Hôm nay,  

Tội Ác Bùi Đình Thi Tại Trại Tù Thanh Cẩm - Phần Iii

28/04/200100:00:00(Xem: 10007)
Hai vụ án bi thảm trong trại tù Thanh Cẩm hay Một vấn đề của lương tâm

*
Theo tin tức của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện Sở Di Trú Hoa Kỳ đang tiến hành thủ tục trục xuất Ông Bùi Đình Thi, một cựu tù cải tạo, vì tội đã hợp tác với chính quyền Việt cộng, ngược đãi các bạn tù tại trại Thanh Cẩm trong những năm 1978 và 1979. Trong trại cải tạo, Thi đã đánh chết cựu dân biểu Đặng Văn Tiếp và ông Lâm Thành Văn, và đã tra tấn nhiều tù nhân khác như đại tá Trịnh Tiếu, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, ông Nguyễn Sỹ Thuyên và nhiều người khác. Nhiều nạn nhân sau này đã đi định cư Hoa Kỳ trong chương trình HO dành cho cựu tù cải tạo. Ông Thi cũng đã đến Hoa Kỳ cuối năm 1994 theo chương trình tị nạn này và hiện định cư ở Quận Cam.

Theo luật tị nạn quốc tế, những ai đã vi phạm nhân quyền của người khác thì không được hưởng quyền tị nạn. Chính phủ Hoa Kỳ đã không biết về việc làm của Ông Thi thời gian trong tù cải tạo khi chấp nhận cho ông nhập cảnh Hoa Kỳ. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều nhân chứng, tháng 12 năm 1999, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã cung cấp tài liệu, hình ảnh, và danh sách nhân chứng cho văn phòng Cố Vấn Pháp Lý của Sở Di Trú và yêu cầu tiến hành điều tra sự vụ. Hồ sơ sau đó được chuyển về Văn Phòng Di Trú tại Los Angeles để xử lý. Văn phòng này đã liên lạc với nhiều nhân chứng để phối kiểm và tuần qua đã được lệnh của văn phòng trung ương tiến hành thủ tục trục xuất. Bước đầu của thủ tục này là thu hồi thẻ xanh. Hồ sơ của ông Thi sẽ được đưa ra toà án di dân vào tháng 5 tới đây. Ngoài trường hợp của ông Thi ra, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đang quan tâm đến đường dây đánh tráo hồ sơ để gài cán bộ cộng sản xâm nhập Hoa Kỳ theo các chương trình tị nạn. Nếu bị phát hiện, những trường hợp này cũng sẽ bị thu hồi thẻ xanh hay quốc tịch Hoa Kỳ và bị trục xuất.

Việc gài cán bộ cộng sản qua con đường tỵ nạn là việc làm được chính phủ CS Hà Nội theo đuổi trong suốt nhiều thập niên không riêng với quốc gia Hoa Kỳ mà còn nhiều quốc gia khác trong đó có Úc Đại Lợi. Hy vọng, việc Bùi Đình Thi bị Mỹ trục xuất và sự quan tâm của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển tại Mỹ đối với các cán bộ cộng sản xâm nhập Hoa Kỳ theo chương trình tỵ nạn, sẽ là bài học qúy giá giúp cộng đồng người Việt tại Úc có những việc làm cầp thiết tương tự.

Sau đây, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng qúy qúy độc giả bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, một nạn nhân từng bị Bùi Đình Thi đánh đập vô cùng dã man, đồng thời là nhân chứng, chứng kiến Bùi Đình Thi giết chết thiếu tá dân biểu Đặng Văn Tiếp và ông Lâm Thành Văn tại trại cải tạo Thanh Cẩm, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã viết bài viết này từ năm 1995, và chúng tôi đã nhận được bài viết vào năm 1996. Thời điểm đó, sau khi cân nhắc, chúng tôi thấy việc gợi lại một bi kịch thương tâm trong lòng độc giả là điều không cần thiết, nên đã không đăng tải. Nay, trước sự việc Bùi Đình Thi bị Mỹ trục xuất, chúng tôi thấy tội ác của Thi cần phải được bạch hóa để có thể đạt ba mục đích:

Thứ nhất, những ai trong quá khứ đã chứng kiến những tội ác của cộng sản, dù ít, dù nhiều đều có trách nhiệm làm sáng tỏ sự thưởng phạt của công lý.

Thứ hai, những người cộng sản đã gây tội ác, hoặc đang ở vị thế quyền lực có thể gây tội ác, hãy lấy Bùi Đình Thi làm gương. Thời đại hôm nay, cùng với những phát triển về khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí thế giới về tự do dân chủ gia tăng, và khả năng thực thi công lý có tính toàn cầu, chắc chắn những hành động độc tài, những tội ác phi nhân, cụ thể như Milosevic, Pinochet, Bùi Đình Thi... không sớm thì muộn đều phải đền tội. Lãnh tụ Nelson Mandela, khi trở thành tổng thống Cộng Hòa Nam Phi đã chấp thuận cho thành lập tòa án công lý, xét xử những cá nhân vi phạm những tội ác diệt chủng, đã tuyên bố: Một tội ác, dù xảy ra ở bất cứ đâu, trong bất cứ giai đoạn nào, núp dưới bất cứ danh nghĩa nào, cũng vẫn là tội ác. Chỉ khi nào tội ác đó được xét xử và trừng phạt một cách quang minh, khi đó, kẻ phạm tội và người bị tội mới thực sự thoát khỏi những ràng buộc ân oán, hận thù truyền kiếp, và trật tự xã hội, phúc lợi của những thế hệ tương lai mới được bảo đảm.

Thứ ba, Bùi Đình Thi là người đã có những hành động tàn nhẫn, vi phạm nhân quyền, nhưng đã núp dưới danh nghĩa tỵ nạn chính trị, để được nhập cảnh Hoa Kỳ. Sự tỵ nạn thành công của Bùi Đình Thi trong thời gian qua đã khiến những người cộng sản Việt Nam hy vọng, tương lai, một khi tình hình chính trị tại VN có những biến chuyển bất lợi cho cộng sản, họ sẽ đào thoát khỏi VN, và xin tỵ nạn chính trị tại các quốc gia tự do trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người cộng sản nên hiểu, ngay cả trường hợp Bùi Đình Thi không phải là gián điệp cộng sản, tư cách tỵ nạn của Thi cũng bị bác bỏ. Bằng chứng, Thi đang bị chính phủ Mỹ trục xuất. Những người cộng sản nên nhớ, tỵ nạn chính trị là đặc quyền dành riêng cho những người vì lý do chính trị mà bị bạc đãi, bị hành hạ. Tuyệt nhiên không dành cho những kẻ như Milosevic, như Bùi Đình Thi, hoặc những người cộng sản có tội ác khác. Vì vậy, mọi mưu toan của cộng sản Việt Nam, coi "tỵ nạn chính trị" như là một giải pháp trốn tránh công lý một khi tình hình trị và xã hội tại Việt Nam có những biến chuyển bất lợi cho cộng sản, đều là ảo tưởng.

PHẦN HAI

Giết chết anh Tiếp xong Bùi Đình Thi lôi xác anh vào buồng vất chồng lên người tôi đang nằm như một thây ma bất dộng dưới lối đi, nơi mà mấy tháng trước đây tên Đại tá Công an VC Hoàng Thanh đã đi qua để nhìn mặt chúng tôi. Lúc này tôi nằm ngửa còn xác anh Tiếp mềm nhũn nằm sấp áp lên người tôi. Trong tư thế đó, tôi là người thân cuối cùng có mặt để tiễn đưa anh về thế giới bên kia. Xác anh Tiếp thật nặng đè lên người làm tôi ngạt thở, tôi cố vùng vẫy lật xác anh qua một bên để có thể hít thở, nhưng tay tôi không còn cử động được, cũng may lúc đó có một tên cán bộ bước vào và tôi nghe tiếng của Bùi Đình Thi báo cáo: "Thằng Tiếp nó chết rồi". Tên cán bộ ra lịnh cho Bùi Đình Thi kéo xác anh Tiếp lên bệ xi măng, chỗ mà mọi ngày anh vẫn nằm, nhờ đó tôi không bị chết ngạt.

Nằm dưới sàn nhìn lên, tôi còn thấy đôi gót chân đầy bùn của anh Tiếp và đó là hình ảnh cuối cùng tôi nhớ về một người anh kết nghĩa mà tôi hết lòng yêu quí và kính phục. Mãi tới 13 năm sau, tức là năm 1992, khi qua Pháp tôi mới được nhìn thấy hình ảnh khác thuộc về anh khi chị Huyền Thanh trao cho tôi mấy tấm ảnh chụp ngôi mộ của anh Tiếp nà chị mới về VN xây cho anh tại Nam Định là cố hương của anh. Tội nghiệp cho chị Thanh, người vợ sắp cưới của anh Tiếp, từ hôm nghe tin anh qua đời đến nay, chị không còn nghĩ tới một hình ảnh nào khác. Chị đã bị xúc động dữ dội khi nghe tôi kể lại chi tiết về cái chết của Tiếp. Trong tháng 5/1995, khi được tôi báo tin Bùi Đình Thi đã đến Hoa Kỳ và hiện đang ở Quận Cam, sự xúc động của chị gần như tăng đến cực độ.

Trở lại thảm kịch trên, khi biết Tiếp đã chết thật rồi, lòng tôi đau xót vô cùng. 2 anh em đã nâng đỡ nhau trong những ngày hoạn nạn, giờ đây anh không còn nữa. Trong cuộc đời còn lại của tôi, gần như không lúc nào quên được hình ảnh của anh.

Lúc bấy giờ tôi nhớ lại, trước khi vượt ngục, tôi có giấu chiếc nhẫn vàng 2 chỉ vào cái cúc quần của anh Tiếp. Đây là chiếc nhẫn mà anh Thụ, người em kế của anh đã khéo giấu trong một hộp sữa 2 đáy gởi ra cho anh cùng với tấm bản đồ và cái địa bàn. Tôi chỉ nhớ được từng đó. Đây là hành trang qúy nhất mà anh cần có khi quyết định vượt ngục. Không ngờ anh không còn sử dụng được chúng nữa.

Một lúc sau, tôi lại đi vào cơn hôn mê như một giấc chiêm bao kéo dài. Tôi thấy mình đang chới với bước đi trên một vùng đầy mây trắng đóng thành từng mảng cứng như nước đá trong một khoảng không gian hoàn toàn yên lặng. Tôi đạp trên các vầng mây tiến lên mà chẳng biết là đi về đâu, thỉnh thoảng không gian hoàn toàn yên lặng. Tôi đạp lên các vầng mây tiến lên mà chẳng biết đi về đâu, thỉnh thoảng một tảng băng vỡ ra, tôi bị hụt hẫng và bám vào thành các tảng mây khác để leo lên và cố gắng vươn tới trong khoảng chân không mông lung huyền ảo...

Lần xuống "đáy địa ngục":

Chẳng biết cơn hôn mê của tôi kéo dài bao lâu, nhưng khi tỉnh lại tôi biết Bùi Đình Thi đang vác tôi ngang qua vai anh ta, 2 tay cầm lấy 2 chân tôi, bụng tôi áp vài vai anh, đầu và 2 tay thòng ra sau lưng. Có lẽ vì bị dằn vật quá mạnh theo nhịp bước chân của Thi, tôi đã tỉnh cơn mê. Bùi Đình Thi vác tôi vào nhà kỷ luật vừa mới xây xong để thay cho khu nhà kỷ luật cũ không đủ kiên cố và kém tính chất ác độc hơn. Tôi còn nhớ lúc đó tôi chọn chân trái đưa cho anh ta cùm. Sau khi được đặt nằm yên, tôi lại đi vào cơn hôn mê, Khi tôi tỉnh lại thì trời tối đen như mực, tôi không thấy gì. Bỗng nghe tiếng anh Nguyễn Sỹ Thuyên bên cạnh mới hay anh đang bị cùm chung một thớt với tôi (thớt là bệ nằm bằng xi măng rộng 1 m, dài 1.8 m và cao chừng 80 cm). Anh Thuyên cho biết lúc ấy có lẽ quá nửa đêm rồi. Anh nói:

- Sáng nay, khi nó mang tôi vào ông đang mê man. Tôi gọi mãi không thấy ông tỉnh dậỵ, tôi lo quá, tưởng là ông đi luôn! Có biết anh Tiếp ở đâu không"

Tôi thều thào qua hơi thở:

- Tiếp chết rồi!

Thuyên kinh hãi kêu:

- Tiếp chết rồi à"

- Ừ, anh Tiếp chết rồi! Thằng Thi nó đánh anh Tiếp chết trước cửa buồng mình, xác anh Tiếp nằm đè lên người tôi.

Anh yên lặng hồi lâu mới nói được:

- Tiếp chết rồi, còn Tiếu và Văn đâu"

- Tôi không biết.

Một lúc sau, tôi cảm thấy buồn nôn, định quay mặt nôn xuống sàn nhà nhưng không còn sức để trở người, tôi nằm ngửa nôn thốc tháo ra ướt đầy mặt mũi và ngửi thấy một mùi rất tanh hôi. Sáng hôm sau, khi trời sáng tôi mới thấy tôi đã nôn ra toàn là máu! Ban ngày, khi tiểu tiện cũng ra máu, mà đại tiện cũng ra máu. Tôi biết là cơ thể của tôi đã bầm nát hết rồi. Tôi không tin mình có thể sống sót được. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu máu bầm trong cơ thể đã thoát ra ngoài được là điều tốt, máu bầm ứ lại bên trong rất nguy hiểm. Tôi tìm hết mọi cách cho máu bầm thoát ra, nhưng rất khó khăn. Vài ngày sau, khi nước tiểu của tôi trong lại, tôi hứng lấy và uống vào mỗi ngày chừng vài muỗng. Anh em đi tù thường dùng nước tiểu để bóp các chỗ bị máu bầm trong cơ thể, vì không còn phương thuốc nào khác. Phương thuốc gia truyền này đã tỏ ra có hiệu nghiệm, vì trong nước tiểu có chất muối làm tan máu. Tôi tiếp tục tự chữa cho mình như vậy trong thời gian chừng mươi hôm, cho tới khi thấy trong nước tiểu không còn máu nữa, tôi mới ngưng không uống "thuốc".

Nhờ cách trị bịnh nói trên, cơ thể tôi dần dần khá lại. Chỉ một tuần lễ sau, tôi đã có thể xoay trở người để đi đại tiện hay tiểu tiện xuống sàn nhà. Khoảng 3 tuần sau, tôi có thể ngồi lên được. Tôi còn nhớ trong lần gượng dậy đầu tiên, anh Thuyên đã giúp tôi vì anh đã phục hồi trước tôi vài hôm. Anh dùng ống tay áo cột vào cổ rồi kéo tôi từ từ ngồi dậy. Sự cố gắng quá sức, tưởng chừng như cả bộ xương của tôi đang bị rời ra từng mảnh, nhưng tôi phải cố gắng ngồi lên, vì tôi nghĩ rằng nằm lâu ngày quá có thể bị liệt cột sống. Trong thời gian đó, tôi sợ nhất là ho hoặc hắt hơi, vì mỗi lần như thế cơ thể tôi bị giật mạnh làm các khớp xương như muốn long ra, đau đớn không thể nào diễn tả được.

Mạng thứ hai

Mấy ngày sau tôi được biết 2 anh Trịnh Tiếu và Lâm Thành Văn cũng bị đánh đập tả tơi và đang bị cùm chân trong nhà kỷ luật cũ, còn được gọi là "Nhà Đen" (vì máy nhà lợp bằng thứ giấy nhựa màu đen). Nhà Đen nằm ngay trước khu kiên giam mà trước kia mỗi lần đi đổ phân, chúng tôi phải đi vòng qua. Khu kỷ luật này sắp được phá đi và thay thế bằng khu nhà kỷ luật mới mà anh Thuyên và tôi hiện đang bị cùm. Khu kỷ luật mới có 6 buồng, mỗi buồng có 4 cái cùm bằng sắt. Khu này cấu trúc thật kiên cố, tường dày 40cm, nóc bằng bê tông như khu kiên giam. Các buồng được nghiên cứu kỹ, phải qua 2 lần cửa mới ra vào được. Mỗi buồng có 1 cửa sổ chừng 50 cm vuông, chắn bằng song sắt to. Các cửa sổ này đủ rộng để cán bộ có thể nhìn vào kiểm soát, nhờ một tí ánh sáng lờ mờ từ bên ngoài lọt vô, nhưng không đủ để thông hơi và thoát khí. Về mùa hè, hơi nóng từ mái bằng tỏa xuống, biến các buồng thành những lò hấp người. Nhiều tù nhân đã ngất xỉu vì ngạt thở hay hơi nóng, phải gọi cấp cứu, nhưng khi cán bộ lên mở cửa buồng, có không khí vào là tỉnh lại ngay. Tôi bị cùm chân trong nhà kỷ luật này đúng 3 năm, chịu đựng không biết bao nhiêu thứ cực hình, nhưng nặng nề nhất vẫn là sự tiếp tục hành hạ và đánh đập của Bùi Đình Thi.

Như vậy trong 4 người còn sống đang bị cùm ở 2 nơi, anh Tiếu và anh Văn cùm chung buồng tại "Nhà Đen", cha Định cũng đang bị cùm riêng một buồng bên đó, còn anh Thuyên và tôi ở nhà kỷ luật mới. Một tuần sau, tôi được anh Nguyễn Tiến Đạt cũng đang bị cùm trên khu kỷ luật và được chỉ định làm trực sinh, báo tin anh Lâm Thành Văn bị Bùi Đình Thi bỏ đói vừa mới chết hồi sáng sớm. Nghe tin này, anh Thuyên và tôi bàng hoàng xúc động. Một người anh em nữa đã ra đi và Bùi Đình Thi lại phạm một tội sát nhân khác.

Mãi tới gần 1 tháng sau, khi Nhà Đen bị phá bỏ, anh Tiếu và cha Định được chuyển vào buồng tôi, lúc bấy giờ anh Tiếu mới kể lại đầu đuôi về cái chết của Lâm Thành Văn cho chúng tôi nghe. Anh Tiếu cho biết, sáng ngày 2/5, khi vừa có 3 tiếng súng báo động, cả anh Tiếu và anh Văn đã bị cán bộ túm lấy đánh cho một trận, tuy không dữ dội như 3 anh em chúng tôi bên ngoài, nhưng anh Tiếu bị gãy một xương sườn. Sau đó cả 2 người được đưa vào cùm chung buồng ở Nhà Đen. Tôi không nhớ anh có nói anh bị Bùi Đình Thi đánh hay không. Những ngày tiếp theo, anh Lâm Thành Văn yếu đi nhiều vì anh có chứng đau dạ dày khá nặng, lại bị trọng thương, không nuốt gì vào miệng được. Từ trước tới nay, anh Văn có tiêu chuẩn ăn cháo, vì đau dạ dày nặng không thể ăn được khoai lang và sắn (khoai mì). Mỗi bữa ăn, anh được một bát cháo trắng và chừng một muỗng muối nhỏ. Số muối này anh ăn không hết nên thường chia cho các anh em trong buồng mỗi người 1 chút. Muối ở trong trại tù rất hạn chế, chúng tôi không đủ muối để ăn. Tôi còn nhớ rõ 1 chi tiết về muối như sau: Khi anh Tiếp còn sống, có lần anh ngậm được 1 hạt muối do anh Văn vừa cho, anh chỉ cắn 1 tí, còn 1 tí anh cầm trong tay và giơ nhá nhá trước mặt tôi, miệng hít hà nói: "Ăn miếng muối nó ngọt như đường cậu Bảy ơi!"

Trước khi chúng tôi vượt ngục, trại cho ăn sắn thường xuyên, nhưng anh Văn vẫn ăn cháo với muối, nhờ vậy từ khi có kế hoạch vươt ngục chúng tôi đã để dành được mỗi ngày một ít muối, phòng lúc ra rừng có muối mà ăn. Tới ngày vượt ngục, chúng tôi gom góp được chừng non bát muối. Bùi Đình Thi đã xét thấy số muối đó trong túi của tôi khi bị bắt lại. Đây chính là nguyên nhân cái chết của anh Lâm Thành Văn. Sau khi bị cùm chân, Bùi Đình Thi không cho anh Văn ăn cháo nữa, mặc dù tiêu chuẩn trại vẫn còn. Khi gánh cháo lên đến khu kỷ luật, anh ta đá cháo đi, bắt anh Văn ăn khoai hay sắn, những thứ mà anh Văn không thể nào nuốt được. Bữa ăn nào, anh Văn cũng kêu van năn nỉ, nhưng Bùi Đình Thi trả lời một cách dứt khoát: "Cho ăn cháo để chúng mày lấy muối trốn trại à" Không ăn sắn được thì chết".

Anh Trịnh Tiếu kể lại rằng trong suốt mấy ngày đó, anh Văn không có gì để bỏ vào miệng, vì đang thời gian phải ăn khoai và sắn. Anh Văn chỉ uống nước cầm hơi. Đêm trước khi qua đời, anh Văn đã nói sảng như người nằm mơ và toàn nói về các món ăn, chứng tỏ cơn đói đã hành hạ anh dữ dội. Sáng sớm hôm đó, anh Văn nhờ anh Tiếu đỡ ngồi lên. Với 1 chân trong cùm, chân kia co lại, anh ngồi gục đầu trên 2 cánh tay đang khoanh tròn trên đầu gối. Anh ngồi yên trong tư thế này như vẫn thường ngồi hàng ngày. Thấy anh Văn đã ngồi yên, anh Tiếu bước chân không bị cùm xuống sàn với lấy ống bẩu đi đại tiện, nhưng mắt không rời anh Văn vì nhận thấy nơi anh có dấu hiệu hơi khác thường. Trong khi đang chân trên chân dưới vật lộn với cái ống bẩu, anh nhìn thấy anh Văn gục mạnh xuống và không gượng dậy nữa. Anh gọi mấy tiếng không nghe trả lời, anh vội ném ống bẩu xuống, đỡ anh Văn dậy, nhưng thấy anh ta đã mềm nhũn. Anh Văn đã chết và chết vì đói! Anh chết dần chết mòn như ngọn đèn cạn dầu tới lúc phải tắt. Khi chết, chân anh vẫn còn mang cùm!

Anh Lâm Thành Văn không thuộc nhóm 48 Quyết Tiến của chúng tôi. Anh từ trại Quảng Ninh đến. Anh và anh Võ Thành Đông cùng làm nghề lái xe khách và cùng bị bắt về tội tham gia tổ chức Phục Quốc. Nhưng sau khi bị bắt một thời gian, 2 người xích mích nhau vì những lời khai báo của anh Đông với công an. Khi đến trại Thanh Cẩm, chuyện xích mích giữa anh Văn và anh Đông trở nên trầm trọng. Không biết anh Đông đã báo cáo như thế nào với Ban An ninh của trại mà anh Văn bị đưa lên giam ở nhà kỷ luật. Sau khi anh Văn bị đưa lên nhà kỷ luật, anh em trong trại không còn dám nói chuyện gì với anh Đông nữa.

Như vậy trong 10 ngày đầu của tháng 5/79, Bùi Đình Thi đã trực tiếp giết chết 2 mạng người, anh Đặng Văn Tiếp và anh Lâm Thành Văn, bằng 2 cách khác nhau. Tôi dùng chữ trực tiếp vì mặc dù trước đó cán bộ có đánh đập, nhưng nếu không có bàn tay của Bùi Đình Thi, cả 2 anh đã không chết hoặc không phải chết bằng những cách thức như vậy. Anh Lâm Thành Văn chết đi để lại vợ và 5 con còn thơ, lúc đó đang ở xã Xuân Hiệp, Thủ Đức.

9 năm sau, vào cuối năm 1988, khi ra khỏi tù và về tới Saigon, tôi có lên Thủ Đức tìm thăm vợ con anh Văn, nhưng họ đã dọn đi nơi khác từ lâu. Tôi dò hỏi mãi mà chẳng ai biết và từ đó tới nay tôi cũng chẳng nhận được tin tức gì về gia đình anh. Tôi ước mong chị Văn, các cháu của anh, những người thân yêu và bạn bè của anh, nếu đọc được câu chuyện này, xin hãy nhận lấy tâm tình đau xót của tôi về cái chết của anh, một người bạn của tôi và biết rằng hàng năm tôi đều cử hành lễ giỗ cho anh Văn và anh Tiếp vào ngày 2/5 dương lịch. Tôi rất mong được liên lạc với gia dình của anh Văn. Xin những ai quen biết gia đình anh Văn trước đây giúp tôi điều này.

Tôi nghe kể lại, lúc đó sức khoẻ của anh Tiếu cũng đã kiệt quệ, nhưng có một sự may mắn là cán bộ Trực Trại cho anh Nguyễn Tiến Đạt, một bạn trẻ đang bị giam ở nhà kỷ luật, được cho đi làm vệ sinh chung quanh nhà kỷ luật và nhà kiên giam nên đã tìm cách giúp đỡ anh Tiếu. Lợi dụng công việc làm vệ sinh, anh Đạt đã liên lạc với các buồng kiên giam khác xin nước muối về cho anh Tiếu, nhờ vậy máu bầm trong người anh Tiếu tan dần. Thỉnh thoảng anh Đạt cũng xin được thêm vài miếng thức ăn đem về tiếp tế cho Tiếu, nhờ vậy Tiếu mới thoát được lưỡi hái của tử thần.

Hành tội sống

Người chết đã yên phận, mặc dù chết thật đau đớn và đầy oan nghiệt. Anh Tiếp và anh Văn đã thoát khỏi địa ngục Thanh Cẩm, thoát khỏi sự phản bội đầy tính cách độc ác của Bùi Đình Thi. Riêng phần chúng tôi, 3 anh em còn sót lại trong vụ vượt ngục đó, vẫn phải tiếp tục đền tội sống trong nhà kỷ luật suốt mấy năm trời. Nhà kỷ luật ở đây tự nó đã là địa ngục, có thêm Bùi Đình Thi vào, nó xuống sâu hơn mọi tầng địa ngục. Đó là đáy địa ngục! Nhưng ngay trong đáy địa ngục, con người cũng có phần số. Anh Tiếu và anh Thuyên có may mắn hơn một chút là không bị Bùi Đình Thi chiếu cố nhiều. Còn số phận của tôi vẫn chưa thoát khỏi được bàn tay đã từng vấy máu của Bùi Đình Thi.

Như tôi đã nói, sau cơn kinh hoàng vào sáng 2/5/79, chúng tôi mỗi người đi một nơi. Anh Tiếp vội xuống nằm yên dưới lòng đất. Một tuần lễ sau, Bùi Đình Thi đã gởi anh Văn đi theo. Anh Tiến và cha Định bị cùm ở Nhà Đen, anh Thuyên và tôi ở nhà kỷ luật mới. Vì cha Định không thể tham gia cuộc vượt ngục, nên chúng tôi đã xin ngài để chúng tôi trói tay bịt miệng lại. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp cho ngài tránh được tội đồng lõa. Dù vậy, cha Định cũng vẫn bị cùm trong nhà kỷ luật, tuy không bị đánh đập gì cả. Cũng vì lý do đó, sau này khi 4 người bị nhốt chung một buồng trong nhà kỷ luật mới, đã có nhiều chuyện đau lòng xảy ra giữa cha Định và 3 anh em chúng tôi.

Trong 3 tuần đầu, chúng tôi bị cùm chân suốt ngày đêm trong kỷ luật, anh Thuyên và tôi ăn uống, tiêu tiểu một chỗ. Trong tuần đầu, chưa ai trở người được nên phải đại tiểu tiện và ói mửa ngay trên bệ nằm bằng xi măng của mình, xong dùng tay gạt xuống sàn và xé áo quần ra lau chùị Tuy trong buồng có các ống bẩu dùng cho việc đi vệ sinh, nhưng làm sao chúng tôi xử dụng được khi chúng tôi trở người còn chưa nỗi" Càng ngày đống phân trong buồn càng cao và bộ quần áo duy nhất của chúng tôi càng nhỏ lại. Tuy vậy, tôi không cảm thấy mùi hôi thối gì cả, nhưng mỗi lần bọn cán bộ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, tôi thấy họ phải lấy tay bịt mũi lại, tôi biết buồng mình... kém vệ sinh lắm!

Tôi đang lo ngại khi không biết xoay sở ra sao khi áo quần đã xé gần hết mà kêu xin nhiều lần cán bộ nhất định không cho thì không ngờ anh Thuyên có giải pháp hay. Anh ngồi tẩn mẩn xé mảnh vải dài chừng 3 gang tay, rộng một gang, ở 4 góc cột dây vải khoảng 2 gang, nhìn thoáng qua trông như bộ bikini của các bà các cô mặc khi tắm biển, nhưng bộ bikini này là hình chữ nhật, trông giống như loại diều giấy trẻ con hay thả chơi khi trời lộng gió. Với bộ bikini này, khi "mặc" vào rất đơn giản, chỉ việc cột 2 dây phía trước ra sau lưng và 2 dây sau lưng ra trước rốn là xong. Mặc như vậy tuy trông hơi có vẻ "sexy" một chút, nhưng gọn nhẹ, tiện dụng và đa năng, vì chỉ cần tháo 2 gút dây là có ngay một khăn mặt dể dùng. Không ngờ anh Thuyên là một giáo sư Toán mà lại có khả năng bén nhạy, vẽ đúng kiểu "thời trang" như vậy. Lúc bấy giờ không còn loại y phục nào phù hợp hơn cái "mốt" anh Thuyên đã sáng chế cho anh và tôi. Nhưng rất tiếc là mỗi người chỉ có một cái duy nhất, vì không còn vải để làm cái thứ hai.

Mỗi buổi sáng trong tuần lễ thứ 3, chúng tôi được tháo cùm và cho xuống sông mã tắm giặt lần đầu tiên. Tất cả khoảng hơn 20 tù nhân kỷ luật, trong số đó có vài ba linh mục, ai cũng trông thật bệ rạc, đã xếp thành hàng đôi, tay ôm áo quần và các loại đồ chứa nước, chờ Trật Tự mở cửa buồng. Thấy anh Thuyên và tôi mặc "bikini" từ trong buồng số 4 bước ra, ai cũng trố mắt nhìn. Không biết anh em đã nhìn chúng tôi vì bộ "bikini" hay vì 2 cái thân tàn ma dại, mình mẩy đầy cứt" Có lẽ cả hai! Tôi không có gì để giặt, nhưng trước khi ra khỏi buồng đã lẹ làng quơ hết số giẻ rách rải rác dưới sàng, mang đi giặt để dùng lại vì chẳng còn đâu áo quần để xé nữa. Vừa ra khỏi buồng, tôi bị quáng mắt và xiêu đảo, phải dừng chân hồi lâu mới bước đi, nhưng tôi lại không thể nhắc chân lên được vì người quá yếu. Tôi đã nằm một chỗ trong thời gian mấy tuần liền, người gần như bị liệt nên cán bộ phải cho 2 anh tù khác giúp kè tôi đi. Anh Thuyên đỡ hơn, có thể tự đi một mình, nhưng trông dáng anh đi thật thê thảm, 2 chân dạng ra và lết đi từng bước, lưng cong vòng như cái cạp nong, tưởng chừng như đầu anh gần chạm đất. Quãng đường tới bờ sông chỉ chừng hơn 100m, thế mà lúc đó thấy sao đi mãi không đến nơi. Khi đi ngang qua hội trường giữa sân trại, tôi rùng mình nhớ lại cảnh tượng ở đây 3 tuần trước và 2 con mắt của Bùi Đình Thi... Lúc này anh ta đang đi ngay sau lưng tôi vì tôi đang lê từng bước ở cuối hàng.

Khi tới bờ sông, cả bọn ùa xuông sông khua khoắng, tắm giặt... Nước thượng nguồn sông Mã hôm ấy thật trong và cạn chỉ tới cổ vì các ngày trước không mưa. Trầm mình trong dòng nước lạnh tôi thấy rất dễ chịu, nhất là vì đã tẩy rửa được bao nhiêu thứ dơ bẩn đã bám nặng trên người trong 3 tuần lễ kinh hoàng vừa qua. Vừa kỳ cọ thân thể, tôi vừa nhìn các anh em, nhất là các anh em linh mục. Họ cũng đang nhìn tôi một cách ái ngại, nhưng không ai dám nói năng gì. Chúng tôi chỉ nhìn ánh mắt cảm thông nhau, vì lúc ấy tôi bị cấm tiếp xúc với tất cả mọi người. Hơn nữa, từ trên bờ lúc nào cặp mắt của Bùi Đình Thi cũng dán vào tôi. Tắm một chốc tôi đã cảm thấy mệt và thở dốc. Tôi đưa mắt hướng về phía xuôi dòng nước, bồi hồi nhớ lại cái hốc đá dưới gốc cây to bên bờ sông, nơi 3 người đã ẩn nấp... Giờ này chỉ còn lại 2! Tôi không dám suy nghĩ tiếp và cứ đứng yên ngâm mình trong nước nhìn đàn cá mương đang lao nhao ngụp lặn chung quanh mấy anh tù để kiếm ăn. Bọn cá này cũng già kinh nghiệm, biết rằng chỉ có tù đi tắm chúng mới được một bữa ăn thoải mái! Theo dõi đàn cá đang tranh ăn, tôi nghĩ vớ vẩn: "Mấy con cá ngu này, chúng mày vớ được ghét của tao, nuốt vào không hóa dại thì cũng sẽ ói ra!" Tôi nghĩ quẩn thế thôi, chớ cá mương ăn phân người làm gì có chuyện ói mửa!

(Còn tiếp...)

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ Nhóm Quyết Tiến 48 Viết tại Auckland, New Zealand Ngày 2/1/1995

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.