Hôm nay,  

Tùy Thời Tùy Cảnh

12/06/200100:00:00(Xem: 4844)
Không ai ngạc nhiên trước việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã ngăn chặn được những tăng đoàn miền Trung và phái đoàn Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đi đón Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, 83 tuổi về Saigon chữa bệnh. Khi chế độ Hà Nội hạ lệnh “quản chế” Hòa Thượng Thích Quảng Độ bằng cách nhốt Ngài trong phòng ở Thanh minh Thiền Viện Saigon, rồi dùng công an chìm nổi bủa vây trên 150 ngôi chùa ở Trung và Nam phần, trong một chiến dịch quy mô chưa từng thấy, những người quan sát từ bên ngoài đã dự liệu trước những chuyện có thể xẩy ra. Chế độ CSVN đã thắng khi vùi dập một ý nguyện thông thường nhất của dân tộc Việt Nam là kính lão, trọng tăng và lo lắng cho sức khỏe của vị Tăng thống bị cầm tù trong một ngôi chùa hẻo lánh ở Quảng Ngãi suốt 19 năm.

Chế độ không “đại thắng” sao được khi họ có binh hùng tướng mạnh trong tay, một chế độ cai trị độc đoán từ trung ương cho đến địa phương kể cả các cấp thôn xã nhỏ nhất, có một bộ máy công an khổng lồ chìm nổi khắp nước, có khả năng kiểm soát mọi phương tiện di chuyển của người dân. Thật ra đối với vài trăm vị tu hành chỉ có tràng hạt, cái mõ trong tay và quyển kinh trong túi, họ cũng chẳng cần đến súng ống gì ghê gớm mà chỉ cho vài chục anh công an đóng chốt trên đường giao thông cũng quá đủ. Chính các vị lãnh đạo tôn giáo cũng đã biết trước như vậy, nhưng các vị vẫn tiến hành kế hoạch đã được công khai loan báo vì đạo hạnh tôn giáo, đại nghĩa dân tộc, và lương tri nhân loại. Việc rước Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang đi chữa bệnh đã không thành, nhưng cuộc tranh đấu không chấm dứt ở chỗ này.

Ngay từ đầu, lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Độ đã làm dấy lên tinh thần “vô úy” của đạo pháp khiến những người cầm quyền phải lo sợ, đối phó bằng một chiến dịch chưa từng thấy bí mật “giới nghiêm” trên 150 ngôi chùa ở 8 tỉnh miền Trung và miền Nam, cắt đứt mọi phương tiện giao thông liên lạc, canh giữ suốt đêm ngày, rình mò động tĩnh. Với những biện pháp đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã thách thức lương tri nhân loại về tự do tôn giáo, phơi trần các thủ đoạn kiềm chế tôn giáo như lời chứng của ông Olivier Dupuis, dân biểu Nghị viên Âu châu, đã cho công luận thế giới thấy rõ. Và chọn đúng lúc này, Hà Nội đã thách thức cả Quốc hội Mỹ khi tiến trình phê chuẩn thương ước Việt-Mỹ bắt đầu.

Ngày thứ năm 7 tháng 6 trôi qua êm thấm ở Việt Nam vì những người có súng đã thắng những người tu hành chỉ có chiếc áo cà sa khoác ngoài, ngày hôm sau thứ sáu 8 tháng 6 Tổng Thống Bush đã gửi bàn thương ước đến Quốc hội. Chúng tôi vẫn nghĩ thương ước ký từ năm ngoái, trước sau nó cũng được hai bên phê chuẩn, vấn đề chỉ là thời điểm lúc nào. Trong bức thư gửi Quốc hội, Tổng Thống Bush viết: “Thỏa ước này sẽ làm gia tăng cơ hội cho các xí nghiệp Mỹ bằng cách đòi hỏi Việt Nam phải tháo gỡ một khoảng rộng lớn của hàng rào quan thuế, mở các thị trường dịch vụ và bảo vệ bao quát tác quyền trí tuệ. Việc mở rộng các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp diễn tiến trình lịch sử bình thuờng hóa bang giao giữa hai nước - một tiến trình đã khởi sự từ thời chính phủ Bush đầu tiên và được tiến tới trong thời chính phủ Clinton với việc thương thuyết thương ước”. Như vậy việc làm của chính phủ Bush không có gì khác hơn việc làm của chính phủ Clinton, chỉ có khác dưới thời chính phủ Bush đầu tiên (1988-1992), hai bên chưa có bang giao.

Khi Đại sứ Peterson xin từ chức, chúng tôi đã tiên liệu một giai đoạn mới bắt đầu. Giai đoạn mới đó quả nhiên đã có vì cuối tuần qua có tin chính phủ Bush sẽ cử ông Raymond Burghardt, một viên chức kỳ cựu của bộ Ngoại giao Mỹ làm Đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Ông Burghardt, 56 tuổi khác với Peterson ở nhiều điểm. Ông không là cựu phi công hay dân biểu Mỹ, ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Hiện ông đang làm Giám đốc Viện Hoa kỳ ở Đài Bắc, một chức vụ được coi bán chính thức như Đại sứ Mỹ ở Đài Loan. Ông nói được cả tiếng Việt và tiếng Hoa và đã gia nhập ngành ngoại giao từ năm 1969 giữa lúc chiến cuộc Việt Nam gay go nhất. Trong khi đó về phía Việt Nam có tin Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tâm Chiến sẽ thay thế Lê Văn Bàng làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Giai đoạn mới không phải chỉ có việc thay đổi nhân sự làm Đại sứ, mà thật ra là giai đoạn thương ước Việt-Mỹ bắt đầu được thi hành.

Người ta đã dự liệu Việt Nam sẽ tăng gấp đôi số xuất cảng vào Mỹ, từ 600 triệu năm 2000 lên đến hơn 1 tỷ năm 2001 và còn tăng hơn nữa. Đây chính là giai đoạn mới trong việc quan hệ giữa hai nước và mối lợi Việt Nam được hưởng trước tiên. Trừ giá thành và vốn, số lời cũng đáng kể, nhất là cả vốn lẫn lời số đô-la Mỹ đem về Việt Nam khá lớn. Nhưng Việt kiều hải ngoại mỗi năm gửi đô-la về Việt Nam còn lớn hơn những con số kể trên, đó là điều cần ghi nhớ cho kỹ.

Giai đoạn mới quan trọng nhất là của những người Việt hải ngoại quan tâm đến tình hình đất nước, đang đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và chế độ dân chủ. Trước khi có thương ước, chúng ta đã đấu tranh. Sau khi thương ước được phê chuẩn, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục, đức tin tôn giáo và đại nghĩa dân tộc vẫn vững. Lý tưởng, lập trường và chiến lược trước sau vẫn như một, nhưng chiến thuật mỗi thời một khác. Có tâm chưa đủ mà còn phải có trí. Tâm là một tấm lòng nặng về quê hương, còn trí là mưu lược đấu tranh sao cho thích ứng với thời cơ và hoàn cảnh mỗi giai đoạn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.