Hôm nay,  

Ấn Độ: Thời Kỳ Phát Triển Đã Qua?

03/06/200400:00:00(Xem: 5338)
Business Week

Một kết quả bầu cử đầy ngạc nhiên chứng tỏ Ấn Độ cần gia tăng chi phí nhiều hơn cho các nhu cầu xã hội. Liệu đó có phải là kết thúc của một đợt phát triển hay không"
Buổi lễ vọng buổi tối 18/5 bên ngoài căn nhà số 24 đường Akbar, trụ sở ở New Delhi của đảng Quốc Đại Ấn Độ, tràn đầy cảm xúc. Choáng váng trước quyết định từ chối chức Thủ tướng của bà Sonia Gandhi, những người trung thành với đảng, mặc áo dài và quần cotton trắng mang phù hiệu của mình, nài xin bà thay đổi ý kiến và kêu to: "Sonia Gandhi sẽ đến và đem lại một ánh sáng mới!" Một công nhân đã tự tử. Trong khi đó, trong nghị viện Ấn Độ, các nhà lập pháp hết người này đến người khác cầm micro rên rỉ ngay trên truyền hình quốc gia, cầu xin bà Gandhi quyết định chiến thắng cho họ trước đảng Bharatiya Janata đang cầm quyền và lãnh đạo chính phủ kế tiếp.
Cảnh đoạn trường ấy thật sự là một sân khấu tuyệt vời. Nhưng xin mọi người đừng lầm tưởng. Những chính trị gia trong cuộc, giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư đang thở phào nhẹ nhõm khi bà Gandhi duyên dáng quyết định từ chối nhận công việc cao qúy nhất này của Ấn Độ. Thay vì thế, bà ủng hộ ông Manmohan Singh, 71 tuổi, một trong những người hùng kinh tế vĩ đại của Ấn Độ. Là Bộ trưởng Tài chính từ năm 1991 đến 1996 dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao, ông già Singh râu trắng đã cứu Ấn Độ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và đưa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ lên con đường cải cách thị trường tự do.
Bất kể nước cờ của Gandhi là một tính toán quỷ quyệt hay chỉ đơn giản là tính cách cao thượng thì đó vẫn là một nước cờ chính trị tài tình. Chỉ với một bước, bà đã giải toả nhiều nghi ngờ xuyên tạc về tương lai Ấn Độ đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo và các nhà phân tích chính trị lung lay. Vị nữ lưu này sinh trưởng tại Ý, là phu nhân của cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi bị thảm sát, đã làm tê liệt phản ứng của đảng cầm quyền BJP, hiện vẫn chiếm một phần tư số ghế lập pháp và đại diện cho những người Hindu dân tộc chủ nghĩa, những người phản đối một vị lãnh đạo có nguồn gốc tại nước ngoài. Tuy nhiên, bà Gandhi vẫn sẽ điều hành đảng Quốc Đại, và bằng cách hy sinh chức vụ cao nhất này vào giây phút chiến thắng, bà có thể nâng cao sức mạnh chính trị quốc gia của mình bằng cách đạt đến một tầm vóc đạo đức mà bà không có được trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, bằng cách trao quyền cho một trong những nhân vật kinh tế đáng kính nhất Ấn Độ, bà Gandhi đã góp phần cam đoan với thị trường thương mại rằng đất nước vẫn rất chú trọng đến việc cải cách, xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh một cơ sở tài chính vững chắc. Bà cũng quả quyết với cánh tả rằng New Delhi sẽ ưu tiên cho lãnh vực giáo dục căn bản, cơ sở hạ tầng nông thôn, và tạo công ăn việc làm để ngăn ngừa sự nghèo đói quy mô lớn. "Thông điệp gởi đến thị trường là chính phủ của chúng ta sẽ chú trọng phát triển cân bằng nền kinh tế xã hội", ông Singh tuyên bố, "Không có gì phải lo ngại cả". Các nhà đầu tư đồng ý. Chứng khoán đã hồi phục 11% vào ngày 18 và 19/5, gần như xóa bỏ tình trạng bán đổ bán tháo hai ngày trước đã quét sạch 52 tỷ đôla giá trị thị trường. "Ấn Độ đã quay lại cuộc chơi một cách lớn mạnh hơn bao giờ hết", Surjit S. Bhalla, một nhà kinh tế đầy ảnh hưởng và là Giám đốc Quỹ Oxus New Delhi, nhận xét. Ông cho rằng ông Singh sẽ "đưa Ấn Độ lên một tầm mức cao hơn".
Đó là một hy vọng. Nhưng tiến trình mới mà Ấn Độ đang vẽ ra cũng đầy hiểm nguy cho đất nước phức tạp với một tỷ dân này cũng như cho nền kinh tế toàn cầu. Cú sốc bầu cử là một lời nhắc nhở ảm đạm rằng một Ấn Độ khác - một Ấn Độ nghèo nàn và bị bỏ rơi - vẫn có thể cất lên một tiếng nói mạnh mẽ. Nhân dân đang bày tỏ sự hiện diện của họ ngay khi Ấn Độ tiến bước vào đại thị trường mới của thế giới. Nền kinh tế tăng trưởng 8% vào năm ngoái, và gần đây đã phát triển thêm 10%. Lĩnh vực dịch vụ kỹ nghệ thông tin 15 tỷ đôla của Ấn Độ đang bùng nổ, và các trung tâm dịch vụ hỗ trợ, nghiên cứu, thiết kế khổng lồ của Ấn Độ hiện đang mang tính chất sống còn với những hoạt động toàn cầu của các công ty đa quốc gia, từ Intel (INTC) và General Electric (GE) đến HSBC (HBC). Đầu tư nước ngoài cũng đang bắt đầu đổ vào nguồn vốn, sản xuất và kỹ thuật Ấn Độ.
Một thách thức đối với chính phủ là làm thế nào để duy trì được sự bùng nổ này - trong khi cùng lúc phải thực hiện những hứa hẹn về mặt xã hội của mình với những cử tri tuyệt vọng. Ấn Độ chỉ dành 6% tổng sản lượng nội địa cho các dịch vụ xã hội như giáo dục và chăm sóc y tế, và hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng ít nhất con số này cũng cần được tăng lên gấp đôi. Để nới lỏng những khâu tắc nghẽn của lãnh vực kỹ nghệ, Ấn Độ cũng phải đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa những con đường đổ nát, hệ thống phân phối điện, các cảng biển và sân bay, một công việc mà đảng BJP đã khởi đầu.
Đảng Quốc Đại cho biết họ có một chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và gia tăng chi phí xã hội mà không cần tăng thuế. "Chúng tôi đã tỉ mỉ nghiên cứu chính sách kinh tế từ 5 năm trước", Salman Khurshid, một thành viên cao cấp của đảng, cho biết, "Chúng tôi có một công thức tăng trưởng 8% đến 10% có thể đem lại việc làm và phát triển nông nghiệp. Điều đó không thể có được từ sưu cao thuế nặng".
Khurshid nói về việc nâng cao nhịp độ tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu lãng phí và khuyến khích đầu tư tư nhân, nhưng đảng này lại rất mập mờ về việc hàng tỷ đồng chi tiêu phụ trội này sẽ lấy từ đâu ra. Những chướng ngại này thật dễ nản lòng. Vấn đề tài chính công khai của Ấn Độ hiện rất bấp bênh, cả ở trung ương và địa phương, với mức thiếu hụt tài chính cao đến đáng sợ, 10% GDP. Vì vậy nên ông Singh phải tìm cách trang trải cho những chương trình mới mà không được tăng thuế quá cao, điều đó sẽ triệt hạ những khoản đầu tư mới. Thậm chí nếu ông có thể huy động ngân sách cho trường học, đường phố, các dự án cấp nước và những bệnh viện, thì những chương trình này vẫn phải được thực hiện một cách có hiệu quả - một nhiệm vụ khó khăn đối với bộ máy quan liêu tham nhũng mục nát của đất nước này.
Công việc của đảng Quốc Đại cũng sẽ phức tạp hơn bởi liên minh mỏng manh của họ trong Nghị viện. Đảng Quốc Đại và khoảng một tá đồng minh của mình chiếm đa số trong Nghị viện. Nhưng riêng đảng Quốc Đại thì chỉ có 145 trong 539 ghế. Như vậy có thể họ sẽ phải nhân nhượng phe cộng sản, đồng minh chủ yếu của mình với 53 ghế. Điều đó có thể buộc ông Singh phải chậm bước hoặc trì hoãn việc thanh lý những tài sản nhà nước trong các lĩnh vực như năng lượng và phân phối lương thực. Như vậy những khoản thu nhập cần thiết của chính phủ sẽ bị suy giảm nặng nề, sự tăng trưởng bị rút ngắn và những món đầu tư tư nhân mới cũng bị kiềm chế. Chính Tổng bí thư Đảng Cộng sản AB Bardhan đã góp phần châm lửa sự sụp đổ sau cuộc bầu cử với lời tuyên bố: "Tư hữu hóa, quỷ tha ma bắt chúng đi". Ông Singh tuyên bố sẽ thúc đẩy quá trình tư hữu hóa, nhưng một cuộc nổi loạn bùng nổ lại có thể hạ bệ chính phủ. Những người cánh tả cũng phản đối việc cải cách những điều luật lao động bóp nghẹt các khoản đầu tư sản xuất mới vì chúng khiến họ khó thuê mướn và sa thải nhân công khi cần.
Trong khi việc trì hoãn tiến trình cải cách đang được mong đợi thì câu hỏi đặt ra là liệu ông Singh và bộ tham mưu của mình có thể khéo léo lập nên một lịch trình đáng tin cậy và bán nó cho các đồng minh kịp lúc khi nền kinh tế chưa bị mất đà hay không. Một chính phủ dù có tồi tệ lắm cũng không phá hoại lĩnh vực công nghệ thông tin, vốn đang phát triển với rất ít chi phí chung. Các chính phủ Ấn Độ luôn rất tệ hại trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng căn bản, theo lời Vivek Paul, Trưởng ban quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn Wipro, một người khổng lồ về công nghệ thông tin, với những khách hàng lớn như Microsoft Corp. và Delta Air Lines Inc. Hầu hết các hãng nhu liệu và những trung tâm điện thoại đều có máy phát điện riêng, nguồn nước riêng và những liên kết viễn thông tốc độ cao. Thời gian căng thẳng hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan tháng 6/2002, nhiều khách hàng Mỹ đã lên tiếng lo ngại. Nhưng cho đến nay, các khách hàng của họ vẫn rất lạc quan về cuộc bầu cử. Ông Paul nói: "Đường dây điện thoại của tôi vẫn rất yên tĩnh".
Những khoản trợ cấp bất công
Nếu đảng Quốc Đại có thể thực hiện sự ủy thác của mình thì mối lợi về lâu dài có thể rất lớn. Không có gì để bàn cãi nếu Ấn Độ không thể phát triển thành một nền kinh tế hiện đại trong khi 300 triệu người dân vẫn phải sống với chưa đến 1$ một ngày. Tầng lớp trung và thượng lưu ngày càng thịnh vượng với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,2% hàng năm từ những năm 1990. Nhưng ngoài những khu nghiên cứu với sàn đá hoa và tường kiếng hay những công viên văn phòng ở Bangalore, Bombay, Hyderabad, Delhi, thì có đến 65% người Ấn Độ sống bằng nông nghiệp, một lĩnh vực đình trệ. Gần 40% người Ấn Độ vẫn còn mù chữ. Số chi phí bủn xỉn của chính phủ và việc quản lý sơ sài hệ thống đường sá, điện khí hóa, tưới tiêu, chăm sóc y tế, giáo dục căn bản, và hệ thống vệ sinh nông thôn đã khiến phần lớn số dân này rớt lại đằng sau. Thật vậy, qua nhiều năm phát triển nóng bỏng, khoảng trống giữa người giàu và người nghèo hay khoảng trống giữa thành thị và nông thôn ngày càng mở rộng đáng kể.
Với một sự tăng trưởng mất cân đối như thế, nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ rất khó duy trì sự thành công của mình nếu không có một thay đổi chính sách rốt ráo. Họ cũng không thể đếm nhịp tăng trưởng 9% đến 10% mỗi năm như Trung Quốc, vốn đã đặt nền tảng cho sự phát triển từ nhiều thập niên trước bằng cách chú trọng cải cách nông nghiệp và giáo dục sơ cấp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ ước tính khoảng 7% đến 10%, và với 10 triệu người đến tuổi tham gia lực lượng lao động mỗi năm thì tình trạng thất nghiệp sẽ càng trầm trọng hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế cần được gia tăng tốc độ, vì tốc độ hiện nay của nó "không đủ để gánh vác một đất nước với thu nhập đầu người chỉ có 500$ và dân số tăng 1,9% một năm", Ruchir Sharma, Giám đốc quản lý phát sinh thị trường của cơ quan Quản lý Đầu tư Morgan Stanley, cho biết.


Đảng BJP đã hứa sẽ ưu tiên phát triển nông thôn sau khi thắng cử. Nhưng đảng Quốc Đại mới thật sự tích cực vận động người nghèo, và những người đã đứng lên cất tiếng. Nhiều ông trùm công nghệ hàng đầu Ấn Độ đều đồng ý rằng cần phải thỏa mãn các nhu cầu của người nghèo nếu muốn tiếp tục được ủng hộ tự do hóa và đầu tư nước ngoài. "Chúng ta không thể chỉ phát triển những ngành liên quan đến công nghệ thông tin", viên giám đốc của Infosys Technologies, Nandan M. Nilekani, nhận xét, "Chúng ta cần phải mở rộng sự thành công qua những lĩnh vực khác, từ nông nghiệp đến sản xuất".
Rất nhiều người tán đồng những việc mà chính phủ phải làm. Bắt đầu với nông nghiệp, vốn chỉ phát triển được 2% một năm từ những năm 1990 - khoảng bằng tỷ lệ tăng dân số của Ấn Độ - và hiện chỉ chiếm một phần tư GDP. Chỉ có 7% trong số 125 tỷ đôla số đầu tư công và tư hàng năm của Ấn Độ được dành cho nông nghiệp. Khoảng 223 triệu người Ấn đang sống trong đói nghèo, nhiều hơn tất cả các nước châu Phi cộng lại, những người này tiêu thụ chưa tới 1.960 calories một ngày, theo Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), bất chấp một thực tế là cuộc cách mạng xanh của Ấn Độ đang giúp họ tự cung cấp lúa gạo, lúa mì và sữa.
Tại sao lại thế" Thứ nhất, trợ cấp nông nghiệp của chính phủ đã đưa đến nhiều biến dạng thị trường hơn là thu nhập cao. Những nông dân lớn có liên hệ đến chính trị giành được một nửa số phân bón, nước và điện mà chính phủ trao cho họ, cũng như được bảo đảm giá thấp nhất cho những loại cây trồng nhất định. Kết quả là các nông dân thường dùng quá nhiều phân bón và trồng những loại cây hút nước, ngay cả ở những khu vực thường bị hạn hán như Maharashtra ở miền tây và Andhra Pradesh ở miền nam. Việc đó đã rút kiệt mực nước ngầm ở phần lớn Ấn Độ, Arun Kumar, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Hoạch định Kinh tế tại New Delhi cho biết.
Trong khi đó, khoảng 75% đất trồng lại không hề được tưới tiêu gì cả, khiến chúng phải phụ thuộc nhiều hơn vào mùa mưa. Một trận hạn hán kéo dài từ năm 1999 đến 2002 đã khiến hàng trăm nông dân ở Karnataka và Andhra Pradesh - những vùng oái oăm là lại có ngành công nghiệp kỹ thuật lớn nhất - bị mất mùa và trở thành lao động công nhật. Rất ít nông dân có đủ tiền đầu tư cho hệ thống tưới tiêu, máy phát điện hay những công nghệ mới để nâng cao sản lượng. Sự phân bố tài nguyên nghèo nàn chính là nguyên nhân chính yếu cho thấy tại sao Trung Quốc, với diện tích đất trồng chỉ bằng 60% Ấn Độ, lại sản xuất được lượng lương thực nhiều hơn đến 40%. Cùng lúc, việc thiếu cơ sở hạ tầng, cũng phần nào giải thích tại sao Ấn Độ lại thiếu một nền kỹ nghệ sản xuất thực phẩm có thể tạo thêm rất nhiều việc làm ở các miền quê. Một báo cáo năm 2003 của McKinsey & Co. cho biết việc sản xuất thực phẩm có thể là một nền kỹ nghệ trị giá 50 tỷ đôla hàng năm cho Ấn Độ vào năm 2008 nếu chính phủ chịu cải thiện đường sá, các phương tiện lưu trữ và khuyến khích đầu tư tư nhân.
Nhưng nếu chỉ cần quăng nhiều tiền ra thì cũng chưa đủ. Những dự định tốt thường bị phá hỏng ở tầm mức địa phương. "Tất cả đều rút lại ở việc quản lý tồi", Subir Gokarn, một nhà kinh tế hàng đầu thuộc cơ quan đánh giá Ấn Độ Crisil, nói, "Bộ máy chính phủ ở nông thôn Ấn Độ rệu rã đến mức đáng buồn".
Bộ máy này cũng bỏ quên người dân Ấn trong lĩnh vực giáo dục. Có thể điều đó nghe thật lạ lùng với bất cứ ai quen thuộc với những thành tựu đáng ngạc nhiên của Ấn Độ trong công nghệ và những dịch vụ đòi hỏi khả năng. Vấn đề chắc chắn không phải nằm ở những bậc giáo dục cao, được chính phủ dành cho những tài nguyên hoàn toàn không cân xứng so với giáo dục tiểu học. Mỗi năm Ấn Độ tạo ra gần 300.000 kỹ sư và 2,5 triệu sinh viên tốt nghiệp từ 253 trường đại học và 13.150 trường cao đẳng.
Vấn đề thật sự là ở bậc giáo dục tiểu học. Khi còn ở cùng giai đoạn phát triển như Ấn Độ bây giờ, những con hổ Châu Á như Nam Hàn, Đài Loan, và Trung Quốc tập trung rất nhiều cho các trường tiểu học và trung học. Kết quả là gần như mọi thanh thiếu niên đều biết đọc biết viết - một lực lượng lao động được đào tạo có thể làm nguồn nhiên liệu cho nền kinh tế cất cánh. Nhưng mãi đến một thập niên trước đây, Ấn Độ vẫn đang dành chưa đến một phần ba ngân quỹ giáo dục cho lớp 1 đến lớp 8, và chưa đến 4% GDP được dành cho giáo dục. Đó là một nguyên nhân chính yếu vì sao tỷ lệ biết chữ của Ấn Độ, 62%, lại tụt hậu sau Trung Quốc, 85%. "Bạn sẽ không duy trì được sự tăng trưởng kinh tế trừ phi bạn có đủ nguồn vốn nhân lực để xây dựng điều đó", Santosh Mehrotra, một nhà kinh tế UNDP nói. Hơn nữa, 97% chi phí giáo dục là dành cho lương giáo viên. "Như thế sẽ chẳng còn gì cho những thứ khác cả".
Nhân tài mới
Ấn Độ có rất nhiều trường học - 900.000 ngôi trường. Họ cũng khoe rằng mình có đến 3,8 triệu giáo viên. Nhưng tỷ lệ bỏ học lại cao vì các giáo viên hay nghỉ và vì chương trình giảng dạy chỉ tập trung vào những môn học từ chương. "Ấn Độ đã cải thiện nhiều về số lượng giáo dục", Chủ tịch Wipro, Azim Premji, nói, "Giờ thì chúng ta phải tập trung vào phẩm chất và khuyến khích tư nhân đóng góp nhiều hơn". Premji đã thành lập một quỹ tài trợ của riêng mình để hiện đại hóa chương trình học và thu hút những em bỏ học quay lại trường. Điều cần thiết, theo ông, là chính phủ phải nâng cao trách nhiệm của các trường học và ban giám hiệu nhà trường.
Năm ngoái, chính phủ BJP đã thông qua những điều luật cho phép nữ sinh được miễn học phí đến năm 15 tuổi để khuyến khích nhiều em đến trường hơn. Đảng Quốc Đại hứa sẽ tăng gấp đôi chi phí giáo dục. Dù vậy, hiện nay, hầu hết người Ấn ngay cả ở các vùng nông thôn cũng đang né tránh hệ thống giáo dục công cộng với những nhà điều hành tệ hại và dành dụm số tiền ít ỏi của mình để đưa con cái đến học trường tư. Rama Bijapurkar, một nhà chiến lược thị trường nghiên cứu các khuynh hướng xã hội, lưu ý rằng những người Ấn ở nông thôn hiện đang tăng thêm chi tiêu cho giáo dục và chăm sóc y tế - một lĩnh vực công cộng nữa được quản lý rất tệ hại - đến 20% một năm. "Điều đó đem đến một lối thoát khỏi sự nghèo đói cho con cái họ", Bijapurkar nói.
Trước khi Ấn Độ có thể có những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết những vấn nạn xã hội sâu xa này, đảng Quốc Đại phải sắp xếp lại trật tự tài chính công cộng và đẩy mạnh cải cách ở những lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt, các vị quan liêu lãnh đạm và những nhà làm luật chống đối. Nếu một người nào đó có thể giải quyết được thách đố ngân sách thì đó chỉ có thể là Singh. Khi ông trở thành Bộ trưởng Tài chính năm 1991, Ấn Độ đang rơi vào một cơn khủng hoảng cân đối chi tiêu mạnh mẽ. Ông đã giảm giá đồng rupee, bắt đầu mở rộng những biện pháp quản lý chặt chẽ các khoản đầu tư công nghiệp, hạ thấp thuế nhập cảng và mở ra vô số ngành công nghiệp cạnh tranh. Với quá trình này, ông đã cắt xén dần sự thiếu hụt ngân quỹ và những món nợ nước ngoài khổng lồ của Ấn Độ.
Việc ổn định hệ thống chính trị Ấn Độ sẽ còn khó khăn hơn nữa. Nhưng bà Gandhi, vẫn là một nhân vật nổi bật của đảng Quốc Đại, đã chứng tỏ một sự nhạy bén trong sáu năm làm chủ tịch đảng của bà. Ở 12 bang do đảng Quốc Đại điều hành, bà đã yêu cầu nộp các báo cáo cân đối thu chi để đánh giá hoạt động của mỗi nhà lãnh đạo khu vực. Và đảng Quốc Đại đã tuyển mộ những nhân tài mới như Milind Deora, 27 tuổi, một sinh viên tốt nghiệp quản trị kinh doanh, được bầu vào Nghị viện từ Bombay. Deora cho biết ông sẽ dành một phần ngân sách bầu cử 444.000$ của mình cho một dự án máy tính ở các trường học nghèo nhất. "Chúng tôi muốn lấp đầy những khoảng trống tồn đọng trước kia", ông nói.
Trên bình diện quốc gia, Gandhi sẽ phải học hỏi nghệ thuật thỏa hiệp và hợp tác với những đối tác đồng minh và những đối thủ lộn xộn. Bà sẽ làm tốt việc tiếp cận phe cộng sản, những người đặc biệt chú ý nâng cao tỷ lệ biết chữ và mở rộng cải cách ruộng đất ở hai bang cai trị của họ, Kerala và Bengal. Suốt hai thập niên qua, sản lượng nông nghiệp ở hai bang này hàng năm tăng trung bình 6%, gấp đôi mức trung bình cả nước. Đáng ngạc nhiên là đảng Cộng sản ở Kerala và Bengal cũng mở ngỏ với đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh công nghệ thông tin, và thuyết phục các liên đoàn giảm bớt đình công. Quyết định từ chối chức vụ cao nhất này của Gandhi có thể đưa đến một chướng ngại quan trọng khác trong việc thông qua các đạo luật - một đảng BJP thù nghịch. BJP đã khởi đầu nhiều cải cách quan trọng và một số nhà lập pháp hứa sẽ bỏ phiếu cho những đề nghị của đảng Quốc Đại mà họ đồng ý.
Tuy nhiên, vì e rằng đảng Quốc Đại có thể quay lại con đường cũ của mình nên họ cần rút kinh nghiệm ít nhất là một điều sau cuộc bầu cử: Sự ủy nhiệm của công chúng với họ sẽ kéo dài chỉ khi nào họ có thể đáp ứng những khát vọng của dân nghèo. "Nếu chính phủ mới không làm tốt điều đó thì họ sẽ nhanh chóng bị hạ bệ", nhà phân tích bầu cử Dorab Sopariwala nói. Với việc hạ giá chứng khoán vào giữa tháng 5, các nhà đầu tư cũng lưu ý với chính phủ: Nếu họ nghiêng quá nhiều sang cánh tả thì các nhà đầu tư sẽ phải đi tìm lối thoát, nhấn chìm ảo ảnh lấp lánh của một Ấn Độ mới giàu đẹp quay về thực tế.
Sự cân bằng giữa việc đáp ứng các nhu cầu của thị trường và yêu cầu của những người nghèo sẽ là thử thách khó khăn nhất của Ấn Độ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1991. Nhưng nếu đảng Quốc Đại của bà Gandhi có thể tồn tại sau những tháng đầu then chốt này và giữ được nền kinh tế đi theo đúng hướng thì họ có thể lập nên một giai đoạn mới cho sự cất cánh kinh tế kế tiếp của thế giới đang phát triển.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.