Hôm nay,  

Vô Kỵ Giữa Chúng Ta

08/01/200100:00:00(Xem: 4478)
When a man dies,
His portraits change.
Anna Akhmatova (1)

Đỗ Long Vân, tác giả Truyện Kiều ABC, Vô Kỵ giữa chúng ta, Nguồn Nước Ẩn của Hồ Xuân Hương đã mất tại quê nhà tháng Tám năm 1997. Người viết chỉ được tin, qua mục thư tín, số báo Văn Học tháng Ba, 1998, giữa tòa soạn và một văn hữu. Sao đến giờ, ngoài này mới biết được, anh em trong tòa soạn than thở. Ngay từ trước 1975, Đỗ quân đã sống thật lặng lẽ, từ chối mọi đặc quyền, nếu có thể cho đây là một đặc quyền mà chế độ Miền Nam dành cho những người có bằng cấp: được đi học trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Khi bị gọi động viên, ông đã trình diện như một lính trơn, nghĩa là chẳng trưng ra bằng cấp, có lẽ cũng chẳng nhớ gì đến những năm tháng du học tại Paris.

Có lẽ không hẳn như vậy: một con người cô độc. Trong bài tưởng niệm đăng trên Văn, số tháng Ba 1998, Huỳnh Hữu Uỷ đã nhận xét như trên, về ông Đỗ, và những ngày tác giả lớn lên giữa một thành phố hiền hòa, nhưng lại gặp vào một thời kỳ đầy giông bão của lịch sử.

Bởi vì, Đỗ quân có nhiều bạn, nhưng đều lặng lẽ như ông. Trong số đó, là Joseph Huỳnh Văn, Phạm Kiều Tùng, hình như có cả Nguyễn Tử Lộc, và đứa em út trong bọn, Nguyễn Đạt (gọi là em út, vì là em ruột Nguyễn Nhật Duật). Nghĩa là hầu hết anh em Tập san Văn Chương. Khi cả bọn xúm nhau làm tờ báo, chỉ có Joseph Huỳnh Văn, tổng thư ký, đích thân mang cẩm nang võ công của Trương Tam Phong, phái Võ Đang, tới Thiếu Lâm Tự, Bắc Đẩu Võ Lâm, nói nôm na là những bài Cầm Dương Xanh của anh, để đổi lấy cách đọc bí kíp/văn bản: Hãy đọc ở độ thấp nhất của nó. Bởi vì Truyện Kiều ABC đề nghị một cách đọc không độ: từ những ảnh tượng, thay vì những ẩn dụ, cho dù trong đó đầy rẫy những điển cố văn học, những chiêu thức tu từ.

(Ở đây, cũng xin được mở ngoặc, phân biệt giữa ảnh tượng, và ẩn dụ. Ảnh tượng, image poétique, là một hình ảnh thơ không thông qua tri thức, ẩn dụ là thi ảnh được tri thức nhào nặn. Khi dùng bóng hồng, để chỉ người đẹp, cánh buồm để chỉ con thuyền... đó là những ẩn dụ thơ. Trong Truyện Kiều có rất nhiều ẩn dụ, điển cố, nhưng người bình dân vẫn đọc được, bởi vì họ đẩy ẩn dụ trở về mức thấp nhất của chúng, họ coi chúng như là những ảnh tượng, chẳng cần truy nguyên, truy nghĩa. Trong chúng ta dễ gì tất cả đều hiểu mầu quan san là mầu gì, nhưng như vậy đâu có nghĩa là không cảm được cái hay của câu thơ Rừng phong thu đã...

Vẫn là cái vòng luẩn quẩn (vòng kim cô), giữa ký hiệu (signe), và những thành phần tạo nghĩa (signifiant, signifié, signification), của môn ký hiệu học. Lẽ dĩ nhiên, còn cách đọc Kiều ở mức bác học, của giới học giả, phê bình, hoặc thi sĩ, muốn chuyển hóa Kiều qua những nấc thang tri thức này nọ. Nhưng Nguyễn Du cho người bình dân đọc (được) Kiều, bằng cách dùng những ảnh tượng lấy ra ngay từ cuộc sống, kinh nghiệm hàng ngày, để chuyên chở ẩn dụ. Thí dụ ma đưa lối quỉ dẫn đường là để chuyên chở ẩn dụ cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi. Điển cố đoạn trường (đứt ruột) đã được hóa giải mớ tri thức kèm theo nó, nhờ ảnh tượng ma quỉ dẫn đường).

Tôi chỉ còn giữ được một kỷ niệm về Đỗ quân, về Nguồn Nước Ẩn, khi cuốn sách được xuất bản, thời gian tôi phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật cho một nhật báo. Bèn viết bài giới thiệu.

Phải nói rõ một điều, Đỗ Long Vân, tôi, và nhiều người khác nữa, đều có chung một số ông thầy. Và cái trường phái võ học/văn chương đang thịnh hành hồi đó, là cơ cấu luận, với những đại gia như Roland Barthes, C. Lévi-Strauss... Có cả Gaston Bachelard nữa. Khi đọc Nguồn Nước Ẩn, trí tưởng tôi còn tràn ngập những chiêu thức phê bình văn chương, nào là phê bình là siêu-ngôn ngữ, phê bình là một bản văn choàng (cover) lên một bản văn, sáng tạo của sáng tạo... Trong bài điểm sách, tôi chỉ lo ca tụng nguồn võ công đã sản xuất ra một chiêu thức kỳ tuyệt như thế.

Vẫn là câu chuyện Cửu Dương Chân Kinh của Thiếu Lâm, và võ công của Trương Tam Phong, tổ sư phái Võ Đang. Tuy thoát thai từ Cửu Dương Công, nhưng Miên Chưởng, Thái Cực Quyền/Kiếm... hoàn toàn do Trương Tam Phong sáng tạo ra. Theo nghĩa đó, Cửu Dương Công chỉ hiện hữu, chỉ đạt đến mức siêu việt của nó, qua nhân vật Vô Kỵ, người mang trong mình tất cả những võ công chính tà: Cửu Dương/Càn Khôn Đại Nã Di... Nếu không có Trương Tam Phong, sẽ không có Cửu Dương Công, bởi vì nó sẽ mục nát ra ở trong Tàng Kinh Các, hoặc mãi mãi ở trong dầu, tức là trong bụng một con vượn. Lấy được nó ra là nhờ Vô Kỵ, nhờ Điệp Cốc Y Tiên. Đây là một chân lý văn chương/võ học, theo nghĩa của Borges, khi ông viết về Kafka: mỗi nhà văn phải sáng tạo ra những tiền thân của riêng mình. Bản thân Borges, bị ảnh hưởng nặng nề Kafka, nhưng giữa những ngụ ngôn của ông và của Kafka, là một khoảng cách vời vợi.

Buổi sáng đó, Đỗ quân rời núi, tới chùa (quán Cái Chùa ở đường Tự Do, Sài-gòn). Khi một người ngồi chung bàn, như tình cờ nhắc tới bài điểm sách, và coi đó là những lời khen tác giả Nguồn Nước Ẩn, ông nhìn tôi, cười: Bạn ơi, bạn đâu có khen tôi, mà là khen Roland Barthes!
(Sau này, tôi lại sử dụng cách Đỗ quân đọc Kiều, để đọc Bếp Lửa, của Thanh Tâm Tuyền, khi cuốn sách được tái bản lần cuối cùng tại Sài-gòn. Nghĩa là gạt bỏ tất cả những tri thức, những giấc mộng lớn làm lại thế giới, thay đổi cuộc đời... và chỉ đọc nó ở mức thấp nhất, coi đây là một cuốn tiểu thuyết thơ).

Tatyana Tolstaya, trong một bài tưởng niệm Joseph Brodsky, có nhắc tới một tục lệ của người dân Nga, khi trong nhà có người thân ra đi. Họ lấy khăn phủ kín những tấm gương, sợ người thân còn nấn ná bịn rịn, sẽ đau lòng, hoặc hoảng sợ, vì không thấy bóng của mình ở trong đó. Bà tự hỏi, làm sao phủ kín những con đường, những dòng sông, những núi đồi... nhà thơ soi mình lên"

Chúng ta quá cách xa, những con đường, những góc phố, những con hẻm... quá cách xa con người Đỗ Long Vân, khi ông còn cũng như khi ông đã mất. Qua một người bạn, tôi được biết, những ngày sau 1975, ông sống lặng lẽ trong một căn hộ ở con hẻm Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận; đọc, đa số là tiểu thuyết khoa học giả tưởng (ông giải thích, chúng là chuyện thần tiên của thời đại chúng ta); dịch, toàn bộ Những Hệ Thống Mỹ Nghệ, của Alain. Khi người bạn ngỏ ý mang đi, ra ngoài này in, ông ngẫm nghĩ, rồi lắc đầu: thôi để PKT ở đây lo việc này giùm tôi…

Chú thích:
(1) Khi người đàn ông mất, Chuỗi chân dung của anh ta thay đổi. Solomon Volkov trích dẫn trong bài Joseph Brodsky: Con Sói cô đơn của Thi ca.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.