Hôm nay,  

Đại Nhạc Hội Cộng Hòa

11/08/201500:00:00(Xem: 5766)

...nhiều người cho rằng hết sức bất lợi cho Cộng Hòa vì giống như cái chợ, bát nháo...

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay và năm tới sẽ giữ mọi người thức tỉnh cả năm mà không cần uống cà phê gì hết. Ai cũng mong như vậy. Nhưng thực tế cho đến nay, đại nhạc hội Cộng Hoà... chưa thấy gì hấp dẫn trong khi gánh hát Dân Chủ chỉ có đúng... một bà ca sĩ già.

Cuộc chạy đua bắt đầu nổi đình nổi đám tuần rồi với hai cuộc tranh luận được gần 25 triệu người theo dõi, một con số kỷ lục. Vì ứng viên Cộng Hoà quá nhiều, nên đài FOX đã phải tổ chức hai cuộc tranh luận, một cho 7 ứng viên hạng... ruồi, và một cho 10 ứng viên nặng ký hơn, cho là... hạng tôm đi.

Cả hai cuộc tranh luận chẳng mang ý nghiã gì đặc biệt đối với những người đã theo dõi cuộc chạy đua từ mấy tháng nay. Tất cả các ứng viên đều tranh nhau xem ai sỉ vả TT Obama mạnh hơn, đả kích bà Hillary dữ hơn, rồi quay qua chỉ trích các đồng chí thẳng thừng hơn. Hoàn toàn tiêu cực, chẳng ai đưa ra được một chương trình cụ thể và xây dựng nào. Tất cả những lập luận, cách biểu diễn cũng chẳng có gì mới lạ.

Điều đáng chú ý hơn là thăm dò đầu tiên xem ai thắng của diễn đàn The Drudge Report. Kết quả cho thấy những ứng viên hung hăng nhất, ăn nói mạnh bạo nhất, nghiã là ít hy vọng vào Nhà Trắng nhất đều thắng lớn như các ông Donald Trump, Ted Cruz, Ben Carson, trong khi những ứng viên nghiêm chỉnh, ôn hoà hơn đều về hạng chót, như các ông Chris Christie, Jeb Bush, Scott Walker.

Điều này cũng chẳng mang ý nghiã gì nhiều ngoại trừ việc phần lớn những người theo dõi cuộc tranh luận và thăm gia vào thăm dò của Drudge đều là những thành phần khuynh hữu cực đoan nhất của đảng CH. Và hiển nhiên là những thành phần này chỉ muốn nói lên sự bất mãn của mình mà chẳng thèm để ý đến chuyện thắng cử, vào Toà Bạch Ốc gì hết. Có lẽ bây giờ còn quá sớm để nghĩ đến tháng Mười Một năm tới, bây giờ lo chửi Obama cho sướng miệng cái đã. Hay không chừng họ nghĩ đằng nào thì cũng thua bà Hillary rồi, nên bây giờ cổ võ cho ông bà nào chửi Obama và Hillary mạnh nhất cho bõ ghét.

Để giúp quý độc giả nhìn qua đám mây mù và cái rừng ứng viên, bài này sẽ tóm gọn vài nét chính của 17 ông bà lực sĩ CH đang cắm đầu chạy đua. Danh sách dưới đây đại khái theo thứ tự các ứng viên chính thức ra trước sân khấu.

1. Ông Ted Cruz: người đầu tiên, 45 tuổi. Ông này là thượng nghị sĩ Texas đắc cử năm 2012, bố Cuba, mẹ Mỹ, sanh bên Canada, có song tịch nhưng mới từ bỏ quốc tịch Canada. Bảo đảm phe DC sẽ khai thác chuyện nơi sinh này nếu ông này là đại diện cho CH. Ông này là thành phần khuynh hữu cực đoan do phong trào Tea Party đưa lên. Chủ đích là đưa những tư tưởng bảo thủ ra trình làng chống quan điểm cấp tiến của TT Obama và DC. Gần như không hy vọng gì.

2. Ông Rand Paul: 52 tuổi. Thượng nghị sĩ Kentucky, đắc cử năm 2010. Trước đó là bác sĩ chữa mắt. Con của dân biểu Ron Paul, là người trước đây đã ra tranh cử tổng thống ba lần dưới lá cờ của đảng khuynh hữu Libertarian Party. Ông Paul con bây giờ ra tranh cử trong hàng ngũ CH, thiên hữu cực đoan, do phong trào Tea Party đưa ra. Bảo thủ giống ông Cruz như anh em sinh đôi, kể cả chuyện gần như vô vọng đắc cử.

3. Ông Marco Rubio: 44 tuổi. Thượng nghị sĩ Florida, đắc cử năm 2010. Trước đó là Chủ Tịch Hạ Viện tiểu bang Florida. Con của dân tỵ nạn Cuba. Quan điểm khuynh hữu nặng cũng do phong trào Tea Party đưa lên, nhưng đặc biệt chấp nhận ân xá có điều kiện cho di dân bất hợp pháp. Ông này trước đây là “đàn em” của cựu thống đốc Jeb Bush, cả sự nghiệp chính trị được ông Jeb nâng đỡ. Được sự yểm trợ tài chánh tích cực của một tỷ phú có thể nói giàu nhất Florida. Dư dả tiền bạc tranh cử lâu dài. Ông Rubio là một trong những ứng viên nghiêm chỉnh, có nhiều hy vọng đắc cử đại diện cho đảng CH. Nếu ra chống bà Hillary, ông có ba đặc điểm rất nguy hiểm cho bà Hillary: thu phiếu của dân gốc Nam Mỹ, trẻ trung so với bà lão tuổi cổ lai hy, và chiếm được tiểu bang then chốt Florida. Yếu điểm chính: quá trẻ, ít kinh nghiệm. Những thất bại của TT Obama đã làm dân Mỹ chùn chân khi gặp phải một ứng viên trẻ, ít kinh nghiệm, cho dù có tài ăn nói. Dân Florida có lẽ sẽ đau đầu không ít khi phải lựa chọn giữa ông Rubio và ông Jeb Bush, vì cả hai đều được hậu thuẫn mạnh tại tiểu bang này. Thời gian gần đây, ngôi sao này cũng như tất cả các ứng viên khác, đã bị ông Trump làm lu mờ hoàn toàn, nhưng cuộc tranh luận đã nâng ông Rubio lên hàng các ứng viên nghiêm chỉnh và nhiều triển vọng nhất. Nếu không đắc cử ứng viên tổng thống, ông Rubio có nhiều hy vọng ra phó nếu ông chánh là một ông ôn hoà miền bắc như Chris Christie hay Scott Walker hay John Kasich.

4. Ông George Pataki, 70 tuổi. Cựu thống đốc tiểu bang Nữu Ước. Tương đối có quan điểm cấp tiến nhất trong khối bảo thủ Cộng Hoà. Sau khi nghỉ hưu vài năm, ông Pataki chắc buồn chán không có gì làm nên ra tranh cử cho qua ngày. Tuyệt đối không có chút hy vọng nào. Cho dù thắng trong nội bộ CH thì cũng không một chút hy vọng thắng bà Hillary, ngay tại tiểu bang Nữu Ước.

5. Bà Carly Fiorina, 61 tuổi. Cựu Chủ Tịch Tổng Giám Đốc công ty điện toán Hewlett-Packard, bị ép từ chức vì thành quả yếu kém của công ty. Bà là phụ nữ duy nhất và cũng là tiếng nói đả kích bà Hillary mạnh nhất. Rất có lợi cho CH vì với tư cách phụ nữ, bà sỉ vả bà Hillary mà không sợ bị mang tiếng kỳ thị phụ nữ. Bà này có rất ít hy vọng. Năm 2012, ra tranh cử thượng nghị sĩ Cali chống bà Barbara Boxer của DC nhưng bị thua. Tuy nhiên bà lại có nhiều triển vọng được tuyển ra tranh cử phó tổng thống. Thông thường ứng viên phó tổng thống luôn luôn là nhân vật hung hăng, đánh đối phương dùm ứng viên tổng thống, là người phải tỏ ra có tính tích cực hơn. Dưới khiá cạnh này, bà Fiorina là ứng viên phó lý tưởng nhất. Trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên hạng ruồi, bà Fiorina đã nổi bật lên như nhân vật xuất sắc nhất khiến có báo so sánh bà với cố thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher. Bất ngờ bà Fiorina đã trở nên nặng ký hơn.

6. Ông Ben Carson, 64 tuổi. Người da đen duy nhất, cũng là người chẳng có một chút kinh nghiệm chính trị gì vì là bác sĩ mổ óc. Vì da đen nên ông tha hồ sỉ vả TT Obama mà không sợ bị tố là kỳ thị da đen. Bảo thủ khá cực đoan, đả kích TT Obama rất mạnh, nhưng không ai rõ chương trình trị quốc của ông là gì. Cũng hoàn toàn vô vọng. Trong cái rừng mấy ông già da trắng, bà Fiorina và ông Carson rất cần thiết cho đảng CH, cho có vẻ là đảng với đủ thành phần, kể cả phụ nữ và dân da đen.

7. Ông Mike Huckabee, 60 tuổi. Cựu thống đốc Arkansas, người tiếp nối TĐ Clinton sau khi ông này đắc cử tổng thống. Ông Huckabee giống như một nhà truyền giáo đi rao rảng đạo Tin Lành. Năm 2008 ra tranh cử tổng thống nhưng thua xa các ông McCain và Romney. Năm nay cũng không khác. Ông có một số hậu thuẫn trong khối Tin Lành cực đoan, nhưng hậu thuẫn của ông không đi ra ngoài khối này.

8. Ông Lindsey Graham, 60 tuổi. Ông là thượng nghị sĩ South Carolina từ 2003. Những người nào theo dõi cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 đều nhớ ông này luôn luôn đứng cạnh ông McCain. Xuất thân luật sư, ông nổi tiếng là một trong những người tố TT Clinton vững chắc nhất khi TT Clinton bị đàn hạch. Với tư cách cựu đại tá trong lực lượng không quân trừ bị, TNS Graham là diều hâu số một trong chính sách đối ngoại và là tiếng nói chống TT Obama mạnh nhất trong các cuộc chiến Iraq, Afghanistan, và cuộc chiến chống khủng bố. Ông này cũng chẳng có chút hy vọng nào.

9. Ông Rick Santorum, 57 tuổi. Cựu thượng nghị sĩ Pennsylivania. Thất bại khi ra tranh cử thượng nghị sĩ lại năm 2008, ra tranh cử tổng thống năm 2012 cũng chẳng đi đến đâu. Bảo thủ cực đoan. Hoàn toàn vô vọng.

10. Ông Rick Perry, 65 tuổi. Cựu thống đốc Texas. Ông là một trong những ngôi sao sáng giá nhất của CH năm 2012 khi ông ra tranh cử tổng thống, đe dọa TĐ Romney. Nhưng chỉ sau hai lần tranh luận là bong bóng xì hơi, ông cà lăm, quên trước quên sau, mất hậu thuẫn ngay. Bảo thủ nặng. Ông ra tranh cử dựa trên thành quả kinh tế hết sức xuất sắc của Texas. Đây cũng là tiểu bang lớn thứ ba, sau Nữu Ước và Cali, nghiã là có rất nhiều phiếu cử tri đoàn. Ông này rất ít hy vọng.

11. Ông Jeb Bush, 62 tuổi. Cựu thống đốc Florida. Ông có lẽ là thống đốc thành công nhất lịch sử Florida, được hậu thuẫn mạnh của dân chúng tiểu bang này. Quan điểm bảo thủ nhưng tương đối ôn hoà. Có vợ là dân gốc Mễ, nói tiếng Tây Ban Nha thông thạo, nên có thể là lá bài lớn của CH để thu hút phiếu dân gốc Nam Mỹ. Ông có thể là đối thủ đáng gờm nhất của bà Hillary. Gia đình Bush là dân Texas, có nghiã là ông sẽ thu phục được Texas và Florida, hai trong bốn tiểu bang lớn nhất Mỹ. Hành trang nặng nề nhất của ông là cái tên “Bush” mà nhiều người nghe đến là đã... toát mồ hôi vì nhớ đến ông Bush anh, tác giả của “thảm hoạ” Iraq, và ông Bush bố, một tổng thống một nhiệm kỳ. Bù lại, nếu phe DC đưa ra bà Hillary thì chuyện “gia đình trị” sẽ không còn là vấn đề quá lớn. Thăm dò chung cho thấy nhiều người nghi ngờ ông Jeb sẽ là cái bóng của ông bố và ông anh, trong khi trái lại, ít người nghĩ bà Hillary sẽ là cái bóng của ông chồng. Nhìn vào cặp này, ai cũng thấy bà vợ mới chính là “big boss” trong nhà. Ông Jeb sẽ có nhiều tiền tranh cử nhất, vì được yểm trợ của các đại gia bảo thủ, cho đến nay đã thu được hơn 100 triệu. Hiện nay, cho dù ông Trump đang dẫn đầu mọi thăm dò dư luận, nhưng giới chuyên gia cho rằng ông Bush có nhiều triển vọng cuối cùng sẽ là đại diện cho CH, tranh cử cùng bà Hillary.

12. Ông Donald Trump, tỷ phú thừa tiền mà lại thích nổi, muốn nhẩy ra lấy tiếng cá nhân. Trong bất ngờ chung, ông này đang đứng hàng đầu nhờ tài nổ, ăn nói vung vít, hơn cả ông Phó râu kẽm của ta ngày xưa. Dân bảo thủ Mỹ cũng thích cái tính bất chấp “phải đạo chính trị” của ông, vì quá chán với chuyện này trong chính trị Mỹ từ vài chục năm gần đây. Trả lời câu hỏi đầu tiên trong cuộc tranh luận, ông là người duy nhất không chịu hứa sẽ ủng hộ ứng viên cuối cùng của đảng CH, để cửa ngỏ để ra tranh cử độc lập. Ông đang được hậu thuẫn mạnh vì đã khai thác tối đa cái bực mình của một thiểu số da trắng cực đoan chống di dân Nam Mỹ và nhất là chống TT Obama. Thăm dò mới nhất cho thấy ông được xấp xỉ 25% hậu thuẫn. Tuy nhiên, đây có lẽ là tỷ lệ cao nhất và sẽ không thay đổi nhiều. Trong tất cả các ứng viên CH, ông Trump cũng là vô địch dưới một khiá cạnh khác: hai phần ba dân Mỹ nghĩ ông này thiếu lương thiện, không đáng tin cậy, giống y hệt … bà Hillary. Cho dù ông Trump đắc cử đại diện cho CH, thì tới bầu cử tổng thống, chắc cũng sẽ không hơn bao nhiêu, và sẽ thua đậm. Nhưng với hậu thuẫn của khối cực đoan nhất, ông có thể sẽ bị kích thích đến độ nhẩy ra tranh cử với tư cách độc lập. Nếu chuyện này xẩy ra, bà Hillary có quyền nghĩ đến việc trang trí lại Tòa Bạch Ốc ngay vì chắc chắn bà sẽ đắc cử. “Hiện tượng” Trump cho đến nay đã là bất ngờ lớn nhất và đã đảo lộn mọi kế hoạch, sách lược tranh cử của các ứng viên CH, cũng như làm các “chuyên gia” gãi đầu gãi tai, hết đoán nổi tương lai, vì khối cử tri CH đã hành xử một cách hoàn toàn phi lý.

13. Ông Bobby Jindal, 44 tuổi. Cựu thống đốc Louisiana, gốc Ấn Độ. Đại khái cũng như ông Ben Carson và bà Carly Fiorina, hiện diện để có vẻ như đảng CH có phụ nữ và dân thiểu số. Không ai nghĩ ông này có hy vọng gì. Louisiana là tiểu bang bảo thủ nhỏ.

14. Ông Chris Christie, 53 tuổi. Đương kim thống đốc New Jersey. Ông này là một trong những ngôi sao sáng của CH cách đây vài năm. Bảo thủ ôn hoà, thống đốc của một tiểu bang là thành đồng của DC, chứng tỏ có khả năng thu hút phiếu của khối độc lập và cả khối DC luôn. Nhưng ngôi sao này đã tuột dốc khá mau lẹ, và bây giờ lọt vào hạng ứng viên hạng C hay D gì đó. Đối với khối bảo thủ, ông có cái tội rất lớn là đã quá thân thiện với TT Obama trong vụ bão Sandy tàn phá New Jersey năm 2012. Sau đó ông lại dính vào một xì-căng-đan do nhân viên của ông tạo ra. Dù ông được ủy ban điều tra bạch hóa, nhưng cũng bị tai tiếng khá lớn, vì không có khả năng kiểm soát đàn em. Ông này béo phì, coi không “có tướng” tổng thống chút nào.

15. Ông Scott Walker, 48 tuổi. Đương kim thống đốc Wisconsin, cũng là một tiểu bang thành đồng của DC, có nghiã là cũng có khả năng thu hút phiếu của khối độc lập và cả khối cử tri DC. Ông này nổi tiếng qua cuộc chiến với các nghiệp đoàn. Ông ban hành luật đại để cấm các nghiệp đoàn cưỡng ép nhân công phải đóng tiền gia nhập nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn thu đủ chữ ký để đòi bầu lại, rồi ông cũng vẫn thắng. Thành quả của ông đại khái là đã thành công chống lại nghiệp đoàn, là những tổ chức rất mạnh trong các tiểu bang ven Đại Hồ. Ông hiện nay là một trong những ngôi sao có nhiều triển vọng nhất của CH. Yếu điểm là ngoài chuyện đánh nhau với nghiệp đoàn thì chẳng còn thành tích gì khác, ngoài cái tướng mạo trẻ và đẹp trai hơn ông Christie nhiều.

16. Ông John Kasich, 63 tuổi. Đương kim thống đốc Ohio, trước đó là dân biểu trong hai chục năm. Bảo thủ nhưng ôn hòa, nổi tiếng qua những vụ hợp tác với TT Clinton trong các điều đình về ngân sách và kiểm soát súng đạn khi ông còn làm dân biểu. Ông vừa được bầu lại với số phiếu kỷ lục cao nhất. Đây là yếu tố rất quan trọng vì Ohio là tiểu bang “xôi đậu “ quan trọng nhất trong các cuộc bầu tổng thống. Không thắng tại Ohio coi như rất khó vào được Tòa Bạch Ốc. Nhiều báo đã cho rằng ông Kasich là người đã thắng lớn trong cuộc tranh luận vì chứng tỏ là ứng viên khá nghiêm chỉnh và vững chắc. Nhiều người cho rằng một sự hợp tác giữa ông Jeb Bush của Florida với ông Kasich của Ohio chắc chắn sẽ làm bà Hillary bạc hết tóc ngay.

17. Ông Jim Gilmore, 66 tuổi. Cựu thống đốc Virginia. Ông này cũng giống như ông Pataki, cựu thống đốc Nữu Ước, về hưu, ngồi không, không biết làm gì, ra tranh cử cho đỡ buồn. Không có một mảy mai hy vọng nào vì chẳng ai biết ông này là ai, đã làm nên trò trống gì.

xxx

Nhìn vào cái rừng ứng viên này, nhiều người cho rằng hết sức bất lợi cho Cộng Hòa vì giống như cái chợ, bát nháo vô tổ chức. Thực tế chưa hẳn là bất lợi.

Những ứng viên hạng ba hay tư, ít hy vọng thắng nên cần ăn to nói lớn hơn để lấy tiếng. Dám nói những chuyện “không phải đạo chính trị” mà các ứng viên nặng ký, nhiều triển vọng không dám nói. Điển hình là hai ông Trump và Graham. Ông Trump là diều hâu về các vấn đề nội bộ như di dân Nam Mỹ, trong khi ông Graham là diều hâu trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là chống khủng bố. Ngoài ra lại còn bà Fiorina, là tiếng nói mạnh nhất đả kích bà Hillary.

Tất cả những ứng viên “ngoài hành lang” này đều giúp cũng cố tư thế các ứng viên chính như ông Jeb, Rubio, Walker, Christie, Kasich. Đả phá phe DC mạnh, mà chẳng có hại gì lắm cho phe CH vì ai cũng biết tiếng nói của những ứng viên hạng ruồi không đại diện cho CH, vì họ chẳng thể nào đắc cử đại diện cho CH trong cuộc bầu tổng thống.

Nói như ông Marco Rubio đã kết luận, “Chúa đã độ cho đảng CH có nhiều ứng viên xứng đáng, trong khi bên DC chẳng có ai”. Báo phe ta Washington Post đã viết bài cảnh giác bà Hillary sẽ phải đương đầu với nhiều chính khách rất có khả năng. Hy vọng trong cả đám ứng viên “xứng đáng” sẽ có người đủ nặng ký để đọ sức với bà “super woman” Hillary trong cuộc bầu thật sự.

Thành thật mà nói, kẻ viết này chưa thấy có điểm gì đáng mê mẩn nơi cả đám các “ứng viên xứng đáng” này. Chắc cần phải có thêm thời giờ và nhất là phải quang đãng hơn, số ứng viên phải giảm đi hai phần ba mới nhìn rõ hơn được. (09-08-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.