Hôm nay,  

Lực Lượng Hoàng Sa Trước Trận Hải Chiến 19/1/74

11/01/200000:00:00(Xem: 5796)
* Vụ Hoàng Sa 26 năm về trước:
Cách đây 26 năm, ngày 19 tháng 1/1974, Trung Cộng đã huy động một lực lượng mạnh để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Trận chiến tại Hoàng Sa xảy ra ở cách xa đất liền nên chỉ có những người có mặt trong cuộc mới biết rõ diễn tiến sự việc xảy ra. Về lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, những chiến binh Hải quân có mặt trên các chiến hạm là những chứng nhân trận hải chiến, các quân nhân đồn trú bảo vệ đảo và toán nhân viên khí tượng, cùng với toán đặc nhiệm của bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 đổ bộ lên đảo trước giờ G là những người đã mục kích phần nào biến cố này.

Sau khi Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm, một số nhà sử học, địa lý học Việt Nam đã có những bài viết trình bày, minh định chủ quyền của VNCH trên quần đảo này dựa theo theo các văn kiện, tài liệu lưu trữ tại thư viện, văn khố và tại các trung tâm nghiên cứu. Riêng về trận hải chiến, một số bài viết đăng trên các báo, đặc san đã ghi lại diễn tiến dựa theo lời kể của các nhân chứng. Gần cuối năm 1974, Tập san Sử Địa do một nhóm giáo sư sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương và do giáo sư Nguyễn Nhã chủ biên đã thực hiện một số báo đặc biệt chuyên đề về Hoàng Sa Và Trường Sa, trong đó có bài viết của tác giả Trần Thế Đức ghi lại lời kể của một số nhân chứng về tình hình đảo Hoàng Sa vào những ngày trước, trong và sau khi biến cố xảy ra.

Thể theo yêu cầu của một số đông bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về biến cố Hoàng Sa, chúng tôi đã cố gắng thu thập tài liệu để biên soạn loạt bài viết về sự phòng thủ đảo Hoàng Sa và trận hải chiến ngày 19/1/1974. Trong số báo kỳ này, chúng tôi xin lược trình toàn cảnh đảo Hoàng Sa trước giờ G, phần này được biên soạn dựa theo bài viết của ông Trần Thế Đức phổ biến trong Tập san Sử Địa. Để bạn đọc có thể thấy được sự giá trị về độ xác tính của tài liệu, chúng tôi xin ghi lại một đoạn trong phần dẫn nhập bài viết của tác giả:

Với tai nghe, mắt thấy, da thịt xương chịu đựng, và con tim rung động, những nhân chứng ghi nhận được không nhiều thì ít những sự việc xảy ra. Tuy vậy không ai giống ai. Có người có giác quan bén nhạy, có người có giác quan lờ đờ. Tri thức được đào luyện mỗi người cũng khác nhau. Vì thế sự ghi nhận sự việc do mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau. Ngoài ra, những lời thuật sự của các nhân chứng cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì có người muốn trình bày sự thật, có người muốn giấu kỹ hay trình bày một vài chi tiết. Chúng tôi muốn ghi lại một vài sự kiện của biến cố Hoàng Sa qua lời tường thuật của một số người trong cuộc. Làm chứng trước quan tòa là một điều phiền toái. Làm chứng trước lịch sử, trước dân tộc lại càng phiền toái hơn, nhất là trong khung cảnh đặc biệt của đất nước, trong hoàn cảnh mà hiện tại còn nhiều liên hệ. Tuy vậy, gạn lọc hết những dè dặt nêu trên, chúng ta vẫn ghi nhận được giá trị của các lời thuật lại: khung cảnh địa lý, tình trạng của quần đảo, cũng như một số sự kiện xảy ra.

Sau đây là một số sự kiện được lược trình dựa theo bài viết của tác giả Trần Thế Đức, có đối chiếu với tài liệu của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

* Chuyến hải hành 30-11-1973:
Lúc 7 giờ 30 tối 30-11-1973, chiến hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 rời hải cảng Đà Nẵng, ra khơi trực chỉ hướng Đông để tới mục tiêu là đảo Hoàng Sa, một đảo trong quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng chừng 200 hải lý. Chiến hạm có tốc độ khá mau (chừng 20 hải lý một giờ) nên khởi hành vào lúc tối. Trước kia, trong những sứ mạng tương tự, các chiến hạm khác phải khởi hành sớm hơn (lúc 4-5 giờ chiều) để cùng đi tới mục tiêu vào lúc 9 giờ sáng hôm sau. Bây giờ đi mất 14 tiếng đồng hồ, trước kia mất 16-17 giờ. Những người ra đảo Hoàng Sa nhiều lần nói rằng tàu bây giờ chạy nhanh hơn thời Pháp nhiều lắm. Xưa kia, chiếc La Modepiquer khởi hành lúc 4 giờ chiều, mà tới 12 giờ trưa hôm sau mới tới đảo.

Chiến hạm HQ 16 có nhiệm vụ vận chuyển một số quân nhân (1 trung đội) và bốn nhân viên dân chính thuộc nha Khí tượng ra thay thế các quân nhân và công chức tại đảo này từ ba tháng trước. Đây là công tác bình thường của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Trước đây, Hải quân Pháp hoạt động tại Đông Dương cũng có sứ mạng tương tự như tuần dương hạm này. Thời kỳ đó, cùng với các nhân viên khí tượng người Việt, các quân nhân Pháp và Việt xưa kia được liên lạc với đất liền một tháng một lần, có khi ba tháng, không nhất định.

Trong số những người đi chuyến tàu này có người ra đảo vài lần, có người đếm được lần thứ 16 nhưng cũng có người ra đi lần đầu. Có người đã từng quen với sóng biển, nhưng cũng có người lần đầu tiên bước xuống tàu. Nhóm người ra đảo gồm 2 thành phần: thành phần thứ nhất gồm 1 trung đội Địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam do 1 trung úy chỉ huy. Ngoài vũ khí cá nhân, cộng đồng, mỗi quân nhân chỉ mang theo vài gắp đạn. Trên biển cả mênh mông này chỉ quý nhất là chất nổ: lựu đạn, béta, plastic, họ đem theo càng nhiều càng tốt. Thành phần thứ hai là 4 người thuộc ngành khí tượng, trong đó có ông Nguyễn Kim Nhường, trưởng ty; Đặng Đình Võ, Võ Vĩnh Hiệp: chiêm sát viên; Nguyễn Văn Tấn: lao công. Sự phân biệt chỉ có giá trị trên giấy tờ. Ở ngoài đảo, trưởng ty cũng phải làm việc như các nhân viên khác. Các ông Nhường, Võ, Hiệp làm ở nha Khí tượng Sài Gòn, ông Tấn làm ở trung tâm Khí Tượng Đà Nẵng. Ông Hiệp ra đảo Hoàng Sa lần này là lần thứ 16. Ông Nhường ra lần này là lần 10, ông Tấn ra lần thứ ba, còn ông Võ ra lần đầu.

Ngoài những hành khách trên, chiến hạm HQ còn có thêm một nhóm hành khách khác gồm 4 quân nhân thuộc Tiểu khu Quảng Nam, có nhiệm vụ lo việc chuyên chở. Khi tới đảo, 4 quân nhân này sẽ phụ trách việc đưa các quân nhân từ tàu vào đảo và từ đảo ra tàu. Bốn quân nhân này không ở lại đảo, theo tàu về Đà Nẵng sau khi xong công việc. Hành trang của họ chỉ có hai chiếc tàu cao su, tới đảo, họ sẽ bơm lên, thả xuống biển để di chuyển. Trung đội Địa phương quân và toán nhân viên khí tượng, ngoài quần áo đem theo, phải đem theo lương thực đủ ăn trong 3 tháng. Từ đây đến ba tháng sau, không có chuyến tàu nào từ đất liền chạy ra, trừ khi có chuyến khẩn cấp. Gạo chiếm phần chính trong số lương thực họ mang theo. Ngoài gạo, họ phải đem theo các thức ăn có thể để lâu được như đồ hộp, hột cải và rau để trồng, nhất là không thể thiếu được gia vị, vì gia vị làm giảm mùi tanh của cá biển.

Sau một đêm dài vật lộn với sóng gió, con tàu vẫn trực chỉ hướng mặt trời mọc. Khi mặt trời đả sáng rõ, một vùng trắng xóa hiện ra rõ dần trên vùng biển xanh. Đó mới là đảo Quang Ảnh (Vĩnh Lạc, Money) mà thôi. Đảo Quang Ảnh hiện rõ dần, rồi lại mờ dần đằng sau tàu. Một đảo khác lại hiện ra ở mé phải bên của tàu. Đó là đào Hữu Nhật. Xa hơn Hữu Nhật một chút là Hoàng Sa. Nhưng sao lạ, tàu không ghé vào đảo. Đảo Hữu Nhật đang bị bỏ xa dần. Còn ở mé trái của tàu, Hoàng Sa cũng đang lùi dần. Thì ra tàu phải đi về phía đông để tránh đá ngầm ven đảo, rồi mới kiếm chỗ đậu gần cầu tàu. Hai chiếc xuồng cao su được Toán quân nhân lo việc chuyển vận bơm lên, thay phiên nhau chở người và đồ đạc từ tàu vào cầu tàu, rồi lại chở người từ đảo ra tàu. Hai trung đội Địa phương quân bàn giao công việc phòng thủ đảo, ngày N của trung đội mới đến bắt đầu…

* Kế hoạch phòng thủ Hoàng Sa:
Trước năm 1945, Pháp chỉ lập căn cứ ở đảo Hoàng Sa (Pattle) một đảo gần đất liền để tàu ra cho gần. Đảo Hoàng Sa tuy không bằng đảo Phú Lâm (Ile Boisée), nhưng ở gần trung tâm quần đảo, gần nhiều đảo, việc kiểm soát dễ dàng hơn ở Phú Lâm. Các toán lính khố xanh và lính Pháp đồn trú trên đảo có xà lúp thường xuyên đi kiểm soát các đảo. Thời Pháp thuộc, số lính khố xanh trấn đóng tại đây chừng vài chục người, dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp. Khi Nhật đảo chánh Pháp (tháng 3/1945), anh em trên đảo bị bỏ rơi, bèn kiếm gỗ làm bè thả trôi về đất liền. Sau mấy ngày nhịn đói, khát, họ tách vào bờ biển Qui Nhơn.

Sau khi Nhật đầu hàng, Pháp trở lại Đông Dương họ lại ra trấn giữ đảo. Toán khí tượng đầu tiên sau khi Pháp trở lại Đông Dương, ra đảo làm việc vào tháng 9/1947. Toán quân nhân Pháp gồm 1 trung đội hoàn toàn người Pháp. Lúc ấy tình thế đã biến chuyển. Tàu không đi vòng ra nhóm Tuyên Đức (Groupe de L’Amphitrie) nữa. Nghe nói nơi đó người Tàu đã chiếm rồi (Ngày 29-10-1946, Trung Hoa gởi 4 chiến hạm từ đảo Hải Nam đến Hoàng Sa), đụng độ với toán lính Việt-Pháp-quân đội Liên Hiệp Pháp, nhưng phải rút lui. Họ bèn quay ra chiếm đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29 tháng 11/1946. Sau khi Trung Cộng chiếm được lục địa Trung Hoa, đã đưa quân ra Phú Lâm, biến thành một căn cứ đồ sộ: làm đường xe hơi chạy từ đầu tới cuối đảo, xây một công sự gồm 5 dãy nhà 6 căn, 4 dãy 2 căn và 2 cột ăng ten cao 12 mét. Vào thời gian đó, Trung Cộng đang xây cất 50 cơ sở và 1 cầu tàu dài 100 mét. Trung Cộng cũng chiếm đảo Linh Côn trong nhóm Linh Côn. Thế là hòn đảo Phú Lâm thơ mộng đã lọt vào tay Trung Cộng. Mỗi buổi sáng trời tốt, anh em bảo vệ đảo nhìn về phía Đông Bắc thấy hòn đảo Phú Lâm qua kính thiên văn mà thấy xót xa.

Người Pháp canh phòng các đảo rất kỹ. Họ dùng xà lúp đi tuần quanh các đảo luôn. Chân cầu tàu năm 1974 còn dấu tích căn nhà để xà lúp. Họ xua đuổi các tàu bè lại gần đảo. Đuổi mà không đi là họ bắn ngay. Năm 1955, Pháp rút khỏi Việt Nam, việc bảo vệ đảo do một đơn vị quân đội Quốc gia Việt Nam đảm trách (Ngày 26 tháng 10/1955, nền đệ nhất Cộng Hòa thành lập, Quân đội Quốc gia Việt Nam cải danh thành Quân đội Việt Nam Cộng Hòa). Về sau, một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng Hòa có nhiệm vụ bảo vệ các đảo còn lại. Sau đó, số quân đóng trên đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và các đảo khác rút xuống còn 1 đại đội, và do đại đội thuộc tiểu đoàn 42/162 đảm trách. Ngày 8 tháng 5/1957, Hải vận hạm Hàn Giang chở một đại đội Thủy quân Lục chiến khác từ Nha Trang ra thay thế. Đơn vị Thủy quân Lục chiến có đầy đủ phương tiện nên thường xuyên tổ chức đi tuần, canh phòng.

Ngày 5-10-1959, tỉnh đoàn Bảo An thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo. Tỉnh đoàn cử 43 quân nhân Bảo An ra thay đại đội Thủy quân Lục chiến để giữ các đảo trên. Tuy vậy, trên đảo Hoàng Sa vẫn còn 1 trung đội Thủy quân Lục chiến gồm 30 người. Giữa năm 1964, Bảo An đổi thành Địa phương quân. Lực lượng Bảo An tỉnh Quảng Nam thuộc bộ chỉ huy Tiểu khu của tỉnh này. Đơn vị Địa phương quân phương tiện eo hẹp, không có ca nô đi kiểm soát các đảo, nên chỉ trấn đóng trên đảo Hoàng Sa mà thôi. Về sau, quân số giảm xuống, chỉ còn 1 trung đội do 1 sĩ quan cấp thiếu úy hoặc trung úy chỉ huy. Riêng với trung đội vừa đến đảo vào sáng 1/12/1973 là trung đội cuối cùng trước khi trận hải chiến xảy ra.

Kỳ sau: Giờ G, ngày N của trận hải chiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.