thấp so với tiêu chuẩn của quốc tế và nhất là vốn đầu tư còn quá yếu kém nên sẽ không thể khai thác các lợi thế xuất khẩu, thuế suất giảm của TPP. Nếu Việt Nam không khắc phục thì nông phẩm của các nước khác sẽ nhập vào giết chết nền nông phẩm xuất khẩu của Việt Nam, như hiện nay hàng hóa Trung Quốc đang khống chế thị trường Việt Nam. Chăn nuôi sẽ khoảng 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%. Một trong những giải pháp là Việt Nam có thể phối hợp với Nhật Bản, Israel để dùng công nghệ cao để phát triển các loại lúa, hoa quả cao cấp.

  • Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi và vải trong TPP khoảng 70% với mục đích là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của mình.



Đồ họa: Tấn Đạt - Võ Hương


Đồ họa: Tấn Đạt - Võ Hương


CANADA

Tại Canada, nông dân ngành sữa bày tỏ lo ngại rằng việc cắt giảm thuế và nghiêm cấm bảo hộ khiến họ phải đối mặt với sự cạnh tranh giá thành rẻ hơn từ các đối thủ ở nước ngoài. Unifor, công đoàn lớn nhất Canada trong lĩnh vực tư nhân, cũng lên án đảng Bảo thủ vì ký kết một thỏa thuận "đe dọa đến ngành công nghiệp xe hơi". Tổ chức này ước tính hơn 2,000 người sẽ mất việc làm do TPP, dù Chính phủ Canada bác bỏ con số này.

  1. ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC QUỐC GIA KHÔNG THAM GIA TPP - PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC & HÀN QUỐC

Những nước không tham gia TPP sẽ cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực khi nằm ngoài hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. "Tác động của việc chuyển hướng thương mại sẽ rơi chủ yếu vào Trung Quốc", PIEE cho biết. Xuất khẩu nước này sẽ giảm 1.2%. Trung Quốc có thể mất thị phần tại Mỹ và Nhật Bản vào tay các nước đang phát triển khác như Việt Nam, Fielding Chen - nhà kinh tế học tại Bloomberg cho biết. Bên cạnh đó, vì Việt Nam hưởng lợi từ khả năng tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, các nước xuất khẩu dệt may và trang phục khác có thể sẽ chịu tác động. "Bangladesh, Cambodia, Pakistan và Sri Lanka sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư trong dệt may và da giày sang các thành viên TPP", Biswas dự báo. Ấn Độ cũng có thể gánh hậu quả. Vì trong khi New Delhi có lĩnh vực xuất khẩu tương đối đa dạng, dệt may và trang phục vẫn đóng góp tới 13% tổng xuất khẩu của nước này trong tài khóa 2014, Biswas cho biết. Liên minh châu Âu (EU) được cho là sẽ không chịu ảnh hưởng lớn. Do khối này đã có rất nhiều FTA với các nền kinh tế châu Á và hiện đang đàm phán một FTA với Mỹ.

Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới xem TPP như một nỗ lực của Mỹ dùng để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương. Tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết Trung Quốc từng được mời gia nhập TPP, nhưng Bắc Kinh đã chần chừ trong việc tuân thủ theo nhiều quy định bắt buộc của hiệp định, chẳng hạn như mở cửa mảng tài chính. Lên tiếng hoan nghênh hiệp định, ông Obama nhấn mạnh đến tính chất đối trọng với Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ nói: “Khi mà trên 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới, chúng ta không thể để cho những nước như Trung Quốc áp đặt những quy định cho kinh tế thế giới. TPP tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ tại một khu vực mang tính sống còn trong thế kỷ 21”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại còn dấn sâu hơn khi khẳng định Nhật Bản, đối thủ của Bắc Kinh ở châu Á sẽ “xúc tiến tăng trưởng khu vực, thịnh vượng và ổn định thông qua việc đào sâu quan hệ với các nước cùng chia sẻ những giá trị như tự do dân chủ, nhân quyền và Nhà nước pháp quyền”.

Để đối phó với TPP, Trung Quốc hiện quảng bá cho Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) tuy nhiên sự hình thành của TPP đã đánh dấu một sự thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến định hình thương mại toàn cầu với các nước trong khu vực này. Trung Quốc đã phản ứng thận trọng, hoan nghênh việc các nước hoàn tất TPP. Bắc Kinh tuyên bố “để ngỏ trước bất kỳ cơ chế nào” tuân thủ các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới. Đối với các nước khác, "Hiệp định này tăng cường một cách cơ bản cho tinh thần pháp trị trong lãnh vực kinh tế. Nó sẽ gia tăng sự tương thuộc với những nước hoạt động dựa trên những luật lệ thích hợp với kỷ nguyên mới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 6/10 tuyên bố Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, sẽ có ý nghĩa chiến lược nếu Trung Quốc tham gia trong tương lai. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ được đón nhận để trở thành một đối tác bất cứ khi nào họ nghĩ rằng đã tới lúc thích hợp để làm như vậy. Những người cổ xúy cho hiệp ước do Hoa Kỳ chủ xướng nhằm tự do hóa thương mại cho 40% nền kinh tế thế giới nói rằng cần phải có thỏa thuận này để cạnh tranh với siêu cường kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Nhưng những người ủng  hiệp ước không chống đối sự tham gia của Bắc Kinh.  Họ nói nếu Trung Quốc tham gia hiệp ước, thì tiêu chuẩn thương mại công bằng hơn sẽ được áp dụng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hàn Quốc, nước tập trung nhiều hơn vào các hiệp định tự do thương mại song phương, gọi hiệp ước này là "một khung sườn kinh tế lớn nhất cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương," và bày tỏ mong muốn tham gia hiệp ước. Phó Thủ tướng Nam Triều Tiên Choi Kyung-hwan phát biểu: "Quan điểm của chính phủ chúng tôi là chúng tôi đang có kế hoạch cân nhắc việc tham gia TPP."

Thái Lan và Philippines cũng tính đến việc tham gia hiệp ước thương mại này. Tại Bangkok, ngày 6/10, các đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân ở Thái Lan đã thúc giục chính phủ nước này xem xét việc gia nhập TPP để đảm bảo vị thế cạnh tranh của nền kinh tế Thái Lan trong thương mại toàn cầu không bị suy giảm. Các quốc gia hay vùng lãnh thổ khác có thể tham gia là Colombia, Costa Rica, Hong Kong, Panama và Đài Loan.


THAM KHẢO


  1. Các mạng BBC, VOA, RFI và RFA .

  2. Các mạng trong nước và hải ngoại.

  3. Các Websites tiếng Anh và tiếng Việt về TPP.


Hồ sơ: NMT-101215-QT-TPP-Loi ich va nhung van de tu Hiep uoc TPP.doc



Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
Tu chỉnh: 12  tháng 10 năm 2015





.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.