Hôm nay,  

Nhà Văn Nhật Tuấn Từ Trần Tại Sài Gòn: 1942-2015

08/10/201500:00:00(Xem: 4580)

SAIGON -- Nhà văn Nhật Tuấn, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Đi về nơi hoang dã” đã qua đời.

blank
Nhật Tuấn.

Báo Người Đô Thị nói rằng nhà văn Nhật Tuấn (tên thật là Bùi Nhật Tuấn) sinh năm 1942 tại Hà Nội, đã đột ngột từ trần lúc 18h ngày 6.10.2015 tại bệnh viện Thống Nhất thành phố Sài Gòn vì chứng phù nề hành tá tràng.

Tin được xác minh từ gia đình anh ruột ông là nhà văn Nhật Tiến đang định cư tại nam California, Hoa Kỳ.

Bản tin Người Đô Thị cũng cho biết Nhật Tuấn là tác giả của các truyện ngắn, tiểu thuyết có tiếng vang: Con chim biết chọn hạt (1981), Lửa lạnh (1987), Đi về nơi hoang dã (1988), Những mảnh tình đã vỡ (1990), Một cái chết thong thả (1995)...

Nhật Tuấn đã được tặng thưởng: Giải nhất Giải thưởng Văn học của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (1978, truyện ngắn Trang 17), Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (1977, Ngôi nhà đang lên tầng). Trong văn đàn, Nhật Tuấn được xem là một trong những tác giả viết truyện ngắn hay, độc đáo.

Bản tin NĐT thêm rằng Ông từng có vợ (đã ly hôn). Vợ cũ và hai con hiện sống tại Hoa Kỳ.

Nhà văn Nhật Tuấn đã chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống từ sau năm 1975.

Tác phẩm nổi bật của Nhật Tuấn là “Đi về nơi hoang dã” hiện đã đăng đầy đủ trên trang Văn Việt, với lời giới thiệu có ghi nhận:

“Văn Việt: Đi về nơi hoang dã là cuốn tiểu thuyết của Nhật Tuấn ra đời vào đầu những năm “Đổi mới” được nhiều cây bút văn chương đánh giá cao nhưng vì những lý do gì đó không “nổi” lên trong công luận rộng rãi. Qua thời gian, sau khi không ít những cái “nổi” lên nhất thời rồi… chìm theo dòng thời sự, hôm nay đọc Đi về nơi hoang dã vẫn thấy nó giữ nguyên sự hấp dẫn về văn chương và sâu đậm suy tư về cuộc sống, về số phận con người trong một thời đại bi-hài kéo dài chuyến đi vô vọng đến một đỉnh cao không có thật mà… con đuờng trở về thì vẫn chưa tìm thấy: http://vandoanviet.blogspot.com/2014/11/i-ve-noi-hoang-da.html#more”...

Trong khi đó, trang BBC ghi lời Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình văn học, trích:

“Tôi chưa gặp nhà văn ngoài đời nhưng đã đọc ông từ sớm, như tác phẩm 'Trang 17', 'Con chim biết chọn hạt', rất trong trẻo, đẹp đẽ. Sau này khi đọc cuốn Đi về nơi hoang dã, tôi giật mình, phục nhà văn.


Ông là em trai nhà văn Nhật Tiến. Đây là cặp văn chương vừa có những nét tương đồng, lại khác biệt. So sánh hai người anh em có con đường đời khác nhau, cách viết khác nhau, tôi thấy đó như biểu tượng của văn chương Việt Nam.

'Đi về nơi hoang dã' được nhiều người nói là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn. Cũng có người tỏ ý trách chúng tôi, những người làm phê bình văn học, là khi tổng kết văn học Đổi mới, có vẻ bỏ quên tác phẩm này. Có khi cũng có thiếu sót ấy. Nhìn lại các bài tổng kết văn học Đổi mới, đôi khi có những tác giả, tác phẩm cần phải được nhắc lại.

Anh Nhật Tuấn còn để lại ấn tượng mạnh cho tôi khi sau này anh viết một loạt bài nhìn lại văn học xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Loạt bài được anh ký tên khác, đăng trên trang của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cũng khiến nhiều người bực bội. Nhưng tôi thấy anh có cái nhìn thẳng thắn, không khoan nhượng. Ngay cả những nhà văn tiền bối cũng được ông soi xét theo cách đọc riêng của ông. Là người làm phê bình văn học, tôi học được ở ông sự không nể nang, thẳng thắn, cần thiết không chỉ cho văn chương mà cho cả cuộc sống nói chung.”(ngưng trích)

Trong khi đó, tác giả Nguyn Thị Thanh Xuân qua bài viết “Nhật Tuấn Nhà Văn Chuyên Nghiệp” đăng ở mạng Viet-Studies đã ghi nhận:

“Nhật Tuấn bước vào làng văn bằng truyện ngắn. Trang 17, tập truyện đầu tay của ông, xuất bản năm 1978, đã đem đến cho người đọc cảm giác vui mừng và hy vọng về một tác giả có nhiều hứa hẹn. Bên cạnh giọng văn trong sáng, gợi cảm, Nhật Tuấn còn có một kỹ thuật dàn truyện thuần thục, vững vàng. Đó là cái mà nhiều người bảo là “bút pháp chuyên nghiệp”, đã sớm bộc lộ nơi ông.

Nhưng nếu truyện ngắn của Nhật Tuấn có cái chất thơ, cái bùi ngùi man mác hé lộ từ một trái tim nhạy cảm trước những mẩu đời nhỏ nhoi, bất hạnh, thì tiểu thuyết của Nhật Tuấn (trở thành thể loại chính của ông từ sau 1985) lại đậm chất trần trụi đôi khi đến dung tục, được thể hiện bằng một bút pháp tỉnh táo, uể oải của một người như đã hiểu cuộc đời đến độ nhàm chán, mệt mỏi vì nó...”(ngưng trích)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.