Hôm nay,  

Hoàng Ngọc Hiến: Đọc Văn Học Hải Ngoại (phần 2)

31/07/200100:00:00(Xem: 4186)
Nho giáo có câu: “Tính tương cận, tập tương viễn” (bản tính làm cho con người gần nhau, những tập quán làm cho con người xa nhau). Bản tính con người (hoặc tính nhân bản) làm cho con người ta gần nhau, đó là tính nhân loại phổ biến của văn học. Trong tập quán xã hội làm cho con người xa nhau, một số nhà văn hải ngoại mà tiêu biểu là Hoàng Khởi Phong đặc biệt chú ý đến những hệ tư tưởng “thống trị của thời đại” gieo rắc đủ thứ ngụy tín và ngụy lý, tạo ra ở chính ngay những đệ tử của nó trạng thái vô minh, nguồn gốc của không biết, của bao nhiêu hành động tai quái, mù quáng (xem Viết Lên Trời Xanh của Hoàng Khởi Phong). Có nhiều quan niệm về bản tính của con người. Tôi quan tâm đến quan niệm của nhà Phật xem bản tính con người là cái tâm của nó với những hạt giống tốt lành: từ, bi, hỉ, xả… Nếu như trong tâm địa của nó có những hạt giống xấu (sinh ra tham sân si…) mặc sức nảy nở thì tự nhiên những hạt giống tốt bị che khuất (vô minh), vùi lấp. Và tâm địa của nó trở thành đất hoành hành của những súc sinh và quỉ đói, chả mấy chốc chính nó thực sự hóa thành địa ngục, địa ngục trong đầu con người. Trong văn học Việt Nam hải ngoại có nhiều tác phẩm có giá trị nhân chứng, giá trị tố cáo cao, viết về những địa ngục ở bên ngoài: những trại cải tạo, những phòng biệt giam, cuộc sống sau ngày 30 tháng Tư của những người vô tội bị o ép, bị nhục mạ trong tình trạng bần cùng, khánh kiệt, những quãng đời trôi giạt, long đong, vô vọng nơi đất khách quê người…. Phải chăng ở đây có ảnh hưởng của truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây" Khi chỉ ra: “Địa ngục, đó là Tha nhân”, Jean-Paul Sartre chứng tỏ rằng ông triết luận trong truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây. Ông phát hiện ra địa ngục ở tha nhân, tức là một địa ngục ở bên ngoài…

Trong truyện Em Điên Xõa Tóc của Kiệt Tấn, một nhân vật trí thức vượt biên rồi định cư ở Pháp tâm sự:

“…. Qua thư nhà, tôi thấy mình còn tốt phước hơn nhiều người. Như anh tôi, như bạn bè tôi đang học tập cải tạo, có thằng đã chết. Ở đó tù tội, hành xác, hành tinh thần, địa ngục triền miên. Vậy mà tôi không thấy sướng khi ở đây. Địa ngục Việt Nam tôi trốn được. Nhưng còn cái địa ngục tôi mang kè kè trong đầu, tôi biết trốn ở đâu. Mỗi chúng ta mang sẵn thiên đàng địa ngục trong tâm tưởng.”

Là một nhà văn am hiểu văn hóa và lối sống phương Tây, Kiệt Tấn lại hơn ai hết mang tâm thế hướng nội của triết luận phương Đông. Sartre thấy địa ngục ở tha nhân, theo cách nhìn của Kiệt Tấn, địa ngục ở ngay trong tâm tưởng mình. Hai nền văn hóa khác nhau. Nếu như Jean-Paul Sartre trước hết thấy địa ngục trong đầu của ông, hẳn là cách nhìn của ông về tha nhân sẽ khác đi, đây là cách nhìn của tôi về tương quan giữa hai nền văn hóa. Trong truyện Chỗ Trở Về của Khánh Trường, nhân vật Kh. vượt biên, đến ngày thứ ba rơi vào tay hải tặc: “… tàn nhẫn, man rợ, thú vật…”, “… tan hoang hồn phách, nhày nhụa xác thân…” (xem trang 62), bị “cột vào một can dầu thẩy xuống sông”, “được vớt lên”, “vực sống dậy”, và “mang đến thiên đường mơ ước”…, ở đây dường như có tất cả những gì mà trước đây Kh. từng mơ ước ở quê nhà: “cũng nhà, cũng xe, cũng quần là, áo lượt. Kẻ đón, người đưa…”, “Nhưng mà, nhưng mà…., có điều gì sai trật, rất mơ hồ, rất trừu tượng… Kh. cứ mãi nháo nhác không yên.” Vì lý do gì vậy" Không phải vì “chia cách mẹ cha, anh em, họ hàng, bè bạn”, không phải vì “dấu ấn đau thương kinh hoàng của mười ngày địa ngục”, cũng không phải vì “ngày lại ngày công việc nhàm chán ở xưởng thợ” (xem trang 63)… Đây chỉ là những điều bên ngoài nhân vật Kh. Cuối cùng sau một cơn “sốc” tâm lý, Kh. nhận ra được nguyên nhân đích thực ở bên trong con người mình: đó là “những vọng động tối tăm ẩn tàng trong thẳm sâu con người” mình, đó là những thói xấu: thả mồi bắt bóng, tham lam, ích kỷ, đua đòi, cuối cùng chỉ bêu rếu chính mình”, biến mình thành “đồ chơi cho lũ đàn ông cũng ích kỷ, tham lam, thả mồi bắt bóng” (xem trang 64), đây chính là “địa ngục” Kh. mang trong đầu mình (địa ngục không nhất thiết phải có vạc dầu, hỏa lò). Đồng thời Kh. nhận ra chân tướng mình: “một chân tướng trơn nhớt lầy nhầy như loài lươn trạch”. Trong cách nhìn của Kiệt Tấn, của Khánh Trường, có ảnh hưởng sâu sắc của triết luận Phật giáo. Sau đây là một đoạn văn thiền giải Kinh A Di Đà: “Chúng ta ai cũng biết địa ngục nóng như thế nào rồi. Chúng ta đã từng ở địa ngục, đã từng bị lửa giận, lửa phiền não, lửa tuyệt vọng đốt cháy. Chúng ta cũng biết rằng tất cả những đau khổ của địa ngục đều từ trong tâm mình ra chứ không phải từ ngoài đi vào.” Văn học hải ngoại dầu sao ít ra cũng có đôi ba nhà văn thấy được “địa ngục ở trong đầu mình”, văn học trong nước còn ít hơn nữa, thiếu hẳn đi chiều sâu của triết lý Đông phương. Dĩ nhiên trước sau rất cần những tiếng thét phẫn nộ, những lời tố cáo đanh thép đánh động công luận về sự ngang nhiên tồn tại những địa ngục bên ngoài, to và nhỏ. Tuy nhiên, chừng nào mỗi người trong chúng ta, từ những người thường dân cho đến người cầm quyền và lãnh đạo chưa biết ngó đến “cái địa ngục trong đầu mình” thì cuộc sống vẫn không khá lên được. Một trong ba tiêu chuẩn Lev Tolxtoi đề ra cho một tác phẩm văn học lớn là: phản ánh được một vài “đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được”. “Mang địa ngục kè kè trong đầu mình” là một đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được.

Có thể xem xét tính nhân loại phổ biến từ góc độ cái “nhân loại trung bình”, cái nhân loại “thường thường bậc trung”, cái nhân loại của những con người bình thường, tầm thường được nhà văn Nguyễn Mộng Giác định nghĩa như sau: “con người bình thường là con người thụ động, ích kỷ, nhút nhát, rụt rè trước quyền lực, làm được cái gì cao cả cũng phải bị hoàn cảnh thúc đẩy đến chỗ không có lựa chọn nào khác, và khi ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt ấy, lại trở về lối sống tầm thường cố hữu”. Cách nhìn của Nguyễn Mộng Giác là một cách nhìn thấu đáo về con người, không bi quan, không lạc quan. Vẫn có sự tin tưởng ở con người, mà đối với con người, sự tin tưởng có phần dè dặt thì cũng đúng thôi. Vả chăng, một sự chờ đợi với những mong muốn quá cao về con người, nhất là lại được nhân lên bằng những lời đại ngôn hoa mỹ, có khi càng làm ta sớm thất vọng ở con người.

Có thể hiểu tính nhân loại phổ biến từ quan niệm Mạnh Tử về con người: “con người chỉ hơn cầm thú một chút”, nhưng cái “chút” này có khả năng phát triển vô tận.

Nhiệm vụ của văn học là góp phần đua cái “chút” hơn cầm thú ở con người phát triển vô tận, chí ít thì cũng giữ gìn cái “chút” đó. Cái “chút” đó, hết sức mong manh, đặc biệt dễ bị tiêu huỷ trong những ngọn lửa của tức giận và oán thù. Trong không ít tác phẩm văn học hải ngoại có những trang hoặc âm ỉ hoặc hừng hực bốc cháy lửa tức giận, hận thù. Lửa truyền sức mạnh cho sự tố cáo, sự lên án, nhất là khi hận thù có lý do chính đáng… Giận hờn và thù hận sẵn có ở những độc giả cùng cảnh ngộ với tác giả, được khơi dậy và bùng lên khi họ đọc những trang sách này. Tôi đặc biệt chú ý đến những tác phẩm trong đó tác giả tiếp cận chủ đề oán thù (và giận hờn) với cái tâm hoá giải oán thù (cái tâm này đôi khi bị chỉ trích gay gắt). Tiêu biểu cho loại tác phẩm này là truyện Cánh Cửa của Nhật Tiến. Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ thù hằn giữa Trường, một sĩ quan cải tạo và Sủng, một công an “mặt non choẹt” làm quản giáo ở trại. Vốn sẵn có thành kiến với “tất cả những thằng công an”, “chúng nó không đáng làm người”, “chúng nó chỉ sống theo bản năng và gần gũi với loài vật” (xem sách đã dẫn, trang 191); trước một cử chỉ hỗn láo của Sủng, Trường nổi giận và hận thù, anh “tức giận và khinh bỉ nó đến tột cùng”. Cuối cùng hận thù và giận hờn được hóa giải. Không có sự “xóa bỏ hận thù”. Không có sự “quên lãng hận thù”. Có sự “hoá giải hận thù”. Không có người đứng ra “hòa giải”. Không có sự kêu gọi “lòng khoan dung” (càng ngày tôi càng nghi ngờ đức tính này). Sự hoá giải hận thù diễn ra ngay trong tâm trí của Trường. Đây là một quá trình trong đó những sự tiếp xúc gây ra những hiệu quả tâm lý nho nhỏ, nhưng hết sức quan trọng: Trường hiểu Sủng hơn, cảm thấy nó gần với mình hơn… Nhưng quá trình cơ bản là sự “quán tưởng” (contemplation) của Trường: anh tự vấn lương tâm, anh nhìn thẳng vào lòng mình để xem xét từng hành động, từng hành vi của mình, anh “vén những tấm màn che của thành kiến nông cạn” án ngự trong tâm trí anh, anh “đâm toạc bóng tối u mê của những nhận thức cực đoan, một chiều” luẩn quẩn trong lòng anh… “ Sự quán tưởng ở Trường thường xuyên làm việc, kết quả là Trường tự hiểu mình hơn và cuối cùng thì anh có cảm giác tự mình “giải phóng chính mình” (xem trang 196). Như vậy hận thù và giận hờn ở Trường được hóa giải chủ yếu là do Trường tự giải phóng chính mình và Trường đã đạt được điều này bằng sự quán tưởng, dẫn đến sự tỉnh thức ngay trong thù hận của mình.

Trong trạng thái vô minh của hận thù, con người – bất kể người nào – bị “xổ toẹt” dễ dàng, huống chi kẻ thù, nó là súc vật, bị đối xử còn tệ hơn súc vật. Và không chỉ kẻ thù. Con dao được giơ lên, không chỉ để “chém cá” mà còn để “bầm thớt”.

(còn tiếp)

(Hoàng NgọcHiến viết, Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.