Hôm nay,  

Khối 8406 Vận Động Quốc Hội Úc Hỗ Trợ Nhân Quyền VN

20/08/201500:00:00(Xem: 2911)

Đào Nguyễn và Nguyễn Quang Duy

Ngày 17-08-2015, Khối 8406 đã tổ chức một cuộc tường trình về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước Quốc Hội Liên Bang Úc Châu đồng thời vận động trả tự do cho Nguyễn Viết Dũng.

Buổi tường trình được tổ chức tại Phòng Họp Cộng Đồng với sự tham dự của 11 dân biểu và một số nhân viên quốc hội thay mặt các dân biểu và nghị sỹ không thể tham dự.

Về phía Chính phủ Tự Do có sự hiện diện của 3 dân biểu: Philip Ruddock, Luke Simpkins và Craig Kelly. Đảng Lao Động Đối Lập gồm 7 dân biểu: Chris Hayes, Alan Griffin, Laurie Ferguson, Graham Perret, Tony Zappia, Alannah MacTiernan và Melissa Parke. Phía đảng Xanh có dân biểu Adam Bandt. Được biết Thủ Tướng Tony Abbot, Ngoại Trưởng Julie Bishop và Thủ Lãnh Đối Lập Bill Shorten có gởi thư cáo lỗi không thể tham dự và chúc buổi tường trình gặt hái kết quả tốt đẹp.

Phía người Việt tham dự ngoài các thành viên Khối 8406, còn có sự hiện diện của đại diện Phong trào We Are One Úc châu, một số thuyền nhân đang chờ cứu xét tư cách tỵ nạn và một số sinh viên.

blank
Hình ảnh vận động Quốc Hội Úc.

Trước khi cuộc tường trình bắt đầu ông Nguyễn Quang Duy đã gặp bà Tanya Plibersek, Phó Thủ Lãnh Đối Lập kiêm Ngoại Trưởng Đối Lập để vận động trả tự do cho Nguyễn Viết Dũng cũng như cám ơn bà đã cương quyết chống lại chính sách cưỡng bách thuyền nhân về nguyên quán của chính phủ Tự Do.

Buổi tường trình bắt đầu vào lúc 12 giờ, ông Nguyễn Quang Duy mở lời cám ơn sự tham dự của các dân biểu, đặt biệt cám ơn dân biểu Chris Hayes đã giúp Khối 8406 tổ chức buổi tường trình.

Cô Uyên Di trong vai trò điều hợp chương trình đã giới thiệu Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh người vừa được giải Người Bảo Vệ Quyền Dân Sự. Cô cho biết bài phát biểu đã được thâu trước để tránh những cản trở có thể xảy ra.

Blogger Mẹ Nấm mở đầu bằng việc kêu gọi lãnh đạo Hà Nội trả tự do lập tức và vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm đang bị giam giữ. Sau đó cô nhắc lại việc những bộ luật mơ hồ được Việt nam sử dụng như những khí cụ dập tắt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến. Cô nhấn mạnh những thành quả của phong trào We Are One được phát động đầu năm 2015 và cuộc Tổng Tuyệt Thực Toàn Cầu vào cuối tháng bảy như một phần của phong trào. Cô cho biết cuộc tuyệt thực đã vận động được trên 1,000 tham dự viên, trải khắp 16 quốc gia trên thế giới. Cuối cùng cô so sánh sự đối đầu giữa hệ thống truyền thông một chiều và độc quyền của giới lãnh đạo Việt nam với khối người sử dụng các trang mạng xã hội như những phương tiện truyền thông độc lập để gióng lên những tiếng nói bị trù dập. Cô kết thúc bằng việc kêu gọi chính giới Úc tiếp tục lên tiếng cho những người hiện nay không có tiếng nói.

blank
Hình ảnh vận động Quốc Hội Úc.

Kế đến cô Uyên Di đã cho chiếu một video clip do chính cô sửa soạn nhằm trình bày trường hợp giam cầm tùy tiện và trái phép Nguyễn Viết Dũng, một người vận động ôn hòa cho một thể chế Cộng Hòa. Anh Dũng đã bị bắt khi đang ngồi uống nước với bạn bè trong một quán cà phê với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Sự việc cho thấy nhà cầm quyền Việt nam làm bất cứ việc gì để bóp nghẹt những tiếng nói đối kháng cho dù phải vi phạm luật pháp của chính họ.

Ở Úc châu Khối 8406 đã phát động một chiến dịch vận động xin chữ ký với chỉ trong vòng hơn 5 tuần đã thu được trên 5,300 chữ ký và trên 1,700 chữ ký trên mạng. Tất cả được đóng thành 2 tập, và với sự thu xếp trước, Khối 8406 đã trao cho dân biểu đảng Tự do Luke Simpkins để chuyển cho bà Ngoại Trưởng Julie Bishop. Dân Biểu Luke Simpkins hứa làm việc này trong thời gian sớm nhất.


Theo ông Luke Simpkins nhiều người thường nghĩ các nổ lực đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam dường như không có chút tác động nào lên nhà cầm quyền cộng sản. Tuy nhiên qua kinh nghiệm cá nhân, khi ông tiếp xúc các giới chức Hà Nội thì nhắc đến các hoạt động nhân quyền của ông và việc họ trả tự do sớm cho một số tù nhân lương tâm đã gây nhiều ngạc nhiên thú vị cho chính bản thân ông và đã chứng minh một điều ngược lại.

Tiếp theo ông Đào Nguyễn trình bày trường hợp trưng thu đất một cách bất công của gia đình ông Nguyễn trung Can ở Thạnh Hóa, Long An, dẫn đến việc giam giữ 13 người trong cùng một gia đình, trong đó có em Nguyễn Mai Trung Tuấn chỉ mới 15 tuổi. Tuấn bị bắt giam và truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” với hình phạt tối đa là 7 năm tù giam.

blank
Hình ảnh vận động Quốc Hội Úc.

Kế tiếp một nhân chứng sống với bằng chứng cụ thể đã trình bày về tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận và cách thức làm áp lực của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với người này. Biết được sự việc nhiều dân biểu bày tỏ sự quan tâm về trường hợp của người này.

Anh Hoàng Quốc Thành, một tầm trú nhân đang chờ cứu xét tư cách tỵ nạn đã trình bày hoàn cảnh, lý do bỏ nước ra đi và những mong đợi cho tương lai sắp tới. Anh kêu gọi chính phủ Úc vì nhân đạo hãy cứu giúp người tị nạn, những người đã bỏ nước ra đi vì tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.

Kết thúc phần tường trình, ba Dân biểu Chris Hayes, Adam Bandt và Philip Ruddock đã được mời chia xẻ quan điểm của họ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Dân Biểu Lao Động Chris Hayes nhắc đến trường hợp mẹ cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã đi nhiều quốc gia trên thế giới để vận động trả tự do cho cô. Ở Úc mẹ cô đã được Khối 8406 đứng ra tổ chức gặp gỡ cộng đồng và chính giới Úc. Sau đó ít lâu cô đã được thả. Đây là một bằng chứng cho thấy việc vận động nhân quyền có mang lại kết quả. Ông cho biết luôn sẵn sàng cùng làm việc với Khối 8406 để mang lại nhân quyền cho Việt Nam.

blank
Hình ảnh vận động Quốc Hội Úc.

Dân Biểu Adam Bandt thuộc đảng Xanh cho biết vì là một luật sư nên ông luôn quan tâm đến quyền con người. Ông sinh hoạt chính trị cũng vì muốn thực hiện quyền con người cho tất cả mọi người chứ không riêng gì cho người Úc. Ông đồng ý với quan điểm cho rằng vì nhân quyền bị tước đoạt nên người Việt phải bỏ xứ ra đi và chính phủ Úc có bổn phận phải tạo cơ hội để họ thực thi quyền tị nạn. Đó là lý do ông chống lại việc cưỡng bức thuyền nhân trở về nguyên quán.

Dân Biểu Philip Ruddock nhắc đến những cuộc Đối thoại Nhân quyền Úc Việt thường niên mà ông có tham dự, trong đó ông đã mạnh mẽ nhắc những trường hợp vi phạm cụ thể với phía đại diện Việt Nam. Ông nhấn mạnh mặc dù các cuộc Đối thoại chưa mang lại được những kết quả như mong đợi nhưng chính phủ vẫn phải tiếp tục vì đó là diễn đàn duy nhất có được giữa hai nước hiện nay về vấn đề nhân quyền cho Việt nam. Mấy chục năm qua ông luôn hỗ trợ cho nhân quyền tại Việt Nam và sẽ tiếp tục công việc ấy.

Kết thúc buổi tường trình ông Nguyễn quang Duy cám ơn các dân biểu đã dành thời giờ quý báu đến tham dự và chia xẻ suy nghĩ. Ông kêu gọi chính giới Úc tiếp tục hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh mang lại nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam.

Buổi tường trình kết thúc đúng 1 giờ trưa một số dân biểu có chuyện xin phép phải về trước còn lại 5 dân biểu đã vui vẻ nhận lời chụp hình lưu niệm.

Đào Nguyễn và Nguyễn Quang Duy tường trình.

19-8-2015

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.