Hôm nay,  

Phỏng Vấn Ông Nguyễn Kim, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại Mtqgtngpvn

28/10/200000:00:00(Xem: 4015)
Lời Giới Thiệu: Trước những biến chuyển của tình hình Việt Nam và thế giới, ông Nguyễn Kim, Tổng vụ trưởng Tổng vụ hải ngoại MTQGTNGPVN, đã viếng thăm và trò chuyện cùng đồng bào tại Úc trong thời gian hai tuần lễ. Được biết, trước năm 1975, ông Nguyễn Kim là một sĩ quan của không lực VNCH. Trách vụ sau cùng của ông là Trung tá, Phi đoàn trưởng, Phi đoàn 255, Sư đoàn 4 không quân. Sau khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, ông tỵ nạn tại Hoa Kỳ, và lái trực thăng cho một hãng hàng không dân sự tại Alaska, Hawaii và Ấn Độ. Năm 1980, ông gia nhập MTQGTNGPVN, và lần lượt đảm trách nhiều chức vụ quan trọng. Từ tháng 12 năm 1984 cho đến nay, ông là Ủy viên Hội đồng Kháng chiến Toàn quốc kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ hải ngoại của MT. Nhân dịp ông viếng thăm Úc Châu, đại diện báo Sàigòn Times đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn gọn với mục đích tìm hiểu đường lối, quan điểm và mục tiêu của MT trước những diễn biến của VN và thế giới trong giai đoạn gần đây. Sàigòn Times trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Kim, và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả một số đoạn trong cuộc phỏng vấn.

Sàigòn Times (ST): Được biết đây là lần thứ ba ông viếng thăm Úc Châu. Vậy so với hai lần trước, ông thấy cộng đồng người Việt tại Úc đã có những khác biệt, những thay đổi gì quan trọng"

Ông Nguyễn Kim (Ô.N.K.): So với hai lần trước, điều khác biệt mà tôi thấy rõ nhất là cuộc sống của người Việt tự do tại Úc ngày càng khá giả hơn và lớp trẻ lớn lên tại Úc đã thành đạt nhiều hơn. Mức độ hội nhập của người Việt tốt hơn và sự đóng góp của giới trẻ đối với công tác cộng đồng và sinh hoạt đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và có hiệu quả hơn. Đặc biệt, sự ảnh hưởng của cộng đồng người Việt tại Úc đối với chính giới Úc cũng ngày càng rõ hơn. Một điểm quan trọng nữa cần phải đề cập là giới trẻ Việt Nam tại Úc đã đóng vai trò tiên phong đối với phong trào của thanh niên sinh viên học sinh Việt Nam trên toàn thế giới. Cụ thể, Đại hội Thanh Niên Sinh Viên Thế Giới và các phong trào Tuổi Trẻ Lên Đường đều khởi nguồn từ Úc rồi lan sang các quốc gia khác. Đây là một điểm rất đáng khích lệ đối với thế hệ cha anh. Nói cách khác, thế hệ trẻ Việt Nam tại Úc quả thực đã thức tỉnh để đóng vai trò tiếp nội vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

ST: Theo ông, động lực nào đã tạo nên sự thức tỉnh, sự chuyển hướng quan trọng đó của giới trẻ"

Ô.N.K.: Theo tôi chính sự phát triển kỳ diệu về các phương tiện truyền thông hiện đại đã khiến giới trẻ nắm được chính xác những sự kiện xảy ra khắp nơi trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Sau nhiều thập niên chỉ biết theo dõi những cuộc tranh luận của thế hệ cha anh, nay giới trẻ Việt Nam hải ngoại đã có điều kiện trực tiếp tiếp xúc với tình hình chính trị trong nước. Những điều thấy tận mắt, nghe tận tai đó đã làm cho giới trẻ Việt Nam hiểu được thực trạng bi thương của đất nước và từ đó phát sinh những khát vọng đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Nhận thức được sự chậm tiến của đất nước, sự lầm than của dân tộc, cùng những độc tài, áp bức của chế độ CSVN, giới trẻ thấy bực tức, xấu hổ và tự ái khi so sánh Việt Nam với các quốc gia khác. Từ sự so sánh này, cộng với lòng yêu nước, thương dân đã tiềm ẩn trong tâm hồn của họ đã khiến họ quyết tâm nhập cuộc đấu tranh. Chính sự nhập cuộc với khí thế hăng hái, tràn trề lòng tự tin và đầy tài năng của giới trẻ đã khiến cho chúng ta tin tưởng, các phong trào đấu tranh của người Việt hải ngoại đã có sự kế tục của giới trẻ.

ST: Trong những năm gần đây, số học sinh từ VN xuất ngoại du học tại các quốc gia có người Việt tỵ nạn cư ngụ càng ngày càng đông. Trong tương lai, số học sinh này sẽ có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của VN. Vậy theo ông, chúng ta nên làm gì để tạo điều kiện cho các em du học sinh có hội tham gia vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc"

Ô.N.K.: Về thành phần du học sinh Việt Nam chúng tôi nhận thấy có ba thành phần. Thành phần thứ nhất là thành phần con ông cháu cha, thành phần thứ hai là con cái của các gia đình làm ăn thành công có tiền bạc, và thành phần thứ ba là các học sinh ưu tú buộc chính quyền Hà Nội phải cho du học tại nước ngoài. Trong thành phần thứ ba, chắc chắn loại con ông cháu cha rất ít. Theo quan điểm của tôi, thành phần du học sinh thuộc loại con ông cháu cha khó có thể cảm hóa. Chúng ta phải cố gắng cảm hóa hai thành phần du học sinh còn lại. Cái khó của chúng ta là phải làm sao giữ được sự ổn định trong cộng đồng đối với việc giác ngộ các du học sinh Việt Nam. Tại sao Việt cộng chiêu dụ được các du học sinh Việt Nam trước năm 1975 mà chúng ta hiện nay không chiêu dụ được những du học sinh của Việt Cộng" Chúng tôi hiện đang suy nghĩ cách để vận động các du học sinh đứng về phía chúng ta mà vẫn không làm nhiều người Việt hải ngoại giận dữ và chống đối.

ST: Nhìn vào phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ tại VN, nhiều người vẫn băn khoăn đi tìm một lực lượng tiên phong. Vậy trong hiện tại và tương lai, ông nghĩ lực lượng nào sẽ là lực lượng tiên phong, lực lượng chủ yếu để tiến hành cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho Việt Nam"

Ô.N.K.: Lực lượng nào là lực lượng tiên phong tùy thuộc vào từng giai đoạn từng hoàn cảnh. Có nhiều người hiện nay cho rằng tôn giáo chính là lực lượng tập hợp dân tộc lớn nhất. Tuy nhiên quan điểm của Mặt Trận thì việc phát triển một lực lượng đối kháng trong nước là một hướng đi rất quan trọng. Phát động phong trào đối kháng trong nước dưới các hình thức đấu tranh như đấu tranh chống tham ô hối lộ rất dễ lôi kéo được nhiều tầng lớp dân chúng tham gia. Lúc đó lực lượng tiên phong có thể là sinh viên học sinh, có thể là tôn giáo. Nói tóm lại vấn đề cốt yếu nhất vẫn là làm sao tạo ra được một sự đoàn kết các sức mạnh của dân tộc lợi dụng các hình thức đấu tranh đối kháng trong nước để dần dần tạo ra một phong trào đấu tranh có thực lực và rộng khắp. Từ đấu tranh chống tham ô hối lộ sẽ dẫn đến đấu tranh đòi nhân sinh nhân quyền...

ST: Theo quan điểm của Mặt Trận thì tình hình Việt Nam trong thời gian sắp tới sẽ phát triển như thế nào"

Ô.N.K.: Chế độ cộng sản tại Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Sự thay đổi này được đảng cộng sản rêu rao rằng đảng cộng sản sáng suốt ý thức được sự thay đổi cần thiết để làm cho dân giàu nước mạnh. Tuy nhiên theo quan điểm của Mặt Trận thì sự thay đổi của đảng cộng sản là nhằm mục đích duy trì sự sống còn và sự độc quyền cai trị của đảng. Tuyệt nhiên, những thay đổi đó của cộng sản không phải xuất phát từ thiện ý muốn cho dân giầu nước mạnh. Dĩ nhiên, dù muốn dù không khi thực hiện những thay đổi đó, đảng cộng sản phải nới lỏng sự kìm kẹp và bưng bít dân chúng quốc nội. Chính sự nới lỏng kìm kẹp và bưng bít này sẽ tạo điều kiện hình thành những lực lượng đối lập, những phong trào đối kháng. Và một khi đã có lực lượng đối kháng mạnh thì tình hình chính trị sẽ có những thay đổi bất ngờ, vượt khỏi sự dự đoán cũng như sự kiểm soát của cộng sản.

ST: Qua chiến thắng của phong trào tự do dân chủ tại Nam Tư, Mặt Trận đã rút ra được những bài học gì có thể áp dụng vào hiện tình Việt Nam để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam"

Ô.N.K.: Bài học lớn nhất từ Nam Tư là sự đoàn kết toàn dân sau lưng một lực lượng đối kháng thống nhất. Bài học thứ hai là sự hậu thuẫn của quốc tế. Sự hậu thuẫn này vô cùng quan trọng vì nó sẽ tạo cho người dân thấy được thế chính nghĩa của mình trong cuộc đấu tranh. Hiện nay chưa biết lực lượng nào sẽ là lực lượng đối kháng chính tại Việt Nam có thể tâp hợp được dân chúng đứng lên làm một cuộc cách mạng thay đổi chế độ độc tài. Tuy nhiên khi thời cơ đến lực lượng đó sẽ xuất hiện. Và khi lực lượng đó xuất hiện, sự hậu thuẫn quốc tế ắn phải có.

ST: Tại Nam Tư phe đối lập đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Châu Âu và Hoa kỳ. Theo ông, liệu lực lượng đối kháng tại Việt Nam có nhận được sự ủng hộ tương tự hay không"

Ô.N.K.: Vấn đề quan trọng được đặt ra ở đây không phải là câu hỏi, “Liệu Tây phương và Hoa Kỳ có ủng hộ một lực lượng đối kháng tại Việt Nam hay không"” Vấn đề quan trọng có tính tiên quyết là tại Việt Nam khi nào thì có một lực lượng đối kháng đủ mạnh để có thể tập hợp được sức mạnh toàn dân. Một khi tại VN chúng ta có được lực lượng đối kháng đó, đương nhiên, sự ủng hộ của quốc tế sẽ đến.

ST: Có điều Việt Nam khác với Nam Tư ở một điểm quan trọng, đó là phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ tại Nam Tư đã diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang cấm vận Nam Tư. Còn với Việt Nam thì hiện tại, Tây phương và Hoa Kỳ đang phát triển quan hệ ngoại giao. Vì vậy, một khi lực lượng đối lập tại Việt Nam hình thành và phát triển sẽ ít nhiều gây xáo trộn xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và mối giao hữu giữa VN và các quốc gia Tây phương. Trong chiều hướng đó, nhiều người lo ngại, có thể các chính phủ phương Tây sẽ bắt tay với chính quyền Hà nội để ngăn chận sự bất ổn chính trị. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này"

Ô.N.K.: Chúng tôi không nhìn vấn đề theo chiều hướng như thế. Theo tôi, các nước phương Tây luôn luôn ủng hộ các lực lượng đối kháng trong các thể chế độc tài. Thậm chí Hoa kỳ luôn luôn tìm cách quan hệ với các phe đối lập tại các quốc gia để có thể ảnh hưởng đến các chính phủ đương quyền khi cần thiết. Bằng chứng, đại diện chính phủ Hoa kỳ trong thời gian qua đã có những nỗ lực quan trọng nhằm tiếp xúc với các nhân vật đối kháng nổi tiếng tại VN.

ST: Ông có cho rằng Việt Nam thiếu hai điều kiện quan trọng mà các nước phương tây thường dùng để buộc các chế độ độc tài phải thay đổi là thực hiện cấm vận và ủng hộ phe đối lập. Tại Việt Nam Hoa kỳ đã xóa lệnh cấm vận trong khi lực lượng đối kháng tại Việt Nam coi như chưa thực sự thành hình"

Ô.N.K.: Trước khi Ba Lan sụp đổ Công đoàn đoàn kết dù có mặt vẫn chưa phải là lực lượng đối kháng quan trọng với chế độ cộng sản. Tuy nhiên cũng như một bánh xe nặng ký, nó chuyển vận hơi chậm lúc ban đầu nhưng khi có trớn nó đã lăn rất nhanh và làm chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ. Về lệnh bãi bỏ cấm vận và bang giao kinh tế thì chính phủ Hoa kỳ đã đặt ra rất nhiều điều kiện nếu Hà Nội muốn ký một thương ước với Hoa kỳ. Những điều kiện này rất nguy hiểm cho chế độ cộng sản với Việt Nam vì thế chính quyền Hà Nội rất sợ phải ký hiệp định thương mãi đó. Nếu ký thì chính quyền Hà nội phải thực hiện các điều kiện và khi thực hiện các điều kiện, mặc nhiên chính quyền Hà Nội tạo điều kiện cho các khuynh hướng đối kháng phát triển tại Việt Nam.

ST: Khi nói đến Việt Nam chúng ta không thể nào không lưu ý đến Trung quốc. Hiện nay Trung quốc là một mẫu hình đổi mới rất thành công và Việt Nam là một bản sao y hệt của chế độ cộng sản Trung quốc. Vì thế, nhiều người lo ngại, nếu chế độ cộng sản tại Trung quốc không thay đổi, chế độ cộng sản Việt Nam cũng không bị suy chuyển. Quan điểm của Mặt Trận về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc như thế nào"

Ô.N.K.: Dù Trung quốc đang có hướng phát triển tốt tuy nhiên Hoa kỳ và các nước phương Tây có thể chấm dứt sự phát triển kinh tế của Trung quốc một cách dễ dàng. Tuy nhiên Hoa kỳ và các nước phương Tây không muốn có sự bất ổn tại Trung quốc vì nếu có bất ổn thì làn sóng tị nạn từ Trung quốc sẽ làm rối loạn tình hình kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trong vùng. Trong khi đó Việt Nam không thể có những ảnh hưởng như đối với tình hình Trung quốc. Dĩ nhiên tình hình chính trị tại Trung quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không phải là những ảnh hưởng có tính chất quyết định đối với sự bền vững của chế độ cộng sản tại Việt Nam.

ST: Như ông đã biết, tháng tới, tổng thống Clinton sẽ viếng thăm VN. Theo ông, chuyến viếng thăm đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam"

Ô.N.K.: Điểm đầu tiên, ta phải thừa nhận, chuyến viếng thăm của tổng thống Clinton sẽ có ảnh hưởng thuận lợi đối với cuộc đấu tranh chung của dân tộc VN. Bằng chứng là trước khi đi Việt Nam, đại diện các cộng đồng người Việt Tự do và các tổ chức tranh đấu đã được mời đến để trình bày nguyện vọng. Lần đầu tiên tiếng nói của cộng đồng người Việt tự do được các phụ tá hàng đầu của ông Clinton lắng nghe và ghi chép một cách đầy thiện chí. Cũng như lần đầu tiên các tổ chức của người Việt hải ngoại đã thống nhất ý kiến với nhau, thông qua chuyến đi của tổng thống Bill Clinton, đòi chính quyền Hà Nội phải thực hiện ba điểm: bảo đảm dân chủ, tự do tôn giáo và không được đàn áp dân chúng. Dù cho chuyến đi của ông Clinton không gây được một tác động chính trị nhanh chóng nào đối với tình hình Việt Nam, hơn nữa chuyến đi này chỉ có tính cách ghi nhận thành tích cá nhân của ông Clinton trong lịch sử Hoa kỳ, tuy nhiên ông Bill Clinton trong chuyến đi của mình chắc chắn sẽ đòi chính quyền Hà Nội thực hiện ba đòi hỏi nêu trên của người Việt hải ngoại là dân chủ, tự do tôn giáo và chống đàn áp. Điểm quan trọng nữa là chuyến đi của ông Clinton sẽ có tác động tâm lý tích cực đối với lực lượng đối kháng trong nước. Cần phải nhắc lại rằng quan hệ với phe đối lập tại các quốc gia trên thế giới là chính sách của chính phủ Hoa kỳ. Chính phủ Hoa kỳ hiện nay rất quan tâm đến các lực lượng đối kháng với chế độ Hà Nội tại Việt Nam. Sự hiện diện của ông Clinton, nguyên thủ của thế giới tự do tại Việt Nam chắc chắn sẽ làm cho các lực lượng đối kháng tại Việt Nam có thêm tinh thần để tiếp tục cuộc đấu tranh của họ và làm xuất hiện thêm những nhân vật đối kháng chính trị mới.

ST: Vừa qua các sinh viên Trung Quốc tại Hoa kỳ đã tiến hành thủ tục thưa kiện Lý Bằng về những tội ác y đã gây ra trong vụ đàn áp sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn. Qua vụ kiện đó, nhiều người Việt tại hải ngoại cho rằng đã đến lúc, cộng đồng người Việt cũng nên bắt chước các sinh viên Trung Quốc, tiến hành việc truy tố tại tòa án liên bang Mỹ một số lãnh tụ cao cấp của cộng sản như Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Võ Văn Kiệt về các tội ác chúng đã phạm trong thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1955 tại Miền Bắc hay đánh tư sản mại bản năm 1975 tại Miền Nam. Ông có nghĩ, đây là điều khả thi hay không"

Ô.N.K.: Tôi không nắm vững lắm về các thủ tục truy tố pháp lý trong vấn đề này, nên không muốn đi sâu. Tuy nhiên, điểm quan trọng cần phải lưu tâm là trước khi thưa kiện bất cứ tên lãnh tụ cộng sản nào, chúng ta cũng phải thận trọng, thu thập bằng cớ, nhân chứng thật đầy đủ, và tham vấn luật sư thật kỹ lưỡng, để bảo đảm một khi đơn kiện đệ trình, tòa án sẽ không thể bác đơn. Vì một khi đơn kiện bị bác sẽ tai tiếng và tạo nên một tiền lệ pháp lý nguy hiểm gây trở ngại cho những vụ kiện tụng chúng [CSVN] trong tương lai. Riêng cá nhân tôi, tôi tin rằng trong cuộc đấu tranh của chúng ta, chúng ta cần tận dụng bất cứ biện pháp đấu tranh nào có thể gây khó khăn, làm mất uy tín của chính quyền cộng sản Việt Nam. Sáng kiến về các hình thức đấu tranh này không chỉ là sáng kiến của các tổ chức, đoàn thể đấu tranh mà cũng có thể là sáng kiến của bất cứ cá nhân nào có lòng quan tâm đến cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc chống lại chính quyền cộng sản Hà Nội. Ví dụ anh Đoàn Việt Trung, chủ tịch cộng đồng người Việt Tự do Úc châu có đề nghị vận động ông Bill Clinton đòi chính quyền Hà nội phải trả lại tài sản họ đã cướp đoạt của người Việt tỵ nạn. Nếu việc này được tiến hành, rõ ràng là gây khó cho chính quyền Hà Nội để đối lại với việc chính quyền Hà Nội đòi Mỹ bồi thường những tác hại do chất độc màu da cam gây ra trong cuộc chiến tại Việt Nam.

ST: Chân thành cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn của Sài Gòn Times.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.