Hôm nay,  

Những Thủy Thủ Già Toronto và Ottawa, Canada

22/08/201500:00:00(Xem: 10863)
Ngày 12 tháng 8 năm 2015. Tôi từ phi trường Los Angeles đáp phi cơ đi Toronto thăm gia đình người cháu gọi bằng cậu mà từ lâu chưa gặp nhau. Cùng đi có bạn cùng khóa Võ Quang Thủ(khóa 11/SQHQ/Nha Trang). Ngoài việc thăm bà con, chúng tôi sẽ đi thăm các chiến hữu Hải Quân/VNCH xưa để thắt chặt tình huynh đệ chi binh giữa mọi chiến hữu trong những ngày tháng còn lại của tuổi già.

Cảm nhận đầu tiên khi bước xuống phi trường quốc tế Pearson rồi qua các con đường đưa chúng tôi về nhà thì Toronto quả là thành phố đẹp, bình yên, bằng phẳng, chỉ khác với Cali là không có những dãy núi xanh xanh nào bao vây thành phố. Khi về đến nhà người cháu, chúng tôi lại ngạc nhiên bởi khu vườn rộng xanh mướt, một bên là những cây táo, cherry, đào; một bên là vườn rau trồng đủ thứ hành, ngò, tía tô, kinh giới, dưa leo, hún cây, hún lủi…Đặc biệt là giàn bầu với hàng chục trái bầu dài treo lủng lẳng ở dưới giàn. Trong góc vườn là mấy dây bí đỏ cho nhiều hoa vàng và nhiều trái bí tròn mầu xanh đậm nằm lẫn trong các bụi cỏ. Hình ảnh vườn nhà của người Việt bên Toronto vào mùa hè làm tôi liên tưởng đến các khu vườn bên California của đồng bào người Việt Nam.Quả thật, người Việt Nam mình đi đâu cũng mang theo quê hương.

Ngày hôm sau 13-8-2015, người cháu đưa chúng tôi đến vùng Scarborough để thăm NT Lê Thuần Phong(Khóa 6/SVSQ/HQ/Nha Trang).Chức vụ sau cùng của NT Phong là Hải Đội Trưởng, Hải Đội 2 thuộc Bộ Tư Lênh Hạm Đội. Bà xã của NT Phong qua đời đã 7 năm nay, nên NT chỉ sống một mình trong ngôi biệt thự sang trọng nhưng lạnh lẽo nầy.Con cái của NT Phong đều đã thành đạt, sống và hành nghề quanh quẩn trong thành phố Toronto.

Đến nhà NT Phong một lúc thì chiến hữu Trần Đắc Nguyền đến. Chiến hửu Nguyền gốc hàng hải thương thuyền. Chức vụ sau cùng của chiến hữu Nguyền là trưởng ban kỷ thuật Hải Đội 3 thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Chúng tôi cũng nhận biết nhau từ năm 1966 lúc chiến hạm HQ 404 mà tôi phục vụ dưới thời Hạm Trương Võ Duy Ninh đại kỳ ở Guam trong lúc chiến hữu Nguyền, cơ khí trưởng HQ 403 cũng sửa chữa ở Guam. Chúng tôi cũng được biết thêm chiến hữu Nguyền trước đây là cơ khí trưởng Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng (HQ5) mà Hạm Trưởng là HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh tham dự trận hải Chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

Sau đó chiến hữu Nguyền đưa 3 chúng tôi đến nhà chiến hữu Nguyễn Văn Hậu cũng ở gần nhà NT Phong. Anh Hậu tuy đã trên 80, bà xã mất sớm, nhưng vẫn còn tính nết xưa.Ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân không ai mà không biết anh Hậu vì anh đã phục vụ tại phòng Tổng Quản Trị từ năm 1953 đến lúc tan hàng, chỉ có một thời gian anh qua Pháp học lớp Cao Đẳng Chuyên Nghiệp là vắng mặt.Trong lúc làm việc ở Bộ Tư Lệnh, chiến hữu Hậu cũng đã học thêm và cuối cùng đã có bằng cử nhân luật.Hiện chiến hữu Hậu đang sống ở nhà người con trai và hằng ngày đưa rước cháu đi học.Chúng tôi liền chụp một tấm hình tại nhà chiến hữu Hậu để làm kỷ niệm.

tham-ban-01
tham-ban-02
tham-ban-03
tham-ban-04
tham-ban-05
tham-ban-06
tham-ban-07
tham-ban-08
Hình lưu niệm.

Từ giã chiến hữu Hậu, chiến hữu Nguyền đưa 3 chúng tôi về thăm nhà anh sau đó đi thăm thành phố Toronto.Chiến hữu Nguyền ở trung tâm thành phố, gần nơi làm việc từ khi đến Toronto định cư cho đến lúc nghĩ hưu, đó là” Bridge Point Rehabitation Center” nên rất thạo đường sá ở Toronto. Chiến hữu lái xe đưa chúng tôi cởi ngựa xem hoa từ tháp CN Tower đến các phố chợ Tàu phía Đông, chợ tàu phía Tây. Đẹp nhất là con đường dọc theo bờ hồ Ontario với phong cảnh tươi mát, biển xanh chạy song song cùng nhà cửa, biệt thự, khách sạn không khác gì bãi biển Nha Trang một thuở nào.Và cuối cùng chúng tôi đến chợ Tàu Mississauga nằm ngoại ô Toronto.

Canada là một trong những nước có chính sách di dân cởi mở nên các di dânqua Toronto chọn Mississauga làm chỗ định cư lâu dài nên các khu thương mại Á Châu mọc lên với nhiều kiến trúc và màu sắc văn hóa khác nhau như Ấn Độ, Philippine, Thái Lan, Hồng Kông, Việt Nam…Chúng tôi thấy có nhiều tiệm ăn với nhiều cái tên giống như các tên ở phố Bolsa, đó là Phở Hòa, Phở 88, Phở 54 v.v.Cảm thấy đói, chiến hữu Nguyền đưa chúng tôi vào ăn phở, hủ tiếu và gỏi cuốn.Chúng tôi nhận thấy các món ăn ở đây không ngon bằng bên California, nhưng cửa hàng nào cũng tươm tất và sạch sẽ hơn bên Cali. Một điều ngạc nhiên là dân số người Việt ở Canada đã lên tới 180.000 ngưới.Các chỉ dấu trên xa lộ đều dùng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Đơn vị đo lường bằng mét, kilomét, nhưng đo nhà đất lại bằng feet, đo chất lỏng bằng lít thay vì pound như ở Mỹ.

Cuối ngày, chiến hữu Nguyền lại đưa tôi và chiến hữu Võ Quang Thủ đến nhà thăm NT Trần Văn Đáo (Khóa 9 SVSQ/HQ/Nha Trang. NT Đáo hiện là hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân VNCH Ontario. NT Đáo quen biết tôi từ trại tù Suối Máu, Biên Hòa.Sau đó mỗi người đi mỗi ngã cho đến nay mới gặp lại.

Ngày 14-8-2015. Tôi và Võ Quang Thủ đi xe bus “ Greyhound” lên Ottawa, thủ đô của Canada, cách Toronto 450 cây số. Mục đích của chuyến đi là đến thăm NT Vũ Xuân An(Khóa 2 Brest)và NT Nguyễn Tam(Khóa 5 SVSQ/HQ/Nha Trang).Tôi quen NT An lúc đi lãnh whec 2 ở Subic Bay, Philippine; Võ Quang Thủ quen NT Tam lúc dạy ở quân trường Nha Trang, lúc đó NT Tam làm chỉ huy phó TTHL/HQ/Nha Trang.

Trước khi lên xe bus, chúng tôi gọi NT Tam xin được giúp đỡ đưa chúng tôi đến thăm NT An vì biết NT An đang nằm ở “Nursing Home”. NT Tam vui vẻ nhận lời.Sau 6 tiếng trên xe bus “GreyHound”, chúng tôi đến Ottawa lúc 2 giờ chiều thì đã thấy NT Tam đứng chờ. NT Tam trông rất khỏe mạnh, và nhiệt tình đưa chúng tôi về nhà người con gái. Gia đình người con gái đi vắng nên chúng tôi tắm rữa, nghĩ ngơi thoải mái để đến chiều NTTam dẫn chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng Tàu.Sáng hôm sau dậy, chúng tôi cùng NT Tam đi bộ tập thể dục. Xong chúng tôi chuẩn bị đến thăm NT An.

Nơi ở của NT An đã thay đổi nên mãi hơn một tiếng sau chúng tôi mới tìm được phòng của NT An. Dù được báo trước nhưng NT An vẫn xúc động, ôm chầm chúng tôi mà khóc khi gặp nhau. NT An nay đã 87 tuổi, gầy yếu nhiều nhưng vẫn còn đi được bằng chiếc xe đẩy.

Tôi nhắc lại thời gian đi lãnh tàu, thực tập với Hạm Đội 7 Hoa Kỳ trên biển Thái Bình Dương. NT An vẫn còn nhớ tuy không đầy đủ, mạch lạc nhưng tiếng nói còn trong và mạnh.Khi kể lại thời gian HQ 2 tuần tiểu trên Biển Đông từ Hoàng Sa đến Trường Sa rồi về ghé neo tàu ở cù lao Ré(Đảo Lý Sơn)nghĩ ngơi và mua thực phẩm thì đôi mắt ông sáng lên như một ký ức hiện về, một giây sau, hai mắt ông nhắm lại, ông ôm chầm tôi mà khóc lần thứ hai.

Thấy chúng tôi hàn huyên lâu, các y tá trong Nursing Home đã mời chúng tôi uống cà phê.Họ trân quý ông vì ông có bạn bè xa lại thăm.Họ mến phục ông vì ông nói được cả hai thứ tiếng Anh và Pháp một cách lưu loát.Họ gọi ông bằng cái tên “CAPTAIN VU”. NT An vui miệng ông nói: “Tôi đã gây quỹ trên một trăm ngàn đô la để xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Mẹ Bồng Con tại Ottawa bằng đồng đen”. Rồi NT An giải thích ý nghĩa tình mẫu tử dù bất cứ hoàn cảnh nào người mẹ cũng phải ở gần bên con để bảo vệ con và đưa con đến chỗ an toàn. Chúng tôi chưa muốn rời xa nhau vì tình chiến hữu năm xưa, vì những kỷ niệm, những ký ức của người lính biển vẫn còn đó.Được biết NT Tam là em rễ của NT An và NT Tam cũng đã qua Subic lãnh Tuần Dương Ham HQ3 một lần với NT An lãnh HQ 2.

Cuộc gặp nào rồi cũng phải chia tay. Lần chót NT Vũ Xuân An ôm chúng tôi mà khóc, ông nói: “Không ngờ, ở nơi xa xăm, các anh đã nhớ đến tôi mà đến thăm tôi”. NT An đã đưa chúng tôi ra về mặc dầu ai cũng khuyên ông ở lại phòng nhưng ông không chịu. NT An đưa chúng tôi đến tận thang máy. Chúng tôi nhìn nhau cho đến lúc cánh cửa thang máy khép lại.

Ra về, NT Tam lái xe thẳng đến tượng đài thuyền nhân mẹ bồng con.Tượng đài nằm giữa thủ đô Ottawa. Từ xa đã thấy hình ảnh người mẹ miền Nam với chiếc áo bà ba ướt đẫm đang bồng con trên tay, hai chân đang hớt hải chạy như có người đang rượt đuổi phía sau, bất chấp mọi hiểm nguy để đến nơi an toàn. Gương mặt hoảng hốt, tóc tả tơi tạo người xem những cảm giác đau đớn khó tả, những xúc động tột cùng.Đó là hình ảnh một Việt Nam sau năm 1975 khi Việt Cộng chiếm Miền Nam Việt Nam. Sau đó là nhưng cuộc vượt biển tìm tự do đầy máu và nước mắt.

Ngày 15-8-2015. NT Tam đưa chúng tôi thăm thành phố Ottawa. Thủ đô Ottawa có nhiều công trình cổ và khu thương mại sầm uất.Mùa hè thường có mưa, khí hậu ẩm ướt. Hoa Tulip là biểu tượng của tình yêu dễ thương của thủ đô. Hằng năm có nhiều lễ hội hoaTulip. Đến 5 giờ chiều, chúng tôi đáp xe bus về lại Toronto.Trước khi lên xe bus, hai chúng tôi mua ngay hai ly cà phê hiệu “Tim Hortons”nổi tiếng và yêu thích của người dân Canada và một ít bánh ngọt để nhâm nhi suốt quảng đường dài nhưng vẫn ngủ gà ngủ gật.Xe đến Toronto lúc 12 giờ đêm và chúng tôi về đến nhà người cháu lúc 1 giờ đêm.

Ngày Chủ Nhật 16-5-2015. Tôi may mắn tìm được người quen trong Hội Ái hữu Hải Quân VNCH Ontario đó là chiến hữu Văn Công Quân( khoá 21/SVSQ/HQ/Nha Trang).Năm 1974 chiến hữu Quân phục vụ trên chiến hạm HQ5 và đã tham dự trận Hải chiến Hoàng Sa.Chiều hôm đó chúng tôi được anh Quân đưa đến nhà hội trưởng Trần Văn Đáo để gặp các chiến hữu Hải Quân tại Ontario lúc 4 giờ chiều.Trước giờ họp chúng tôi được mấy chị trong ban tổ chức cho ăn bún bò Huế, gỏi, chả giò v.v.

Sau đó là buổi họp tổ chức Đêm Đại Dương vào thứ Bảy 26/9 lúc 6 giơ 30 chiều tại The Army, Navy & Air Force Veterans Club, số 765 Third Street, Mississauga, Ontario.Buổi họp do hội phó Mạc Công Hiếu điều hành và các hội viên đều tích cực tham dự kể cả các chị. Sau đó là chụp hình lưu niệm.

Ngày 17-8-2015. Chúng tôi đi thăm thác Niagara hùng vĩ.Tôi cũng vào Casino kéo máy thử thời vận. Cuối cùng tôi đã lucky, đủ tiền cho bữa cà phê 3 người.

Ngày 18-8-2015. Chiến hữu Nguyền đưa chúng tôi đến tiệm in của chiến hữu Lê Lộc HIệp (khóa 24 SVSQ/HQ/Nha Trang).Dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có tâm hồn thơ văn. Chiến hữu Hiệp giao tiệm cho người con trai để vui chơi với bạn bè hoặc những ai từ xa đến thăm anh.Rồi Hiệp đưa chúng tôi đi ăn Pizza, uống bia.Sau đó dẫn chúng tôi qua tiệm cà phê Starbucks đối diện đế biết thêm về hương vị Mỹ.Sau cùng về lại tiệm, anh chị Hiệp tặng cho 2 chúng tôi một người một cái áo thun có hình của CN Tower.

Rất tiếc thời gian quá ít nên chúng tôi chưa lên tháp CN Tower, Bảo Tàng Ontario, cầu cảng HarbourFront v.v..Chúng tôi cũng thích mùa thu lá vàng ở Toronto, nhưng lá vàng đến vào đầu tháng 9. Còn bao nhiêu thứ chưa biết về Toronto, chỉ trừ mùa Đông băng giá.Hẹn gặp Toronto lần sau.

Ngày 19-8-2015. Chúng tôi đáp máy bay trở về tại Quận Cam.Cám ơntất cả bạn bè, bà con xa gần dù gặp mặt hay chưa. Cám ơnToronto, Ottawa tuyệt đẹp!

Cali ngày 21-8-2015

Tam giang Hoàng Đình Báu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.